Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (Tản mạn)

1. Tiền vé (sau mọi loại thuế, phí dịch vụ):

– Vì mục đích phải đến được biên giới Đan Đông (Dandong) nên từ VN qua đoàn phải đi qua vài lần trung chuyển. Các chuyến nội địa đến Dandong chủ yếu xuất phát từ Bắc Kinh hay Thượng Hải.

1.1. Vé Saigon/Hanoi đi Thượng Hải có thể mua từ Ctrip hoặc mua qua các đại lý vé máy bay ở Việt Nam. Ctrip có lợi thế là đặt và thanh toán online, giá rẻ hơn qua đại lý VN, bù lại điểm yếu là nếu cần cancel hay thay đổi phút cuối là phải … gọi sang Trung Quốc 😀 (có nói tiếng Anh). Còn nếu mua đại lý thì giá cao hơn nhưng cần thay đổi có thể gọi trực tiếp đại lý và yêu cầu dễ hơn.

Cho đoàn Sài Gòn, vé Ctrip chặng Saigon-Thượng Hải 2 chiều tổng cộng: 2708 RMB

1.2. Sau khi đến được Thượng Hải, cả đoàn còn bay 1 chặng Thượng Hải – Đan Đông nữa, vé cũng mua từ ctrip luôn: 2410 RMB

– Đến trước ngày khởi hành khoảng 1 tuần, Ctrip báo lại: chặng đi Shanghai-Dandong huỷ chuyến vì bão Muifa, chỉ còn giữ lại chuyến về Dandong-Shanghai thôi, họ refund lại: 1318 RMB, coi như chỉ còn vé Dandong-Shanghai giá 1092 RMB

– Đoàn quyết định chuyển hướng bay Thượng Hải – Thẩm Dương (Shenyang) chiều đi, rồi từ Thẩm Dương đi xe buýt 300km đến Dandong. Cũng vì bão mà chuyến đi từ Sài Gòn bị trễ liên tục 2 lần, đến Thượng Hải muộn so với giờ bay đi Thẩm Dương nên đoàn Sài Gòn mua vé trực tiếp tại sân bay của chuyến kế tiếp, mất toi 1545 RMB. Đoàn Hà Nội thì đến trước nên không lỡ giờ và giá vé đi Thẩm Dương rẻ hơn.

1.3. Sau khi đến Thẩm Dương, tiền xe buýt từ Thẩm Dương đến Dandong là 80 RMB, thời gian di chuyển ~ 4 tiếng. Như vậy sau khi di chuyển gần như liên tục 24 tiếng (cả bay lẫn buýt), toàn đoàn hội ngộ ở Dandong mừng mừng tủi tủi, có 1 đêm để ngắm sông Áp Lục chuẩn bị cho sáng hôm sau lên đường.

2. Tiền Tour:

Trên các site của Koryo Tour, ExploreNorthKorea hay DDCTS đều có đăng bảng giá, nhưng đều mặc cả được, và phải viết mail trực tiếp (tiếng Anh) trao đổi với họ. Đoàn VN đã chọn DDCTS nên tập trung vào mặc cả và thương lượng giá với agency này.

Giá cuối cho nhóm là: 3900 RMB/người, bao gồm: chi phí vào+ra Bắc Hàn, tiền visa, tiền khách sạn + ăn uống trong toàn bộ thời gian ở Bắc Hàn, tiền tips cho guide, phí tham quan vào mọi chỗ (trừ trên tháp Juche Tower – giá riêng 50 RMB).

Phí này không bao gồm: tiền giặt ủi và sử dụng các dịnh vụ khác của khách sạn (điện thoại, email, gửi thư từ …), tiền đồ uống riêng (ví dụ các nhà hàng chỉ cho bia và nước, nếu muốn gọi rượu Sochu thì khách tự trả tiền), và tiền xem trình diễn Arirang 800 RMB/người

3. Tiền khác:

– Đầu tiên phải tính đến tiền khách sạn 2 đêm ở Dandong: đêm đầu tiên đến và đêm quay lại từ Bắc Hàn, vì trong ngày về, tàu đến Trung Quốc vào chiều khoảng 5h hơn nên không kịp cho bất kỳ chuyến nào bay ra khỏi Dandong. Khách sạn ở Dandong nhóm nhờ agency DDCTS book giùm luôn, cách trụ sở của DDCTS khoảng 5 phút qua đường và gần nhiều chỗ ăn uống, giá: 178 RMB/đêm x 2 đêm = 356 RMB (cho 2 người + có bữa sáng + Internet cable, ko phải wifi) => mỗi người 178 RMB. Nhìn chung khách sạn ổn, nói được tiếng Anh, phòng sạch sẽ, điều hoà tốt, mạng LAN tốt. Nhờ anh Sơn trong đoàn mang theo cái Airport Express nên cả đoàn ai có iPad xài nhờ được wifi của bác ý 😀 vẫn online đều đặn cho đến trước khi vào BTT.

– Ngoài ra các tiền về ăn uống, chi dùng cá nhân, mua sắm đồ thì e không tính cụ thể được, tuỳ theo nhu cầu của mỗi người cũng như từng đoàn, nhưng việc dùng các dịch vụ này không bắt buộc nên không đưa vào cost chính của chuyến đi

– Mặc dù trong tiền tour đã có tips cho guide Bắc Hàn nhưng tuỳ theo đoàn có thấy họ nhiệt tình, hướng dẫn chu đáo, và giao tiếp cởi mở hay không, có thể tips thêm nhiều ít tuỳ tâm. Đoàn VN tips cho 2 guides + bác tài tổng cộng 600 RMB, tức là 60 RMB/người.

– Ngoài ra theo các tài liệu du lịch thì các bạn Bắc Hàn thích thuốc lá (cho nam), kẹo bánh (cho nữ); đoàn trước khi đi có mua đồ VN như vậy mang theo nên cũng chia sẻ đc ít nhiều với người BTT gặp tại ga và trong Bình Nhưỡng cũng như mấy bạn guide, gọi là lấy thảo 😀 Đoàn cũng ko tính cost của các món quà cây nhà lá vườn này, chỉ post lên để mọi người tham khảo.

4. Tổng cộng:

Túm các đoạn in đậm lại thì cost chính toàn chuyến đi = 2708 + 1092 + 1545 + 80 + 3900 + 800 + 178 + 60 = 10,363 RMB

Theo tỉ giá VND hiện tại thì tương đương khoảng 34 triệu VND

5. Thời gian:

– Ngoài 4 ngày dành trọn cho Bắc Hàn (sáng ngày 1 đi tàu từ Dandong vào, chiều đến Bình Nhưỡng, từ tối ngày 1 đến tối ngày 3 là du hý. Sáng ngày 4 lên tàu về TQ), đoàn còn cần ít nhất 1 ngày để có mặt ở Dandong và 1 ngày khi về để từ Dandong bay đi, sau đó thì tuỳ lịch ai về sớm thì về luôn, ai dạo Thượng Hải hay đi chơi TQ thì tuỳ ý. Vậy tổng thời gian cần (ít nhất): 6 ngày

– Nếu tính an toàn và thư thả thì toàn bộ chuyến đi cần khoảng 8 ngày, dành ra 2 ngày đầu và cuối dự phòng cho những sự cố phút cuối.

6. Hotel Yanggakdo:

Yanggakdo là 1 trong các hotel lớn nhất của Bình Nhưỡng phục vụ cho mục đích du lịch, cao 47 tầng và có khoảng 1000 phòng, tuy không phải phòng nào cũng ở được:

Phía ngoài hotel là sảnh và khu đậu xe buýt du lịch cũng như xe riêng của khách, tàm tạm như các khách sạn quốc tế khác, nhưng không hoành tráng bằng:

Các bạn Tây “thổi” lên trên Wiki là tầng 5 của khách sạn Yanggakdo là “thâm cung” nơi lính Bắc Hàn nghe lén du khách, nhưng cũng có thông tin cho rằng đây là tầng kỹ thuật của hotel nên du khách không vào được. Chúng tôi xác nhận không có nút bấm tầng 5 trong thang máy, còn tầng 5 có gì thì chịu tịt; bản thân vài thành viên trong nhóm đã đi thang máy lên tầng 4 rồi định đi bộ lên tầng 5 nhưng không tìm ra cửa thang bộ, còn đi thang máy lên đến tầng 6 thì tối om om nên run quá không dám tìm đường đi xuống tiếp … Chung quy là vẫn chưa biết nó có cái gì, tạm coi như không có gì cho đỡ tò mò.

Một số dịch vụ có sẵn trong Yanggakdo mà nhóm đã sử dụng:

– Gửi bưu thiếp từ Bình Nhưỡng đi Trung Quốc, Singapore, Việt Nam: giá 10RMB/postcard (chỉ là tiền phí chuyển phát, chưa tính tiền bưu thiếp). Thời gian khoảng 1 tuần là nhận được, ví dụ như tấm bưu thiếp sau đã đến Thượng Hải với con dấu Bắc Triều Tiên ^^

– Gọi điện thoại quốc tế: giá 5RMB/phút về Việt Nam

– Hát Karaoke tính tiền (won) theo người và theo bài, lúc thanh toán sẽ đổi từ Won ra RMB hoặc USD hoặc EUR:

– Đây là giàn của các bạn:

– Chơi bowling cũng tương tự:

– Đánh bida (cũng nằm trong khu tầng hầm cùng với Karaoke, Massage, Bowling, Casino — riêng Casino cấm chụp ảnh bên trong):

– Trong hotel dùng điện 220V, đầu đôi tròn nên đồ điện mang từ VN sang không gặp khó khăn nào, sạc ngon lành nhanh chóng:

– Tầng trệt của Yanggakdo ngoài các shop nhỏ bán đồng hồ, rượu, sâm, thuốc lá vv… không quá đặc biệt thì còn 1 hiệu sách, tuy không phong phú về chủng loại và nội dung nhưng ít nhiều phản ánh đời sống tinh thần của các bạn Bắc Hàn, chả thế chỗ này lúc nào cũng tấp nập, nhất là du khách phương Tây. Riêng các bạn Tàu chỉ vào đây vài phút rồi lượn ra xem rượu với đồng hồ 😀 Mình ghé hiệu sách này lúc gần 12h khuya đêm thứ 3 nên không còn ai, chỉ có cô bán sách vẫn nhiệt tình ngồi đợi mình chụp ảnh và mua sách (cô này nói ít nhất 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Trung, ngoài tiếng Hàn mẹ đẻ — vì mình đã thấy cô ý giao tiếp với khách trong mấy ngày trước)

– Sách, cơ man là … 1 loại sách chủ đạo về bố con Kim Chủ Tịch, nhưng nếu chịu khó tìm, du khách sẽ thấy các cuốn sách chuyên về du lịch như bản đồ du lịch Bắc Triều Tiên (sách in màu với bản đồ và phối cảnh chi tiết các cảnh đẹp của Bắc Hàn, mà cầm cuốn này rồi thì Lonely Planet Korean — phần Bắc Hàn — có thể bỏ sọt rác :D), sách giới thiệu lịch sử Triều Tiên, và tất nhiên bưu thiếp Bắc Hàn (thể loại mới và cũ đủ cả).

– Bar của các bạn mang hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng, uống là chính, ăn là phụ, cũng có những cái tên Việt Nam xuất hiện trên menu. Bia Bình Nhưỡng rất ngon chứ không phải ngon, nên bar đến tối là đông chật, là lúc các nước giao lưu với nhau, và tour guide tán gẫu với các đoàn khách:

7. Mua sắm ở Bình Nhưỡng

Hình thức mua bán mậu dịch chắc không xa lạ với người Việt Nam, nên sang Bắc Hàn cũng không ai giật mình. Các cửa hàng này giao dịch bằng tiền RMB, EUR hoặc USD nên gần như người dân bản xứ không ghé nhiều (trừ các thành phần “cá biệt” hoành tráng lái ôtô đến mua sắm mà chúng tôi có gặp khi vào cửa hàng).

Quy trình mua đơn giản: chọn hàng, cô bán hàng viết phiếu, đem phiếu ra quầy thanh toán trả tiền, đem biên lai quay ra lấy hàng. Vì cửa hàng mậu dịch nên đồ chủ yếu là nhu yếu phẩm, còn xa xỉ phẩm chỉ có nước hoa, thuốc lá, rượu sâm … chắc không nói mọi người cũng tưởng tượng ra.

8. Tiền Bắc Hàn:

Cũng là đơn vị Won (tất nhiên 2 miền dùng mệnh giá khác nhau, chỉ giống cách gọi “Won” thôi chứ không chung một tờ tiền):

Tiền Bắc Triều Tiên là tiền giấy in 2 mặt và khá hạn chế về số lượng màu được sử dụng, chống giả bằng các hình in chìm; nói chung không đặc sắc và không đẹp. Các bạn Triều Tiên rất thích thú tờ tiền của Việt Nam vì thấy chất liệu Polyme chống nước, chống rách, lại có hình Hồ Chủ Tịch ^^ Về cụ thể các mệnh giá tiền thì mình sẽ liệt kê sau.

9. Điện thoại di động:

Dùng đồ làm từ Bắc Triều Tiên và sóng của mạng KoryoLink, ko rõ có 3G hay 4G gì không. Trong số 24 triệu dân toàn quốc thì không rõ bao nhiêu % sử dụng điện thoại di động, nhưng chắc chắn là số lượng đang tăng dần.

5. Huy hiệu:

Món này du khách nào cũng tò mò, và sau khi trao đổi với tour guide, chúng tôi tạm chia ra làm 3 loại huy hiệu thường gặp:

– Loại huy hiệu 1 của người dân có hình Kim Nhật Thành, hoặc Kim Chính Nhật, hoặc đeo luôn 2 cái hình 2 bố con: được phát miễn phí cho người dân, du khách không mua được, không mượn được, chỉ ngắm được:

– Loại huy hiệu 2 của người dân, giống y hệt loại 1, chỉ khác là có thêm hình cờ búa liềm nhỏ ở góc, loại này dành cho ai đã là Đảng viên Đảng Lao Động Triều Tiên, cũng là chính đảng duy nhất của nước này:

– Loại huy hiệu 3 dành cho du khách: không có mặt ai cả, có hình quốc kỳ Triều Tiên hoặc các biểu tượng khác, giá 5 RMB/cái, mua đâu cũng có:

Chú ý: các hình dạng huy hiệu như tròn, vuông, chữ nhật, cờ … không có ý nghĩa thứ bậc, chỉ đơn giản là hình dạng vật lý khác nhau.

10. Đan Đông, thành phố biên giới

Cách Bắc Hàn 1 con sông, Đan Đông phát triển như vũ bão, nhưng nhàm chán y hệt các thành phố khác tìm thấy khắp nơi nơi, nhân tiện đã ghé qua nên cũng tranh thủ làm đôi dòng giới thiệu với bạn đọc 😀

Con sông Áp Lục (Yalu River):

Cây cầu gãy nhịp nổi tiếng (song song với cây cầu liền được xây mới sau này) trong chiến tranh Liên Triều những năm 1950 khi Trung Quốc “viện Triều chống Mỹ”:

Còn đây là trụ sở của agency DDCTS mà chúng tôi mua tour đi Bắc Hàn, công ty này thực chất trực thuộc Văn phòng cảnh sát Dandong nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng và đảm bảo về visa:

Người ta cũng sẽ gặp rất nhiều người Bắc Triều Tiên tại Dandong, họ đa số chắc là dân buôn bán hoặc sang học tập, điểm nhận diện là ai cũng đeo huy hiệu (Loại 1 hoặc 2), và nói tiếng Hàn.

Du khách thường làm gì ở Dandong sau khi trở về từ Bắc Hàn? Câu trả lời chắc là lùng mua tiền Won của nước bạn 😀 tiền này không được sử dụng bởi khách nước ngoài ở trong Bắc Hàn, nhưng có thể mua được tại các quầy bán dạo nhỏ dọc sông Áp Lục (địa phận Dandong) hoặc trên phố. Giá mỗi bộ từ 10RMB, 20RMB, đến 50RMB (tùy thuộc trong bộ có bao nhiêu tờ tiền), và mặc cả được nếu mua nhiều:

Thêm một điểm nhỏ nữa: không có bất kỳ chỗ nào bán huy hiệu Triều Tiên dù cũ hay mới có hình Kim chủ tịch ở Dandong, chúng tôi đã hỏi nhưng đều nhận được cái lắc đầu, mặc dù thống kê không chính thức cho thấy đã có hàng vạn người đào tẩu từ Bắc Hàn qua Trung Quốc tại thành phố giáp ranh này!

11. Quà quê

Một vài món quà nhỏ chúng tôi mua từ Bắc Hàn đem về: thuốc lá, sách “Glorious 50 years”, đĩa Arirang, bản đồ du lịch Bắc Triều Tiên, vài bộ tem, kem dưỡng da “nhân sâm”, bưu thiếp … (có cái bật lửa được cô bán hàng tặng thêm khi mua thuốc đã bị hải quan sân bay TQ tịch thu khi bay về Thượng Hải)

Bộ tem tranh cổ động sưu tầm một số tem đã phát hành từ 1984 đến 2010, giá 50 RMB/bộ:

Còn huy hiệu (dành cho khách du lịch) này giá 5 RMB/chiếc:

Bộ tem “Korean Famous Painting” giá 80 RMB, bộ này khá đẹp vì tem lớn còn nguyên lốc và đi cặp với nhau:

Các món trên khi mua có thể mặc cả giảm 10-20%, lúc đầu chúng tôi chưa biết để thử, đến ngày cuối rồi thì mặc cả ép giá tối đa, các bạn vẫn bán và cười niềm nở, tuy có kém tươi 😀 Riêng tiền Bắc Triều Tiên thì chúng tôi mua ở biên giới Dandong. Trên tàu từ Tân Nghĩa Châu về cũng có nhân viên tàu đi lại và bán bộ sưu tập tiền Bắc Hàn đủ mệnh giá từ nhỏ tới lớn và số seri đều nhau của cùng năm rất đẹp, nhưng giá cao (100 RMB/bộ), còn nếu về Dandong mua thì giá 50 RMB/bộ tuy nhiên tiền không mới bằng và gồm seri của nhiều năm lẫn lộn:

12. Và đến đây là tạm biệt Bắc Triều Tiên, có lẽ chúng ta còn gặp lại!

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P8 – Hết)

Tạm biệt Bắc Triều Tiên

Đêm thứ 3 giữa Bình Nhưỡng … chúng tôi đã nghĩ mình sẽ mất ngủ vì trằn trọc với những tình cảm dành cho Bắc Triều Tiên dù mới trải qua mấy ngày ngắn ngủi, nhưng trái lại, giấc ngủ đến rất nhanh và gần như ngay lập tức. Sáng ngày thứ 4, mây mù giăng kín Yanggakdo, trời mưa lâm thâm, khách du lịch đứng hút thuốc chật cả sảnh trước khách sạn nhưng không ai hối hả lên xe, họ cứ nán lại chậm rãi thưởng thức dư vị của không gian mát mẻ sáng đầu ngày, không còi xe, không tiếng ồn, không điện thoại, không tin nhắn, không cả những vướng bận âu lo …

Bác già quay video đưa chúng tôi chồng đĩa DVD, mọi người hối hả nhét vào đầu máy trên xe và bật lên xem, khúc nhạc dạo đầu cắt từ những cuốn băng thu chục năm có lẻ chát chúa vang lên, nhưng khi đến phần nội dung chính thì chất lượng rất tốt và lồng nhạc sinh động. Chúng tôi rất thích và mải mê xem cho đến khi xe dừng, ga tàu Bình Nhưỡng đã ở trước mặt:

Mưa vẫn lây rây, chúng tôi hối hả kéo valy vào bên trong khu chờ để đợi bạn nữ tour guide của đoàn xếp hàng mua vé, phòng chờ ga tàu khá đơn giản nhưng gọn gàng, vài hàng ghế gỗ phủ khăn ren trắng để mọi người nghỉ chân, nền lát đá phiến tối màu trong khung cảnh trời mưa càng thêm xám xịt, nổi bật nhất trong phòng chỉ có tấm ảnh Kim Nhật Thành chụp cùng công nhân ngành cơ khí:

Quang cảnh phía bên trong sân ga Bình Nhưỡng:

Đoàn tàu chúng tôi đi gồm cả các toa cho người dân Triều Tiên và toa cho khách du lịch nên tàu rất dài. Lúc này khách du lịch vẫn chưa nhận lại được passport, phải đến sát biên giới Trung-Triều, ga Tân Nghĩa Châu, thì hải quan Bắc Hàn mới trả lại passport và những đồ đã thu khi vào cho du khách:

Đợi chúng tôi yên vị trên khoang, cô bé hướng dẫn viên đi cùng đoàn hòa vào đám đông người ở lại, chỉ có 1 anh tour gide sẽ đưa mọi người đến ga biên giới. Và khi con tàu bắt đầu rùng mình chuyển bánh, gần như đồng loạt không chỉ có chúng tôi mà tất cả khách du lịch trên khoang đều thò tay qua cửa sổ vẫy chào tạm biệt …

… Ngoài trời mưa đã nặng hạt, Bình Nhưỡng đã lùi lại rất xa, đồng quê Bắc Triều Tiên đang chạy song hành cùng chúng tôi.

Ngày xưa, cái ngày xưa gian khó mà không người Việt Nam nào quên được đó, mỗi bận trời chưa chuyển mưa là tôi lại có phản xạ đưa ngón tay lên mút rồi giơ ra xem gió đang thổi theo chiều nào, vì nhà tôi xây dựa vào 1 nhà khác cao hơn, nếu gió xuôi thì mưa không hắt mạnh lên mái, còn nếu gió ngược thì chắc chắn là dột nặng. Nhìn trời mưa ở Bắc Triều Tiên không hiểu sao tôi lại nhớ ngày bé của mình đến thế, đói kém lắm nhưng thanh bình vô cùng hoặc giả tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những gánh nặng cơm áo mà bố mẹ tôi phải trải qua hàng ngày. Nhưng sau này mỗi khi nhắc về nó, bố mẹ tôi đều rưng rưng, không ai chối bỏ quá khứ mà thay vào đó là cái nhìn cảm thông và càng thấy hạnh phúc hơn vì đã cùng nhau vượt qua, vì chung 1 niềm tin không dễ gì cắt nghĩa. Tôi thầm cảm ơn Bắc Triều Tiên đã giúp tôi bắt kịp tuổi thơ bao cấp đó, thấy lại mình của ngày cũ khó khăn. Những năm tháng mà sau này người ta hay ngâm nga “sống nghèo nhưng vẫn thanh cao, gian lao nhưng vẫn dạt dào niềm tin”, mới nghe thì có vẻ lạc quan tếu nhưng sự thực quê hương tôi đã từng sống thế, những người thân của tôi đã từng sống thế, tôi tin những người Bắc Triều Tiên đang sống thế.

Người ta ném đồng xu xuống đất để tin rằng còn có ngày quay lại nơi đó. Chúng tôi không ném gì xuống cả, chúng tôi tin mình đã lưu lại ấn tượng tốt với những người chúng tôi có dịp gặp qua trong chuyến đi và mong chờ lần sau hội ngộ sẽ vẫn là những nụ cười đón chúng tôi nơi biên giới. Bản thân tôi định viết nhiều cho Bắc Triều Tiên nhưng quả là quá khó, vì có nhiều điều để viết mà thời gian và năng lực thì có hạn. Những người chưa đến nơi đây có khi còn viết được nhiều hơn chúng tôi nữa. Bao nhiêu cái nhìn “thấu hiểu” về bần hàn đói kém, về hiếu chiến hung hăng, về xin ăn quốc tế tôi xin gửi lại hết theo gió mưa, chỉ giữ lại cho mình vài điều đã kịp trải nghiệm trong mấy ngày qua.

Sẽ là 1 Bình Nhưỡng hiếu khách và luôn rộng mở cho bè bạn quốc tế, nhất là người Việt Nam, đến du lịch:

Sẽ là khúc ca Arirang rộn ràng hoành tráng những ngày tháng 8:

Sẽ là một đất nước kiêu dũng trong cuộc kháng chiến vệ quốc chống phát xít. Như trong những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam, nhà văn Bảo Ninh đã tri ân cho những cuộc đời mà tuổi trẻ của họ đã kinh qua dấu ấn thời đại của dân tộc, dấu ấn mà sau này dù có nỗi khổ nào của ngày hôm nay cũng không sánh bằng những đau khổ đã trải qua và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng tới thế nào cũng chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua; tôi tin dân tộc Triều Tiên cũng có những phút giây vinh quang hào hùng như thế!

Và hơn tất cả sẽ là những khuôn mặt của thế hệ Bắc Triều Tiên kế cận mà chúng tôi đã gặp và chào hỏi trên đường:

Có thể cuộc sống ngày hôm nay của lớp trẻ này chưa được trọn vẹn, bởi không ai chọn được quê hương, bởi dấu vết quá khứ và kế thừa văn hóa vẫn đang nặng trên tấm huy hiệu đeo trước ngực của cha mẹ các em, nhưng các em sẽ còn làm được nhiều điều mà thế hệ trước chưa làm được, để có hạnh phúc riêng mình, để sống vui tươi và đầy khát vọng hơn vì thế hệ các em đang sinh sôi trên chính mảnh đất quê hương mình, một Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt.

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P7)

1. Ngày 3: thăm Mangyongdae

Mangyongdae có nghĩa là “Vạn Cảnh Đồi” cũng bình thường như bao núi đồi thấp bao quanh thủ đô Bình Nhưỡng nhưng có ý nghĩa đặc biệt với người dân Bắc Triều Tiên và luôn nằm trong danh sách của các tour đến Bắc Hàn bởi đây được coi là nơi sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung). Việc ông thực sinh ra sao và gia cảnh nhà họ Kim cụ thể thế nào thì nhiều người vẫn đặt nghi vấn nhưng cho đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định được chắc chắn 100% cả, và chắc cũng sẽ không bao giờ tìm ra được!

Mangyongdae nằm cách trung tâm Bình Nhưỡng chỉ 10′ chạy xe, có khi ngắn hơn, vì thành phố này dường như không biết kẹt xe là gì …

Đường vào Mangyongdae rất đẹp, trong bán kính mấy cây số quanh vùng, các bạn Bắc Triều Tiên dường như đã cố ý dẹp hết các khu nhà cửa và vui chơi để tập trung biến đây thành “ngôi nhà trong mơ” nằm trên đồi thì phải.

Bức tranh họa lại việc Kim Nhật Thành rời quê tham gia vào phong trào kháng Nhật của dân tộc Triều Tiên năm 1925, khi đó ông mới 13 tuổi:

Dừng chân ở đồi Mangyong, ấn tượng đầu tiên chúng tôi thấy là khuôn viên toàn khu vực này xanh bát ngát, sạch tinh tươm, và đặc biệt tiếng ve kêu ra rả trong chiều nắng nhạt, có thể nói là đẹp và trong lành rất thích ^^

Hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi vào thăm gian nhà tranh là nơi sinh sống của gia đình họ Kim thế kỷ trước, tất nhiên khu nhà này đã được xây dựng lại theo nguyên mẫu ngày xưa nên nhìn vẫn còn tốt và ngăn nắp:

Bằng giọng tiếng Anh trầm ấm và phát âm cực chuẩn, cô giới thiệu cho chúng tôi về tiểu sử của gia đình bác Kim, những người thân trong gia đình, và tuổi thơ gian khó của Kim Nhật Thành nói riêng cũng như cuộc sống người Triều Tiên nói chung trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ. Những thông tin đó cũng tương tự như các tài liệu mà bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng nên chúng tôi sẽ chỉ điểm qua mà thôi.

Kim Il Sung sinh ngày 15/4/1912, cha ông Kim Hyong Jik (Kim Hanh Tắc) mất khi Kim Nhật Thành 14 tuổi. Gia đình ông cũng nghèo túng như các gia đình nông dân Triều Tiên khác khi đó. Theo ngày nay dựng lại, nhà cũ của ông có 3 gian, đều là nhà tranh vách đất cả, gian đầu tiên là những nông cụ:

hũ đựng Kim chi:

và khoảng sân với ang nước cổ:

Trong gian nhà chính, chánh trái là căn bếp đơn sơ, chánh phải là các phòng trong nhà, trong các phòng này gần như chả có gì ngoài di ảnh của người thân gia đình họ Kim:

Kim Nhật Thành từ lúc ra đi chiến đấu năm 1925, đến khi trở về giải giáp quân đội Nhật năm 1945 và sau này trở thành người lãnh đạo của chính quyền Cộng Sản Bắc Triều Tiên, giữa 20 năm đó là quãng thời gian tham gia lực lượng du kích kháng Nhật ở Mãn Châu, Đông Bắc Trung Quốc; rồi thành Chính ủy; rồi sư trưởng; và chỉ huy trưởng Phuơng diện quân số 2; cuối cùng là Đại úy của Hồng quân Xô Viết, có thể xem là những thăng trầm trận mạc đáng nhớ. Mới 33 tuổi ông đứng đầu Đảng Cộng sản Bắc Triều Tiên, tiền thân của Đảng Lao Động Triều Tiên mà sau này cũng chính ông là Tổng bí thư cho đến khi qua đời. Những được thua thành bại đã theo dòng nước cả, chỉ có người đời sau vẫn luôn xem xét công tội, âu cũng là lẽ thường của thế sự nhất là với một chính thể “kỳ lạ” như Bắc Triều Tiên.

Theo như giới thiệu của tour guide, các phái đoàn nguyên thủ Quốc gia và tổ chức quốc tế đến Triều Tiên đều đến thăm Mangyongdae và đặt hoa tưởng niệm gia đình Kim Nhật Thành. Nước ta gần đây nhất đã có cuộc viếng thăm của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và phái đoàn cao cấp vào năm 2008. Còn các đoàn người trong nước đến thăm thì gần như ngày nào cũng có.

Chúng tôi cũng tranh thủ chụp bức hình lưu niệm ở Vạn Cảnh Đồi:

Còn giếng nước này nằm gần đó, được giới thiệu là nơi gia đình bác Kim lấy nước ngày xưa, thấy tour guide nhiệt tình mời nên chúng tôi cũng thử làm 1 chén quả bầu xem sao 😀

Thêm một vài hình ảnh khuôn viên Mangyongdae:

Hình như trong khu này còn có 1 khu đồi cao nhìn được toàn cảnh nhưng chúng tôi không hứng thú và cũng không hỏi tour guide dẫn đi vì trong chương trình chiều nay chúng tôi còn đi tàu điện ngầm của Bình Nhưỡng nữa ^^ Chuyến đi thăm đồi Mangyong chớp nhoáng đã hết, xe đưa cả đoàn trở lại trung tâm thủ đô. Riêng với tôi, ấn tượng Vạn Cảnh Đồi nằm nhiều ở màu xanh cây lá hơn là những vết tích lịch sử trăm năm trước:

Chỉ cần thêm 1 tích tắc để lấy nét, nhưng cơ hội vụt qua tức là đã vụt qua …

2. Ngày 3: Pyongyang Metro

Từ Mangyongdae về, chúng tôi trực chỉ ga tàu Puhung Station, đây không phải là lần đầu chúng tôi đi tàu điện ngầm nhưng cảm giác đi tàu điện ngầm của Bình Nhưỡng với những thông tin quảng cáo là hệ thống ngầm sâu nhất nhì thế giới càng khơi gợi sự tò mò cho cả nhóm.

Hình ảnh phố phường thủ đô với xe con xe to và tàu điện leng keng lúc chiều tà:

Tour guide đưa chúng tôi xuống ga Puhung, ga đầu tiên trong hệ thống đường tàu Bắc-Nam của Bình Nhưỡng. Ngoài trục Bắc-Nam, ở đây còn có đường ray trục Đông-Tây, số lượng ga tổng cộng chúng tôi không rõ vì cũng không có tài liệu nào cung cấp đầy đủ, chưa kể rất nhiều ga bí mật chỉ cho quân nhân và viên chức cấp cao đi lại. Riêng với các tour đến thăm Bắc Triều Tiên, khách du lịch thường sẽ đi giữa 2 ga Puhung và Yonggwang mà thôi.

Đúng như quảng cáo, ga tàu điện ngầm Bình Nhưỡng nằm cực kỳ sâu, hơn 100m dưới lòng đất, đường đi xuống bằng thang cuốn trơn tru nhưng khá dài, hệ thống thông hơi làm việc hiệu quả nên không khí và gió mát vẫn tràn trề khi xuống sâu ^^

Trước mặt chúng tôi lúc này là Puhung Station, trong tiếng Hàn Quốc, Puhung có nghĩa là “Tái thiết” (Rehabilitation):

Không chỉ Puhung mới có tên “kêu” như vậy, các ga khác của Bình Nhưỡng cũng được đặt tên theo từng chủ đề riêng (nguồn tham khảo từ sách “The Pyongyang Metro” và trên mạng): ga Yonggwang “Vinh quang” (Glory), ga Sungni “Chiến thắng” (Victory), ga Tongil “Thống nhất” (Reunification), ga Kaeson “Khải hoàn” (Triumphant Return) …

Ở mỗi ga này lại có cách phối màu, xây cột kèo, mái vòm, dùng đèn trang trí và đặc biệt các tấm tranh cổ động mosaic lớn gắn trên tường cũng thay đổi tương ứng theo; phải nhìn nhận rằng rất công phu và đầy dụng ý, giống như lời nhận xét của các báo nước ngoài: not only for transporting but also for for promoting architectural, aesthetic, ideological and artistic features.

Sân ga Puhung:

Khách chờ tàu xúm xít đọc nhật báo căng trong khung treo trong sân ga, chúng tôi không rõ nội dung gì, chỉ thấy qua hình chụp thì hình như là Tin thể thao:

Bạn gái bán sách “The Pyongyang Metro” xinh xắn, mặc dù không hề trang điểm ^^

Một số tranh cổ động dạng mosaic khổng lồ ở sân ga Puhung:

“Chủ tịch Kim Nhật Thành và công nhân” (The Great Leader Comrade Kim Il Sung among Workers):

hay “Bình minh đổi mới” (A Morning of Innovation):

Loại tàu được sử dụng trong Pyongyang Metro chúng tôi thấy là dòng Berlin D (Dora) nhập từ Đức về và được đưa vào sử dụng từ năm 1999 đến nay.

Mải mê chụp ảnh, cả nhóm đã lỡ 2 chuyến tàu, chúng tôi đợi đến chuyến tàu thứ 3 để leo lên, khách du lịch và người dân Bình Nhưỡng chen nhau trong khoang tàu 😀 cũng là kẻ đứng người ngồi y như mọi chuyến tàu bạn đã từng lên, khác chăng là có người đeo huy hiệu và có người không:

Tàu điện Bình Nhưỡng chạy không quá nhanh, thân tàu bên trong có ép gỗ nên khi sắp chạy hay sắp dừng nghe còn cọt, sàn tàu bằng xi măng chống trơn, được cái không có cột kèo giữa khoang mà chỉ có ở các cửa ra vào.

Khách du lịch chỉ đi được 1 chặng, đến bến sau là ga Yonggwang thì tour guide sẽ mời bạn xuống. Hình ảnh ga “Vinh quang” của thủ đô:

Các cột lớn trang trí bên trong ga Yonggwang có hình dạng mô phỏng ngọn đuốc kết hợp với các chùm đèn trang trí đã kha khá tuổi đời:

Chúng tôi theo cầu thang đi lên, rời khỏi ga ngầm Bình Nhưỡng:

Thang cuốn đi lên cũng dài và lâu chẳng kém gì đi xuống, tiếng loa phát thanh í éo bài hát Triều Tiên gì đó; không hiểu sao lại làm tôi nhớ đến bộ phim “The Lives of Others” đoạt giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 2006 kể lại câu chuyện điệp viên Wiesler nhận được nhiệm vụ theo dõi và nghe lén vợ chồng nhà viết kịch Dreyman và nghệ sĩ Christa nhưng dần dần chính ông lại bị cuốn hút và yêu quý những âm thanh cuộc sống mà mình nghe được … Một bộ phim xuất sắc về giai đoạn nước Đưa chưa xô đổ bức tường Berlin mà tin rằng bạn đọc đã nghía qua 😀

Lý do chính cho Metro của Pyongyang xây ngầm sâu dưới đất chắc là vì nó còn có chức năng làm hầm trú ẩn. Ngoài ra còn do trước đây Bình Nhưỡng có tham vọng đi tàu điện ngầm xuyên qua lòng sông Taedong, nhưng dự án này gặp phải sự cố sập hầm năm 1971 nên đã ngưng lại.

Phía trên ga, du khách sẽ thấy 1 bản đồ giản lược các ga ngầm của thủ đô:

Cách sử dụng khá đơn giản, bạn bấm vào tên 1 ga nào đó thì trên bản đồ sẽ sáng lên và hiển thị đường đi từ điểm hiện tại đến ga đó:

Và chúng tôi đã trở lên mặt đất:

Chúng tôi lại tranh thủ “bắn tỉa” tứ phía trước giờ cơm tối, trong bữa tối cuối cùng của hành trình 4 ngày 3 đêm ở Bắc Triều Tiên, tour guide đãi chúng tôi món thịt chó nấu theo kiểu Hàn Quốc, và sau bữa tối sẽ là dịp đi dạo quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il Sung Square) về đêm.

Bữa tối của chúng tôi như tour guide đã hứa từ ngày đầu, là món thịt chó nấu kiểu Hàn Quốc:

Nói chung là món này không đậm đà như cách nấu ở nhà, vị cũng nhẹ hơn quê ta rất nhiều vì các bạn dùng nhiều loại gia vị hành lá, cũng giống y như Sochu so với cuốc lủi quê ta vậy, không nặng và đậm vị bằng, bù lại món trình bày rất tốt, thịt được thái lát nấu chung trong 1 tô như vậy. Chúng tôi có nghe tên món mà giờ không nhớ gọi như thế nào, thôi cứ “thịt chó” cho dễ hiểu.

Trời Bình Nhưỡng tối rất chậm, gần 8h mà vẫn còn sáng mờ mờ, lúc này giờ Việt Nam mới 6h đúng. Tour guide rủ chúng tôi ghé quảng trường Kim Nhật Thành để chụp ảnh kỷ niệm ^^ Quảng trường này nằm ở bờ Tây sông Taedong, đối diện với Tháp Chủ Thể (Tower of Juche Idea) mà đoàn đã ghé thăm trong chiều ngày 2.

Quảng trường này rộng 75,000 m2 là quảng trường rộng thứ 16 của thế giới (theo Wikipedia). Không gian ở đây rộng lớn và mát mẻ nhưng không sáng rực rỡ, Bình Nhưỡng thường được biết đến là nơi thiếu điện nên chỉ có các tâm điểm của thành phố là được chiếu sáng khi đêm về. Đây là tháp Juche sừng sững bên bờ Đông đối diện qua sông:

Còn mặt kia của quảng trường chính giữa là Đại học đường (Grand Study House), bên trái là Bộ ngoại thương (Ministry of Foreign Trade) — có hình búa liềm trên nóc, bên phải là Bộ ngoại giao (Ministry of Foreign Affairs) rồi đến tòa nhà của Đảng Lao Động Triều Tiên (Korean Worker’s Party HQ) — có hình quốc kỳ Bắc Triều Tiên trên nóc:

Bảo tàng Lịch Sử (Korean Central History Museum), chúng tôi chưa vào nhưng trong đêm ngày 3 khi ngồi bar có gặp mấy bạn người Đức đã đi bảo tàng này khen là trưng bày nhiều đồ đẹp:

Cận cảnh Bộ ngoại thương (có hình Marx với Lenin ở 2 bên):

Và Tòa nhà trung ương Đảng (treo ảnh Kim Nhật Thành):

Đại học đường nhìn gần hoành tráng cực kỳ:

Được biết trong những dịp National Parade (gần đây nhất là năm ngoái 10/10/2010), Kim Il Sung Square luôn tràn ngập các đoàn diễu binh và binh chủng đặc biệt biểu dương sức mạnh quốc gia, không khí chắc hẳn náo nhiệt lắm. Còn trong buổi tối hôm nay, ngoài chúng tôi ra đa phần là các em nhỏ đang chơi trượt patin và 1 bác thợ ảnh người Triều Tiên với giàn đèn, máy kỹ thuật số, và Tripod đứng chụp ảnh kỷ niệm cho du khách với giá 10 RMB/tấm; cả nhóm chúng tôi đã chụp chung và đợi 15′ sau cho bác ý đi rửa và ép plastic ^^

Mượn tạm tripod của bác thợ ảnh, chúng tôi chụp thêm được 1 tấm tháp Juche bên kia sông:

Còn đây là 1 tấm chụp “trộm” ngẫu hứng của bác S trong lúc cả nhóm đang mải mê ngắm tháp:

Thêm một vài tấm tôi chụp từ tầng 37 sau khi về khách sạn:

– Mặt trước và con đường chạy vào khách sạn Yanggakdo:

– Phía sau khách sạn nhìn ra “cầu Tràng Tiền” 😀

Ngủ ngon Bình Nhưỡng, ngày mai sẽ là tạm biệt!

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P6)

1. Ngày 3: thăm vùng Kaesong

Rời khỏi Bàn Môn Điếm, tour guide đưa chúng tôi đến thăm bảo tàng Koryo Museum nằm gần trung tâm tỉnh Kaesong (Khai Thành) trước khi đi ăn trưa. Bảo tàng này trước đây vốn là trường Đại học Nho giáo đầu tiên của triều đại Koryo, triều đại độc lập đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên, được biết đến với cái tên gần gũi với người Việt Nam hơn: vương quốc Cao Ly.

Bản đồ Koryo Museum khổ lớn được đặt ngay ở cổng vào:

Khuôn viên mát mẻ sạch sẽ, du khách sẽ thấy như đang bước vào Văn Miếu Quốc Từ Giám vậy; 2 nơi này được xây gần như cùng niên đại và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo nên càng tạo cảm giác thân quen.

Chúng tôi đi bộ qua khoảng sân lớn đẹp như tranh vẽ tuy 2 bên không có hàng rùa đá như Văn Miếu 😀 Không rõ ngày xưa các bạn Triều Tiên ngồi đâu học hay cũng bày sách vở ngồi đất để nghe giảng giống Khuê Văn Các nhà mình. Đi hết khoảng sân là cửa vào dẫn đến 2 tòa lớn: Myongryun Hall và Taesong Hall:

Hướng dẫn viên du lịch sẽ lần lượt giới thiệu với du khách những hiện vật được bày trong 2 tòa này, trước hết là mô hình phối cảnh kinh đô cổ nước Cao Ly:

Các loại tiền cổ được sử dụng thời kỳ đó:

Và đặc biệt món sâm Cao Ly đặc biệt của vùng Kaesong mà không nơi nào có được do lợi thế thổ nhưỡng của Khai Thành nằm ở phía Bắc được thiên nhiên ưu đãi hơn các vùng khác:

Những bức ảnh được treo trong bảo tàng Koryo, chúng tôi cũng lấy làm lạ là các tranh cổ này được treo rất thoải mái mà không có biện pháp bảo vệ hay chống ẩm mốc nào cả, xem ra đều là tranh chép. Nếu tôi không nhầm thì những bức tranh này vẽ lại câu chuyện Cao Ly chống xâm lược Mông Cổ giai đoạn thế kỷ 13, trăm năm trước khi Thái Tổ Lý Thành Quế lật đổ nhà nước Cao Ly lập ra nước Triều Tiên năm 1392. Đáng tiếc vì rào cản ngôn ngữ và cũng mải ngắm nghía nên tôi không kịp tập trung nghe cô tour guide giới thiệu (bằng tiếng Hàn):

Taesong Hall nằm ở trung tâm toàn sân điện có kiến trúc khiêm nhường và hoài cổ:

Trước sân điện có 1 đôi rồng nằm phục, con nào có nanh là con cái, còn con nào không nanh lại là con đực! Sở dĩ ngược đời thế là vì người Cao Ly xưa tôn vinh phụ nữ, nên phái đẹp luôn được làm tượng công phu cẩn thận hơn, nhét thêm răng vào! Vì con đực không có răng nên nhìn xấu hơn hẳn, chúng tôi chỉ chụp con cái 😀

Điện Taesong nhìn ngoài đơn sơ nhưng chưa so được với vẻ giản tiện bên trong. Số lượng hiện vật trưng bày cũng không nhiều, chủ yếu tập trung vào phản ánh đời sống của cư dân Cao Ly xa xưa với quần áo, vật dụng hàng ngày (một số chỗ được bố trí quạt máy thổi chống ẩm cho tủ trưng bày!):

Bên trong 1 gian mô phỏng kiến trúc lăng mộ cổ của người Triều Tiên:

Theo cô tour guide nói, rất nhiều bảo vật quý của Bắc Triều Tiên đã bị cướp phá và thất lạc trong chiến tranh, một số bị Nhật lấy đem đi mất và giờ đang ở … Nam Triều Tiên. Nhìn tổng thể thì Koryo Museum được điểm về mỹ quan chung chứ chất lượng và số lượng hiện vật trưng bày thì còn kém xa bảo tàng của chúng ta chứ chưa nói đến những nơi như Trung Quốc, Nhật Bản.

Bảo tàng Koryo đơn sơ bao nhiêu thì các quầy bán hàng lưu niệm phía ngoài lại phong phú bấy nhiêu ^^ Kaesong thực sự là nơi bạn có thể thỏa sức mua những đồ liên quan đến nhân sâm nói chung: rượu nhân sâm (giá từ 300 EUR hay 3,000 RMB trở lên), sâm thái lát mỏng (giá 30 EUR hay 300 RMB 10 hộp nhỏ), kem dưỡng da nhân sâm (3 EUR hay 30 RMB/lọ) … Chất lượng thì không biết nói sao, nhưng nghĩ đến đồ nhân sâm mua từ cố đô Cao Ly đem về thì cũng phê được mấy phần 😀

Ngoài ra cũng có thể mua tem, postcard và tranh cổ động (propaganda posters) hàng hiếm ở đây. Chúng tôi thấy có những bưu thiếp và tem rất cổ, tem sống, và cả tem khổng lồ còn nguyên lốc (loại tem chỉ ra có vài tấm dùng làm hàng trưng ở bưu điện mỗi dịp kỷ niệm gì đó) không nhìn thấy bán ở Bình Nhưỡng lại được bày bán thành từng quyển ở đây, sẽ là món quà quý giá nếu bạn đọc yêu thích đồ độc!

Chuyến thăm chớp nhoáng Koryo Museum kết thúc cùng lúc với việc cả đoàn ra xe sau khi đã mua quà xong:

Của đáng tội, những vết tích của 1 cố quốc tôn thờ Nho giáo trong đời sống và Phật giáo trong tâm linh dường như đã mai một quá nhiều sau nghìn năm thế sự; thậm chí 1 cuốn sách tử tế giới thiệu về văn hóa cổ của vùng tôi cũng không nhìn thấy trên kệ, âu cũng là điều đáng tiếc. Kaesong bây giờ không còn là Khai Thành tự hào của lịch sử nữa, Bát vạn Đại tạng Kinh (hay Cao Ly Đại tạng kinh) ngày nay thì nằm ở Nam Hàn, còn kỹ thuật men ngọc bích Cao Ly coi như đã thất truyền trên đất Bắc khiến hậu thế đến và đi nén tiếng thở dài.

Hình ảnh Kaesong ngày nay, khi chúng tôi dừng xe ở quán ăn trưa:

Nhìn như 1 gia đình 3 thế hệ đang đưa nhau đi chụp ảnh. Việt Nam những năm 80 bác thợ ảnh được quý như người nhà!

Chúng tôi được thết đãi 1 bữa trưa theo đúng phong cách của người dân trong vùng, thoạt nhìn thì hết hồn vì nhiều bát quá, nhưng ngắm kỹ lại thì toàn rau củ quả “nhà trồng được” đem ra đãi khách nên rất có cảm tình. Ngoài ra chúng tôi gọi riêng món gà hầm nhân sâm (giá 260RMB cho mỗi âu lớn đủ 2-3 người ăn) thành phần thì đơn giản lắm: gà + sâm; vị thanh, cả gà lẫn sâm đều hầm kỹ nên dễ ăn và ngon miệng. Trời mưa ăn món đó kèm thêm vài ngụm Sochu nữa thì quả là lên mây!

Một điều rất thích ở các hàng quán này là mỗi nơi chúng tôi ăn đều có vị riêng, dùng nguyên liệu có sẵn ở đó và nấu theo cách của họ, đũa bát cũng là của người Triều Tiên, cơm gạo hơi xấu (không trắng như gạo bảy gạo tám nhà mình) nhưng hạt mẩy không sạn — hay là mốt gạo lứt chăng?

Ăn uống xong xuôi, cả đoàn nhắm Bình Nhưỡng trực chỉ, chuyến đi đang dần về cuối ngày thứ 3 trong Bắc Triều Tiên, chỉ không đầy 24 giờ nữa chúng tôi sẽ phải tạm biệt đất nước này!

2. Ngày 3: sự kiện Pueblo

Sau bữa trưa no nê, chúng tôi tạm biệt Kaesong lên đường về Bình Nhưỡng, lại là 2 tiếng chạy xe với cảnh sắc Bắc Triều Tiên vun vút qua cửa sổ, nhà cửa không khang trang mới mẻ nhưng cũng ít thấy chuồng hổ chuồng cọp cơi nới hay dây phơi quần áo giăng như ma trận trên không:

Về đến thủ đô, tour guide đưa chúng tôi đi xem 1 “bảo tàng trên nước” đậu ở ngay bờ sông Taedong 😀 mới nghe chúng tôi cũng chưa rõ đầu cua tai nheo gì, chỉ biết chỗ sắp đến là 1 tàu của hải quân Mỹ bị phía Bắc Triều Tiên bắt sống, họ gọi nôm na là tàu gián điệp thông tin.

Vài hình ảnh khi xe chạy trong Bình Nhưỡng:

Khu vực neo đậu tàu gián điệp Pueblo của hải quân Mỹ, giờ đang nằm trong tay các bạn Bắc Hàn:

Trước mắt chúng tôi là con tàu Pueblo của sự kiện Pueblo cùng tên (The Pueblo Incident) vẫn còn được người Bắc Triều Tiên nhắc mãi từ năm 1968 cho đến ngày nay. Hạ thủy năm 1944 và chính thức ra khơi năm 1967, làm nhiệm vụ gián điệp thu thập thông tin tình báo cho Hải quân Mỹ (US Navy) và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), tàu Pueblo còn có tên ngụy trang khác là AGER 2 (Auxiliary General Environmental Research):

Du khách đến thăm tàu sẽ được mời vào khoang tàu xem đoạn băng 15′ kể lại quá trình bắt được Pueblo, những tranh cãi nảy lửa của đôi bên Bắc Hàn và Mỹ quanh việc ai đúng ai sai và có vi phạm đường bờ biển của Triều Tiên hay không, rồi việc các thủy thủ Mỹ viết thư gửi tổng thống Johnson về việc Bắc Hàn đối xử tốt với họ, rồi việc Mỹ ra thông báo xin lỗi nhân đân Triều Tiên và phía Bắc Hàn phóng thích các tù binh trên tàu Pueblo qua DMZ … Nói chung thông tin họ thu thập và làm rất tốt, chỉ có giọng đọc tiếng Anh (kiểu đọc qua micro cũ ngày xưa) là khó nghe thôi 😀

Rồi chúng tôi được lần lượt đưa đi thăm các khu vực bên trong và ngoài của tàu Pueblo, luôn tiện mạn đàm với bạn đọc về diễn tiến sự kiện này:

Ngày 5/1/1968, tàu Pueblo đang trực chỉ vào eo biển Nhật Bản với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về hải quân Liên Xô và cả Bắc Triều Tiên. Ngày 23/1/1968, tàu tuần tiễu của hạm đội Bắc Hàn áp sát Pueblo yêu cầu nhận dạng, Pueblo căng cờ Hải quân Mỹ trên boong

Pueblo định quay đầu tránh lực lượng Bắc Triều Tiên nhưng đã quá muộn vì hải quân Bắc Hàn đã nhanh chóng chi viện và đuổi bắt. Phía Bắc Hàn nổ súng nhắm vào Pueblo và giết chết 1 thủy thủ đoàn.

Toàn bộ súng đạn Pueblo đều để dưới hầm tàu, còn khẩu súng máy trên boong tàu cần 10′ để khai hỏa, đã quá muộn để bắt đầu bất cứ kháng cự nào; thậm chí việc tiêu hủy các tài liệu mật trên tàu cũng không thành công, Pueblo bó tay thúc thủ.

Chính quyền Johnson chao lên trong tranh cãi về việc nên trừng phạt Bắc Hàn ngay lập tức hay chờ đợi các giải pháp ngoại giao để cứu vãn tình thế. Trong lúc đó, Pueblo bị áp giải về hải phận Bắc Triều Tiên, toàn bộ 82 thủy thủ đoàn bị bắt sống cùng 1 thủy thủ đã hy sinh trước đó

Cảnh chụp các khoang tàu của Pueblo cùng những tài liệu, máy móc phục vụ cho mục đích do thám của tàu, mọi thứ gần như còn nguyên vẹn chưa kịp tẩu tán hay tiêu hủy gì lúc tàu bị bắt:

Chỉ huy trưởng tàu Pueblo là Lloyd M. Bucher viết thư gửi tổng thống Mỹ Johnson và Nhà Trắng (dưới áp lực của phía Bắc Triều Tiên) tường trình về sự việc, thừa nhận hành vy do thám Bắc Triều Tiên, vừa là xin chính phủ Mỹ cứu họ khỏi làm tù binh chiến tranh

Chính phủ Mỹ gửi Bắc Triều Tiên, trong thư có đoạn nhận trách nhiệm vì hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, xin lỗi nhân dân Triều Tiên và hứa sẽ không lặp lại sự vụ tương tự

Ngày 23/12/1968, gần một năm sau ngày bị bắt, 82 thủy thủ đoàn của tàu Pueblo được trả tự do, từng người một lầm lũi bước qua lằn ranh DMZ giữa biên giới liên Triều về hướng cây cầu “Bridge of No Return” sang địa phận Nam Triều Tiên, để lại sau lưng nỗi nhục cho hải quân Mỹ: là chiếc tàu quân sự duy nhất từng bị bắt sống trong lịch sử nước này cho đến ngày nay!

Thủy thủ tàu Pueblo không bị đưa ra tòa Án binh xét xử, còn chỉ huy tàu Bucher mất năm 2004 trên đất Mỹ. Tàu Pueblo được kéo vào thủ đô Bình Nhưỡng năm 1999 và neo đậu trên sông Taedong cho đến ngày nay, vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là chiến lợi phẩm của Bắc Hàn, cũng lại là bảo tàng trên nước cho du khách đến thăm quan.

Chuyện xưa kết lại, chính phủ Mỹ sau đó phủ nhận mọi việc vì cho rằng tàu Pueblo lúc bị bắt đang ở trên lãnh hải quốc tế, còn Bắc Triều Tiên thì công bố với thế giới rằng đã bắt đúng tàu do thám khi nó xâm phạm chủ quyền nước mình; âu cũng là những nước cờ chính trị 😀

Còn xung quanh Pueblo giờ đây, nhịp sống ngày thường của người dân Bình Nhưỡng vẫn tiếp diễn, chắc họ không mấy mặn mà lắm với khối sắt ù lì trôi nổi ven bờ kia, còn chúng tôi lại chuẩn bị cho những địa điểm mới với những trải nghiệm mới trong buổi chiều mát mẻ này ^^

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P5)

Bàn Môn Điếm – DMZ

Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày vĩ tuyến 38 đi vào tâm tưởng của người dân Triều Tiên như một nhát cắt sâu nhất mà cho đến hôm nay vết thương vẫn chưa khép miệng. Lịch sử chứng kiến một cuộc chia cắt tưởng chừng ngắn ngủi bởi có những lúc thời khắc thống nhất đã rất gần kề nhưng sự thực thì mức độ căng thẳng vượt xa mong muốn của bất cứ ai. 160km từ Bình Nhưỡng, 70 cây số từ Seoul, Khu phi quân sự liên Triều (Korean Demilitarized Zone, hay DMZ) ngày nay nằm đó chứng nhân cho những sai lầm của nhóm vài quốc gia mà thế hệ tương lai sẽ còn tốn nhiều công sức dựng xây và hàn gắn.

Nếu bạn hâm mộ đạo diễn Chan Wook Park qua những siêu phẩm như “Old Boy” (2003), “Mr. Vengeance” (2002), hay “Lady Vengeance” (2005) thì chắc chắn sẽ nhận ra hình ảnh kinh điển dưới đây lấy từ bộ phim “Join Security Area” thuật lại tình bạn xúc động của 4 người lính hai bên chiến tuyến đã vượt qua vòng cương tỏa của nhiệm vụ và định kiến quốc gia hẹp hòi để đến với nhau chân thành từ tình đồng bào chung dòng máu:

Kể từ lúc xem bộ phim này, cộng thêm những tìm hiểu riêng lẻ về bán đảo Triều Tiên, cái tên J.S.A hay DMZ hay Bàn Môn Điếm (Panmunjom) đã luôn gây cho tôi sự kích thích và ham muốn được một lần đặt chân đến. Sáng 15/8/2011, trong ngày nghỉ lễ kỷ niệm đất nước Triều Tiên giải phóng khỏi tay phát xít Nhật, chúng tôi theo xe chạy về tỉnh Keasong, đến thăm DMZ.

8h sáng, Bình Nhưỡng dường như vẫn còn đang say ngủ:

Trên đường đi, xe chúng tôi chạy dưới cổng chào này, chú guide có hỏi “Các bạn có nhận ra 2 bức tượng này khác nhau ở điểm nào không?

Chúng tôi phần vì chưa kịp chụp ảnh do xe chạy quá nhanh, phần vì loay hoay không rõ ý của chú guide nên đều im lặng chưa trả lời được. Đáp rằng: “2 bức tượng đó không khác nhau chút nào cả, một bên là bà mẹ phía Bắc, một bên là bà mẹ phía Nam, cùng là người mẹ Triều Tiên thì làm sao khác nhau được!“.

Cao tốc nối Bình Nhưỡng – Keasong (còn được các bạn Bắc Triều Tiên đặt là Cao tốc Thống Nhất – Reunification Highway) chất lượng rất tốt, xe chạy êm ru 2 tiếng đồng hồ không nghỉ, tivi trên xe bật cuốn băng ca nhạc Bắc Triều Tiên, vì không rành tiếng nên chúng tôi chỉ đoán được nội dung theo hình ảnh, là những tình yêu trai gái rồi người con trai đi tòng quân, trải qua chiến tranh máu lửa là ngày về khải hoàn, lại bắt tay vào học tập làm bác sĩ kỹ sư xây dựng đất nước — nội dung này chắc không quá xa lạ với người Việt Nam chúng ta.

Kaesong (Khai Thành) vốn là cố đô của nhà nước Koryo (Cao Ly) xưa kia, nhà nước độc lập đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành trong lần gặp gỡ với các lãnh đạo Nam Hàn đã từng đề đạt nếu mai sau 2 nước thống nhất một nhà thì sẽ dùng “Koryo” làm tên của thủ đô chung, rất tiếc ông và những người cùng thời với ông không sống được để chứng kiến thời khắc huy hoàng đó. Keasong ngày nay nổi tiếng với 2 thứ: sâm Cao Ly (Koryo Insam, hay Koryo ginseng) và quân đội! Bản thân Keasong cũng có khu công nghiệp Keasong Industrial Park nơi Bắc Hàn và Nam Hàn bắt tay nhau làm kinh tế.

Xe đã dừng, guide giới thiệu với chúng tôi đây là vọng gác KPA phía ngoài DMZ, nơi tất cả du khách xuống xe để nghe giới thiệu về tình hình biên giới phân đôi Triều Tiên, sau đó đi bộ qua khu này và lên xe đi tiếp vào DMZ.

Hãy nhìn theo ngón tay tôi chỉ, đó là điểm xa nhất bằng đường bộ mà bạn có thể đi được trên đất Bắc Triều Tiên, vượt qua đó tôi không chịu trách nhiệm về chuyện có thể xảy ra!

Bên trong tòa nhà KPA Post, khi hướng dẫn viên du lịch đang đại diện cho từng đoàn làm thủ tục thì mọi khách du lịch đều quây lại bên cạnh bản đồ Triều Tiên và phối cảnh DMZ để hiểu về nơi mình đang đứng:

Viên sĩ quan còn khá trẻ giới thiệu rành rọt cho chúng tôi về nội dung ghi trên bản đồ: “bán đảo Triều Tiên phân đôi sau nội chiến năm 1953 tại vĩ tuyến 38 này, 2 bên Bắc và Nam lùi 2km từ giới tuyến để tạo nên vùng phi quân sự rộng 4km mà không được đặt bất cứ vũ khí hạng nặng hay súng máy tự động nào

Phía trên bản đồ, hình ngôi sao là thủ đô Bình Nhưỡng. Phía dưới bản đồ đánh dấu tròn là Seoul

Còn đây là sơ đồ phân bố DMZ mà tôi ghi chú thêm dựa theo giới thiệu của cậu sĩ quan:

– Số 1: đường biên của Bắc Triều Tiên, 2km từ vĩ tuyến 38
– Số 2: đường biên của Nam Triều Tiên, 2km từ vĩ tuyến 38
– Số 3 và số 4: cột cờ của 2 bên, bên Bắc to hơn bên Nam nhiều!
– Số 5: vị trí hiện tại của chúng tôi mà lát nữa xe sẽ đưa chúng tôi vào bên trong DMZ
– Số 6: Armistice Talks Hall, nơi ký kết hiệp định phân đôi bán đảo Triều Tiên ngày 27/7/1953
– Số 7: khu tiêu điểm J.S.A với những tòa nhà nhỏ nằm đúng trên vĩ tuyến 38, phía trước và sau là 2 tòa nhà lớn của bên Bắc và Nam. Nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy đường biên giới vĩ tuyến 38 này (có dạng chấm trắng đứt đoạn) uốn lượn, chứ không phải đường màu xanh nằm ngang bản đồ.

Hiểu được sơ qua phân bố của khu DMZ, chúng tôi xếp hàng từng người một lần lượt đi qua vọng gác KPA và lên lại xe buýt, hoàn toàn không có bất cứ sự khám xét hay cản trở hỏi han gì, những người lính Bắc Triều Tiên đứng trang nghiêm tại vị trí nhìn đoàn du khách tay máy ảnh tay ô dù đi qua:

Những chiếc cột lớn bạn đọc thấy trên ảnh vốn được dùng để chống tăng trong trường hợp bộ binh tấn công. Còn tấm pano này viết: “Let us pass on the united country to the next generation!

Viên sĩ quan vừa làm nhiệm vụ giới thiệu cho khách du lịch về DMZ được guide của chúng tôi mời lên xe đi cùng cả nhóm, chả là trước đó chú guide đã hứa sẽ rủ được 1 người lính thực thụ cho chúng tôi gặp mặt và chụp ảnh ^^ Chú sĩ quan này nói tiếng Anh tốt nhé, chứ không phải chỉ biết tiếng Hàn:

Trước mặt chúng tôi đang là khuôn viên của Tòa nhà của Hội nghị Đình chiến (Armistice Talks Hall) trong DMZ, cây cối xanh um sạch đẹp miễn chê:

Tấm bảng đá này nằm dưới cơn mưa lâm râm bao phủ DMZ, trên đó viết: “It was here on July 7, 1953 that the American imperialists got down on their knees before the heroic Chosun people to sign the ceasefire for the war they had provoked June 25, 1950

Bước vào Armistice Talks Hall, viên sĩ quan giới thiệu với chúng tôi đây là những chiếc bàn và chiếc ghế tưởng chừng như rất tầm thường đơn sơ, nhưng đã cùng dân tộc Triều Tiên trải qua biến động kinh người, ngày trước đại diện 2 bên đã ngồi ở vị trí nào và nói với nhau câu chuyện gì:

Ở tòa nhà bên cạnh, các bạn Bắc Triều Tiên đã cẩn thận lưu lại những dấu tích lịch sử của giai đoạn tọa đàm và ký kết hiệp định ngừng bắn và phân định biên giới cụ thể ra sao:

Trên bức ảnh khổ lớn, các bạn hãy để ý kỹ: bên tay phải là đại diện của Bắc Triều Tiên, và bên tay trái là phái đoàn Mỹ đại diện cho Nam Triều Tiên!

Vĩ tuyến 38 được vạch ra từ đây:

– Bàn ký kết hiệp định của phía Bắc Triều Tiên: bản gốc tiếng Hàn và cờ của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên:

– Bàn ký kết hiệp định của phía Nam Triều Tiên: bản gốc tiếng Anh và cờ của Liên Hợp Quốc. Theo giới thiệu chúng tôi được biết Mỹ muốn dùng cờ của mình nhưng Bắc Hàn không công nhận và yêu cầu phải để cờ LHQ thay thế! Vì sợ người Mỹ lật lọng, người Bắc Triều Tiên đã giữ lại toàn bộ chứng cứ như vậy:

Một số hình ảnh phía Bắc Triều Tiên ghi nhận là những vi phạm mang tính khiêu khích của Mỹ đối với chủ quyền đất nước diễn ra sau thời gian ký kết hiệp định đình chiến (mà trong chiều ngày 3 chúng tôi có dịp mục kích cụ thể hơn, sẽ giới thiệu thêm với bạn đọc trong bài post tới):

Và những minh chứng cho việc xây dựng ổn định xã hội phía Bắc, hướng đến thống nhất Tổ quốc:

Rời khỏi Armistice Talks Hall, chúng tôi chạy xe thêm vài phút nữa đến điểm dừng cuối cùng và quan trọng nhất: J.S.A, khu vực được mệnh danh là “tưởng như yên bình nhưng một bước đi sai có thể trả giá bằng tính mạng”, nơi mà chiến binh cùng 1 dòng máu đứng cạnh nhau qua lằn ranh nhưng không nhìn vào mắt đối phương.

Bước vào khuôn viên khu vực này, khách du lịch sẽ gặp tấm biển đá lớn kỷ niệm những bút tích cuối cùng của Kim Nhật Thành khi ông ký 1 tài liệu có liên quan đến việc thống nhất 2 miền vào ngày 7/7/1994, cũng là lúc ông mất vì cơn đau tim, mà người Triều Tiên luôn tự hào nói rằng “he died on his post

Đi tiếp du khách sẽ đến được tòa nhà lớn mà phía Bắc Triều Tiên xây dựng nhìn ra đường biên giới phi quân sự:

Nếu bạn mang máy ảnh thì không cần chần chờ hay hỏi han ai cả, bạn cứ thoải mái tự do mà bấm máy bởi những người lính Bắc Hàn dường như bất động đứng quay lưng về phía Nam Hàn, bởi phía này mới là phần đất thuộc chủ quyền và cần họ canh giữ. Phía bên kia lằn ranh, chúng tôi không thấy bóng dáng người lính nào, có vẻ như vì bên này đã có tour du lịch nên bên kia rút lính đi chăng? sự thỏa thuận bất thành văn này chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng, nhưng cũng không phải là điều chúng tôi quan tâm vì chúng tôi đang đứng trên phần đất của Bắc Triều Tiên nhìn vào đường biên giới lịch sử thật sự bẳng mắt!

Viên sĩ quan đưa chúng tôi vào trong tòa nhà màu xanh (Conference House) là nơi du khách cho dù đến từ phía Bắc hay phía Nam đều có thể tự do đi lại và thực sự đi qua biên giới 2 miền Nam Bắc ^^

Phía cuối căn phòng tất nhiên là cánh cửa thông sang Nam Hàn được 2 lính Bắc Hàn canh giữ, cửa có mở được không thì không ai rõ, nhưng chắc là không ai dám thử:

Từ trong phòng bạn cũng có thể hướng ống kính ra ngoài chụp ảnh: phần đất nện thuộc Bắc Triều Tiên, phần rải sỏi thuộc Nam Triều Tiên, nghe bảo rằng 1 bước từ bên này sang bên kia là hứa hẹn ăn đạn từ cả 2 phía 😀

Bên trong phòng bạn cũng được thoải mái chụp ảnh cùng các chú lính canh nhưng phải tranh thủ nhanh bởi số lượng khách có thể đông và khi các bạn lính đã dứt khoát là chắc chắn sẽ mời bạn ra khỏi phòng:

Rời khỏi Conference Hall, viên sĩ quan dẫn chúng tôi leo lên nóc tòa nhà Bàn Môn (Panmun Hall) – vị trí rất đẹp để nhìn toàn cảnh JSA cũng như phía Nam:

Trên nóc Panmun Hall là nơi nhóm Việt Nam chúng tôi chụp chung tấm ảnh đẹp với viên sĩ quan trẻ đã nhiệt tình giới thiệu thông tin cho cả đoàn, 1 người lính thực thụ. Các bạn Trung Quốc và nước ngoài sau khi thấy chúng tôi chụp được cũng xúm lại xin chụp nhưng viên sĩ quan từ chối và đi xuống tầng luôn nên các bạn ý cụt hứng, lại xoay ra ban công nhắm vào tòa nhà Tự do (Home of Freedom) to tướng bên Nam Triều Tiên mà chụp ảnh 😀 Chúng tôi vì không có ống ngắm xa hay ống nhòm nên không chụp rõ được phía bên ấy có gì, chắc cũng lại là những người lính đã được tập cho bất động trong mọi hoàn cảnh để ngày đêm canh giữ phần đất thuộc về mình …

Xong xuôi hết rồi, chúng tôi không nán lại lâu. Xe bus nhanh chóng đưa chúng tôi ra khỏi khu vực Bàn Môn Điếm. Bạn có thể thấy nơi này yên bình, đơn giản, và thực sự không có gì đặc biệt. Chúng tôi cũng đồng tình với nhận định đó phần nào, đáng lẽ nó phải giản đơn và yên bình hơn nữa khi người ta có thể bước đi tự nhiên không ràng buộc. Thông tin nhiều chiều cho biết đây là khu vực phi quân sự nhưng có mật độ đóng quân 2 bên dày đặc và nguy cơ chiến tranh cao nhất hành tinh!

==

Đôi dòng tản mạn lịch sử, nặng nhẹ đúng sai xin miễn chấp:

– Nhật Bản thua trong thế chiến thứ 2, cờ Thái Dương tắt trên vũ đài chính trị quốc tế, Triều Tiên được giải thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật lại hoang mang trong chính thể Nam-Bắc dưới ảnh hưởng sâu đậm của Xô-Trung phía Bắc và Mỹ phía Nam. Bắc Triều Tiên khi đó do Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) lãnh đạo, còn Nam Triều Tiên do Lý Thừa Văn (Yi Seungman) đứng đầu; 2 ông đi theo đường lối phát triển hoàn toàn khác nhau nhưng đều chung mục đích thống nhất 2 dải đất.

– Năm 1949, Liên Xô và Mỹ rút ra khỏi Triều Tiên

– Joseph Stalin bật đèn xanh cho Bắc Hàn trước, rồi đến Mao Trạch Đông, ôi những con người có thể làm thay đổi lịch sử … Ngày 25/6/1950, Bắc Triều Tiên khai pháo mở đầu cuộc chiến nồi da nấu thịt, quân đội phía Bắc tràn qua vĩ tuyến 38 nhắm vào Seoul. Trang bị vũ khí hạng nặng và tổ chức quân đội tốt, lại được Xô-Trung chống lưng, Bắc Triều Tiên chiếm được Seoul chỉ sau 3 ngày tiến quân. Chiến thắng phải chăng đã gần kề?

– Với sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo An và chục nước chư hầu, Mỹ đưa bộ binh, hải quân, và đặc biệt là không quân vào miền Nam. Thiện chiến trên không và đặc biệt là kẻ yêu bom, Mỹ ném bom trải thảm liên tục, uy hiếp quân đội Bắc Triều Tiên nặng nề, mặc dù phía Nam lúc này chỉ còn giữ được 10% diện tích. Stalin đưa MiG vào cuộc, nhưng đã quá muộn!

– Thuỷ quân lục chiến tinh nhuệ của Hoa Kỳ tái chiếm Seoul, đẩy lui làn sóng của Bắc Triều Tiên qua cả vĩ tuyến 38. Lý Thừa Văn tưởng như đã nhìn thấy cuộc đổi cờ ngoạn mục nên gia tăng tấn công lên phía Bắc, tiến thẳng vào Bình Nhưỡng tháng 10/1950. Sông Áp Lục (Yalu River) phân đôi Trung-Triều đang ở ngay trước mắt liên quân Mỹ-Nam Hàn. Quá tự tin trong chiến thắng, họ bỏ qua cảnh báo của Bắc Kinh về phản ứng của Trung Quốc khi đó đang sở hữu những cái đầu “lạnh” nhất của Chu Ân Lai, của Bành Đức Hoài.

– Quân đội Trung Quốc đi vòng đường bộ và âm thầm tập kết trên đất Bắc Triều Tiên, tấn công vào sườn quân Mỹ, giáng đòn chí tử chớp nhoáng vào quân đội Hoa Kỳ đang say ngủ. Hoa Kỳ rút ra khỏi Bắc Triều Tiên nhanh hơn cả lúc họ tiến vào. Lực lượng Cộng sản lại tái chiếm Seoul tháng 1/1951 cho đến khi bị đẩy lùi lần nữa vào tháng 3/1951. Giằng co xảy ra xung quanh vị trí 38 một lần nữa.

– Bế tắc cứ thế tiếp diễn từ tháng 3 năm 1951 đến tháng 7 năm 1953, tiếng súng dường như lắng dịu nhưng không một hoà đàm nào đem lại hướng giải quyết suôn sẻ cho bán đảo Triều Tiên. Liên quân Mỹ-Nam Hàn-LHQ tổn thất hơn 700,000 binh sĩ; con số đó của Xô-Trung-Bắc Hàn là hơn 1,2 triệu; nhưng tổng lại vẫn còn kém xa thương vong mất mát của thường dân Triều Tiên (hơn 2,5 triệu người chết hoặc bị thương).

===

Tiếng súng gươm của cuộc nội chiến tương tàn đã ngưng sau giai đoạn 1951-1953, nhưng vết thương vĩ tuyến 38 vẫn chưa nguôi cho cả 2 miền Nam Bắc Triều. Những năm tháng vinh quang, khổ đau bất tận đó đã đi sâu vào lòng người dân Triều Tiên chứ không chỉ nằm ở dải đất rộng 4 cây số này nữa …

… Khoảng vài phút sau khi xe chạy ra khỏi JSA, nếu có thể bạn hãy nhoài ra cửa kính xe để quay nhìn lại và hướng máy ảnh về phía tấm biển treo bên lề đường bên trái, trên đó viết: “Seoul 70km“, một khoảng cách không quá xa cho một nền hòa bình toàn vẹn thống nhất lãnh thổ nhưng sẽ là bao giờ và có khả thi hay không?

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P4)

Ngày 2: dạo quanh Bình Nhưỡng

Từ núi Moyhyang về, chúng tôi vẫn còn nửa buổi chiều để dạo quanh phố phường thủ đô, tour guide đưa chúng tôi đến thăm 3 nơi:
– Khải Hoàn Môn Bình Nhưỡng (Arch of Triumph)
– Đài kỷ niệm thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên (Monument to the Founding of the Worker’s Party)
– Tháp Chủ thể hay tư tưởng Tự chủ (Tower of Juche Idea)

Một vài hình ảnh phố phường Bình Nhưỡng chúng tôi gặp trên đường xe chạy:

2.1. The Arch of Triumph

Tọa lạc giữa trung tâm Bình Nhưỡng, Khải Hoàn Môn được xây dựng năm 1982 nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của chủ tịch Kim Nhật Thành. Cổng cao 60m, cấu trúc tương tự Khải Hoàn Môn ở Paris nhưng cao hơn và hoành tráng hơn; được xây từ 25,500 khối đá = 365×70, tức là số ngày đã sống trong đời của Kim chủ tịch cho đến sinh nhật lần thứ 70 đó!

Cổng này nhìn gần đúng là rất rất to, kiến trúc đồ sộ nhưng chưa tinh tế, túm lại là để ngắm từ xa mà thôi

Theo cô tour guide giới thiệu, mặt trước Khải Hoàn Môn có khắc 2 mốc son lịch sử hiện đại của dân tộc Triều Tiên: năm 1925 khi Kim Nhật Thành thực hiện công cuộc kháng Nhật đòi hòa bình, và năm 1945 khi phát xít Nhật rút khỏi Triều Tiên. Giữa cổng là bài hát của Chủ tịch Kim bằng tiếng Hàn mà chúng tôi cũng không đủ quan tâm để ngâm cứu nội dung ra sao …

Thu hút chúng tôi hơn cả là không khí thoáng sạch rộng lớn khu vực xung quanh Khải Hoàn Môn, rất nhiều đoàn khách nước ngoài cũng đang tụ tập quanh đây để chụp ảnh Bình Nhưỡng ban chiều:

Xa xa là bức tranh mosaic cực lớn bằng đá kể lại câu chuyện ngày Kim Nhật Thành khải hoàn trở về và phát biểu trước nhân sĩ Triều Tiên sau cuộc trường chinh kháng Nhật:

Panorama một phần quanh chân Khải Hoàn Môn:

Dưới chân Khải Hoàn Môn Bình Nhưỡng có quầy bán đồ lưu niệm là nơi thích hợp nhất cho du khách mua các bộ sư tầm tem Triều Tiên với giá cả dễ chịu và số lượng phong phú nhất (so với các điểm khác sau này chúng tôi ghé thăm), Một bộ tem như thế này có giá 50RMB, có thể mặc cả xuống:

2.2. Monument to the Founding of the Worker’s Party

Chúng tôi rời Khải Hoàn Môn tiếp tục đi thăm Đài kỷ niệm thành lập Đảng Lao Động, cũng là đảng đang cầm quyền nhà nước Bắc Triều Tiên. Phố phường thủ đô hôm nay không quá đông, chắc vì là ngày Chủ nhật nên ít người đi làm ở khu trung tâm:

Đài kỷ niệm này được xây vào năm 1996 nhân dịp 50 năm ngày thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên. Kiến trúc nhìn sơ qua đơn giản nhưng khá hầm hố, tôn vinh 3 biểu tượng cây búa, cái liềm, và ngòi bút lông tượng trưng cho 3 thành phần Công-Nông-Sĩ của xã hội đã góp phần làm nên vinh quang cho đảng. Đồng thời vòng tròn phía dưới cuốn quanh là tượng trưng cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, với dòng chữ đại ý là thành tựu của xã hội là nhờ vai trò dìu dắt của Đảng Lao Động:

Quảng trường phía trước mặt đài kỷ niệm rộng sạch đẹp tuyệt vời luôn, nhìn xa có thể thấy tượng Kim chủ tịch nhưng vì trời chiều mùa thu nhiều mây nên chúng tôi không chụp rõ được:

Đi vào giữa đài kỷ niệm, du khách có thể nhìn thấy các hoạ tiết trang trí bằng đá khắc bên trong vòng tròn lớn, các hình tượng này đều biểu dương lực lượng của quân và dân Bắc Hàn:

Và ngắm được rõ hơn kiến trúc đá Granite của đài mà bản thân tôi thấy thiết kế này rất đẹp:

Phía sau đài kỷ niệm này là khu dân cư và công viên rất rộng, y hệt công viên cây xanh ở Việt Nam vậy, chỉ khác là xanh và sạch thật sự chứ không xanh trên báo đài. Chúng tôi thỏa sức đi lại và chụp ảnh, kể cả chụp với mấy thanh niên Bắc Triều Tiên đang chơi quanh đó.

2 tòa nhà này được xây gần như cùng thời điểm với đài kỷ niệm mà 4 chữ hợp lại có nghĩa là “Bách chiến – Bách thắng” ^^ (nhờ bạn jingyongle dịch từ tiếng Hàn giùm)

Không rõ nhóm này thuộc tổ chức hay cá nhân nào, nhưng nụ cười chân thành của họ giữa quảng trường chắc hẳn sẽ làm ấm lòng người dân Bình Nhưỡng về 1 thủ đô thân thiện trong mắt du khách quốc tế ^^

2.3. Tower of Juche Idea

Chúng tôi lại theo xe chạy một chốc nữa để đến thăm Tháp Chủ thể tự hào của Triều Tiên.

Tháp này được hoàn thành vào năm 1982, nằm ở bở Đông của sông Taedong, vừa kỷ niệm sinh nhật 70 của Kim Nhật Thành, cũng là để nêu cao tư tưởng Chủ thể (Juche Idea) của Bắc Triều Tiên mà tiêu điểm là: Độc lập chính trị, Tự chủ kinh tế, Tự cường quốc phòng. Tư tưởng này cho rằng người Triều Tiên là chủ thể và quyết định mọi thành bại của cách mạng dân tộc mình; do Kim Nhật Thành đề xướng và nay đã trở thành vũ khí chính luận của guồng máy chính trị Bắc Triều Tiên.

Tháp này cao tổng cộng 170m, riêng ngọn đuốc nhân tạo trên đỉnh tháp cao 20m. Toàn tháp dựng bằng 25,550 viên đá phiến, tương ứng với 70 năm cuộc đời của cố chủ tịch Kim (tính theo ngày) — giống với Khải Hoàn Môn.

Phần tháp quay ra mặt sông có thêm tượng của tượng đài cao 30m với hình ảnh của người công nhân, nông dân, và tri thức Triều Tiên:

Hình tượng này làm chúng tôi nhớ đến những bức tranh ảnh cổ động về nước Nga Xô Viết đã một thời tràn ngập nước ta giai đoạn hậu chiến. Tháp Juche về đêm thường được rọi sáng nên hầu như khách du lịch nào đến Bắc Triều Tiên sẽ đều có ấn tượng về công trình này.

Từ chân tháp ra đến bờ sông là khoảng không rộng lớn không bị che chắn bởi bất cứ công trình nào, bên kia sông là Quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il Sung Square) và Đại học đường (Grand Study Hall) của Bình Nhưỡng:

Cuộc sống “chậm” của người dân thủ đô quanh khu vực này:

Chúng tôi theo cô hướng dẫn viên du lịch đi thăm quan bên trong tháp:

Người Bắc Triều Tiên rất tự hào về nội dung nhất quán và tính tự lực tự cường toát lên từ tư tưởng Juche (nội dung nhé, khác với thực tiễn triển khai!) và bản thân tư tưởng này cũng nhận được sự đồng thuận khen ngợi từ nhiều quốc gia trên thế giới. Những ghi nhận đó đều được khắc vào đá và gắn đầy lên tường ở cổng vào và bên trong tháp:

Trong tháp ngoài gian hàng quà lưu niệm còn có thang máy để đi lên đỉnh của tháp nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, tuy nhiên giá không rẻ chút nào: 5 EUR hoặc 50 RMB, và du khách phải tự trả vì riêng tiền này không nằm trong tiền tour. Đã đến chân tháp rồi chẳng nhẽ không lên, chúng tôi lại tặc lưỡi, nhưng kết quả thì rất xứng đáng với đồng tiền bỏ ra, được thỏa sức chụp Bình Nhưỡng từ trên cao.

Xa xa là những công trình bên kia sông Taedong mịt mờ trong sương khói lam chiều:

Quảng trường Kim Nhật Thành hứa hẹn buổi tối đi dạo thú vị cho ngày hôm sau:

Gần hơn nữa, ngay dưới chân tháp là tượng đài 3 thành phần xã hội chính của đất nước:

Nhìn về phía thành phố là vẻ đẹp đô thị tuy chưa hiện đại nhưng bù lại có nhiều khoảng không và mảng xanh mát mắt:

Panorama một phần Bình Nhưỡng đáng yêu nhìn từ trên cao ^^

Nhìn ngắm thành phố từ đỉnh tháp Juche một lúc thì đã xẩm tối, chúng tôi xuống đất và chuẩn bị đi ăn tối. Bữa tối ngày hôm nay ở 1 nhà hàng nhỏ bên trong thành phố, cũng là dịp để cả đoàn thỏa sức chụp ảnh cuộc sống người dân Bình Nhưỡng lúc nhá nhem:

… Và trong không gian ấm cúng khó quên đó, chúng tôi như được hâm nóng bởi men rượu Sochu, bởi sự tận tình của quán và nhiệt tâm của anh tour guide, những lần chạm cốc bè bạn Việt-Triều leng keng, khúc hát Quốc tế ca bằng tiếng Việt và tiếng Hàn cùng với bài ca Hải Phòng đã vang lên sảng khoái, những câu chuyện chia sẻ chân thành và xúc động về 1 Việt Nam gian khó của ngày tháng năm xưa giữa các thế hệ tuổi đời cách nhau hơn con giáp, những nhìn nhận thẳng thắn về nhiều điều vừa kịp thấy qua tại Bình Nhưỡng … tất cả đã khép lại một ngày du ngoạn thứ 2 đáng nhớ của nhóm trên đất Bắc Triều Tiên …

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P3)

Ngày 2: thăm núi Myohyang

Sáng ngày 2 chúng tôi trở dậy ăn sáng và lên xe lúc đồng hồ chỉ 8h, kế hoạch sáng nay là đến thăm núi Myohyang, nơi có International Friendship Exhibition Halls trưng bày quà tặng của các quốc gia và tổ chức trên thế giới gửi tặng chủ tịch Kim Nhật Thành và lãnh đạo Kim Chính Nhật trong suốt triều đại của gia đình ông.

Trời Bình Nhưỡng hôm nay mát mẻ nhiều mây mù, không khí buổi sớm khoan khoái và rất sạch sẽ. Vài tấm ảnh nhóm tôi chộp trên đường xe chạy trong thủ đô. Phố phường không hào nhoáng như bạn thường thấy nhưng bù lại rất sạch sẽ và có trật tự, dường như không ai buồn chen lấn hay bấm còi:

Núi Myohang nằm cách thủ đô 160km về phía Bắc (khoảng 2 tiếng chạy xe), đường quốc lộ nối Bình Nhưỡng và quần thể núi Myohang có chất lượng rất tốt, xe chúng tôi bon bon trong sương sớm:

Xung quanh quốc lộ chỉ thấy màu xanh mơn mởn đầy sức sống:

Chúng tôi vượt qua rất nhiều cầu cống với hầm xuyên núi hoành tráng, không rõ các bạn Bắc Hàn dồn tiền của bao nhiêu cho việc bảo trì nhưng chất lượng thì tuyệt vời khỏi chê, xe chạy 2 tiếng đồng hồ gần như không giảm tốc:

Núi Myohyang đã gần kề, 10h trưa nhưng sương mù vẫn bao phủ toàn cảnh vật:

Mở cửa sổ xe, chúng tôi đã có thể nghe thấy suối chảy róc rách trên đường vào núi:

Khuôn viên toàn khu tham quan núi Myohyang khá lớn, du khách sẽ gặp khách sạn Hyangsan, Children’s Union Camp, đền Pohyon … trước khi đến được Exhibition Hall. Từ trên xe chúng tôi thấy rất nhiều nhóm gia đình Bắc Triều Tiên đang đi dã ngoại tập thể trong khu vực này.

Trước mắt chúng tôi lúc này là Exhibition Hall của cố chủ tịch Kim Nhật Thành:

Theo hướng dẫn viên du lịch của khu trưng bày giới thiệu, Hall này mở cửa từ tháng 8 năm 1978, được xây kiểu kiến trúc pháo đài cổ của Triều Tiên, nhìn từ xa thì giống như làm bằng gỗ và có nhiều cửa sổ, nhưng thực chất toàn bê tông cốt thép và không có cửa sổ, có thể chịu được nắng mưa khắc nghiệt và những chấn động vùng cao:

Cửa vào Hall bằng đồng siêu dày chống đạn nhưng được thiết kế bản lề linh hoạt nên chỉ cần 1 tay có thể kéo được:

Bên trong Hall của chủ tịch Kim Nhật Thành, khách du lịch phải mang bọc giầy và gửi lại tất cả dụng cụ cá nhân (bao gồm máy ảnh) nên không thể chụp ảnh chia sẻ cùng bạn đọc, xin tạm giới thiệu sơ qua bằng lời ^^ Hall này có khoảng hơn 200,000 quà tặng từ 184 quốc gia toàn thế giới chứa trong 150 phòng. Sảnh vào Hall có cả bản đồ thế giới (dạng sa bàn) hiển thị các quốc gia và vùng lãnh thổ đã gửi quà 😀

Bạn sẽ lần lượt được giới thiệu qua vài gian phòng tiêu biểu, thấy những quà be bé như sừng tê, đĩa bạc của các quốc gia Châu Phi cho đến lục ngọc, thạch anh, bình quý to hơn người ôm của các tập đoàn tài chính Hong Kong; quà của nước ta điểm qua có đôi lọ từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hay 2 đôi voi con của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng (trưng bày dưới dạng ảnh chụp từ vườn thú Bình Nhưỡng, nơi hiện giờ vẫn nuôi các cặp voi này). Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến gian phòng chứa 4 xe cổ siêu siêu đẹp mà các nguyên thủ gửi tặng chủ tịch Kim, ví như chiếc Limousine chống đạn do Joseph Stalin to con chắc nịch, nước sơn còn bóng loáng, gai lốp gần như nguyên si khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ, nhất là 1 nước phải mua xe đắt gấp 3 lần thế giới như quê ta!

Sau Hall của Kim Nhật Thành, chúng tôi đi bộ sang khuôn viên của Exhibition Hall cho lãnh đạo Kim Chính Nhật. So với bố thì ông này được ít quà hơn, tầm 1/4 số lượng mà thôi, nên Hall cũng kém hoàng tráng hơn, bù lại được phân chia khoa học hơn (tỉ dụ mỗi nước cho vào 1 phòng hoặc 1 tủ chung nên dễ tìm) 😀

Bổn cũ soạn lại, chúng tôi không được chụp ảnh và tất nhiên phải đeo bao giày, nhưng cũng không hề gì. Phải nghiêm túc nhìn nhận rằng 2 khu exhibition hall này được xây vô cùng công phu, toàn là đá phiến lớn nên vòm hall cao, không khí trong hall (một phần do thời tiết núi cao) mát lạnh và thông thoáng chứ không bí tịt như phần lớn các bảo tàng tôi đã vào.

Vì chúng tôi nhiệt tình giới thiệu là từ Việt Nam đến nên cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến 1 phòng riêng có quà của riêng nước ta gửi tặng lãnh đạo Kim Chính Nhật. Nói ra thì cũng hơi buồn, toàn là mô hình Văn Miếu, trống đồng, đĩa và khay bé tị, không rực rỡ như các tập đoàn Huyndai hay LG gửi tặng 😀 Ngoài ra bạn cũng sẽ thấy những quà thú vị như quả bóng rổ có chữ ký Michael Jordan, phấn son trang điểm (chưa hết đát!), bàn ghế mạ vàng của bác gì đấy ở Nam Hàn suốt đời chỉ đóng bàn ghế tặng Bắc Hàn, rồi thư và ảnh của tổng thống Nam Hàn tay trong tay với Kim Chính Nhật, cùng vô số nhật báo thế giới ca ngợi lãnh đạo Kim!

Nơi trang nghiêm nhất trong 2 cụm Hall có lẽ là 2 khu phòng riêng có tượng sáp cỡ người thật của cha con ông Kim, khách du lịch đến đây đều được lịch sự yêu cầu vào chào, coi như ngỏ lời thăm viếng cựu chủ tịch và đương kim lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong giai đoạn cách mạng cận và hiện đại

Thăm xong 2 bảo tàng, chúng tôi mỏi chân rã rời, bác tour guide cũng biết ý nên rủ lên ban công của Exhibition Hall ngồi uống cà phê chụp ảnh. Một vài hình ảnh khuôn viên khu này nhìn từ trên vọng lâu:

Khu này cũng không bán nhiều đồ lưu niệm, chủ yếu là tranh ảnh và rượu Triều Tiên, giá khá mềm (30RMB/2 hũ nhỏ, đủ để làm quà)

Lúc này đã gần chính Ngọ, vì không có mặt trời nên chúng tôi gần như quên mất thời gian, cũng đã đến lúc chào tạm biệt cô hướng dẫn viên rồi cả đoàn ra xe rời khỏi Exhibition Hall sang thăm đền Pohyon ^^

Rời khỏi khu Exhibition Hall, bác tài đưa chúng tôi đến điểm tham quan liền kề: đền Pohyon, ngôi đền Phật giáo cổ nhất của Bắc Triều Tiên, được xây dựng từ thế kỷ 11, cũng đã bị hư hại nhiều trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên (1951-1953), nay đã phần nào được trùng tu sửa chữa lại. Quần thể này trước đây có 24 điện thờ nhưng sau chiến tranh chỉ còn giữ lại được gần chục ngôi.

Đường vào Pohyon trải cát mịn dưới tán thông xanh rì:

Cô hướng dẫn viên đón chúng tôi ngay từ lúc xe dừng và đưa cả đoàn đi quanh khu đền theo chiều kim đồng hồ:

Xa xa là cổng Jogye Gate, vốn là cổng vòng ngoài của Pohyon nhưng nay đã đóng không cho qua lại:

Lớp cổng giữa Haetal Gate có 2 bức tượng lớn thờ Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát, vị cưỡi sư tử trắng, vị cưỡi voi xanh; cách tô tượng và trang trí y phục mang đậm dấu ấn Triều Tiên, khác biệt so với Phật giáo Trung Hoa hay Nhật Bản:

Lớp cổng trong cùng là Chonwang Gate nơi du khách sẽ gặp tượng của 4 vị Thiên vương, cũng là cổng còn nguyên vẹn nhất trong 3 lớp cổng Pohyon Temple:

Không hoành tráng và quy mô như chùa chiền Trung Quốc, chúng tôi chỉ mất vài phút để đi qua các cổng này và vào đến khuôn viên chính của khu đền. Cô hướng dẫn viên giới thiệu với chúng tôi đây là tháp đá Tabo cao 9 tầng, một trong những quốc báu của Bắc Triều Tiên vì niên đại và kiến trúc cổ:

Tiếp theo là điện Đại Giác Ngộ (Taehung Hall) tiêu điểm của toàn khu đền thờ:

Phía trước Điện Giác Ngộ là tháp Sokka cao 13 tầng được xây từ thế kỷ thứ 14 và cũng được coi là báu vật quốc gia. Nghe hướng dẫn viên giới thiệu thì việc treo chuông quanh tháp được chủ tịch Kim Nhật Thành khởi xướng, tổng cộng quanh tháp treo 104 chuông, chắc đợi gió lên là reo leng keng cả 😀

Bên trong Taehung Hall là bệ thờ Phật Thích Ca trong tư thế thủ ấn Kim cương hiệp chưởng (một ấn biểu hiện cho tâm bất động khá hiếm gặp ở các tượng thờ). Khách du lịch có thể mua hương thắp với giá 10RMB/5 nén, chắc cũng ít khách tham quan nên bên trong Taehung Hall rất sạch sẽ và thoáng đãng:

Vị sư chúng tôi gặp trông coi điện, hỉnh ảnh này bạn đọc chắc đã từng gặp trong nhiều bài giới thiệu du lịch Bắc Triều Tiên mấy năm gần đây:

Chúng tôi ai nấy đều bị thu hút nhiều hơn bởi kiến trúc màu sắc rực rỡ của mái vòm điện. Đến khi về Việt Nam và tra cứu thêm nhiều nguồn thì được biết trên xà của vòm Điện Giác Ngộ này có vẽ chim 2 đầu được coi là có một không hai của Triều Tiên, tiếc là khi đó chúng tôi chưa biết để tìm chụp …

Bên phải Điện Giác Ngộ là vườn Quan Âm (Kwanum Hall):

và tiếp theo là điện Ryongsan Hall có kiến trúc đẹp không kém gì Taehung Hall:

Xa nhất trong khuôn viên này là khu điện Suchung thờ 1 vị sư trước kia có công kháng Nhật thế kỷ 14, chúng tôi chỉ được giới thiệu vậy chứ không vào tham quan:

Bước ra khỏi các khu điện thờ cổ đó, du khách sẽ gặp đền phức hợp Changgyong mới được xây dựng và vẫn chưa mở cửa đón khách:

Không chỉ ngắm nhìn kiến trúc của đền chùa cổ Bắc Triều Tiên, chúng tôi còn thích thú không gian xanh mát bao quanh các điện thờ, một vài hình ảnh chụp Pohyon của đoàn:

Chúng tôi mua kém ăn trước khi rời khỏi Pohyon Temple, kem này y hệt kem Tràng Tiền xưa, đá là chính và lạnh tê răng, ăn vào chỉ thấy thêm đói 😀

Đoàn chúng tôi rời Pohyon Temple đi ăn trưa trước khi về lại thủ đô, quán ăn nằm trong thị trấn nhỏ không xa cổng vào chân núi Myohyang, xe lại chạy qua Children Camp và Hotel Hyangsan, nghe nói trong những dịp quá nhiều khách du lịch vào Bình Nhưỡng thì Bắc Triều Tiên trưng dụng cả khách sạn này làm chỗ nghỉ chân cho người nước ngoài:

Bữa trưa không có gì đặc biệt, là cây nhà lá vườn của Bắc Hàn và bia uống thả phanh không mất thêm tiền:

Chỉ riêng sảnh vào của quán đặc biệt hơn là có bức trướng khá đẹp họa hình 2 đời Kim chủ tịch đang tọa lạc trong mùa xuân của núi Myohyang, xa xa là “pháo đài” Friendship Exhibition Halls của họ:

Xong xuôi chúng tôi bon bon 2 tiếng chạy xe trở về Bình Nhưỡng, những khung cảnh nông thôn thanh bình lướt qua ống kính của đoàn:

Tranh thủ lúc bác tài dừng xe để “nói chuyện điện thoại”, chúng tôi nhảy ra giữa đường chụp ảnh, đường xá cách xa thủ đô cả trăm cây số sạch sẽ rộng rãi phong quang cực kỳ, cứ gọi là “chạy thẳng vào tim”. Mùa thu mà cây cối đổi sang màu vàng màu đỏ thì những con đường này còn ảo phải biết …

Gần 4h30 chiều, chúng tôi đã về tới Bình Nhưỡng, đã gặp nhiều xe đạp và người đi bộ hơn, lại buột miệng “Quê mình” dù biết rằng đang ở nước bạn

Vẫn còn vài tiếng trước khi mặt trời lặn để chúng tôi đi 1 vòng tham quan vài điểm nhấn của Bình Nhưỡng ^^

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P2)

Ngày 1: hoành tráng Arirang

Arirang trong tiếng Triều Tiên vốn là tên của 1 câu chuyện tình khi chàng trai phải xa rời người con gái mình yêu và tiếng gọi của cô gái đó còn vang vọng trong không gian “A…rrrri…rraaanngg…“. Ngày nay, Arirang được Bắc Triều Tiên sử dụng để gọi màn trình diễn tập thể (Mass Game Performance) trứ danh của đất nước họ, cải biên câu chuyện tình yêu năm xưa thành những khó khăn chia cắt của giai đoạn đất nước Triều Tiên oằn mình dưới ách đô hộ của Nhật Bản, rồi nhờ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc, dưới sự đoàn kết trên dưới một lòng theo Tư tưởng Chủ thể (Juche Idea) đã cưỡi cơn gió mạnh, vượt làn sóng dữ, đánh bại đế quốc thực dân giành độc lập cho Triều Tiên. Sau đó lại là công cuộc đổi mới xây dựng nước nhà và niềm tin vào ngày mai thống nhất vẹn toàn 2 miền đất nước. Arirang trong giai đoạn mới còn có thêm màn tôn vinh hòa bình thế giới và đề cao quan hệ liền núi liền sông liền đồng lúa chín của 2 nước Trung-Triều 😀 Kể từ 2002 đến nay đã gần 1 thập kỷ, Arirang đều đặn được tổ chức ở sân vận động May Day Stadium từ đầu tháng 8 đến trung tuần tháng 9 mỗi năm, thu hút du khách Nam Hàn và toàn thế giới đến chiêm ngưỡng kỳ quan công sức của nhân dân Bắc Hàn.

Chúng tôi bước vào sân vận động đúng 8h30 tối để hòa mình vào không khí sôi động cuồng nhiệt đó:

Cấu trúc sân khấu Arirang chia làm 3 khu chính:

– Trên khán đài đối diện là hàng nghìn người cầm các tấm tranh được sắp xếp theo thứ tự nhất định tạo thành 1 bức tranh mosaic lớn. Hệ thống này theo cờ hiệu lệnh sẽ lật sao cho đồng điệu với các màn trình diễn dưới sân khấu

– Chân của khán đài là đội đại kỳ có nhiệm vụ chính là che các cửa ra vào và 2 bên hông sân khấu, tạo vành đai bao bọc 3 phía sân khấu

– Sân khấu lớn cũng là tiêu điểm của toàn màn trình diễn: là nơi phô bày động tác của các vận động viên, thanh thiếu niên, học sinh theo nội dung từng màn.

Ngoài ra còn phải kể đến sự kết hợp tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng đốt đuốc, bắn pháo hoa sẽ tạo nên 1 màn diễn hoành tráng thu hút khán giả.

Sự đồng điệu đáng kinh ngạc của Arirang là điểm thu hút thực sự với tất cả chúng tôi. Màn trình diễn đã qua khổ luyện thời gian dài có thể xem là tinh hoa của con tim, khối óc, sức mạnh tập thể nhân dân Bắc Triều Tiên đang phô bày trước mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi chụp ảnh và vỗ tay hò reo gần như không ngơi nghỉ ^^

Không chỉ có các vận động viên chuyên nghiệp mà cả các diễn viên nhí cũng có màn biểu diễn rất ấn tượng kèm theo uốn dẻo và chạy đội hình tăm tắp, mô tả một phần cuộc sống vui chơi sinh hoạt của thiếu nhi Triều Tiên:

Đúng là sẽ khó ở đâu người ta có thể thấy được sức huy động khổng lồ và mang tính tập trung cao cho một show diễn như thế này (chắc chỉ kém các cuộc duyệt binh National Parade khoe khoang sức mạnh quân sự của các cường quốc vũ khí, trong đó có Bắc Hàn)

Trong đêm chúng tôi xem có tổng cộng 8 màn múa lớn, trong mỗi màn múa lại chia ra nhiều hoạt cảnh nhỏ, vì minh họa bằng tiếng Hàn nên chúng tôi chỉ đoán được nội dung qua các tạo hình sân khấu và tranh mosaic lớn.

Chẳng hạn đây là sản xuất nông nghiệp …

… hay chăn nuôi thủy hải sản:

Rồi lập tức biến điệu thành màn giới thiệu võ dân tộc Taekwondo của Triều Tiên với những đòn tấn và tiếng hô vang động cầu trường:

Kéo dài khoảng 90 phút, chúng tôi ai cũng thấm mệt vì reo hò cổ vũ và chụp ảnh, nhưng phía dưới kia biển người Bắc Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại …

Còn đây là hình ảnh Bắc Triều Tiên trong giai đoạn xây dựng và đổi mới:

Hướng đến tương lai 2 miền Nam Bắc thống nhất một nhà:

Tất nhiên không thể thiếu tình giao hảo anh em của người láng giềng chung một dòng sông 😀

Chào đón năm 2012 đang đến gần, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và cũng tròn 1 thập kỷ Arirang ghi dấu trong lòng người yêu mến Bắc Hàn:

Màn trình diễn sắp đến lúc kết thúc, đại cảnh cuối thay lời cảm ơn du khách đến thăm Triều Tiên và tôn vinh đoàn kết hữu nghị quốc tế:

Và cả pháo hoa rợp sân vận động nữa các bạn ạ!

Arirang đêm tháng 8 đến đây là kết thúc! chúng tôi đã quá choáng ngợp và khâm phục quy mô cộng với nhiệt tình tổ chức của các bạn Bắc Hàn nên ra về trong thỏa mãn. Tiếng hoan hô trầm trồ vẫn không ngừng lại kể cả lúc mọi người đã đứng dậy và ra khỏi May Day Stadium. Với 100,000 người tham gia, Arirang North Korean quả xứng đáng với kỷ lục Guinness Thế giới trao tặng năm 2007!

===

Ghi chú: các ảnh của phần bài Arirang là tổng hợp từ thành quả của cả nhóm 10 người thay phiên nhau chụp và quay phim, do điều kiện chưa cho phép nên yilka không ghi được tên từng thành viên vào các ảnh tương ứng.

===

Thêm một chút thông tin: Vé Arirang chia theo các class khác nhau, tùy thuộc vị trí tương quan so với sân khấu chính, rẻ nhất là 80EUR cho đến mức 300EUR (riêng vé cho người Bắc Hàn và người Nam Hàn thì chúng tôi không biết giá):

Khách du lịch được khuyến khích chụp càng nhiều ảnh càng tốt, nhưng hạn chế quay phim (chắc vì các bạn Bắc Triều Tiên sợ người ngoài xem hết) nhưng phải nhìn nhận rằng vẻ đẹp Arirang không diễn tả bằng lời hay ảnh được mà chỉ có thể trực tiếp ngồi tại sân khấu để cảm nhận biển người dưới kia đang chuyển động đầy nhịp điệu hứng khởi với nụ cười không tắt trên môi suốt 90′ trình diễn mới thấy yêu Bắc Hàn nhiều hơn 🙂

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P1)

Ngày 1: đường vào Bình Nhưỡng

Sáng 8.30 chúng tôi có mặt ở ga tàu Đan Đông (Dandong) để làm thủ tục hải quan và chuẩn bị lấy visa Bắc Triều Tiên. Có khá đông khách Trung Quốc và châu Âu cũng cùng đi lộ trình này với chúng tôi. Cho đến lúc này mọi người vẫn còn căng thẳng lo lắng khi chưa được giao visa vào tay:

Tại quầy hải quan, passport của khách du lịch sẽ được đóng dấu xuất cảnh Trung Quốc và giữ lại theo từng nhóm để xuất visa Bắc Hàn. Lúc này chúng tôi thực hiện thanh toán tiền tour cho agency:

Giấy này là giấy chứng nhận sức khỏe cấp cho các tour và sẽ giao lại cho hải quan Trung Quốc trên đường quay lại Đan Đông từ Bình Nhưỡng:

Quang cảnh sân ga Đan Đông với các nhóm du lịch Bắc Triều Tiên đang tíu tít chụp ảnh lưu niệm:

Chuyến tàu mơ ước của chúng tôi đã sắp đến giờ lăn bánh, sau bao hồi hộp lo lắng, Bình Nhưỡng chỉ còn cách chúng tôi vài cây số qua Áp Lục Giang:

Và đây là visa du lịch theo nhóm của Bắc Hàn đã ở trong tay của đoàn ^^

Tờ giấy này sẽ bị hải quan Bắc Hàn thu lại ngay khi tàu từ Trung Quốc vào đến biên giới nên mọi người đều tranh thủ chụp ảnh càng nhiều càng tốt.

Tàu chầm chậm lăn bánh để đến ga tiếp theo Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) là ga đầu tiên của Bắc Triều Tiên, cách Đan Đông chỉ hơn 5′ chạy tàu. Mọi người đều trong tâm trạng phấn khởi vì mọi việc đã rất thuận lợi và nhanh chóng hơn mong đợi:

Còn đây là bữa ăn được cung cấp từ phía du lịch Bắc Hàn cho khách du lịch trên tàu:

Khi tàu dừng ở Sinuiji là lúc tour guide bên phía Bắc Hàn lên tàu để đón chúng tôi, những cái bắt tay nồng nhiệt đầu tiên giữa chúng tôi và người Triều Tiên với lời giới thiệu thân thiện: “Chúng tôi đến từ Việt Nam!”. Trên tàu sẽ có hải quan Bắc Hàn lên kiểm tra hành lý. Hoạt động này mang tính thủ tục và tự giác là chính chứ không khám xét kỹ càng, không hỏi han quá nhiều. Nếu bạn mang theo iPad, máy tính, hay lens tele dài trên 100m thì nhiều khả năng sẽ bị giữ đồ lại (và gửi trả khi bạn trở ra). Nhưng nếu bạn “cố tình” giấu đi thì vẫn mang vào được, miễn sao bạn giấu hợp lý và cẩn thận vì trên đường ra cũng sẽ qua vòng kiểm tra hải quan một lần nữa.

Tour guide dặn chúng tôi 1 điều: “Không được chụp ảnh trên tàu, hãy đợi vào Bình Nhưỡng thì tha hồ chụp ảnh. Và đặc biệt không được chụp ảnh quân đội!” – Đây là điều căn dặn duy nhất trong suốt chuyến đi mà chúng tôi nhận được, ngoài ra không hề có bất cứ cấm đoán nào khác. Những thông tin cho rằng đi đâu cũng có guide bám theo hay cấm tiếp xúc với người dân Triều Tiên là sai lệch, ít ra là với nhóm chúng tôi. Tuy nhiên người Triều Tiên nói chúng và Bắc Triều Tiên nói riêng đều khá hiền và ngại gặp người lạ nên khả năng khách nước ngoài (không biết tiếng Hàn) muốn giao tiếp là khó khả thi.

Và tàu lại bắt đầu lăn bánh, có nghĩa là đường vào Bắc Triều Tiên đã rộng mở, từ đây còn khoảng 5 tiếng chạy tàu vào đến thủ đô Bình Nhưỡng. Chắc hẳn bạn đọc sẽ đoán ra việc làm yêu thích của mọi du khách trên tàu lúc này là gì: Chụp ảnh! Bao nhiêu chờ mong, “ấm ức” của những buổi ngồi nhà đọc tin nghe đài về 1 Bắc Hàn bí ẩn, “không an toàn” và “nguy hiểm” đã đến lúc cần sáng tỏ!

Vài hình ảnh chúng tôi thu lượm được trên đường qua đặc khu hành chính Tân Nghĩa Châu:

Những cảm nhận đầu tiên là Bắc Triều Tiên rất sạch, không khí thoáng đãng, và đặc biệt là màu xanh ngan ngát của ruộng lúa nương ngô trải dài trong vô tận. Mưa rơi nhẹ rắc đều lên cảnh vật bao quanh con tàu chúng tôi, một cảm giác thanh bình khó tin tràn ngập trong lòng, chúng tôi yêu Bắc Hàn ngay từ những phút đầu tiên như thế!

Mỗi lần xem lại bức ảnh chụp cảnh chờ xe trên đê này hẳn bạn sẽ nhớ đến câu hát ai cũng biết thời bao cấp nước ta: “Bố con mình dắt nhau về quê, ra đến bến nhỡ tàu nhỡ xe …

Phố xá làng mạc lướt qua cửa kính tàu gợi lên cảm giác thân thuộc về 1 Việt Nam trước khi mở cửa, Bắc Hàn có rất nhiều nét tương đồng với quê ta:

Tàu dừng tổng cộng 3 lần ngắn trên hành trình đến Bình Nhưỡng; thanh niên đeo balo, người trung niên xách ca táp, phụ nữ dắt các em nhỏ đeo cặp sách đi bộ trên sân ga … có ai thấy lại tuổi thơ của mình những tháng năm thiếu thốn vật chất nhưng ấm cúng tình người hay không? Trước mắt chúng tôi là cuộc sống của người dân Bắc Hàn giản dị thanh bình. Không chen lấn ồn ảo, không ngổn ngang bẩn thỉu, người Triều Tiên làm chúng tôi nể phục ngay từ những phút đầu tiên bắt gặp:

Điều dễ nhận thấy là số lượng quân nhân của Bắc Triều Tiên rất đông (chắc không nói thì ai cũng biết) và thiếu nữ Bắc Hàn cực kỳ xinh! Trải nghiệm này chúng tôi đã chứng thực trong suốt mấy ngày xuôi ngược, những khuôn mặt con gái Triều Tiên vô tình lướt qua trên đường sẽ đủ để bất cứ ai cũng ngoái đầu ^^

Và tàu rời ga tiếp tục hành trình đưa hành khách đến gần với thủ đô hơn … lại là màu xanh tươi đẹp và những mái nhà xám xây kiểu Hàn Quốc chào đón khách du lịch. Nếu bạn đã từng nghĩ khắp Bắc Hàn sẽ toàn là khẩu hiệu, biểu ngữ, cổng chào thì chắc bạn sẽ nghĩ khác khi một lần theo tàu vượt mấy trăm cây số đường nối liền biên giới Trung-Triều và Bình Nhưỡng để ngắm nhìn cuộc sống nông thôn-thành thị như thế này:

Gần 6h chiều, anh tour guide đến khoang và nhắn chúng tôi: “Ga Bình Nhưỡng chỉ còn 5 phút!”. Hành trình đã đến đích, và trời đã tạnh mưa, đêm nay chúng tôi sẽ xem ngay lễ hội Arirang lúc 8h30 mà không cần chờ đợi gì cả! Khỏi phải nói tâm trạng của đoàn lúc đó như thế nào 😀 mọi người tưng bừng bởi mong ước được ngồi giữa Bình Nhưỡng xem trình diễn Arirang sắp thành hiện thực!

Một vài hình ảnh đầu tiên của thủ đô Bình Nhưỡng qua cửa sổ tàu và cửa kính xe bus khi di chuyển từ ga tàu đến khách sạn:

Và khách sạn Yanggakdo nơi chúng tôi nghỉ chân đã gần kề:

Khách sạn Yanggakdo là 1 trong 3 khách sạn lớn của Bắc Hàn phục vụ cho du lịch nước ngoài, vì chúng tôi đến lúc trời đã tối nên phải hẹn bạn đọc bài review riêng về Yanggakdo trong ngày hôm sau. Còn buổi tối hôm nay chỉ là những cái nhìn đầu tiên khi bước vào sảnh khách sạn:

Lúc này đồng hồ đã chỉ hơn 7h tối, thời gian khá sát chỉ đủ để du khách ăn tối và lấy phòng rồi nhanh chóng chuẩn bị đi xem Arirang lúc 8h30. Đồ ăn Triều Tiên lần đầu chúng tôi thử thấy vừa miệng, chủ yếu là các món cá và đậu, riêng bia là uống miễn phí thoải mái 😀

Còn đây là phòng nghỉ đôi tiêu chuẩn của khách sạn Yanggakdo, chắc là không gắn máy nghe trộm như các bạn Mỹ hay đồn đại, và cho dù có thì cũng không sao bởi ở đất nước luôn rao giảng về nhân quyền và hòa bình thế giới còn có Watergate nữa là:

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt

Bởi họ tin vào sức mạnh tự cường, vào nội lực quốc gia, vào những phấn đấu bền bỉ không ngừng của một dân tộc đã có nhiều nghìn năm lịch sử cổ đại, đồng thời trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc kháng Nhật oanh liệt gần 80 năm, ngày nay lại chịu đủ mọi áp lực từ nhiều phía nhưng người dân Bắc Triều Tiên vẫn sống, học tập, lao động, và xây dựng đất nước của mình để tự hào mà nói với Thế giới rằng nước mắt 2 miền chỉ dành cho ngày thống nhất.

Chúng tôi không ai viết báo, làm chính trị, hay thuộc các tổ chức nhân quyền; chúng tôi là những khách du lịch từ Việt Nam đến Bắc Hàn với tinh thần cầu thị, để được biết nước bạn ra sao, để một lần nghe tiếng nói từ phía “bên kia” sau quá nhiều thông tin áp đặt một chiều. Tưởng rằng sẽ là “nghệ thuật sắp đặt và diễn” hay chí ít cũng là “một vé đi tuổi thơ” để thấy lại những khó khăn thiếu thốn của một thời Việt Nam bao cấp nhưng những gì chúng tôi được thấy và tiếp xúc trong chuyến đi ngắn ngày lại khơi nguồn cho những cảm xúc yêu quý, thông cảm, trân trọng, và kính phục những gì người dân Bắc Triều Tiên đã và đang gây dựng từng ngày.

Một vài hình ảnh Bắc Triều Tiên trên đường tàu chạy từ biên giới Trung-Triều vào thủ đô Bình Nhưỡng:

Vũ điệu Arirang hoành tráng đón chào du khách, như lời hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi nhắn nhủ trước khi đoàn lên tàu về nước: “Tôi mong các bạn sẽ không bao giờ quên màn trình diễn Arirang, và hãy giới thiệu thêm nhiều bạn bè Việt Nam đến với Triều Tiên!”

Phải chăng người Bắc Triều Tiên chỉ sống trong vinh quang quá khứ?

… chắc hẳn rằng không, chúng tôi tin ngày mai tươi sáng hơn đang được họ viết ngay từ hôm nay:

Lịch trình của đoàn:

Ngày 1: từ biên giới Trung-Triều (thành phố Dandong) vượt sông Áp Lục (Yalu River) đi tàu vào Bình Nhưỡng (Pyongyang). Đến thủ đô khoảng 6h chiều. Tối ngày 1 xem trình diễn Arirang.

Ngày 2: đi thăm núi Myohyang, nơi có International Friendship Exhibition Hall trưng bày quà lưu niệm của các quốc gia, tổ chức, và cá nhân toàn thế giới tặng cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và lãnh đạo Kim Chính Nhật (Kim Jong Il). Trưa thăm đền Phật giáo Pohyon có từ thế kỷ 11. Chiều về thăm thú thủ đô Bình Nhưỡng (Arch of Triumph, Monument to the Founding of the Party, Tower of the Juche Idea).

Ngày 3: sáng đi thăm quan Bàn Môn Điếm (Panmunjom) và bảo tàng Koryo. Trên đường về thăm quan tàu hải quân USS Pueblo được Bắc Hàn coi là tàu do thám bị họ bắt từ năm 1968. Sau đó đến Mangyongdae là nơi sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và đi thử một trong những đường tàu điện sâu nhất thế giới (Pyongyang Subway). Tối đi dạo quảng trường Kim Il Sung và chụp Bình Nhưỡng trong đêm.

Ngày 4: lưu luyến rời Bắc Triều Tiên trở về Việt Nam

Các bài viết sau sẽ lần lượt gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về việc tìm tour, chi phí đi lại và cảm nhận của đoàn 🙂

… Vậy là chúng tôi đã đến đây những ngày tháng 8, đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Triều Tiên khỏi đế quốc Nhật Bản, và trở về với bao kỷ niệm đẹp … Nụ cười Việt-Triều khu phi quân sự DMZ, phần lãnh thổ Bắc Hàn:

Đến với Bắc Hàn nói chung và Bình Nhưỡng nói riêng chắc hẳn là đam mê của người yêu thích du lịch mà không cần hỏi rõ lý do, nhưng phần lớn đều có chung câu hỏi: “Làm sao để đi?”. Có những đường chính ngạch như đi công tác, xin visa từ Sứ quán vv… nhưng chúng tôi không làm như vậy mà tìm kiếm sự trợ giúp của các công ty du lịch. Vì quan hệ hữu hảo và đường biên giới tự nhiên thuận lợi giữa Trung Quốc và Triều Tiên mà phần lớn các tour vào Bắc Hàn đều thông qua agency của Trung Quốc. Thông tin du lịch các bạn có thể tham khảo từ rất nhiều nguồn trên mạng và qua sách báo, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những agency mà chúng tôi trao đổi thông tin trong thời gian trước khi đi.

1. Các agency ở Trung Quốc nhận làm tour đi Bắc Hàn:

– Lớn nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến Koryo Group, trụ sở tại Bắc Kinh, là agency có hơn 20 năm kinh nghiệm làm tour Triều Tiên. Trang web của họ cũng đầy đủ, kỹ lưỡng, và cực kỳ chi tiết, thích hợp cho tất cả khách du lịch VN cũng như quốc tế muốn tìm hiểu thông tin trước khi đi. Lịch trình khoa học và hướng dẫn đến tận răng là điểm mạnh của Koryo. Còn điểm kém hấp dẫn nhất của Koryo là giá cả! thường từ 800EUR trở lên cho tour 2 đêm và có thể nhảy đến 2000EUR nếu đi trên 1 tuần, và phải có đặt cọc trước kèm theo thanh toán đầy đủ trước ngày lên đường.

Explore North Korea có văn phòng tại Dandong (thành phố biên giới Trung-Triều) nên giá cả có phần mềm hơn Koryo (khoảng 6000RMB cho tour 4 ngày đi thăm Bình Nhưỡng). Tương tự Koryo, agency này yêu cầu thanh toán tiền đầy đủ trước khi tour bắt đầu. Sabrina, người phụ trách của agency này rất dễ thương và sẵn sàng giảm giá 10% tiền tour nếu bạn có thể đóng góp 10 cuốn sách tiếng Anh hay cho trẻ em Bắc Hàn.

– Agency mà chúng tôi chọn là DDCTS cũng có trụ sở ở Dandong, giá tour khá mềm và không yêu cầu đặt cọc trước 🙂 Toàn bộ tiền tour sau khi chúng tôi thỏa thuận (đã gồm tips cho guides phía Bắc Hàn) là: 3900RMB/người, vé xem Arirang (chỉ có các dịp tháng 8 đến 10 hàng năm) tính riêng (giá 800 RMB/người) và chỉ thanh toán tại biên giới ngay khi khách đã nhận visa Bắc Hàn! Qua cả trăm mail ngược xuôi, chúng tôi đã thu thập đầy đủ thông tin cần thiết cho chuyến đi vì website của DDCTS mục tiếng Anh chỉ ở mức giản lược chứ không được đầy đủ như Koryo hay ExploreNK. Bù lại thái độ làm việc nghiêm túc, nhanh nhậy, và đặc biệt việc chỉ nhận tiền sau khi khách đã có visa lên tàu của DDCTS được chúng tôi đánh giá cao và quả đã không thất vọng ^^

2. Cách thức vào ra Bắc Hàn:

Sau khi liên hệ với agency, khách sẽ cần cung cấp bản photo của passport, ảnh, thông tin về địa chỉ nhà/cơ quan, số điện thoại và email liên lạc; muộn nhất là 8 ngày trước khi khởi hảnh. Vé tàu vào ra Bắc Hàn sẽ do agency đảm nhiệm mua, còn nếu du khách muốn bay vào/ra Bình Nhưỡng thì có thể tự mua vé và cung cấp thông tin cho agency để họ lo visa riêng. Visa Bắc Hàn không đóng vào hộ chiếu mà cấp riêng trên 1 tờ giấy sẽ được thu lại khi ra khỏi nước họ, nên du khách có thể “yên tâm” (mặc dù chúng tôi rất tiếc là không được đóng 1 dấu nào của Bắc Triều Tiên vào passport). Hình ảnh cụ thể sẽ được cung cấp thêm khi viết đến bài ngày 1 🙂 Còn bạn lo lắng vì có visa Mỹ, Nhật, Nam Hàn trong passport? bạn có thể thoải mái vì hải quan Bắc Hàn thậm chí không giở đến trang thứ 2 của passport ra để kiểm tra!

Lộ trình quen thuộc của các tour đường bộ là: đi tàu từ Dandong (Trung Quốc) đến ga Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) của Bắc Hàn rồi chuyển qua tàu riêng của Bắc Hàn để tiếp tục đi đến Bình Nhưỡng. Còn đường hàng không sẽ bay trực tiếp Bắc Kinh hay Thẩm Dương (Shenyang), Trung Quốc vào sân bay Bình Nhưỡng bằng Air Koryo.

3. Để đến được Dandong thì có vô số cách, có thể đi tàu hoặc bay nội địa từ các thành phố khác đến, chúng tôi thì chọn lộ trình bay HCM/HN – Thượng Hải – Thẩm Dương, rồi đi xe bus (3 tiếng – 300km) từ Thẩm Dương đến Đan Đông. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu cho chúng tôi rằng không nên chọn chuyến bay quá gần vì thời tiết mùa thu thay đổi thất thường dễ ảnh hưởng đến lịch bay.

Sau khi nhóm từ HN đã sang đến Đan Đông an toàn nhanh chóng, nhóm đi từ Sài Gòn phải đổi lịch bay 3 lần vì siêu bão Muifa đổ bộ vào Trung Quốc gần như cùng thời điểm đoàn xuất phát khiến các chuyến bay liên tục trễ và vé mới phải mua sát giờ bay tại sân bay Thượng Hải. Khởi đầu sóng gió này được đền đáp bằng chuyến đi thanh bình và thời tiết Bắc Hàn trong mát suốt mấy ngày đoàn ở Bình Nhưỡng, chỉ mưa lại khi chúng tôi lên tàu về Đan Đông ^^

4. Nên và không nên mang gì vào Bắc Hàn?

– Qua trao đổi với agency và các nguồn thông tin trên mạng, du khách được mang máy ảnh, mp3, kindle, sách báo văn hóa phẩm không có nội dung chính trị và không mang tính tuyên truyền vào Bắc Hàn. Máy quay phim và điện thoại không được mang vào, còn máy tính và iPad sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng và thường được khuyến cáo không nên mang theo; thực ra mang có mang theo thì chắc bạn cũng không có nhu cầu sử dụng 😀 Các ống kính tele trên 100mm cũng sẽ bị giữ lại ở cửa khẩu (và trả lại khi du khách ra) nếu hải quan Bắc Hàn thấy ống kính quá dài. Còn nếu ống kính của bạn có kích thước vật lý ngắn (kiểu Tamron 70-300mm) thì có thể trót lọt. Thực chất quá trình kiểm tra hải quan diễn ra trên tàu và mang tính tự giác nhiều hơn chứ không hề có khám kỹ hành lý hay chạy qua máy soi 😉

– Đoàn chúng tôi có 10 người, mang theo 13 máy ảnh đủ loại, lens từ 12mm đến 300mm, vài chục thẻ nhớ, 5 iPad (3 iPad trong đó ‘gửi’ hải quan BH giữ ở biên giới)

– Nhưng quan trọng nhất cần có, theo Lonely Planet Korea (2010), là a sense of humor and an open mind

===

Vậy là mọi việc đã xong, hò hẹn với agency, chúng tôi gói ghém đồ đạc, mang theo máy ảnh và tư trang, thuốc men cùng kẹo bánh, thuốc lá, xà phòng làm quà cho các bạn Bắc Hàn rồi hồ hởi lên đường!