Bỗng nhiên có một ngày

Không phải PGS Tô Hải Vân đâu (mặc dù cuốn đó của bác ý sắc sảo, độc đáo) mà là nhà văn Nguyễn Quang Lập với tạp văn Ký ức vụn đã truyền cảm hứng cho bài viết này ra đời. Cũng vài năm rồi, văn học Việt Nam dường như đi ngang, có sách đấy có độc giả đấy, nhưng không cao trào và thiếu sôi nổi, còn những cuốn sách được ưa thích đa phần lại là truyện dịch và tiểu thuyết nước ngoài. Điểm mặt người ta vẫn cảm nhận được sự cố gắng của Văn Mới trong việc tìm tòi tuyển chọn, của sự trở lại âm thầm nhưng quả quyết của Lê Đạt, Trần Dần – những cái tên gần như biệt tích sau buổi Nhân văn giai phẩm đầu năm 60, của sự bùng nổ thiếu đanh thép của dòng văn học mạng và các cây bút trẻ … tất cả vẫn ‘sống’ nhưng hơi thiếu ‘động’.

Colorful Pencils

Bỗng nhiên có một ngày, mà cũng phải 20 năm rồi còn gì, nhà văn Nguyễn Quang Lập mới ‘giấy hoá’ những ký ức của ông từ những ngày tấm bé làng Đông (phần Thương nhớ mười ba) đến những vụn vặt rất đời trong cuộc sống (phần Vui buồn một thưở), và đặc biệt là những mẩu chuyện về các nghệ sĩ bạn văn tên tuổi trong nghề (phần Người từng gặp, Những người bạn khó quên, và Bạn văn). Người ta bắt gặp những tên tuổi lão làng như Trần Dần, Hải Bằng, Bùi Giáng, Nguyễn Khải, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Ánh, Thanh Sơn, Bảo Ninh và nhiều nhiều nữa; mỗi người một vẻ, ai cũng là ‘nạn nhân’ của lăng kính hài hước, dí dỏm, đôi khi lại bỡn cợt, phóng túng của Nguyễn Quang Lập. Những “bộ mặt thật” như được vạch trần, đời hơn, đểu hơn, và cuốn hút hơn. Đi suốt tập sách, bạn đọc cảm nhận được hơn sức mạnh của ngòi bút, nhất là khi ngòi bút đó viết ngắn gọn, sắc sảo, không thừa thiếu, chỉ vừa vặn để người ta không bỏ sót phần nào. Ai đó đã nhận xét rằng Ký ức vụn bỗ bã quá, chửi bậy quá nhưng có đọc mới thấy thế mới là tạp văn, thế mới hợp với chất bi hài đầy rẫy trong cuộc sống này, và đặc biệt là trong làng văn. Những nho lâm ngoại sử như thế có thể nhắc đến Thi nhân Việt Nam, Chân dung và Đối thoại, Hậu Chân dung và Đối thoại, Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh … và giờ đã có thêm 1 tác phẩm nữa để đọc và thưởng thức.

nguoisach

Trong lúc mất mùa văn học như hiện nay, Ký ức vụn là 1 cuốn sách hay nên đọc, một miếng ngon giữa làng đã nêm vừa mắm muối, người đọc cứ thế mà xơi thôi :mrgreen: Tuy không phải là “cứu tinh” duy nhất cho văn đàn, nhưng mong nó là tín hiệu sớm cho những tác phẩm khác của các tác giả khác sẽ tiếp nối ra đời. Cũng như chính Nguyễn Quang Lập đã kêu gọi bạn văn mạnh dạn đưa truyện lên blog để tiếp cận với độc giả nhanh hơn:

Đa số nhà văn bạn tôi rất ngại máy móc, kỹ thuật (e-mail, blog, mạng), thường bịa ra một lý thuyết nào đó để trốn tránh. Tôi cho là rất phí. Vì không cách gì hay hơn là anh ném tác phẩm ra một đám đông – toàn nickname, không biết mặt – người ta có thể mắng mình như không. Đám đông đó tôi nghĩ mới thật

Nhà văn Bảo Ninh nhân đọc Ký ức vụn đã nhận xét rằng:

Sự thực thì tôi thấy Ký Ức Vụn là một cuốn tiểu thuyết, cuốn ấy viết cho những người cùng thời cùng kiểu với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện. Thời thơ ấu, tuổi học trò, mối tình đầu, tang thương chiến tranh, đời văn, quê nhà, và tha hương lang bạt. Trần Vàng Sao. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đoàn Anh Thắng. Phùng Quán. Bạn bè ở Huế…

Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn. Và cả mừng cho văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình. Bấy lâu vẫn tưởng là số lượng độc giả ưa đọc và biết đọc văn học càng ngày càng vơi. Cứ tưởng bây giờ thiên hạ chỉ thiên về ” văn học sân chơi “. Song, cơn sốt, nếu có thể gọi như vậy, cơn sốt đam mê và thán phục của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ đối với Ký Ức Vụn đã chứng tỏ tôi nghĩ nhầm. Một tác phẩm văn học đã từ lâu lắm rồi mới thấy, lại được đón nhận rộng rãi bởi một niềm say mê văn học đã từ lâu lắm rồi mới có. Thật là điều quá đáng mừng cho văn học.

Còn người viết bài này thì đồng cảm với nhà văn Nguyễn Quang Lập trong truyện Thương nhớ mười baThương nhớ vỉa hè :mrgreen:Thương nhớ gì lại đi thương nhớ vỉa hè, có mà dở hơi. Nhưng mà thương nhớ thật” … đúng là nhớ thật, các bạn ạh 😛 Những điều thú vị khác như có người thích ăn ruồi, có người hai đầu gối, kẻ lắm hào quang, người đầy bóng tối, ai xấu ai tốt ai khôn ai dại … sẽ đều được phơi qua những mảnh vụn ký ức để bạn đọc tự chiêm nghiệm ^^

***

nql1Nhà văn Nguyễn Quang Lập sinh ngày 30/4/1956 ở Quảng Bình, hỗn danh là Lập Bọ. Ông xuất bản không nhiều sách, ngoài ra còn viết kịch bản cho phim (Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Lập trình cho trái tim) và kịch (Mùa hạ cay đắng, Trên mảnh đất người đời).

Mới đây nhất ông viết kịch bản cho vở diễn Ngàn năm tình sử dựng lại khúc ca bi tráng về anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt được đánh giá cao, sắp tới vở này được diễn rộng rãi, chắc cũng phải đi xem! Ah quên, blog của bác Bọ là trang Quê choa, đọc cũng thú vị :d

Cuốn Ký ức vụn dày 296 trang, bìa mềm, giá 45,000 VND, có ở khắp nơi.