Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P8 – Hết)

Tạm biệt Bắc Triều Tiên

Đêm thứ 3 giữa Bình Nhưỡng … chúng tôi đã nghĩ mình sẽ mất ngủ vì trằn trọc với những tình cảm dành cho Bắc Triều Tiên dù mới trải qua mấy ngày ngắn ngủi, nhưng trái lại, giấc ngủ đến rất nhanh và gần như ngay lập tức. Sáng ngày thứ 4, mây mù giăng kín Yanggakdo, trời mưa lâm thâm, khách du lịch đứng hút thuốc chật cả sảnh trước khách sạn nhưng không ai hối hả lên xe, họ cứ nán lại chậm rãi thưởng thức dư vị của không gian mát mẻ sáng đầu ngày, không còi xe, không tiếng ồn, không điện thoại, không tin nhắn, không cả những vướng bận âu lo …

Bác già quay video đưa chúng tôi chồng đĩa DVD, mọi người hối hả nhét vào đầu máy trên xe và bật lên xem, khúc nhạc dạo đầu cắt từ những cuốn băng thu chục năm có lẻ chát chúa vang lên, nhưng khi đến phần nội dung chính thì chất lượng rất tốt và lồng nhạc sinh động. Chúng tôi rất thích và mải mê xem cho đến khi xe dừng, ga tàu Bình Nhưỡng đã ở trước mặt:

Mưa vẫn lây rây, chúng tôi hối hả kéo valy vào bên trong khu chờ để đợi bạn nữ tour guide của đoàn xếp hàng mua vé, phòng chờ ga tàu khá đơn giản nhưng gọn gàng, vài hàng ghế gỗ phủ khăn ren trắng để mọi người nghỉ chân, nền lát đá phiến tối màu trong khung cảnh trời mưa càng thêm xám xịt, nổi bật nhất trong phòng chỉ có tấm ảnh Kim Nhật Thành chụp cùng công nhân ngành cơ khí:

Quang cảnh phía bên trong sân ga Bình Nhưỡng:

Đoàn tàu chúng tôi đi gồm cả các toa cho người dân Triều Tiên và toa cho khách du lịch nên tàu rất dài. Lúc này khách du lịch vẫn chưa nhận lại được passport, phải đến sát biên giới Trung-Triều, ga Tân Nghĩa Châu, thì hải quan Bắc Hàn mới trả lại passport và những đồ đã thu khi vào cho du khách:

Đợi chúng tôi yên vị trên khoang, cô bé hướng dẫn viên đi cùng đoàn hòa vào đám đông người ở lại, chỉ có 1 anh tour gide sẽ đưa mọi người đến ga biên giới. Và khi con tàu bắt đầu rùng mình chuyển bánh, gần như đồng loạt không chỉ có chúng tôi mà tất cả khách du lịch trên khoang đều thò tay qua cửa sổ vẫy chào tạm biệt …

… Ngoài trời mưa đã nặng hạt, Bình Nhưỡng đã lùi lại rất xa, đồng quê Bắc Triều Tiên đang chạy song hành cùng chúng tôi.

Ngày xưa, cái ngày xưa gian khó mà không người Việt Nam nào quên được đó, mỗi bận trời chưa chuyển mưa là tôi lại có phản xạ đưa ngón tay lên mút rồi giơ ra xem gió đang thổi theo chiều nào, vì nhà tôi xây dựa vào 1 nhà khác cao hơn, nếu gió xuôi thì mưa không hắt mạnh lên mái, còn nếu gió ngược thì chắc chắn là dột nặng. Nhìn trời mưa ở Bắc Triều Tiên không hiểu sao tôi lại nhớ ngày bé của mình đến thế, đói kém lắm nhưng thanh bình vô cùng hoặc giả tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những gánh nặng cơm áo mà bố mẹ tôi phải trải qua hàng ngày. Nhưng sau này mỗi khi nhắc về nó, bố mẹ tôi đều rưng rưng, không ai chối bỏ quá khứ mà thay vào đó là cái nhìn cảm thông và càng thấy hạnh phúc hơn vì đã cùng nhau vượt qua, vì chung 1 niềm tin không dễ gì cắt nghĩa. Tôi thầm cảm ơn Bắc Triều Tiên đã giúp tôi bắt kịp tuổi thơ bao cấp đó, thấy lại mình của ngày cũ khó khăn. Những năm tháng mà sau này người ta hay ngâm nga “sống nghèo nhưng vẫn thanh cao, gian lao nhưng vẫn dạt dào niềm tin”, mới nghe thì có vẻ lạc quan tếu nhưng sự thực quê hương tôi đã từng sống thế, những người thân của tôi đã từng sống thế, tôi tin những người Bắc Triều Tiên đang sống thế.

Người ta ném đồng xu xuống đất để tin rằng còn có ngày quay lại nơi đó. Chúng tôi không ném gì xuống cả, chúng tôi tin mình đã lưu lại ấn tượng tốt với những người chúng tôi có dịp gặp qua trong chuyến đi và mong chờ lần sau hội ngộ sẽ vẫn là những nụ cười đón chúng tôi nơi biên giới. Bản thân tôi định viết nhiều cho Bắc Triều Tiên nhưng quả là quá khó, vì có nhiều điều để viết mà thời gian và năng lực thì có hạn. Những người chưa đến nơi đây có khi còn viết được nhiều hơn chúng tôi nữa. Bao nhiêu cái nhìn “thấu hiểu” về bần hàn đói kém, về hiếu chiến hung hăng, về xin ăn quốc tế tôi xin gửi lại hết theo gió mưa, chỉ giữ lại cho mình vài điều đã kịp trải nghiệm trong mấy ngày qua.

Sẽ là 1 Bình Nhưỡng hiếu khách và luôn rộng mở cho bè bạn quốc tế, nhất là người Việt Nam, đến du lịch:

Sẽ là khúc ca Arirang rộn ràng hoành tráng những ngày tháng 8:

Sẽ là một đất nước kiêu dũng trong cuộc kháng chiến vệ quốc chống phát xít. Như trong những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam, nhà văn Bảo Ninh đã tri ân cho những cuộc đời mà tuổi trẻ của họ đã kinh qua dấu ấn thời đại của dân tộc, dấu ấn mà sau này dù có nỗi khổ nào của ngày hôm nay cũng không sánh bằng những đau khổ đã trải qua và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng tới thế nào cũng chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua; tôi tin dân tộc Triều Tiên cũng có những phút giây vinh quang hào hùng như thế!

Và hơn tất cả sẽ là những khuôn mặt của thế hệ Bắc Triều Tiên kế cận mà chúng tôi đã gặp và chào hỏi trên đường:

Có thể cuộc sống ngày hôm nay của lớp trẻ này chưa được trọn vẹn, bởi không ai chọn được quê hương, bởi dấu vết quá khứ và kế thừa văn hóa vẫn đang nặng trên tấm huy hiệu đeo trước ngực của cha mẹ các em, nhưng các em sẽ còn làm được nhiều điều mà thế hệ trước chưa làm được, để có hạnh phúc riêng mình, để sống vui tươi và đầy khát vọng hơn vì thế hệ các em đang sinh sôi trên chính mảnh đất quê hương mình, một Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt.

Leave a comment