Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P7 – Hết)

Ngày cuối không vội vàng, chúng tôi thong thả ăn sáng trước khi ra sân bay, chuyến bay từ Leh về Delhi khởi hành lúc 10.30. Sau màn kiểm tra kỹ lưỡng (gồm cả việc tự khai vào sổ thời gian lưu trú kèm tên khách sạn ở Leh cho đến việc mở hành lý và tháo giầy), tất cả cũng đã yên vị trên máy bay và cuộc gặp gỡ tình cờ với ông Narboo như 1 đoạn kết có hậu sau 6 ngày du ký Ladakh đầy cảm hứng. Ngay trước khi rời máy bay, ông còn kịp ghi cho tôi địa chỉ trang web của hotel mà gia đình ông giờ đang mở ở Leh với lời nhắn: “my place is silently beautiful!“. Không biết còn dịp nào chúng tôi gặp lại nhau, bạn đọc nếu có Ladakh trong danh mục những điểm đến tham quan thì có thể xem xét thêm về Hotel Shambhala của ông Narboo: http://www.hotelshambhala.com/

Tháng 5 vẫn còn là mùa thấp điểm ở Ladakh, trời vẫn còn lạnh và nhiều mây, nhưng Delhi thì đã thừa nắng gió. Chỉ có vài tiếng ở Delhi, chúng tôi không biết làm gì để tiêu hết thời gian nên mua vé tàu cao tốc chạy vào trung tâm, đi thăm Lăng mộ vua Humayun (Humayun’s Tomb). Gửi bạn đọc vài hình ảnh lang thang nơi này:

Xây theo kiến trúc Mughal (tương tự kiến trúc của Taj Mahal), Hamayun là sự kết hợp đối xứng chuẩn mực của mái vòm, của chính, cửa sổ, các gian phòng rộng lớn mà bên ngoài là tường đá phiến trắng-đỏ, bên trong là không gian rộng lớn và mát mẻ.

Đuối sức vì trời nóng, chúng tôi cũng không sục sạo mọi chỗ của Hamayun’s Tomb 😀 một phần cũng vì đang còn dư âm của Ladakh toàn cảnh vật núi sông, giờ đến đây gặp toàn những công trình nhân tạo hoành tráng. Các đoàn du khách nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản thì vẫn kéo vào Hamayun ùn ùn, dịp này cũng trùng với Tuần lễ vàng Golden Week (tuần đầu tháng 5 hàng năm) nên chả trách các bạn ý đi chơi khắp thế giới 😀

… Nhẩm tính đã đến lúc nên quay về sân bay, chúng tôi lại hì hục kéo hành lý ra ga, bụng bảo dạ lần sau xin chừa không dám lê la New Delhi khi chưa cất đồ và có kế hoạch cụ thể trong tay. Nhà ga Delhi quả là cực hình cho những ai phải mang vác nhiều, dòng người xuôi ngược đội valy trên đầu đi lại bất kể hàng lối, phụ nữ và người già rất nhiều, thời tiết nắng nóng nên gần như ai cũng kiệm vải, nhưng nếu để ý thì dưới chỗ râm lại ít người hơn ngoài chỗ nắng! Rất nhiều chỗ bán dưa chuột tươi chấm muối ớt nhìn thèm nhưng sau khi thấy các bạn ý cầm quả dưa nhúng vào cái thau nhựa rồi dùng tay vuốt vuốt cho sạch thì sợ mất hồn không dám ăn … Chen lấn xô đẩy xin đường mãi cuối cùng chúng tôi chui được vào tàu, tàu mới và chạy rất nhanh, nhưng lại cấm chụp ảnh nên không có tư liệu review cho bạn đọc.

Và phòng chờ quen thuộc của sân bay Indra Gandhi International Airport (IGIA) đã ở trước mắt. Sau mấy lần quá cảnh vào ra ở Delhi từ các chuyến đi lần trước, tôi đã thuộc sân bay này kha khá nên tranh thủ lượn lờ mua sách, sạc điện thoại, và dùng ké wifi miễn phí 😀 Các dịch vụ và mặt hàng trong IGIA đều đắt đỏ, trừ sách báo! bạn đọc có thể tìm thấy gần như đủ loại sách, nhất là các ấn phẩm giới thiệu về du lịch văn hóa hay ẩm thực Ấn Độ, Himalaya, văn minh sông Hằng … với giá rẻ (dưới 20USD cho sách tranh ảnh dày); mua sách ở Ấn Độ đúng là sướng khoái như Việt Nam bởi sách nhiều và rẻ, thảo nào nhiều sách mua xong lật trang cuối ra thấy có in “Sale in India only” ^^

Tạm biệt Ladakh, tạm biệt những ngọn núi, dòng sông trong lòng thung lũng Indus – Zanskar – Nurba, chúng tôi về Việt Nam mang theo nhiều kỷ niệm về 1 mảnh đất đẹp hùng vĩ và những con người thân thiện hiếu khách. Đã từ lâu du khách đến đây quên dần hình ảnh Kashmir với những xung đột biên giới Pakistan hay Trung Quốc, bởi vùng này đã trở thành điểm dừng chân cho những tuần trăng mật ấm cúng, những hành trình tâm linh về đất Phật cùng những khám phá độ cao chóng mặt, hay những trải nghiệm đường trường thú vị có một không hai ở Ấn Độ. Với chúng tôi, đó đặc biệt còn là những buổi sớm bình minh yên tĩnh 🙂

Juley, Ladakh!

(Hình ảnh Ladakh trên báo Travel Leisure – South Asia edition, tháng 8 năm 2011)

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P6)

Bận rộn lu bu với nhiều điều khác nên tôi vẫn nợ Ladakh nhiều bài viết, xin trở lại cùng bạn đọc trong bài tiếp theo và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi còn lưu lại vùng này, hôm nay chúng tôi dành trọn ngày đi thăm hồ Pangong Tso, vừa là hồ nước mặn rộng nhất bang nằm dưới chân Hy Mã, vừa là biên giới tự nhiên (còn tranh cãi) giữa Ấn Độ và Tây Tạng.

====

Hồ Pangong nằm không quá xa Leh, tuy chỉ có 150km đường chim bay giữa hai nơi nhưng thời gian di chuyển thường mất 5-6 tiếng do điều kiện đường núi gập ghềnh và vẫn còn băng tuyết trên nửa quãng đường. Chúng tôi dậy sớm mang theo áo ấm và rất nhiều nước để chống nhức đầu 😀

Ladakh buổi sáng tĩnh lặng cực kỳ, trong khung cảnh thanh bình đó, chúng tôi gần như là những người duy nhất chạy trên đường:

Không phải đợi quá lâu, chúng tôi đã đến gần đoạn đường gian nan nhất tuyến: vượt qua đỉnh Changla Pass ở độ cao hơn 5300m và đặc biệt vẫn gần như đóng băng trong tháng 5:

Nhờ vào 2 lần qua lại Khardungla Pass khi đi thung lũng Nubra trong mấy ngày trước mà chúng tôi không quá sốc với độ cao trên 5000m của Changla Pass, nhưng cái lạnh ở đây thì kinh người! Không một cơn gió nhưng Changla Pass làm người ta rùng mình vì sự ảm đạm có phần thê lương và cảm giác lạnh từ trong ra ngoài. Do không gần biên giới và một phần vì còn khá sớm nên Changla Pass rất ít người qua lại cũng như hiếm thấy binh lính đồn trú.

Tê cóng người, chúng tôi chui ngay vào xe và tiếp tục hành trình, hy vọng khi xuống thấp sẽ đỡ run cầm cập hơn …

Đường xuống từ đèo Changla khá đẹp, nếu đây là tháng 9-10 khi tuyết đã tan thì hẳn dưới cái nắng trong xanh của Ladakh, con đường này sẽ lý tưởng cho du khách chụp ảnh thưởng ngoạn:

Màu trắng dần dần ít đi và thay thế bằng màu nâu của đất cùng những lạch nước tan từ tuyết chảy hiền hòa, chúng tôi đã qua đoạn đường khắc nghiệt nhất:

Khung cảnh xung quanh lúc nào cực kỳ sống động, cậu lái xe tinh ý chạy chầm chậm giữa những hẻm núi để chúng tôi kịp ngắm thiên nhiên Ladakh ôn hòa ngoài cửa kính:

Nếu thích bạn có thể nhờ xe dừng lại để thoải mái ra ngoài chụp ảnh, đây là đoạn đường đẹp nhất trong hơn 150 cây số giữa Leh và hồ Pangong, thảm động thực vật tuy không phong phú nhưng đặc sắc và hiếm gặp, riêng tôi mới chỉ thấy những hình ảnh này qua máy tính trước khi đến Ladakh.

… Và phía cuối con đường lúc này là dải hồ Pangong giấu mình giữa những dãy núi, chúng tôi chỉ còn cách hồ vài cây số:

Hồ Pangong dài hơn 130 cây số, phía Tây nằm hẳn về địa phận Ấn Độ (chỉ có 40% diện tích hồ), phía Đông kéo dài sang địa phận Trung Quốc, cụ thể thuộc về Tây Tạng. Đã từ lâu du khách bị cấm hoàn toàn việc chạy về phía Đông của hồ vì khu vực này cho đến nay vẫn còn nằm trong tranh chấp, tuy rằng tiếng súng đã ngưng hẳn sau xung đột biên giới Trung-Ấn (Sino-Indian War) năm 1962.

Xe chúng tôi chạy chậm dần và dừng sát mép hồ, đã gần trưa nhưng lúc này mây đang phủ kín trời làm chúng tôi vô phuơng thấy được màu xanh ngọc nổi tiếng của Pangong Tso …

Những hình ảnh đầu tiên của Pangong qua ống kính của tôi:

Cùng với hồ Tsomori, hồ Pangong luôn là điểm đến cho những người yêu thích thiên nhiên rộng lớn và cảnh trời nước mênh mông. Ladakh chưa đông khách và dấu ấn Phật giáo trong vùng cũng chưa sâu đậm như người anh em bên phía kia dãy Hy Mã, nhờ vậy mà Pangong còn khá hoang sơ và không mang tính biểu trưng tôn giáo cao như các hồ thiêng Tây Tạng. Mặt trời chưa ló qua được mây, chúng tôi trong lúc chờ bóng nắng thì xoay ra chụp những góc khác nhau của Pangong Tso.

Đây là phía Tây của hồ:

Vùng giữa hồ, không rõ bên kia có gì …

Chim chóc vừa bay vừa kêu thảng thốt, có vẻ như sự hiện diện ven bờ của chúng tôi quấy quả đến buổi sáng của chúng 😀

Chúng tôi đi bộ một đoạn ven hồ và tranh thủ bắn tỉa loài cư dân gần như độc nhất ở đây:

Được biết hồ Pangong tuy là hồ nước mặn nhưng vào mùa đông là mặt hồ đóng băng cả, cũng là cách mà người địa phương vượt qua bên kia biên giới trong điều kiện cấm chèo thuyền ở đây 😀 Chúng tôi tìm được một stupa đá hiếm hoi ở mép nước nên cũng đua đòi xếp 1 cái khác nhỏ hơn bên cạnh, sau này bạn đọc đi qua có khi vẫn còn thấy y nguyên ở đây chăng?

Đã đến giờ ăn trưa, chúng tôi quyết định ăn nhẹ ngay cạnh hồ và đợi thêm một lúc để mặt trời (có thể) lên. “Nhà hàng” có thể tìm thấy dựng ngay gần hồ:

Và tất nhiên sẽ là món masala tea cay cay ngọt bùi để xoa dịu cái lạnh trong ngày nhiều mây:

Một số gia đình Ấn Độ cũng đang lái xe đến hồ. Hỉnh ảnh này trở nên quen thuộc hơn từ bộ phim “3 Idiots” năm 2010 khi rất nhiều đoạn trong phim lấy bối cảnh thiên nhiên Kashmir, trong đó có vùng hồ Pangong

Chờ đợi mãi đến gần 2h chiều, mây tản đi trong chốc lát và chúng tôi mới kịp thấy những mảng trời xanh hiếm hoi trên cao, màu nước Pangong cũng dịu bớt phần xám xịt

Không thể nán lại quá lâu, mặc dù tiếc nuối vì thời tiết không chiều lòng người, chúng tôi phải rời Pangong Tso để về lại Leh trước khi trời tối. Cảnh hồ cuối cùng khi quay lại chụp trước lúc xe leo đèo:

Trên đường ra thấy khá nhiều xe lúc này mới chạy về hướng Pangong, chắc các nhóm này sẽ cắm trại ngủ lại quanh hồ vì sau giờ chiều là đường về Leh gần như không có người đi để đảm bảo an toàn.

Chúng tôi lại lướt qua những cảnh đẹp hoang sơ vắng bóng người của Ladakh:

… Leh lúc này chỉ còn cách gần 1 giờ chạy xe, đã thấy bóng chiều về trên thủ đô … chúng tôi đã có bữa ăn tối cuối cùng của hành trình Kashmir trong cảm giác ấm cúng sau nửa ngày rét run và đói bụng 😀

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P5)

Nếu trong chúng tôi đã đi về phía Tây Nam thăm Hemis – Thiksey – Shey Monastery trong ngày 2 và đi về phía Bắc để đến với Nubra Valley trong ngày 4 thì ngày 5 là lúc chúng tôi dành thời gian đi dọc theo quốc lộ Leh-Kargil để đến với quần thể các tu viện cổ nhất Ladakh: Lamayuru, Alchi, và Likir. Kargil là điểm dừng chân quen thuộc trên đường bộ nối liền Srinagar đến Leh mà cứ mỗi dịp tuyết tan (từ tháng 6 đến tháng 10) là luôn ngập dấu bánh xe xuôi ngược.

5.1. Tu viện Lamayuru

Ngày thứ 5, thêm một bình minh yên tĩnh nữa chào đón chúng tôi, xe lại bon bon trên đường, chỉ có chúng tôi và nắng gió Kashmir, thi thoảng mới gặp vài nhóm nhỏ người Ladakhi tản bộ bên đường quốc lộ, chắc họ đón những chuyến bus bản địa họa hoằn lắm mới thấy xuất hiện trên tuyến liên tỉnh Leh-Kargil:

Trên đường đi, chúng tôi vượt qua đoạn đèo mà dưới chân là khúc hợp lưu của dòng Indus và dòng Zanskar (Confluence of Indus and Zanskar river), 1 địa điểm mà khách du lịch sẽ luôn bắt gặp trong hành trình tham quan Leh cung cấp bởi các agency Ấn Độ. Bản thân tôi chỉ thấy thú vị trước 2 màu nước bên xám đục bên xanh đậm hòa quyện vào nhau chứ thực tình không thấy chỗ này có gì hoành tráng …

Đường đến Lamauyru dài hơn 170km, chúng tôi gần như lả đi vì nóng trong xe cho đến khi chạy đến làng Basgo thì bác tài mới dừng lại trong ít phút để chúng tôi tranh thủ hít thở khí trời ^^

Làng Basgo tuy nhỏ nhưng được bao bọc bởi núi đá cao nên làng gần như lọt thỏm trong thung lũng khiến nó càng trở nên sinh động hơn khi ngắm nhìn từ trên cao:

Từ đây nhìn lên tu viện Basgo cheo leo rất ấn tượng, cứ như 1 ngọn hải đăng trên cạn mà thời gian đã bóc hết lớp hào nhoáng bên ngoài, để lại 1 tu viện đầy bụi đất sừng sững trên dốc đá cho người đời sau mỗi lần đi qua lại không cầm lòng được mà dừng chân tán thưởng:

Chạy thêm một đoạn nữa chúng tôi gặp 1 khu mới được cải tạo xây dựng, nghe nói đây là resort đầu tiên thuộc loại hiếm có khó tìm vùng này, nơi mà cả nhà nghỉ bình dân nhất cũng phải leo núi vượt đồi mới đến được:

Gần trưa xe đã vào địa phận tu viện Lamayuru. Vùng này chúng tôi đồ rằng thành phần đất đá kiến tạo chứa rất nhiều quặng hay sao mà núi đá rất màu sắc, dưới nắng trưa lại nổi bật màu vàng chanh đẹp mắt

Lên đến Lamauyru, chúng tôi quay lại ngắm quãng đường đèo vừa vượt qua, lại thêm những khúc quanh biến ảo ngoạn mục như tranh nữa:

Vé vào cửa Lamauyru chỉ vỏn vẹn 50 INR (tương đương 1.2 USD, tức là gần 25,000 VND), rẻ đến mức không thể tin được, cho một khung cảnh quá sức phóng khoáng hấp dẫn như ở đây. Sau một hồi tham quan, chúng tôi nhận ra rằng có lẽ điều làm Lamauyru cuốn hút du khách nằm chính ở cảnh sắc xung quanh tu viện hơn là bản thân các khám thờ hay tượng Phật!

Thêm một điểm tôi nhận thấy, hầu hết các tu viện ở Ladakh đều bán vé nhưng chắng có mấy ai soát vé, lại càng hiếm ai trốn vé, dường như mọi người đều coi đó là phần quyên góp nhỏ cho quỹ bảo tồn các thắng cảnh. Còn bác soát vé (hay ít ra người duy nhất chúng tôi gặp ở cổng tu viện) thì đang mải mê phiêu với cái tôi của chính mình 😀

Một vài hình ảnh bên trong tu viện:

Nếu Hemis là tu viện giàu có nhất vùng thì Lamauyru được biết đến như tu viện lâu đời nhất của Ladakh. Tương truyền tu viện được xây dựng bởi đại sư [B]Na Lạc Ba[/B] (Naropa) vào thế kỷ 10, người đã truyền ảnh hưởng của mình cho thế hệ kế cận là [B]Mã Nhĩ Ba[/B] (Marpa Lotsawa), đến lượt đệ tử của Mã Nhĩ Ba là [B]Mật Lặc Nhật Ba[/B] (Milarepa) đã có thành tựu lịch sử sáng lập ra tông Hồng Mạo [B]Ca Nhĩ Cư[/B] (Kagyupa Sect) – 1 trong 4 tông giáo lớn nhất Tây Tạng, vài thế kỷ trước khi Hoàng Mạo Cách Lỗ (Gelugpa Sect) ra đời. Bạn đọc có thể tham khảo thêm lịch sử Phật giáo Tây Tạng đã có dịp đề cập ở đây. Bởi vậy kiến trúc của Lamauyru có phần kém hoành tráng và không phân chia lưỡng tông Hồng-Bạch rực rỡ như các tu viện thuộc dòng “Mũ vàng”

Đối diện với khu khám thờ của tu viện là nơi thiền định của tăng chúng và nằm biệt lập trên 1 khu đồi khác. Được biết ở đây có hang cổ nơi các bậc đại sư xưa đã từng đắc đạo nhập tịch nhưng chúng tôi không tìm thấy chỗ nào mở cửa để vào thăm, chỉ còn cách men theo sườn đồi trèo lên đến đỉnh

Từ ngọn đồi “thiền định” nhìn xung quanh, chúng tôi không kìm được lòng phàm, tuy mệt đứt hơi bởi trời nắng và đồi cao nhưng không ngớt trầm trồ trước cảnh vật quanh Lamauyru đẹp bao la pha nhiều phần hoang dã, núi đá trập trùng dưới biển mây khổng lồ trôi lững lờ. Có lẽ nhiều thế kỷ trước đại sư Na Lạc Ba chọn nơi đây để hoằng trương giáo pháp cũng một phần bởi sức hấp dẫn của tự nhiên như thế này chăng?

5.2. Alchi Monastery

Chúng tôi rời Lamauyru theo xe quay trở lại quốc lộ hướng về phía Leh, rồi lại rẽ nhánh để chạy sang tu viện Alchi (cách Leh khoảng 70km). Đoạn đường này cảm tưởng gần và dễ đi hơn nhiều so với buổi sáng ròng rã, cũng một phần nhờ cảnh vật 2 bên đường xanh dịu mát:

Càng đi đến gần làng Alchi thì phong cảnh càng kỳ thú hơn nữa, có lẽ đây là Đường Lâm của vùng Ladakh chăng?

Chúng tôi dừng xe ở ngoài cổng làng rồi đi bộ vào thăm tu viện Alchi. Thật khó mà nhận biết đâu là cổng của Alchi bởi tu viện này nằm chính giữa làng, qua những ngách đi bộ, chúng tôi vào đến khuôn viên tu viện lúc nào không hay.

Khác với Lamauyru, tu viện Alchi thuộc về dòng Hoàng Mạo Cách Lỗ (Gelugpa Sect), nhưng bản thân kiến trúc Alchi cũng không giống với các tu viện cùng nhánh. Người Ladakhi luôn tự hào coi Alchi là tu viện cổ gần nhu duy nhất còn sót lại ở Ladakh biểu trưng cho kiến trúc Kashmiri của họ. Không quá hoành tráng mà nhỏ nhắn gần gũi với thiên nhiên, điêu khắc trạm chổ mái vòm gỗ và cổng vào mỗi khám thờ của Alchi đậm âm hưởng Ấn Độ – Nepal

Mỗi khám thờ lại nhìn ra khu vườn nhỏ trước mặt làm người ta có cảm tưởng đây là từng ngôi nhà nhỏ chứ không phải khuôn viện 1 tu viện trang nghiêm

Bên ngoài đã vậy, bên trong 3 khám thờ chính của Alchi, người ta còn bất ngờ hơn bởi cách bài trí. Cửa vào rất nhỏ và gần như ngay khi bạn bước vào, bạn sẽ thấy bàn chân của tượng Phật! ngước mắt lên sẽ là toàn thân tượng cực kỳ cao lớn với phục trang và màu sắc rất Ấn; xung quanh 4 phía tường đất là những bức vẽ không quá tinh xảo nhưng đã rất lâu đời. Xung quanh chân tượng là vòng kora chỉ đủ 1 người đi. Không gian bên trong gần như rất nhỏ, khác hoàn toàn các khám thờ hay gặp; đây chính là điểm đặc biệt khiến Alchi để lại ấn tượng mạnh cho chúng tôi. Vì trong các khám thờ đều cấm chụp ảnh nên phải mượn tạm 1 tấm trên mạng sau để minh họa:

Đáng tiếc là nơi lạ nhất lại là nơi chúng tôi chụp được ít ảnh nhất … kỷ niệm về Alchi giờ chi còn trong trí nhớ. Ngoài cổng tu viện bày bán một số sách ảnh chụp lại Alchi qua từng thời kỳ nhưng các cuốn này làm rất vụng nên chúng tôi bỏ qua không mua. Hy vọng sau này có Phượt gia nào trên đường thiên lý ghé lại Alchi sẽ có điều kiện “nháy” tu viện giữa làng này nhiều và sâu hơn nữa ^^

5.3. Likir Monastery

Từ Alchi sang Likir chỉ mất 15′ chạy xe, vượt qua con lộ bằng phẳng dễ đi, chúng tôi đã thấy Likir nổi bật phía chân trời

Xây dựng khoảng thế kỷ 15 và thuộc dòng truyền thừa Cách Lỗ (Gelugpa Sect), Likir quả không hổ danh là tự viện của phía Mũ vàng. Từ rất xa người ta đã có thể ngắm được kiến trúc hoành tráng như pháo đài của nó, thoạt nhìn sẽ có nhiều nét tương đồng với tu viện Thiksey hay Diskit.

Men theo đường đèo thoai thoải, chúng tôi đã đến gần cổng vào tu viện, lúc này đã hơn 3 giờ chiều, mặt trời vẫn còn gay gắt trên cao:

Vé vào cửa Likir chỉ có 20 INR, chưa đến 10,000 VND mà mãi chúng tôi mới tìm được 1 vị sư trẻ để mua vé. Không có ai soát vé, lại càng ít khách du lịch, chúng tôi có cả 1 tu viện để tự do khám phá!

Tuy Likir nhìn bên ngoài rất rộng lớn nhưng thực chất chỉ có 2 khu điện thờ chính và 1 bảo tàng trưng bày hiện vật biệt lập, còn lại là khu sinh sống của tăng chúng nên khách du lịch không được tham quan. Nếu bạn đã từng đặt chân đến Tây Tạng hay Nepal, chắc bạn sẽ quen với hình ảnh những khám thờ thiếu sáng, từng đoàn người hành hương vào ra không ngừng nghỉ, tiếng tụng kinh rì rầm không ngớt, hay những bảng hiệu cấm quay phim chụp ảnh. Còn ở Likir, bạn sẽ thấy điều ngược lại: từng gian điện thờ rộng rãi, vắng vẻ, thoải mái cho khách nhìn ngắm chụp ảnh; chỉ cần bạn bỏ giầy ngoài cửa là có thể ngồi đây hàng giờ nếu muốn:

Phòng trưng bày hiện vật của Likir nằm trên tầng thượng, du khách leo lên đây sẽ xem được các hiện vật trưng bày như thangka, mặt nạ, vũ khí cổ thời Phật giáo còn hưng thịnh dưới vương triều Namgyal, phần lớn trong số đó đã vài trăm năm tuổi. Phía cửa vào chúng tôi thấy 1 cuốn sổ lưu niệm ghi cảm tưởng của du khách, tò mò chúng tôi lật giở từng trang để xem. Sổ này ghi từ đầu năm 2010 đến nay, và chúng tôi tìm thấy một cái tên Việt Nam: “An Phùng” “07/2010” ghi đôi dòng cảm ơn Likir đã giữ gìn và trưng bày các hiện vật cho khách phương xa được tiếp xúc. Hào hứng chúng tôi cũng lén ghi vài chữ để không thua kém người bạn đồng hương 😀

Nhưng tầng thượng Likir không chỉ có phòng trưng bày mà còn có khoảng không gian rộng lớn cao nhất tu viện để bạn ngắm cảnh và chụp ảnh. Trước mắt chúng tôi lại là những gì hoang sơ dữ dội nhất của thiên nhiên Ladakh:

Likir vẫn còn một điểm thu hút du khách nữa, đó là tượng Phật Di Lặc (Maitreya) cao lớn dựng phía sau lưng tu viện. Tượng phật này cũng có nhiều nét tương đồng với tượng Phật khổng lồ ở Diskit trong lòng Nubra Valley nhưng kém rực rỡ hơn. Tượng nhìn xa rất đẹp nhưng nhìn gần có thể nhận ra nhiều phần đang bị xuống cấp bởi thời tiết khắc nghiệt:

Dưới chân tượng là khám thờ với tượng thân bằng đồng của Phật Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) và đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cùng 1 mandala ba chiều dựng giữa phòng rất đẹp:

Đi hết vòng tu viện, đã đến lúc chúng tôi trở ra, hình ảnh cuối cùng tôi còn kịp chụp trước khi rời Likir …

… và chúng tôi lại lên đường, nắng đang tắt dần trên 60 km đường về Leh:

Hình ảnh tu viện Spituk nằm gần sát sân bay Leh mà chúng tôi chỉ ngắm trên đường chứ không ghé vào:

Ngày thứ 5 rong ruổi kết thúc bằng buổi tối đi mua quà lưu niệm 🙂 chúng tôi đi bộ hầu hết các quầy hàng ở Main Market và Fort Road là những khu vực tấp nập buôn bán để khảo giá, định bụng mua khăn lụa Cashmere đem về quê dùng đặng những ngày đông tháng giá. Điều dễ nhận thấy là các mặt hàng ở đây rất đa dạng, từ khăn lụa nhỏ đến khăn lụa to; loại 1 lớp, 2 lớp; rồi loại đan tay, đan máy; áo len, chăn ấm, thậm chí cả thảm cực lớn làm từ lụa Cashmere đều có cả; giá thì khỏi chê! vài chục đô Mỹ cho đến vài chục nghìn đô Mỹ đều có đầy đủ. Chúng tôi tất nhiên mù tịt đắt rẻ, chỉ biết rằng các shop này bán thấp hơn so với cùng những tấm lụa đó được xuất đi châu Âu với giá gấp vài lần!

Tuy nghiệp dư nhưng thực sự không khó để phân biệt giữa các loại lụa Pashmina hay Cashmere được bày bán. Cách kiểm tra đơn giản là bạn cầm miếng lụa lên nhẹ bẫng, khoác lên cổ chỉ chưa đầy 1 phút đã thấy ấm, cầm miếng lụa có thể xỏ xuyên qua chiếc nhẫn, gói lại và mở bung ra không bị nhàu nát thì có thể coi là chất lượng tốt. Chắc cũng sẽ có loại hảo hạng nhưng chúng tôi chưa đủ trình độ nhìn ra 😀 Nâng lên đặt xuống, đi tới đi lui mãi chúng tôi cũng chọn được những thứ ưng ý trong tầm tiền để mua về Việt Nam, coi như kỷ niệm lần đầu (và chắc cũng không còn nhiều lần khác) đến quê hương của lụa Cashmere.

Nếu bạn đọc ghé Leh, dạo qua Fort Road thấy quán Wangoo Cottage Emporium (đối diện nhà hàng Dream Land) thì cứ thử bước vào tìm anh chủ quán Farhan xem sao, anh ấy ắt không nhớ chúng tôi là ai và hẳn đã quên Việt Nam nằm cạnh nước nào, nhưng chắc chắn sẽ nhiệt tình giúp bạn chọn hàng và không quên kèm theo lời nhắn “Cứ mua đi và giới thiệu bạn bè mày đến nhé!” ^^

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P4)

Tạm biệt thung lũng Nubra, trở lại Leh

Ngày 4 chúng tôi dậy sớm để tranh thủ ngắm khu làng chúng tôi nghỉ đêm qua, hôm nay lại là 1 ngày nắng ấm nữa trong hành trình Ladakh:

Từ ban công tầng 2, tôi cũng cố ép ra 1 tấm panorama chụp khung cảnh xung quanh nhà:

Khu đất của từng nhà khá rộng, sân vườn gần như tứ phía, bản thân khu nhà ở chỉ cao từ 1 đến 2 tầng, xây với rất nhiều cửa sổ nên ban ngày rất sáng.

Đường làng đơn sơ đáng yêu chạy phía ngoài những hàng rào thấp không cắm kẽm gai hay cài thủy tinh vỡ, Nubra Valley cho người ta cảm giác ấm cúng và an toàn ^^

Còn đây là khu vườn rợp bóng cây với hoa đào vẫn khoe sắc, đã sang tháng 5 mà mùa xuân dường như vẫn còn rất tuơi mới nơi này:

Thêm một vài hình ảnh xuân trong vườn tặng bạn đọc:

Bữa sáng đặc trưng: bánh mỳ với trứng tráng, bơ yak, mứt dâu và trà sữa – cũng là thay lời tạm biệt của gia đình người Ladakhi mến khách.

Juley Nubra Valley! chắc rằng chúng ta sẽ hiếm còn dịp nào tái ngộ … một lần chúng tôi đã tới nơi đây …

Tạm biệt gia đình người Ladakhi, chúng tôi rời làng Hunder, trở ra quốc lộ nhưng chưa vội quay về Leh mà sẽ vượt lòng sông cạn đi thăm tu viện [B]Samstaling[/B] ở làng Sumur. Lại là những dặm đường miên man trong trời xanh nắng cháy; cửa sổ xe mở to và tất nhiên không có điều hòa, chúng tôi chạy trong khung cảnh thiên nhiên Nubra đẹp tuyệt vời:

Những người bạn đồng hành ^^ rất nhiều xe của các đoàn khác cũng ra nhập hành trình trên đường chúng tôi chạy qua làng Sumur. Nhìn các xe nối đuôi nhau chạy trên những đoạn đường quanh co gấp khúc không biển báo, không đèn tín hiệu mới hiểu vì sao ban đêm hay mùa đông tuyết rơi thì đường trong thung lũng Nubra gần như bị phong tỏa

Tuy thế, phong cảnh bên cửa trái xe cực kỳ sinh động, lòng sông cạn hiện ra với dải cát dài và cả thảm thực vật màu xanh quý hiếm:

Chúng tôi thả dốc xuống cây cầu bắc sang địa phận làng Sumur, vì gần với biên giới Pakistan nên chỗ này rất đông lính gác, nhưng thái độ thân thiện và thoải mái với khách du lịch.

Đường làng Sumur rất tốt và bằng phẳng, làng gần như không có bất cứ loại xe cộ nào, người dân chỉ thấy đi bộ chăn dê mà thôi 😀 Nếu đây là các vùng khác của Ấn Độ thì chắc bạn phải nhường đường cho bò, còn ở Sumur bạn phải nhường đường cho dê – loài vật cung cấp lông hảo hạng cho tấm lụa Cashmere (Pashmina) nức danh thế giới. Chúng tôi được biết vùng lông phía dưới cổ của dê là phần lông quý nhẹ ấm quý giá nhất, làm ra sản phẩm mà người bán hàng ở Leh quảng cáo là “king of wool” – giá cũng trên giời luôn 😀 – loại “king of wool” này chỉ có 2 màu tự nhiên là trắng và xám nhạt chứ không có màu sắc nào khác, nếu có pha màu tức là lông đó không phải lấy từ cổ nữa.

Có ai thấy khung cảnh dưới đây thân quen chăng? Chúng tôi thì cùng có cảm nhận rằng nó hệt như khung cảnh ký ức tướng Maximus khi ông trở về quê hương Tây Ban Nha trong đoạn cuối phim Gladiator

Tất nhiên đó chỉ là phía cuối con đường dẫn lên tu viện Samstaling …

Samstaling mới được xây dựng ở Sumur, khuôn viên tu viện không lớn và chỉ có 2 tòa là nơi thờ cúng, còn lại là trường học và khu nhà ở của người Ấn-Tạng. Vì một lý do gì đó mà chúng tôi không phải mua vé vào thăm tu viện, có 1 vị sư già ở cổng cho phép chúng tôi đi thăm và chụp ảnh thoải mái, chỉ cần bỏ giầy ở ngoài khi vào điện thờ là được ^^

Vị sư trẻ đưa chúng tôi qua từng khám thờ, lần lượt giới thiệu ngắn gọn về câu chuyện dòng Hoàng Mạo Cách Lỗ năm xưa vượt dãy Hi Mã sang Ấn Độ đã đâm chồi bắt rễ vùng Nubra này, và Samstaling cũng không là ngoại lệ, được dựng lên nhờ công sức và đóng góp không ngừng nghỉ của người Tạng lưu vong xa xứ:

Những khu nhà khác trong khuôn viên Samstaling, nơi bạn có thể gặp rất nhiều người Tạng đang sinh sống và tu học:

Chúng tôi nấn ná thêm một chút nữa để ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh Samstaling, cái đẹp hoang dại rộng lớn của nó càng làm chúng tôi muốn đặt câu hỏi: sức mạnh nào đã giúp những người ở đây không những trụ vững với thiên nhiên khắc nghiệt 2 mùa nóng lạnh mà còn phát triển, xây dựng bản sắc riêng cho mình hàng trăm năm qua …

Tạm biệt Samstaling monastery và làng Sumur, chúng tôi hướng về phía đèo Khardung chạy một mạch, buổi chiều hôm nay chỉ còn chặng đường gian khổ vượt đèo cao ngất ngưởng là sẽ về lại Leh để nghỉ ngơi 😀 Một vài hình ảnh trước lúc xe lên đến khu vực núi tuyết:

Dòng sông Nubra uốn lượn dưới chân chúng tôi:

Ngay trước khi leo dốc, chúng tôi gặp đoạn đường xấu bị sạt lở. Sau nửa tiếng chờ đợi, máy xúc chuyên dụng không biết từ đâu lù lù chạy đến dọn đường để các xe tiếp tục hành trình:

Từ sau đoạn đó là quãng đường giá rét kinh người và choáng váng đầu óc khi xe lên cao dần đến đỉnh đèo Khardung, chúng tôi gần như nằm bẹp dí trong xe, trừ anh tài xế vẫn kiên định tay lái qua những khúc quanh và đường trơn nước tuyết tan.

… Gần 5h chiều chúng tôi đã hoàn toàn ra khỏi địa phận thung lũng Nubra và trở về thung lũng Indus, lòng chảo Leh cùng những hình ảnh quen thuộc đã dần hiện ra trong ống kính ^^

Hoàng hôn đang chạy qua Leh Palace …

Chúng tôi vẫn chưa muốn trở về khách sạn ngay bởi trong lúc chiều tàn tắt nắng, chúng tôi thấy trước mắt là khung cảnh sinh hoạt đẹp bình dị của cư dân Leh, xin gửi đến bạn đọc một vài hình ảnh đó:

Canh tác nông nghiệp trên ruộng cạn với bò yak và phân bón công nghiệp trợ lực 😀

Những hình ảnh này làm tôi lại quên mất mình đang ở Ấn Độ …

Ngày thứ 4 trong hành trình đã kết thúc với ấn tượng không thể quên với cả Nubra Valley và Indus Valley, ngày mai sẽ là những khám phá mới, những ngọn núi dòng sông mới trong sự bao la kỳ thú của thiên nhiên Ladakh ^^

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Phần 3)

1. Vượt Khardungla

Chúng tôi bắt đầu ngày 3 không sớm như tưởng tượng, gần 9h30 sáng xe mới xuất phát đi thung lũng Nubra – thung lũng trù phú nhất toàn vùng Ladakh, nằm cách thủ phủ Leh 150km về phía Bắc. Nhắc đến Nubra Valley là nhắc đến các khu làng Sumur, Diskit, Panamik, Hundle; và cũng là ranh giới xa nhất mà du khách được đi đến. Vượt qua đó là vùng biên giới chiến sự với Pakistan, vì thế trên đường đi Nubra bạn có thể gặp hàng đoàn xe quân sự hạng nặng rầm rập cắn đuôi nhau vượt đèo.

Trước khi lên xe, anh tài xế trẻ dặn chúng tôi nhớ mang theo áo lạnh, mặc dù Leh khi đó đang chói chang nắng sớm. Tạm biệt Leh, chúng tôi mải miết nhắm hướng núi tuyết mà chạy.

Hai tiếng đầu gần như không có gì đặc biệt, chúng tôi men theo sườn đồi, thoắt ẩn thoắt hiện, chuyển từ ngọn này sang ngọn khác, mỗi lúc một lên cao dần. Lúc này qua cửa kính xe, chúng tôi đã nhận ra con đường dần dần chuyển sang màu trắng và nhiệt độ trong xe đang xuống dần đến mức lạnh cóng!

Mặt trời đã lên đứng bóng, nắng xuyên qua kính xe chiếu gay gắt trên tay và trên mặt; bắt chấp như vậy, chúng tôi vẫn run lên trong áo khoác ….

Một màu trắng xóa đến nhức mắt bao trùm xung quanh, tai chúng tôi dần ù tai vì độ cao. Anh tài xế lái xe chầm chậm lại, báo hiệu đã đến đỉnh Khardungla — đỉnh đèo cao nhất trên đường bộ nối liến Leh và thung lũng Nubra

Đúng 12h trưa xe dừng, chúng tôi đã lên đến Khardungla, khung cảnh xung quanh vắng lạnh, mọi thứ dường như đóng băng

Nằm ở độ cao ấn tượng (trên 5300m so với mực nước biển — cao gấp 1.7 lần nóc nhà Đông Dương), Khardungla quả là làm người ta mệt mỏi bởi không khí loãng và tiết trời lạnh khô! Các bạn Ấn Độ thì rất tự hào coi Khardungla Pass là đường bộ cao nhất thế giới tuy rằng thông tin này không chính xác 😀 mặc dù vậy, thông tin ‘quán cà phê cao nhất thế giới’ thì có thể tin là thật, bởi chúng tôi chưa từng nghe qua có quán cafe nào khác nằm cao tương tự như vậy ^^

Thường trú trên Khardungla Pass là nhóm nhỏ quân đội Ấn Độ thái độ thân thiện và cho du khách thoải mái chụp ảnh:

Chúng tôi cũng không trụ được quá lâu với thời tiết khắc nghiệt ở đây, uống vội cốc cà phê, chúng tôi theo xe đổ đèo, đi nốt quãng đường dẫn vào thung lũng Nubra.

Nubra Valley chào đón chúng tôi thân thiện hơn nhiều so với đèo Khardung, càng đi màu xanh càng dày lên trong mắt.

Điểm đến trong chiều nay của chúng tôi ở thung lũng Nubra là Diskit Monastery, vẫn còn hơn 15km đường phía trước …

2.1. Tu viện Deskit

Deskit Monastery (hay còn có tên gọi Diskit Monastery) là tu viện Phật giáo lâu đời nhất trong lòng thung lũng Nubra, được xây dựng vào thế kỷ thứ 14 bởi đệ tử của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) nên Deskit thuộc vào dòng Hoàng Mạo Giáo Gelugpa Sect.

Vượt qua con đường bụi bặm đang được sửa chữa (hay vẫn trong tình trạng sửa chữa từ bao lâu nay), chúng tôi dần tiếp cận quần thể tu viện. Deskit được chia làm 2 khu lớn: phần tu viện và các khám thờ nằm bên dốc đá cheo leo của quả đồi bên phải, phần tư gia của Lạt Ma đứng đầu Deskit nằm ở chân đồi thấp bên trái (trên nóc có tượng thờ Phật Di Lặc khổng lồ!)

Đường vào Deskit:

Vé vào cửa tu viện Deskit cực kỳ rẻ, chỉ vỏn vẹn 20 INR, tương đương với gần 50cent tức 10,000 VND nhưng lại có rất nhiều thứ để xem cho thỏa thích ^^ Chúng tôi bước vào tu viện lúc 2.30 chiều, lúc này mặt trời vẫn chói chang và tu viện rất vắng khách tham quan

Các khám thờ của Diskit đều nhỏ và không được bảo quản tốt cho lắm, vì không có tài liệu hướng dẫn nên chúng tôi gần như không nhớ được cấu trúc của Diskit ra sao, một số khám thờ đóng cửa và chỉ mở nếu du khách yêu cầu. Ngoài các gian điện thờ Phật, Diskit còn có khám thờ riêng chứa vô số các tượng Minh Vương Hộ Pháp, nét vẽ mạnh mẽ và dữ tợn (đặc trưng thường thấy nếu bạn có dịp nhìn những tượng thờ Hindu của Ấn Độ hay Nepal); chắc cũng bởi thế mà những tượng này đều được che kín lại và chỉ được khai quang trưng bày trong những dịp lễ hội.

Một số hình ảnh các khám thờ chúng tôi đi thăm trong Diskit:

Nhưng có lẽ điều mà Diskit tự hào nhất chính là địa lợi và nhân hòa! Vị trí thiên phú của tu viện sừng sững trên đỉnh đồi nhìn ra thung lũng Nubra và sông Skyok, xa xăm cuối chân trời chính là biên giới Ấn Độ – Paskitan. Từ điểm cao này phóng tầm mắt ra xa, người ta chỉ thấy núi núi mây mây và những con đường cát trải dài bất tận. Chúng tôi hì hục leo lên chốt cao nhất của Diskit thể thỏa sức ngoạn cảnh. Nubra đẹp kỳ ảo trong nắng chiều! Chỉ 1-2 tháng nữa là Ladakh sẽ sang mùa hè, chắc những mảng màu xanh dưới chân đồi sẽ còn dày đẹp lên rất nhiều 🙂

Những vị sư già mà chúng tôi gặp ở Diskit rất dễ thương, ai cũng nói tốt tiếng Anh và thân thiện hơn so với chúng tôi mong đợi ^^ Các vị này trước đây đều đã từng tu học tại tu viện Tashilhunpo vùng Tsang của Tây Tạng, cách ăn mặc của họ cũng giản dị hơn so với đồng môn Hoàng Mạo Cách Lỗ phía bên kia biên giới.

Chúng tôi cũng bị thu hút bởi kiến trúc dưới chân đồi bên trái của tu viện Diskit, nổi bật trên nền trời là biểu tượng của Từ Bi và Trí Huệ – tượng thân Phật Tương Lai Phật Di Lặc (Maitreya Buddha) – trong tư thế ngồi và tay chuyển pháp. Đường lên đồi sẽ chạy phía sau lưng tượng rồi du khách sẽ đi bộ từ bãi đậu xe ra phía trước, làm vòng đảnh lễ xung quanh chân tượng.

Tượng Maitreya này có thể nói là cực lớn, cao 32m, màu sắc bắt mắt và còn rất mới. Được biết tượng được dựng từ năm 2006 và hoàn thành vào năm 2010, giờ đây đã trở thành biểu tượng thường gặp khi giới thiệu về Diskit monastery. Kiến trúc của tượng mang phong cách Phật giáo nguyên thủy với khuôn mặt Di Lặc trẻ trung sống động, trang phục cách điệu Ấn Độ ngồi trên chân đế lớn trang trí như những chân đế stupa nhìn thấy trong Potala với biểu tượng sư tử trắng bờm xanh và xung quanh chạm trổ vô số ngọc bích đá quý. Người hành hương về đây cũng đã buộc rất nhiều lụa trắng quanh chân tượng.

Đứng từ chân tượng nhìn ra trung tâm thung lũng:

Vị trí này cũng khá lý tưởng để ngắm kỹ hơn kiến trúc của Diskit Monastery xây theo triền dốc cũng như các stupa xây dựng quanh đồi giờ gần như đã bỏ hoang. Một số hình ảnh chúng tôi chụp lại khi đứng đây:

Du ngoạn Diskit đến hơn 4h chiều cũng là lúc chúng tôi nói lời từ biệt nơi đây để đến điểm dừng tiếp theo: những đồi cát làng Hunder và chuẩn bị cưỡi lạc đà 2 bướu – đặc sản lưu lạc đến Ấn Độ nhiều thế kỷ về trước

2.2. Hunder Village

Nằm không xa Diskit Village là Hunder Village, cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi thăm thú thung lũng Nubra. Trong những thế kỷ trước, làng Hunder còn nhộn nhịp sầm uất hơn nhiều bởi nó là ốc đảo xanh trên con đường tơ lụa đoạn nối liền Tây Tạng qua Ấn Độ.

Con đường chạy qua làng len lỏi giữa những cồn cát cao ngập đầu người:

Trước khi vào làng nghỉ ngơi, chúng tôi được bác tài đưa qua khu đồi cát cưỡi lạc đà để làm quen với những “cư dân” sa mạc này. Bãi cưỡi lạc đà khá rộng và sạch đẹp, tuy nằm giữa các đồi cát nhưng mơn mởn màu xanh, có cả 1 dòng suối nhỏ để khách du lịch vùng vẫy.

Được biết lạc đà ở vùng này là loại lạc đà 2 bướu (Bactrian Camel) đặc biệt bắt nguồn từ các vùng Trung Á, mà ngày nay chỉ phổ biến ở Tân Cương, Mông Cổ. Đây chắc chắn là con cháu của những đoàn lạc đà lớn xa xưa đã đi trọn con đường Á-Âu huyền thoại một thời và nay được giữ lại để nuôi dạy và thuần hóa trong lòng thung lũng Nubra. Dịp chúng tôi đến chắc là nhằm lúc các bạn lạc đà này đang rụng lông nên nhìn có phần xơ xác chứ nhìn ảnh giới thiệu trên mạng thì cũng mượt mà bắt mắt chả kém ai 😀

Trong bãi cưỡi có khoảng 20 con lớn bé cho du khách cưỡi, giờ phục vụ từ 9-12h sáng hoặc 3-6h chiều, mỗi suất trung bình 15-20′, còn nếu bạn chịu được nắng thì cứ thỏa sức mà đi

Chúng tôi cũng bon chen đợi đến lượt để cưỡi lạc đà cho bằng anh bằng em, đây là 2 chú lạc đà non đang chờ lúc đi dạo:

Không biết xưa kia các bác thương nhân có bí quyết gì để cưỡi trên lưng lạc đà hàng tháng trời chứ chúng tôi thì đã sợ đến già Cảm giác cưỡi lạc đà khá cao và chòng chành, ngồi lâu rất tê chân mỏi gối, chưa kể trời nắng như đổ lửa mà lạc đà cứ nhởn nha từng bước trên cát. Có lẽ những hình ảnh quân đội Saladin ngạo nghễ trên lưng lạc đà vung kiếm đẩy lui quân Thập tự chinh chỉ còn thấy được qua phim ảnh và sử sách …

Sau nửa tiếng đi phơi, chúng tôi cũng về lại bãi đáp, đây cũng là lượt cưỡi cuối cùng vì đồng hồ đã chỉ qua 6h tuy trời còn rất sáng. Bác tài đưa chúng tôi vào làng Hunder và tìm 1 gia đình người Ladakhi cho thuê trọ để chúng tôi qua đêm nay trong thung lũng Nubra.

Nghỉ ngơi tắm rửa xong xuôi thì trời sập tối rất nhanh, chúng tôi cũng không kịp dạo quanh nhà nên sẽ hẹn bạn đọc sang ngày hôm sau để có hình ảnh đầy đủ hơn về ngôi làng. Lúc này đường làng đã tối om om, Hunder chìm trong không gian tĩnh mịch, đây đó chỉ leo lét ánh sáng của những ngôi nhà cao hơn 1 tầng. Nubra Valley về đêm chỉ còn không khí se lạnh và sự yên ắng lạ thường; càng làm không khí bên trong ngôi nhà trọ thêm ấm cúng:

Chúng tôi vào phòng ăn cùng với gia đình người Ladakhi và 2 người bạn Nhật Bản cũng mới đến trọ. Bữa ăn tối đơn giản nhưng được coi là thịnh soạn ở nơi mà thịt cá có lẽ khá hiếm hoi nhất là khi mùa băng tuyết vừa qua, chúng tôi ăn gần như không nghỉ thức ăn nấu nhạt và rất ngon miệng, chưa kể món trà Masala Tea thơm cay hảo hạng.

Được biết làng Hunder mỗi năm chỉ đón khách tham quan mấy tháng, từ khoảng tháng 6 đến tháng 10, còn lại gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi tuyết sẽ phủ kín con đường bộ từ Indus Valley sang Nubra Valley. Do đó người dân Ladakhi ở đây tự lực cánh sinh là chủ yếu, đời sống giản tiện và rất gọn gàng, xăng xe tivi điện thoại máy tính đều rất hiếm. Cũng nhờ nằm ở vĩ độ thấp hơn Leh, điều kiện tự nhiên ở Nubra Valley rất tốt cho việc trồng cấy và chăn thả. Nếu bạn có dịp qua đây chắc sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu thấy những bày dê chăn thả tự do quanh làng, đây đó là nhiều dòng suối chảy từ trong núi ra quanh co mát sạch 🙂

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Phần 2)

1. Bình minh Leh

Chúng tôi thức dậy khá sớm, đầu đã bớt nhức hơn, cơ thể đã dần quen với độ cao của Leh. Ăn sáng xong còn khá sớm, chúng tôi quyết định tản bộ quanh thành phố trước khi đi thăm 3 tu viện nổi tiếng gần Leh, cũng là những tu viện nổi tiếng nhất trong vùng thung lũng Indus (tu viện Hemis, Thiksey, và Shey).

Mới hơn 8h sáng mà ánh nắng đã tràn ngập khắp Leh báo trước một ngày nắng gió đang đợi chúng tôi ^^

Đường đi vào trung tâm thành phố sẽ dẫn du khách đến ngay chân quần thể cung điện Leh Palace mà chúng tôi vừa ghé thăm ngày hôm qua (bằng đường núi)

Cố cung Leh nhìn ban ngày khá nản … phần lớn đã được xây lại, xung quanh lộn nhộn nhà cửa thấp cao, bạn đọc có ghé Leh chắc cũng nên đứng ngoài chụp thay vì leo lên …

2. Đi về phía Đông Nam

Cậu tài xế người Ladakhi đón chúng tôi đúng 9h30 sáng và bắt đầu xuất phát đi về phía Đông Nam, đến với những tu viện đã vài trăm năm tuổi của Leh:

Xe đưa chúng tôi qua những cung đường đẹp mê người đúng chất cao nguyên Kashmir với trời trong vời vợi xanh, bụi cát nối dài với thảo nguyên nổi bật trên nền núi tuyết xa xăm:

Có lẽ bạn không cần là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để ghi lại vẻ đẹp say đắm của Ladakh ^^ Đường đi rất tốt và êm, chúng tôi chỉ ngồi trên xe lao vun vút khi chụp những bức ảnh này. Vương miện Ấn Độ là đây, Tân Cương Ấn Độ cũng là đây!

Trời rất nóng, gió ngoài cửa xe thổi rất mạnh; lác đác đây đó xóm nhỏ người Ladakh lọt vào ống kính chúng tôi … những chân núi xám cứ gần rồi lại xa:

2.1. Hemis

Trong 3 tu viện thì Hemis ở xa nhất, cách Leh 50km đường bộ. Đường đến Hemis chúng tôi vượt qua Shey và Thiksey nhưng sẽ dừng thăm 2 tu viện này khi về. Con đường “Tân Cương” của Ấn Độ tuy không xa nhưng chúng tôi đi mất hơn 1 tiếng vì thỉnh thoảng nhờ cậu tài xế dừng xe lại cho chúng tôi chụp ảnh phong cảnh.

Trời Ladakh hôm nay đẹp ghê người, bên ngoài xe chỉ khoảng 12 độ, mặc dù nắng chan hòa khắp nơi nhưng chúng tôi ai nấy đều mặc áo ấm và quấn khăn, trong khung cảnh này đây!

Dường như không một điểm cao nào là không được người Ladakhi tận dụng để xây các công trình tôn giáo. Tại những vị trí bắt mắt nhất trên đường, chúng tôi đều được nhìn thấy các đền tháp, tu viện nhỏ, hay ít ra cũng là những cột cờ phướn Phật giáo ngạo nghễ trong nắng gió:

Gần 11h trưa chúng tôi rời khỏi con lộ chính và rẽ vào hẻm núi, bắt đầu chạy đường đồi ngoằn nghèo qua những khu làng nhỏ dẫn lên Hemis, cửa tu viện đã gần kề!

Xây dựng trong giai đoạn 1630 dưới thời vua Sengge Namgyal, tu viện Hemis thuộc về dòng Ca Nhĩ Cư (Kagyupa Sect) hay thường được gọi là Hồng Mạo Giáo – Phái Mũ Đỏ (Red Hat Sect) chứ không phải Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect) như các tu viện lớn thường gặp ở vùng khác. (Xem thêm Tổng quan Phật giáo Tây Tạng)

Hemis được biết đến như 1 tu viện giàu có và lớn nhất Ladakh với khoảng 350 tăng chúng và có chi nhánh ở hầu hết 50 ngôi làng toàn Ladakh. Vé vào cửa tu viện Hemis là 100 INR (tương đương hơn 2 USD), vé bao gồm cả phí thăm quan tu viện và bảo tàng dưới lòng đất của Hemis. Khi chúng tôi đến nơi, cổng của tu viện đang được tu sửa lại.

Bước vào sân lớn (Main Courtyard), hiện ra trước mắt du khách là quần thể chính điện Hemis:

Những bức tường chạy bao quanh sân lớn đều đã được trùng tu lại nên màu sắc có phần tươi mới hơn:

Nếu theo đúng quy tắc màu sắc Hồng-Bạch của Phật giáo Tây Tạng thì có thể đoán ra Hemis (với sắc trắng chủ đạo) là nơi sinh sống tu học của tăng sĩ là chính.

Bước vào bên trong chính điện của Hemis, du khách có thể kiểm chứng điều này. Không khí bên trong điện mát lạnh dễ chịu, trên tường treo đầy những bức thangka cổ rất đẹp:

Lên tầng 2 của chính điện, du khách sẽ gặp khám thờ đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava hay Guru Rinpoche), người được coi là ông tổ Phật giáo Tây Tạng từ thế kỷ thứ 9, cũng là người khai tông lập phái cho tông giáo đầu tiên của Tây Tạng – tông Ninh Mã (Nyingma Sect):

Sau lưng khám thờ này có đường leo lên trên nóc của tu viện Hemis, nơi du khách có thể ngắm cảnh vật xung quanh tu viện. Bên cạnh tu viện là những ngôi nhà xây bằng đá và bùn của người dân địa phương:

Xa xa là thung lũng và những ngọn núi đang vàng rực dưới nắng trưa:

Lá cờ bay phần phật trên nóc Hemis làm chúng tôi mường tượng đến lá cờ Rồng sấm của hàng xóm Bhutan nhiều hơn là cờ biểu trưng Phật giáo:

Được biết tu viện Hemis tổ chức lễ hội vào mùa hè chứ không phải mùa đông nên thu hút được nhiều khách viếng thăm dịp tháng 6 – 10. Lễ hội này có 1 màn trình diễn đặc sắc gọi là “Cham” (tiếng Ladakhi) kể lại câu chuyện nổi tiếng xưa khi đại sư Kiết Tường Kim Cang (Pelgyi Dorje) nhân lúc nhảy múa đã dùng tên bắn chết vua Tạng Lãng Đạt Ma (Langdrama) – một người cổ xúy cho cổ giáo Bon và bài trừ Phật giáo giai đoạn thế kỷ thứ 9. Những hình ảnh lễ hội này có thể tìm thấy trong hầu hết các postcard của Ladakh chụp về Hemis với phục trang cổ và mặt nạ quỷ màu đỏ máu nhìn vừa ghê vừa cuốn hút!

Ngoài các khu điện thờ, Hemis còn nổi tiếng với quần thể bảo tàng trưng bày hiện vật dưới lòng đất, nơi du khách được tận mất chiêm ngưỡng những bộ sưu tập về phật điển, tranh tượng, đồ tế lễ, quần áo, vũ khí … xuất hiện trong tiến trình phát triển của Phật giáo Hy Mã nói chung và Phật giáo Ladakh nói riêng, tới nay đã nghìn năm tuổi. Tuy nhiên bảo tàng này yêu cầu du khách phải gửi hết máy ảnh máy quay điện thoại trước khi vào nên không có cách nào chụp ảnh được. Đi dạo hơn nửa tiếng mới ngắm được hết các hiện vật trong bảo tàng, cũng là lúc giữa trưa khi tu viện nghỉ ăn trưa, chúng tôi theo xe rời Hemis quay về thăm Thiksey và Shey.

2.2. Thiksey

Thiksey là tu viện lớn thứ 2 trong thung lũng Indus, về độ nổi tiếng chắc chỉ thua Hemis, nhưng chúng tôi lại thấy ở Thiksey vẻ đẹp khoáng đạt hoang dã hơn nhiều so với Hemis, chắc cũng bởi vì tu viện này được xây biệt lập trên một ngọn đồi riêng, xung quanh phần lớn là hoang mạc và trảng cát khổng lồ.

Đường về từ Hemis sang Thikey chạy qua những con đường đầy cây dương xanh mơn mởn:

Để rồi hiện ra phía cuối con đường là tu viện Thiksey ngạo nghễ trên đỉnh đồi:

Mới nhìn ai cũng dễ bị cuốn hút bởi kiến trúc nhiều tầng có phần chồng chéo của Thiksey, thêm vào đó là màu sắc khác lạ của những tòa xây trong quần thể tự viện, ngoài lưỡng tông Hồng Bạch còn có vài khu được xây với màu vàng nổi bật mà chúng tôi không rõ lý do.

Theo xe, chúng tôi chạy men theo đường đồi lên đến cổng chính của tu viện xây hướng về phía Nam:

Chúng tôi đặt chân vào Thiksey cũng là chính Ngọ, cả tu viện đang đóng cửa ăn trưa, du khách cũng tản mát tìm nơi mát mẻ trú chân, nhưng cũng là thời điểm tuyệt vời bởi tôi có cả tiếng đồng hồ để dạo quanh Thiksey tĩnh lặng trong nắng trưa:

Phong cảnh xung quanh nhìn từ Thiksey thực sự hoang sơ, cảnh tượng gió cuốn mây trôi hào sảng lắm! quả đúng là lam quan tuyết dũng, sa mạc sóc phong:

Tựa lưng vào bờ tường đá, chúng tôi khoan khoái ngắm thiên nhiên nơi đây biến ảo dưới mắt người và cả dưới ống kính:

Nhưng sức hấp dẫn của Thiksey không chỉ nằm ở cảnh quan tứ bề mà còn cả bên trong mỗi khám thờ tu viện nữa. Lúc này các nhà sư đã đi mở cửa các khám thờ cho chúng tôi vào tham quan.

Thikey xây vào giai đoạn thế kỷ 15, là tu viện thuộc dòng Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect hay Gelugpa Sect) do đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa sáng lập). Bên trong khám thờ lớn của tu viện, du khách sẽ thấy tượng đồng của Thích Ca Mâu Ni Phật (Shakyamuni) cùng các sư tổ của phái Cách Lỗ:

Ngoài khám thờ cũ, Thiksey còn có 1 khu mới xây vào năm 1980 khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đến thăm nơi này, và là khu thờ Phật tương lai Phật Di Lặc (Maitreya). Nổi bật trong khám thờ 2 tầng này là tượng thân của Phật Di Lặc rất đồ sộ và tạo hình ấn chuyển pháp luân cực kỳ đẹp!

Bức tượng này cao đến 15m, cũng là bức tượng lớn nhất toàn Ladakh, mất đến 4 năm để tạc nên họa tiết rất tinh tế, phối màu phô trương sặc sỡ nhưng toát lên vẻ hiền từ thanh khiết. Sau này trong lòng Nubra Valley chúng tôi còn được diện kiến 2 bức tượng thân khác cũng rất lớn nhưng chưa so được với tượng Maitreya bên trong Thiksey. Xung quanh tượng là vô số các ngọn đèn mỡ bò Yak đang cháy sáng, và tất nhiên không thể thiếu khách thập phương đang đi vòng kora quanh tượng.

Ra khỏi khám thờ Phật Di Lặc, nhìn sang bên phải du khách sẽ thấy 1 khu riêng bên trong có thờ 12 hóa thân của độ mẫu Đa La (Tara) và sư tổ Tông Khách Ba, tượng tuy nhỏ nhưng không kém phần tinh xảo:

… Đã đi gần hết Thiksey sau cả giờ đồng hồ, chúng tôi trở ra xe. Đường chạy xuống đồi ngoằn nghèo thoắt cái đã bỏ lại tu viện phía sau lưng. Từ đây nhìn trở lại Thiksey, cậu lái xe cho chúng tôi biết, kiến trúc của Thiksey và một số tu viện trong Ladakh không chỉ đơn thuần là phục vụ cho tôn giáo mà còn mang tính phòng thủ (fort monastery). Điều đó lý giải phần nào địa thế xây các tu viện vùng này thường là nơi hiểm trở, yết hầu trên những đường cái quan hay những khu vực bờ sông lớn.

Tạm biệt Thiksey, chúng tôi tiếp tục hành trình trở về Leh và tiếp cận tu viện cuối cùng trong kế hoạch ngày 2: Shey monastery.

2.3. Shey

Chỉ nằm cách Leh 15km, quần thể Shey Palace đã từng là cung điện mùa hè của vương triều Namgyal giai đoạn thế kỷ 17. Ngày nay, cũng như Leh Palace, người ta gần như không còn tìm được dấu tích gì của 1 chốn đế kinh vang bóng ngày xưa … Vé vào cửa Shey giá 50 INR (theo cậu tài xế cho biết) nhưng khu vực này vắng đến mức không có cả người bán vé, chúng tôi vì thế cũng không vào bên trong mà chỉ đi bộ ngoạn cảnh phía ngoài:

Kể từ khi hoàng tộc Namgyal rời Shey để chuyển về sống tại Stok năm 1842, Shey gần như không được tôn tạo gì, gió bụi thời gian gần như đã bào mòn hết những chiến tích cũ trên đỉnh đồi …

Nhưng bù lại, thiên nhiên lại rất hào phóng với chốn này! Dưới bóng mây trôi lững lờ qua thung lũng, quanh cảnh dưới chân cố cung bừng lên đầy sức sống. Chúng tôi nán lại trên đồi ít phút để ghi lại khoảnh khắc này:

Ấn tượng với phong cảnh quanh Shey lúc này, chúng tôi nhờ cậu tài xế dừng xe bên cạnh dòng Indus chụp vài tấm ảnh:

Được biết khu vực này đang được nước bạn Nhật Bản đầu tư xây dựng, không rõ là xây gì do vẫn chưa thành hình, hy vọng thời gian tới anh chị em nhà Phượt ghé thăm sẽ có dịp xem xét và chia sẻ thêm ^^

Chiều tàn rơi trên thung lũng Indus, dạo chơi dọc bờ sông một lúc chúng tôi đã thấy đói mệt rã rời mà đường về nhà còn hơn 10 cây số nữa … Ngày 2 đi thăm các tu viện quanh Leh kết thúc với bữa tối Ấn Độ tuyệt cú mèo Đêm nay chúng tôi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày thứ 3 và 4 rời Indus Valley đi sang thũng lũng lớn thứ hai của Ladakh: thung lũng Nubra, hứa hẹn còn rất nhiều điều về thiên nhiên và con người xứ này đang đợi chúng tôi khám phá!

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Phần 1)

Ngày 1: Leh – Buổi chiều phố thị

Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Leh khá sớm, đoàn Việt Nam chỉ có 2 mống, mà dưới sân bay đã có 3 nhân viên của khách sạn đợi sẵn, kèm theo rất nhiều tốp lính lăm lăm súng ống, vừa thấy đã rét Sân bay này trước đây là sân bay quân sự, bốn phía xung quanh là tiền đồn và vô số trạm gác, tuy nhiên không khí rất thanh bình, khách du lịch có thể thoải mái chụp ảnh mà không bị hỏi han.

Về đến hotel, chúng tôi ăn sáng nhẹ rồi đi … ngủ theo khuyến cáo của bác chủ khách sạn với lý do để thích nghi với độ cao. Tỉnh dậy lúc 2h chiều, đầu nhức như búa bổ, chúng tôi tu nước như vạc mới đủ sức khăn gói đi chơi quanh thành phố. Một vài hình ảnh hotel Yasmin đơn sơ giản tiện:

Trời chiều thành phố nhiều mây gió lạnh. Ra khỏi hotel đi dạo, chúng tôi bắt gặp những ngõ nhỏ quanh co với 2 bên tường bao thấp lè tè, nhà nào cũng trồng hoa đào trắng trong sân đẹp lạ mắt:

Xuân vẫn còn đâu đây trong lòng thành phố, cũng bởi nhờ những chùm hoa muộn này:

Chỉ trong 1 con hẻm nhỏ mà đã có mấy nhà trọ cho du khách lựa chọn. Giá thuê phòng thường từ 600 INR/đêm (tương đương 14 USD) đến vài ngàn INR, tùy vào việc bạn sẽ tắm vòi hoa sen hay dùng xô đựng nước nóng đun sẵn!

Vì chưa đến mùa du lịch cao điểm, quang cảnh Leh vẫn còn trễ nải lười biếng, đường phố còn ít xe và chưa quá ồn ào. Chúng tôi được “quảng cáo” là trung tuần tháng 8-9 thì chuyện kẹt xe là thường tình ở đây 😀

Các dịch vụ ở Leh đều đầy đủ đến bất ngờ, đổi ngoại tệ tỷ giá tốt hơn sân bay và cũng ko mất commission. Thẻ Credit Card dùng được ở hầu hết các tiệm buôn bán. Tuy nhiên do hay bị mất điện nên nhiều tiệm lấy lý do không có đường truyền để đòi thanh toán tiền mặt. Western Union ở Leh ngoài dịch vụ đổi tiền còn có dịch vụ ứng tiền trên thẻ, Visa-Master-JCB-Amex loại nào cũng chiều, commission rút tiền trước từ thẻ Visa là 4%. Chỉ cần passport là bạn có thể làm được, không cần điền form hay khai báo gì, dịch vụ nhanh chóng và lịch sự. Dịch vụ gọi điện thoại quốc tế ở Leh khoảng 26 INR (~0.6 USD) cho mỗi phút về VN.

Bản đồ tham quan các điểm chính của Leh:

Mới nhìn vào người ta sẽ dễ tưởng tượng ra đây là Lhasa thu nhỏ với cung điện Leh Palace, Stupa gate, Leh Jokhang, và nhiều các điện thờ nhỏ rải rác trong thành phố. Nhưng phải đến tận nơi mới thấy các khu này đều không được bảo quản tốt, nếu không muốn nói phần lớn đã thành phế tích hoang tàn, những dấu ấn xưa của kinh đô Phật giáo giờ chỉ còn phảng phất trong Leh!

1.1. Leh Palace

Từ bất kỳ góc nào của Leh, du khách đều có thể thấy cố cung Leh Palace nằm trên quả đồi thấp trung tâm thành phố. Tuy thế đường lên Leh Palace ngoằn nghèo tốn sức, vé vào cửa là 100 INR mà bên trong đã hoang hóa gần hết …

Xây dựng bởi Tsewang Namgyal – ông vua đầu tiên của vương triều Namgyal (1533-1834) – Leh Palace đã từng được xưng tụng là bản sao của Potala cung do cấu trúc 9 tầng tương đồng, vật liệu cũng từ đá tảng, bùn gỗ … Nhưng đến thế kỷ 19 khi đế chế Namgyal sụp đổ thì cung điện này cũng bị bỏ hoang.

Khám thờ duy nhất và cũng là gian phòng còn nguyên vẹn hiếm hoi của toàn bộ Leh Palace:

Ngày nay du khách lên Leh Palace chủ yếu để nhìn ngắm khung cảnh thung lũng dưới chân nhiều hơn là tìm lại dấu xe ngựa cũ …

1.2. Pháo đài Tsemo

Ở ngọn đồi cao phía sau lưng Leh Palace là cụm pháo đài Tsemo Fort và 1 khám thờ nhỏ thờ Phật Tương Lai Maitreya. Du khách có thể leo trực tiếp từ Leh Palace lên, hoặc chạy xe vòng quanh quả đồi để đi lên. Lonely Planet sử dụng cách đầu tiên nhưng chúng tôi thì đã đủ chóng mặt nên chọn cách di chuyển thứ hai.

Khung cảnh trên Tsemo Fort cũng vắng lạnh không kém gì người hàng xóm Leh Palace:

Vì nằm cao hơn Leh Palace, cũng có thể xem là chỗ cao nhất trong lòng thành phố, pháo đài Tsemo cho người ta cái nhìn khoáng đạt. Phía Tây pháo đài:

Còn phía Đông pháo đài nhìn thẳng vào 1 công trình kiến trúc nhân tạo khác – tháp Hòa Bình (Shanti Stupa) nằm ở quả đồi thấp hơn xa xa – cũng là 1 điểm mà ai cũng đến, tuy không có gì đặc biệt Đúng là ngó bên ni đồng mênh mông bát ngát mà ngó bên tê đồng cũng bát ngát mênh mông …

1.3. Shanti Stupa

Cũng giống như rất nhiều các tháp Hòa Bình khác được dựng lên ở Tây Tạng, Nepal, Srilanca …, người Nhật đã khéo léo chọn nơi đắc địa để xây Shanti Stupa ở Leh. Stupa này đã đứng đây từ năm 1985.

Từ Shanti Stupa nhìn về phía Bắc là một phần dãy Ladahk Range:

Còn dưới chân Stupa là các thưở ruộng canh tác của người dân Leh, mới nhìn thì thấy toàn đất cát sỏi, không rõ họ cày bừa kiểu gì …

Sát Tháp Hòa Bình là khu điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, tuy nhỏ nhưng được bảo quản bài trí rất nghiêm cẩn và rực rỡ

Mới đó đã sắp tắt nắng, chúng tôi xuống đồi về lại khách sạn. Trời chiều nhiều mây, không khí lại se lanh, chợ cũng sớm tàn để mọi người về nhà quấn chăn.

Từ ban công phòng tôi nhìn ra phong cảnh rất hữu tình, khó mà vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ được ^^

Do điều kiện khan hiếm, ở Leh thường xuyên bị cắt điện, và giờ có điện thường từ 6h tối đến sau 12h khuya là lại cúp 😀 Chúng tôi về đến khách sạn thì cũng vừa lúc có điện, trong lòng lấy làm may mắn lắm, định tẳm giặt trước khi đi ăn tối, ai dè nước chưa kịp nấu! Đợi một lúc sau thì 1 em giai gõ cửa phòng xách vào 2 xô nước nóng vừa đun! Cảm giác vừa tắm vừa nhìn núi tuyết xa xa quả là khó tả, rét run người bởi lạnh từ trong đầu lạnh ra …

Bóng tối trùm lên Leh rất nhanh, phố phường kiệm đèn, cửa hàng đóng sớm, không ồn ã như các nơi khác, Leh gần như im lặng hoàn toàn. Có lẽ chỉ còn quán ăn là nhộn nhịp. Nếu bạn là người thích ẩm thực thì Leh chắc sẽ làm vừa lòng bạn ^^ Quán ăn trên phố đều có các món Ấn Độ, Trung Quốc, và món Âu nấu vừa khẩu vị cho mọi khách du lịch, giá cả phải chăng. Trung bình 1 bữa ăn cho 2 người (kể cả đồ uống) khoảng 400 INR (~10 USD).

Chúng tôi leo lên giường sớm hơn bình thường, chuẩn bị cho ngày 2 sẽ rời Leh đi thăm các tu viện Phật giáo nổi tiếng trong vùng. Lúc này mới có 8 giờ 30 tối (giờ VN) ngày Quốc tế Lao động, phố phường quê mình chắc hẳn đông đúc lắm!

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Phần 0)

1. Đôi dòng giới thiệu sơ lược về Ladakh

Không phải chờ đến lúc bộ phim ‘3 Idiots‘ ra mắt và được hâm mộ trên toàn thế giới thì những hình ảnh đẹp mê người của vùng phía Tây dãy Himalaya mới làm cho người ta say đắm. Với người Ấn Độ, toàn bang Jammu & Kashmir từ lâu luôn được coi là chiếc vương miện của đất nước, và bên trong J&K thì Ladakh là thiên đường của sự sống, đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lonely Planet vinh danh Ladakh là 1 trong 10 nơi phải đến cho những người đang yêu và cả kẻ thất tình!

Ladakh nằm ở đâu trên bản đồ Ấn Độ?

Có lẽ ít đất nước nào làm cho người ta choáng ngợp bởi sự phong phú về địa hình, khí hậu, lịch sử, văn hóa như Ấn Độ. Trong đó chiếc vương miện của Ấn Độ – J&K – nằm ở vị trí cực kỳ nhạy cảm và trọng yếu. Phía Tây giáp với Paskitan, phía Đông giáp với Trung Quốc; cả 2 đường biên giới Tây-Đông này cho đến nay vẫn chưa được phân định rõ ràng và đã từng là điểm nóng giao tranh nhiều thế hệ. Lọt thỏm vào giữa dãy Karakoram chạy bên phải và dãy Zanskar chạy bên trái, toàn bộ Ladakh như được 2 bức tường tự nhiên bảo vệ thoát khỏi mọi biến cố xung đột quân sự. Người ta càng nhắc đến biên giới Kashmir nóng bỏng bao nhiêu thì ngược lại càng đề cao tính an toàn yên tĩnh của riêng Ladakh bấy nhiêu. Cho đến những năm 1970 khi chính phủ Ấn Độ chính thức mở cửa Ladakh cho du khách trong và ngoài nước được thăm quan du lịch thì người ta mới có điều kiện kiểm chứng sự độc đáo này.

Về mặt lịch sử địa lý, Ladakh chắc không xa lạ với những thương nhân trên con đường tơ lụa huyền thoại kết nối Trung Hoa – Ấn Độ đến tận Địa Trung Hải. Từ Tân Cương vượt qua dãy Karakoram, người ta đặt chân vào Ladakh và chắc chắn sẽ bị mê hoặc bởi chất lượng hảo hạng của lụa Cashmere (còn có tên khác là Pashmina) cắt từ lông của loài dê núi nuôi trên những vùng tuyết phủ quanh năm của Ladakh. Không phải tự nhiên mà nhắc đến nơi đây, du khách đều ước ao sở hữu nhưng tấm khăn choàng, áo len Pashmina cực nhẹ và cực ấm. Có 1 điều đáng tiếc nhỏ, do kỹ thuật thêu tay của người Ladakhi chưa cao nên cho đến ngày nay, lông dê sau khi được cắt từ Ladakh vẫn được chuyển về Srinaga hay Jammu để làm thành thành phẩm cuối, rồi bán lại với giá khá cao 😀

2. Đường vào Ladakh

Về mặt hành chính, bản thân Ladakh được chia ra làm 2 khu: Kargil và thủ phủ Leh. Nhưng tự nhiên lại có 1 sự phân định khác cho Ladakh, đó là sự phân chia bởi những thung lũng và dòng sông. Tổng quan Ladakh gồm 3 thung lũng chính: Shyok, Nubra, và Indus. Còn tôn giáo ở Ladakh tự nó có cách chia của riêng mình: một phần lớn chủ yếu theo đạo Hồi dòng Shia (Shia sect, Ladakhi Muslims) sống bên phía Tây của Ladakh gần Kargill; một nhánh nhỏ theo đạo Hồi dòng Sunni (Sunni sect) sống ở thủ phủ Leh; và số lượng rất đông đảo tín đồ Phật giáo sống ở Leh mà tôi xin gọi là Ladakhi Buddhism bởi đây là sự kết tinh lâu đời của tín ngưỡng Phật giáo Kashmir (Kashmiri Buddhism) với cổ giáo Bon và Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism) đã làm Ladakh đặc biệt trở thành 1 vương quốc Phật giáo kỳ thú tuy có nhiều điểm tương đồng với người anh em Tây Tạng nhưng bản thân nó vẫn có những nét riêng biến ảo mà tôi xin dành viết cụ thể hơn ở các bài sau.

Đối với khách du lịch, có 2 cách để vào Ladakh: đường bộ hoặc đường hàng không.

a) Đường bộ: có 2 tuyến chính Srinaga-Kargil-Leh và Manali-Leh.

– Chạy từ Tây sang Đông, tuyến Srinaga-Kargil-Leh dài hơn 420km chạy qua 2 độ cao chính là Zoji La (~3500m) và Fotu La (~4100m) thường cần khoảng 2 ngày để đi hết, nghỉ 1 đêm ở Kargil.

– Tuyến thứ 2 Manali-Leh dài gần 480km ngày nay trở nên phổ biến hơn, cho phép du khách di chuyển từ Delhi qua bang Himachal Pradesh rồi bắt đầu công cuộc chinh phục những độ cao nằm giữa Manali và Leh như: Rohtang La (~3978m), Baralacha La (~4895m), Lachang La (~5060m), Tanglang La (~5360m). Tương tự tuyến 1, tuyến 2 này cần trung bình 2 ngày, nghỉ đêm giữa đường ở trấn Sarchu hoặc Keylong.

Do tính chất khí hậu nhiều tháng tuyết phủ nên 2 đường bộ này thường chỉ mở cửa từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10 hàng năm. Bang J&K có hẳn 1 site riêng để du khách và lái xe kiểm tra điều kiện đường mở hay đóng vào các thời điểm trong năm: http://leh.nic.in/

Một cảnh thường thấy trên các tuyến đường bộ của vùng Ladakh khi tuyết chưa tan hết:

b) Đường hàng không: bởi không phải lúc nào cũng có thể di chuyển bằng đường bộ nên bay luôn là sự lựa chọn nhanh chóng nhất (nhưng chưa chắc an toàn nhất) cho du khách muốn đến Leh. Cũng vì thế mà việc bay từ Delhi đến Leh tuy phổ biến và chỉ kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ nhưng giá vé (trung bình 100USD/chiều) được coi là cực kỳ đắt so với mặt bằng trung giá vé nội địa Ấn Độ.

Có 4 hãng hàng không bay vào/ra Leh:

GoAir: http://www.goair.in – Thể loại: HK giá rẻ, không có đồ ăn, ít chuyến, thường hoãn nhất trong số 4 hãng

Air India: http://www.airindia.in – Thể loại: HK giá rẻ, không có đồ ăn, số lượng chuyến cũng không nhiều và hay có đình công nên lịch bay khó tin cậy

Jet Airways: http://www.jetairways.com – Thể loại: HK chất lượng cao, giá đắt hơn GoAir và AirIndia, đồ ăn ngon và phong phú, hiếm khi hoãn hay trễ chuyến

King Fisher: http://www.flykingfisher.com – Tương tự Jet Airways, nhưng tiếp viên xinh hơn, được coi là 1 trong những hãng HK nổi tiếng về việc tuyển chọn tiếp viên cực xinh 😛

Cả 4 hãng trên đều đặt chỗ online và xuất vé điện tử. Riêng JetAirways và KingFisher còn cho phép chọn trước chỗ ngồi khi làm web check-in nên có thể sắp xếp ngồi cạnh cửa sổ ngắm cảnh khi bay vào/ra Leh. Các hãng đều tăng chuyến (2-3 chuyến/ngày) trong những mùa du lịch Ladakh (tháng 5 đến tháng 10), thời gian bay vào thường khá sớm (6am, 7am ..) và thời gian bay ra thường là sau buổi trưa nên rất tiện lợi cho khách du lịch.

Bay vào Leh lúc 6h sáng khi mặt trời mới ló:

Trong chuyến đi lần này, tôi có dịp thử qua 2 hãng này và người bạn đồng hành thì bay vào bằng GoAir, mọi chuyến bay đều nhanh chóng, đúng giờ, an toàn, và đắt. Có 1 lưu ý nhỏ là độ cao của Leh khoảng 3600m so với mực nước biển nên ai cũng xây xẩm mặt mày và khó thở! Thêm vào đó là khí hậu Ladakh lạnh hơn so với các vùng khác của Ấn Độ nên mọi người nên chuẩn bị sẵn áo ấm khi xuống sân bay.

Ngoài ra do tính chất phức tạp của vùng Kashmir nên việc kiểm tra an ninh khi bay vào/ra Leh lâu hơn bình thường, tuy nhiên hoàn toàn không có gì phiền hà. Du khách chỉ được mang máy ảnh, điện thoại, laptop và đồ quý giá trong hành lý xách tay lên máy bay. Còn quần áo, đồ ăn, đồ dùng cá nhân, mỹ phẩm, thậm chí cả pin máy ảnh thừa đều được hướng dẫn cho vào hành lý gửi. Nói túm lại là đồ xách tay càng gọn nhẹ càng tốt để khỏi mất công mở hết ra kiểm tra.

3. Hành trình của chúng tôi trong chuyến du ký lần này

– 29/4: đáp máy bay Sài Gòn – KL chuyến 9.10pm-12am

– 30/4: bay AirAsia chặng KL-Delhi 5.40pm-8.40pm. Thời gian thực bay khoảng 5 tiếng 30’, chênh lệch múi giờ 1.5 tiếng

– 1/5: sáng sớm bay JetAirways chặng Delhi- Leh 5.40am-6.55am. Nghỉ ngơi đến trưa, chiều bắt đầu đi quanh Leh thăm Leh Palace, Palace Gompas, Jama Masjid, dừng chân ngắm Leh từ Shanti Stupa

Chúng tôi mua tour của Yasmin Hotel 7 ngày 6 đêm bao gồm: bữa sáng, phòng đôi, xe và lái xe đi tất cả các điểm theo lịch trình dự kiến chúng tôi đặt ra, vé thăm qua mọi địa điểm, permit vào Nubra Valley và Pangong Lake, nghỉ 1 đêm trong Nubra Valley, cưỡi lạc đà ở làng Hunder. Gần như tất cả mọi thứ, trừ bữa trưa và bữa tối.

Giá Yasmin có thể coi là rẻ nhất trong những hotel và agency tôi liên hệ, tổng cộng 26,000 INR cho 2 người, tương đương 600 USD cho 2 người. Việc book tour thong qua email, không đặt cọc tiền, thanh toán mọi chi phí sau chuyến đi trực tiếp ở hotel, trả bằng đồng Rupee hay USD đều được. Tỷ giá trung bình trong thời gian chúng tôi ở Leh là 1 USD = 43.2 Rupee (chú ý: bạn có thể mặc cả tỷ giá chút đỉnh nếu đổi nhiều).

Chú ý: hoàn toàn ko bắt buộc phải mua tour hay thuê guide bên trong Ladakh nói riêng và Kashmir nói chung. Du khách tự do đi lại và khám phá theo ý thích. Một số khu vực cần permit cho người nước ngoài như Nubra Valley, Pangong Lake, Tso Mori Lake thì permit có thể xin trong Leh dễ dàng. Cách di chuyển giữa các điểm ở Leh chủ yếu là taxi, có thể thuê theo từng chặng hoặc thuê vài ngày. Ngoài ra bus cũng có nhưng tần suất thấp, có lẽ chưa phải mùa du lịch cao điểm (tháng 6 -> tháng 10) nên chúng tôi ít gặp xe buýt địa phương chạy đưa đón du khách. Ngoài ra các bạn Ấn Độ còn rất thích tự thuê xe máy lái nhưng chúng tôi không dám liều vì sợ rét và mù đường 😀

– 2/5: đi về phía Đông Nam thành phố, đến thăm 3 tu viện nổi tiếng trong vùng: Hemis (cách Leh 40km), Thiksey (cách Leh 19km), Shey (cách Leh 14km)

– 3/5: đi Nubra Valley cách Leh 120km. Tuy quãng đường không dài nhưng cheo leo gian khổ. Vượt Khardung La pass (5400m) vào giữa trưa, buổi chiều xuôi về sườn Bắc của đèo đến thăm tu viện Diskit, cưỡi lạc đà 2 bướu ở Hunder và nghỉ 1 đêm ở đây

– 4/5: từ làng Hunder lái xe đến thăm làng Sumur và tu viện Samstaling rồi lại qua Khardung La trở về Leh

– 5/5: khám phá hướng Tây của Leh, đi thăm tu viện cổ xưa nhất của Leh: Lamayuru. Trên đường về dừng chân ở Alchi thăm làng Alchi và tu viện Alchi (cách Leh khoảng 70km).

– 6/5: khởi hành từ sáng sớm và dành ra nguyên ngày đi hồ Pangong cách Leh hơn 160km.

(Thường trong các ngày ở Leh, khoảng 6h chiều là chúng tôi đã về đến thành phố nên buổi chiều tối thả sức dạo chơi ăn uống và mua sắm. Internet của Leh nhanh hơn mong đợi, Facebook không bị chặn, còn đt Quốc tế thì cước phí rẻ không tin nổi!)

– 7/5: sáng 10.30am bay Kingfisher chặng Leh-Delhi. Hạ cánh lúc 12h chiều, đi lòng vòng tắm nắng trong thành phố, ngắm Ấn Độ “thân quen”, ghé Humayaun Tomb chụp ảnh rồi quay lại sân bay đáp chuyến bay 9.55pm đi KL

– 8/5: sáng 6am đến KL Malaysia, từ đây về nhà thì ai cũng biết 😀

===

Hẹn gặp lại bạn đọc trong bài viết ngày đầu tiên về Leh – thủ phủ Ladakh ^^

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Lời bạt)

Chúng tôi cởi bớt áo len, tạm biệt cái lạnh tê người của Ladakh để đáp chuyến bay về lại Delhi nắng cháy. Chuyến bay dài chưa đầy 55′ chứa đựng nhiều điều bất ngờ hơn tôi nghĩ. Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông đứng tuổi điềm đạm và có khuôn mặt đặc trưng của người Ladakhi. Sau khi chào hỏi và được biết tôi từ Việt Nam đến, ông rất bất ngờ và dành toàn bộ thời gian trên chuyến bay để chuyện trò và kể cho tôi nghe những kỷ niệm “nhỏ” mà ông đã có với người Việt Nam …

Năm 1984, khi đó ông còn là đại diện ngoại giao của vùng Ladakh, bang Jammu & Kashmir, ông tiếp xúc với người Việt Nam lần đầu tiên (ông phát âm rất chuẩn cái tên Việt Nam này), đó là cố bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi đó cùng một số tướng lĩnh cao cấp có chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ và dành 4 ngày để đi quanh khu vực Kashmir, ông là trưởng phái đoàn đón tiếp và là lần đầu chính thức đón người Việt Nam đến Ladakh …

Bố của ông trước đây là đại sứ Ấn Độ tại Mông Cổ, chị gái ông học tiếng Nga ở thủ đô Ulanbato. Trong 1 lần đi thăm chị mình, ông được 1 người bạn của chị ông nấu mời 1 bữa cơm trưa. Đó là 1 lưu học sinh Việt Nam tại Mông Cổ mà ông chỉ còn nhớ được tên là “Hạnh”, cũng là lần đầu ông được ăn món ăn Việt Nam mà ông ấn tượng đến tận bây giờ.

Mới đó mà đã gần 28 năm … Ông nói với tôi sản vật đến từ Việt Nam gần gũi nhất với gia đình ông bây giờ là cá basa! Cá basa được được bầy bán rất nhiều ở các chợ vùng Ladakh và được người dân ở đây ưa chuộng bởi giá cả hợp lý và chất lượng hảo hạng 🙂

Chúng tôi tiếp tục trao đổi về những chuyện thường nhật, về gia đình và những điều cá nhân. Lúc máy bay sắp hạ cánh, ông trầm ngâm nói 1 điều làm tôi ấn tượng mãi: thế hệ của tôi và con trai con gái ông rất may mắn! Đúng thế, tôi thấy mình may mắn được sinh ra trong 1 thành phố anh hùng giữa 1 đất nước anh hùng, giống như con cái ông vậy. Tôi lớn lên khi tiếng súng gươm đã lui vào quá khứ, và chỉ được nghe về Kashmir cùng những chiến sự xung đột giữa Ấn Độ – Pakistan nhưng chưa bao giờ thực sự biết về miền đất đó. Hôm nay tôi xin dành bài viết này để viết về 1 góc nhỏ của Kashmir – vùng Ladakh – nơi đây, tôi biết rằng, bình minh yên tĩnh ^^

=====

Một vài hình ảnh giới thiệu về vùng Ladakh, tháng 5 năm 2011:

Những ngọn núi cao cheo leo …

… hay những thung lũng xanh mùa tuyết tan

… Cuộc sống thanh bình dưới chân dãy Karakoram:

… Và đặc biệt những di chỉ Phật giáo hiện hữu khắp nơi nơi:

… Một Ấn Độ rất khác so với những gì tôi đã hình dung!

Nepal Du Ký – Phần 3: Xưa cũ Bhaktapur

Trở lại với bạn đọc trong bài tiếp theo của phần 3, trong buổi sáng sau khi thăm làng Changu Narayan, chúng tôi tiếp tục đến với đô thị cổ Bhaktapur – niềm tự hào của người Nepal – luôn được mệnh danh là Thành phố văn hoá Newari (The City of Culture)

Một đoạn tự trào phỏng thơ bác Bảo Sinh trước khi vô đề:

Đi xem đất nước Nepal
So ra gái đẹp thua xa nước mình
Còn như miếu mạo cung đình
Không xem cũng biết rằng mình kém xa …

Đôi nét lược sử đô thị cổ Bhaktapur: nằm trên con đường buôn bán nối liền Tây Tạng và Ấn Độ, Bhaktapur đã sớm có mặt trên bản đồ thế giới từ thế kỷ 12 dưới triều đại vua Ananda Malla; sau đó gần 500 năm, nơi đây trở nên hùng mạnh trù phú hơn, dấu tích dễ thấy nhất chính là quần thể Quảng trường cung điện (Dubar Square – tiếng Nepal ‘Dubar’ có nghĩa là ‘Palace’, hay ‘cung điện). Trong những lúc cường thịnh nhất của phố thị Bhaktapur, lịch sử đã ghi lại hơn 170 đền thờ miếu mạo cùng vô vàn chạm trổ điêu khắc kỳ thú trong quần thể thành phố và quảng trường. Ngày nay du khách đến Nepal sẽ có dịp chiêm ngưỡng những di sản văn hoá còn bảo tồn được giữa lòng Bhaktapur mà tuổi đời đã hơn vài trăm năm có lẻ.

Khu vực trung tâm của Bhaktapur là Dubar Square. Cụm từ ‘Dubar Square’ sẽ còn trở đi trở lại trong nhiều bài viết sắp tới, bởi xu hướng chung của các triều đại phát triển rực rỡ ở Nepal là xây dựng những quảng trường với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, là sự phô diễn về sức mạnh, cũng là tôn vinh văn hoá Hy Mã. Kết quả là chúng ta sẽ có nhiều dịp đi bộ mỏi chân và lạc giữa các đền thờ và tượng tháp 😀

Bác tài xế nhiệt tình đưa chúng tôi vào tận cổng chỉ chỗ mua vé kèm theo lời dặn cứ đi cho mỏi chân rã cẳng đi, 2 tiếng nữa mệt rồi thì quay ra! Lúc đầu tôi tưởng bác tài nói đùa vì không nghĩ Bhaktapur lại rộng đến mức đi bộ 2 tiếng mới xuể, nhưng phải hơn 2 tiếng sau tôi mới có thời gian nghỉ ngơi và kiểm chứng rằng mình đã … sai. Theo Cổng Sư Tử (Lion Gate, theo cách gọi của Lonely Planet – Nepal), chúng tôi rảo bước đi vào Bhaktapur giữa lúc mặt trời đã chói chang cận trưa:

Con đường đi vào có đoạn dốc lên thoai thoải, các bạn Nepal phóng xe máy vèo vèo trên đoạn này 😀

Khung cảnh thanh bình bên ngoài cổng Lion Gate:

Giá vào cửa của Bhaktapur đắt kinh khủng! 750 NPR (~10 USD), là vé thăm quan đắt nhất toàn Nepal, trong khi đó giá cho các nước láng giềng như Trung Quốc, Bhutan, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Srilanka, Maldives thì chỉ có 50 NPR! Thẻ sinh viên quốc tế hay thẻ doanh nhân APEC hay thẻ xanh của Mỹ đều không có tác dụng ở đây …

Sau cổng soát vé Lion Gate là khuôn viên chính của Bhaktapur, nơi du khách sẽ gặp vô số những tượng đá lớn hay chạm trổ điêu khác trên gỗ, trên đá … mà tôi dù rất cố gắng nhưng vẫn bị bỏ sót không kịp ghi lại và tìm hiểu xem chúng tương ứng với vị thần nào hay truyền thuyết nào của đạo Hindu.

Quảng trường Dubar Square của Bhaktapur hiện ra giữa nắng trưa gay gắt nhưng cũng không ngăn được dòng người đổ ra đi bộ, phần vì mải mê chụp ảnh, phần vì ‘tiếc’ giá vé đắt mà phải đi cho bõ 😀

Một vài hình ảnh các đền thờ khi đi bộ vào quảng trường:

Kedarnath Temple (đối chiếu theo bản đồ Lonely Planet – Nepal):

Bên trái quảng trường là Phòng trưng bày Nghệ thuật Nepal (National Art Gallery) – vé vào cửa 100 NPR + vé máy ảnh 50 NPR phải mua thêm:

Cổng vào bảo tàng bên trái là tượng sư tử đực và tượng Hầu vương Hanuman 4 tay có từ thế kỷ 17; bên phải là tượng sư tử cái và bức tượng thần Vishnu trong hoá thân Narasimha nửa người nửa sư tử (đã có dịp đề cập với bạn đọc trong bài viết về Changu Narayan phần trước):

Liền kề Gallery là cánh Cổng Vàng (Golden Gate hay Sun Dhoka) sẽ dẫn du khách vào Cung điện 55 cửa sổ (55 Windows Palace). Cánh cổng được trang trí cực kỳ đẹp với các hoạt tiết bằng đồng mạ vàng của Garuda – con vật cưỡi của thần Vishnu, các stupa cách điệu, sư tử, voi … cùng tượng nhỏ 4 đầu 10 tay của thần Taleju Bhawani – được coi là thần bảo hộ của vương triều Malla. Thoạt trông cánh cổng này ít ai nghĩ rằng nó đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 17, đến nay đã hơn 400 tuổi!

Phía trước Golden Gate, ở vị trí trung tâm quảng trường là cột đá lớn, trên đỉnh là tượng thân đồng của vua Bhupatindra Malla, vị vua trị vì Bhaktapur vào thế kỷ 17:

Cột đá vua Bhupatindra Malla dựng ngay trước đền thờ đá Vatsala Durga mang phong cách kiến trúc Ấn Độ với quy mô không lớn nhưng chạm trổ rất cầu kỳ tinh xảo từ tầng đáy lên ngọn tháp:

Phía trên đền thờ là chuông lớn Taleju Bell dựng từ những năm 1737 để đánh những buổi cầu nguyện sáng và tối:

Đứng ở vị trí đền thờ đá Vatsala Durga nhìn sang bên phải du khách sẽ thấy giếng nước đá nằm liền kề với đền Pashupatinath thờ thần Shiva, đây là bản sao của đền thờ lớn Pashupatinath nổi tiếng của Nepal (nằm bên bờ sông Bagmati phía Tây thủ đô):

Nếu nhìn sang trái, du khách sẽ bắt gặp ngay 1 kiến trúc bắt mắt thú vị khác: tháp Chyasilin Mandap 10 mái:

Đi bộ tiếp, chúng tôi bắt gặp ngôi đền Siddhi Lakshmi bằng đá đặc trưng phong cách Bắc Ấn (Shikhara Style):

Xin cùng bạn đọc tản mạn đôi dòng về những kiến trúc thường gặp ở Nepal trước khi tiếp tục khám phá Bhaktapur kẻo mọi người sẽ thấy nhàm chán bởi quanh quanh các đền thờ cung điện đều có vẻ hao hao nhau 😀 Nằm gọn dưới chân dãy Hy Mã lại chịu ảnh hưởng đa phương từ những nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng; Nepal dung nạp trong mình 1 sự đa dạng văn hoá mà thể hiện mạnh mẽ nhất chính là trong kiến trúc. Người ta chia kiến trúc chính ở Nepal ra 3 dạng lớn:

+ Pagoda Style: với mái chồng nhiều tầng, có thể thấy trong các công trình như Changu Narayan, giữa các Dubar Square của Bhaktapur, Patan, hay Kathmandu
+ Stupa Style: với cấu trúc dạng tháp luôn gặp trong Phật giáo Tây Tạng, thể hiện rõ nhất qua kiến trúc của đền Swayambhunath hay tháp Boudhanath của Nepal (sẽ được giới thiệu cụ thể hơn trong các bài viết tới)
+ Shikhara Style: được cho là bắt nguồn từ kiến trúc đền Hindu vùng cao nguyên Bắc Ấn. Đền Siddhi Lakshmi là 1 công trình như vậy; sự cầu kỳ của Shikhara Style thể hiện không chỉ trong kiến trúc ngôi đền mà còn là các bức tượng người và vật bằng đá chia ra xếp theo mỗi bậc thang lên đền:

Đối diện với đền Siddhi Lakshmi là dãy hành lang gỗ dài rất đẹp với cột kèo tinh xảo nhẵn bóng dấu thời gian:

Công cuộc thăm thú và chụp ảnh Bhaktapur của chúng tôi tạm thời gián đoạn thú vị vì những bạn nhỏ Nepal dễ thương đang nô đùa chơi trong khu vực này của quảng trường, gửi đến bạn đọc vài tấm ảnh ngoài lề:

Đi qua Siddhi Lakshmi, du khách sẽ đến 1 khoảng sân rộng khác kém phần hào nhoáng hơn, đánh dấu bằng cặp đôi sư tử đá có phần lạc lõng 😀

Nổi bật nhất trong khu vực này là đền Fasidega Temple thờ thần Shiva có màu trắng toát, toạ lạc trên 6 tầng đế xây gạch nung đỏ, 2 bên bậc thang có đặt tượng voi, sư tử và bò rất oai vệ. Đây cũng là vị trí cao nhất trong quần thể Bhaktapur mà du khách có thể đứng ngắm quanh quảng trường.

Đồng hồ lúc này đã chỉ chính Ngọ, mải mê lang thang và chụp ảnh, chúng tôi đã tiêu tốn hơn 1 giờ đồng hồ. Đuối sức dưới trời nắng gắt, chúng tôi quyết định tránh nắng bằng cách đi xuyên qua các ngõ nhỏ nối khu vực Dubar Square với khu vực nổi tiếng thứ 2 của đô thị Bhaktapur: Taumadhi Tole. Bên trong các ngõ nhỏ này là các cửa hiệu bán đồ lưu niệm Nepal, quán ăn và nhà trọ dày đặc, thích hợp với du khách muốn mua sắm và nghỉ chân:

Quanh quanh bàn cờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Taumadhi Pole; khác với không khí ở Dubar Square nơi toàn khách du lịch nước ngoài, nơi đây nhộn nhịp và sầm uất với sự hiện diện của người bản xứ đang tấp nập sinh sống bán buôn:

Nằm ở vị trí đắc địa và là quán lớn nhất có thể nhìn thấy giữa Taumadhi Tole là cafe Nyatapola, nhưng chất lượng phục vụ bên trong thì kém xa hình thức bên ngoài, khuyến cáo các bạn có dịp ghé qua Bhaktapur đừng nên phí tiền và thời gian ghé qua quán này 😀

Chỉ vài bước chân từ cafe Nyatapola, du khách sẽ gặp đền Bhairabnath Temple cao 3 tầng, là nơi thờ Bhairab – hiện thân sức mạnh của thần Shiva:

Cái tên thần Shiva – Đấng huỷ diệt đã quá quen thuộc với bạn đọc vì đây là 1 trong 3 vị thần quan trọng nhất của Hindu giáo (Brahma, Vishnu, Shiva). Hiện thân Bhairab của thần Shiva không chỉ được thờ phụng bởi Hindu giáo mà còn xuất hiện trong Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Tây Tạng. Tượng thờ Bhairab ở Nepal hoàn toàn tương đồng với bức tượng tôi có dịp chụp bên trong Thập Vạn Phật Tự (Kumbum) khi đi thăm trấn Gyantse, vùng Tsang của Tây Tạng lần trước; xin đăng lại ảnh bức tượng để bạn đọc tham khảo:

Bên cạnh đền Bhairabnath, nổi bật nhất giữa Taumadhi Tole là đền thờ Nyatapola Temple có cấu trúc tháp với 5 mái lớn vươn cao ngạo nghễ trên nền đáy 6 tầng cực kỳ đồ sộ; cũng là ngôi đền cao nhất toàn Nepal:

Đền Nyatapola tuân theo kiến trúc Pagoda Style, cũng là kiến trúc quan trọng nhất trong 3 hình thái lớn của Nepal bởi nó ra đời từ kết tinh của tài năng và sự sáng tạo miệt mài của người Nepal qua nhiều thời kỳ, đã phôi thai ra 1 phong cách độc đáo và biểu trưng cho đất nước họ. Cũng vì thế mà đi khắp Nepal, du khách sẽ thấy các đền thờ xây theo Pagoda Style chiếm số lượng lớn nhất; và bản thân Quốc kỳ Nepal cũng có hình dạng của Pagoda Style!

Người Nepal còn tự hào về sự du nhập của Pagoda Style vào Trung Hoa mà công đầu phải nhắc đến cái tên nghệ nhân Balabahu (hay Araniko) – người sinh vào thế kỷ 13, đã có công đưa 80 nghệ nhân khác vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn, khi ông mới 17 tuổi, vào Trung Nguyên để xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc di sản theo lời mời của hoàng đế Trung Hoa khi đó, không ai khác là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (Kublai Khan). Giai đoạn Hốt Tất Liệt tại vị (1260-1294) cũng chính là khi Tây Tạng đang ở kỳ Phật giáo Hậu truyền, thời gian mà tông giáo Tát Ca (Sakya Sect) – 1 trong 4 tông giáo lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng – đang cực thịnh do có Nguyên triều bảo hộ (Xem thêm Tổng quan Phật giáo Tây Tạng đã đăng ở loạt bài cũ). Cùng lúc với Araniko vào Trung Nguyên gặp Nguyên Thế Tổ, lịch sử còn ghi nhận cái tên nhà thám hiểm người Italy Marco Polo đã du hành đến Trung Hoa. Phải chăng 2 con người kiệt xuất này đã gặp nhau giữa Bắc Kinh?

Ngày nay ở thủ đô Bắc Kinh vẫn còn tượng thờ Araniko. Tên của ông cũng được đặt cho đường phố ở Kathmandu. Và gần đây nhất, ở hội chợ Shanghai Expo 2010, trong tháp Nepal Pavilion có riêng 1 khu ‘Nepal Araniko Center’ vinh danh người nghệ nhân tài hoa này (Tham khảo thêm American Chronicles)

Trở lại với Taumadhi Tole của Bhaktapur, chúng tôi đi bộ xung quanh khu vực này ngắm nghía những kiến trúc mới cũ đan xen, những khung cửa sổ cầu kỳ tinh xảo, những gallery tranh màu sắc mạnh mẽ sống động mang phong cách cao nguyên độc đáo:

… Nhắm không nên nấn ná thêm nữa vì đã quá giờ hẹn với bác tài xế, chúng tôi rời Taumadhi Tole trở ra theo đường cũ, đi qua Dubar Square và ra khỏi Bhaktapur theo cổng Lion Gate trong tâm trạng vương vấn vì vẫn chưa khảo cứu được hết những di tích văn hoá bên trong đô thị cổ. Riêng tôi còn có 1 điều rất tiếc là không chọn mua một bức tranh bày bán ở đây để đem về làm kỷ niệm bởi biết đến bao giờ mới có dịp thăm lại Bhaktapur xưa cũ này …

Hình ảnh cuối cùng về Bhaktapur mà tôi chụp được trước khi lên xe rời nơi đây:

Tạm biệt thành phố văn hiến của thung lũng Kathmandu nơi lưu giữ niềm tự hào của người Nepal xuyên suốt nhiều thế kỷ, chúng tôi lại lên đường đến với Patan hùng tráng mà chi tiết xin hẹn bạn đọc ở bài viết lần sau ^^