Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P2)

Ngày 1: hoành tráng Arirang

Arirang trong tiếng Triều Tiên vốn là tên của 1 câu chuyện tình khi chàng trai phải xa rời người con gái mình yêu và tiếng gọi của cô gái đó còn vang vọng trong không gian “A…rrrri…rraaanngg…“. Ngày nay, Arirang được Bắc Triều Tiên sử dụng để gọi màn trình diễn tập thể (Mass Game Performance) trứ danh của đất nước họ, cải biên câu chuyện tình yêu năm xưa thành những khó khăn chia cắt của giai đoạn đất nước Triều Tiên oằn mình dưới ách đô hộ của Nhật Bản, rồi nhờ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc, dưới sự đoàn kết trên dưới một lòng theo Tư tưởng Chủ thể (Juche Idea) đã cưỡi cơn gió mạnh, vượt làn sóng dữ, đánh bại đế quốc thực dân giành độc lập cho Triều Tiên. Sau đó lại là công cuộc đổi mới xây dựng nước nhà và niềm tin vào ngày mai thống nhất vẹn toàn 2 miền đất nước. Arirang trong giai đoạn mới còn có thêm màn tôn vinh hòa bình thế giới và đề cao quan hệ liền núi liền sông liền đồng lúa chín của 2 nước Trung-Triều 😀 Kể từ 2002 đến nay đã gần 1 thập kỷ, Arirang đều đặn được tổ chức ở sân vận động May Day Stadium từ đầu tháng 8 đến trung tuần tháng 9 mỗi năm, thu hút du khách Nam Hàn và toàn thế giới đến chiêm ngưỡng kỳ quan công sức của nhân dân Bắc Hàn.

Chúng tôi bước vào sân vận động đúng 8h30 tối để hòa mình vào không khí sôi động cuồng nhiệt đó:

Cấu trúc sân khấu Arirang chia làm 3 khu chính:

– Trên khán đài đối diện là hàng nghìn người cầm các tấm tranh được sắp xếp theo thứ tự nhất định tạo thành 1 bức tranh mosaic lớn. Hệ thống này theo cờ hiệu lệnh sẽ lật sao cho đồng điệu với các màn trình diễn dưới sân khấu

– Chân của khán đài là đội đại kỳ có nhiệm vụ chính là che các cửa ra vào và 2 bên hông sân khấu, tạo vành đai bao bọc 3 phía sân khấu

– Sân khấu lớn cũng là tiêu điểm của toàn màn trình diễn: là nơi phô bày động tác của các vận động viên, thanh thiếu niên, học sinh theo nội dung từng màn.

Ngoài ra còn phải kể đến sự kết hợp tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng đốt đuốc, bắn pháo hoa sẽ tạo nên 1 màn diễn hoành tráng thu hút khán giả.

Sự đồng điệu đáng kinh ngạc của Arirang là điểm thu hút thực sự với tất cả chúng tôi. Màn trình diễn đã qua khổ luyện thời gian dài có thể xem là tinh hoa của con tim, khối óc, sức mạnh tập thể nhân dân Bắc Triều Tiên đang phô bày trước mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi chụp ảnh và vỗ tay hò reo gần như không ngơi nghỉ ^^

Không chỉ có các vận động viên chuyên nghiệp mà cả các diễn viên nhí cũng có màn biểu diễn rất ấn tượng kèm theo uốn dẻo và chạy đội hình tăm tắp, mô tả một phần cuộc sống vui chơi sinh hoạt của thiếu nhi Triều Tiên:

Đúng là sẽ khó ở đâu người ta có thể thấy được sức huy động khổng lồ và mang tính tập trung cao cho một show diễn như thế này (chắc chỉ kém các cuộc duyệt binh National Parade khoe khoang sức mạnh quân sự của các cường quốc vũ khí, trong đó có Bắc Hàn)

Trong đêm chúng tôi xem có tổng cộng 8 màn múa lớn, trong mỗi màn múa lại chia ra nhiều hoạt cảnh nhỏ, vì minh họa bằng tiếng Hàn nên chúng tôi chỉ đoán được nội dung qua các tạo hình sân khấu và tranh mosaic lớn.

Chẳng hạn đây là sản xuất nông nghiệp …

… hay chăn nuôi thủy hải sản:

Rồi lập tức biến điệu thành màn giới thiệu võ dân tộc Taekwondo của Triều Tiên với những đòn tấn và tiếng hô vang động cầu trường:

Kéo dài khoảng 90 phút, chúng tôi ai cũng thấm mệt vì reo hò cổ vũ và chụp ảnh, nhưng phía dưới kia biển người Bắc Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại …

Còn đây là hình ảnh Bắc Triều Tiên trong giai đoạn xây dựng và đổi mới:

Hướng đến tương lai 2 miền Nam Bắc thống nhất một nhà:

Tất nhiên không thể thiếu tình giao hảo anh em của người láng giềng chung một dòng sông 😀

Chào đón năm 2012 đang đến gần, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và cũng tròn 1 thập kỷ Arirang ghi dấu trong lòng người yêu mến Bắc Hàn:

Màn trình diễn sắp đến lúc kết thúc, đại cảnh cuối thay lời cảm ơn du khách đến thăm Triều Tiên và tôn vinh đoàn kết hữu nghị quốc tế:

Và cả pháo hoa rợp sân vận động nữa các bạn ạ!

Arirang đêm tháng 8 đến đây là kết thúc! chúng tôi đã quá choáng ngợp và khâm phục quy mô cộng với nhiệt tình tổ chức của các bạn Bắc Hàn nên ra về trong thỏa mãn. Tiếng hoan hô trầm trồ vẫn không ngừng lại kể cả lúc mọi người đã đứng dậy và ra khỏi May Day Stadium. Với 100,000 người tham gia, Arirang North Korean quả xứng đáng với kỷ lục Guinness Thế giới trao tặng năm 2007!

===

Ghi chú: các ảnh của phần bài Arirang là tổng hợp từ thành quả của cả nhóm 10 người thay phiên nhau chụp và quay phim, do điều kiện chưa cho phép nên yilka không ghi được tên từng thành viên vào các ảnh tương ứng.

===

Thêm một chút thông tin: Vé Arirang chia theo các class khác nhau, tùy thuộc vị trí tương quan so với sân khấu chính, rẻ nhất là 80EUR cho đến mức 300EUR (riêng vé cho người Bắc Hàn và người Nam Hàn thì chúng tôi không biết giá):

Khách du lịch được khuyến khích chụp càng nhiều ảnh càng tốt, nhưng hạn chế quay phim (chắc vì các bạn Bắc Triều Tiên sợ người ngoài xem hết) nhưng phải nhìn nhận rằng vẻ đẹp Arirang không diễn tả bằng lời hay ảnh được mà chỉ có thể trực tiếp ngồi tại sân khấu để cảm nhận biển người dưới kia đang chuyển động đầy nhịp điệu hứng khởi với nụ cười không tắt trên môi suốt 90′ trình diễn mới thấy yêu Bắc Hàn nhiều hơn 🙂

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt (P1)

Ngày 1: đường vào Bình Nhưỡng

Sáng 8.30 chúng tôi có mặt ở ga tàu Đan Đông (Dandong) để làm thủ tục hải quan và chuẩn bị lấy visa Bắc Triều Tiên. Có khá đông khách Trung Quốc và châu Âu cũng cùng đi lộ trình này với chúng tôi. Cho đến lúc này mọi người vẫn còn căng thẳng lo lắng khi chưa được giao visa vào tay:

Tại quầy hải quan, passport của khách du lịch sẽ được đóng dấu xuất cảnh Trung Quốc và giữ lại theo từng nhóm để xuất visa Bắc Hàn. Lúc này chúng tôi thực hiện thanh toán tiền tour cho agency:

Giấy này là giấy chứng nhận sức khỏe cấp cho các tour và sẽ giao lại cho hải quan Trung Quốc trên đường quay lại Đan Đông từ Bình Nhưỡng:

Quang cảnh sân ga Đan Đông với các nhóm du lịch Bắc Triều Tiên đang tíu tít chụp ảnh lưu niệm:

Chuyến tàu mơ ước của chúng tôi đã sắp đến giờ lăn bánh, sau bao hồi hộp lo lắng, Bình Nhưỡng chỉ còn cách chúng tôi vài cây số qua Áp Lục Giang:

Và đây là visa du lịch theo nhóm của Bắc Hàn đã ở trong tay của đoàn ^^

Tờ giấy này sẽ bị hải quan Bắc Hàn thu lại ngay khi tàu từ Trung Quốc vào đến biên giới nên mọi người đều tranh thủ chụp ảnh càng nhiều càng tốt.

Tàu chầm chậm lăn bánh để đến ga tiếp theo Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) là ga đầu tiên của Bắc Triều Tiên, cách Đan Đông chỉ hơn 5′ chạy tàu. Mọi người đều trong tâm trạng phấn khởi vì mọi việc đã rất thuận lợi và nhanh chóng hơn mong đợi:

Còn đây là bữa ăn được cung cấp từ phía du lịch Bắc Hàn cho khách du lịch trên tàu:

Khi tàu dừng ở Sinuiji là lúc tour guide bên phía Bắc Hàn lên tàu để đón chúng tôi, những cái bắt tay nồng nhiệt đầu tiên giữa chúng tôi và người Triều Tiên với lời giới thiệu thân thiện: “Chúng tôi đến từ Việt Nam!”. Trên tàu sẽ có hải quan Bắc Hàn lên kiểm tra hành lý. Hoạt động này mang tính thủ tục và tự giác là chính chứ không khám xét kỹ càng, không hỏi han quá nhiều. Nếu bạn mang theo iPad, máy tính, hay lens tele dài trên 100m thì nhiều khả năng sẽ bị giữ đồ lại (và gửi trả khi bạn trở ra). Nhưng nếu bạn “cố tình” giấu đi thì vẫn mang vào được, miễn sao bạn giấu hợp lý và cẩn thận vì trên đường ra cũng sẽ qua vòng kiểm tra hải quan một lần nữa.

Tour guide dặn chúng tôi 1 điều: “Không được chụp ảnh trên tàu, hãy đợi vào Bình Nhưỡng thì tha hồ chụp ảnh. Và đặc biệt không được chụp ảnh quân đội!” – Đây là điều căn dặn duy nhất trong suốt chuyến đi mà chúng tôi nhận được, ngoài ra không hề có bất cứ cấm đoán nào khác. Những thông tin cho rằng đi đâu cũng có guide bám theo hay cấm tiếp xúc với người dân Triều Tiên là sai lệch, ít ra là với nhóm chúng tôi. Tuy nhiên người Triều Tiên nói chúng và Bắc Triều Tiên nói riêng đều khá hiền và ngại gặp người lạ nên khả năng khách nước ngoài (không biết tiếng Hàn) muốn giao tiếp là khó khả thi.

Và tàu lại bắt đầu lăn bánh, có nghĩa là đường vào Bắc Triều Tiên đã rộng mở, từ đây còn khoảng 5 tiếng chạy tàu vào đến thủ đô Bình Nhưỡng. Chắc hẳn bạn đọc sẽ đoán ra việc làm yêu thích của mọi du khách trên tàu lúc này là gì: Chụp ảnh! Bao nhiêu chờ mong, “ấm ức” của những buổi ngồi nhà đọc tin nghe đài về 1 Bắc Hàn bí ẩn, “không an toàn” và “nguy hiểm” đã đến lúc cần sáng tỏ!

Vài hình ảnh chúng tôi thu lượm được trên đường qua đặc khu hành chính Tân Nghĩa Châu:

Những cảm nhận đầu tiên là Bắc Triều Tiên rất sạch, không khí thoáng đãng, và đặc biệt là màu xanh ngan ngát của ruộng lúa nương ngô trải dài trong vô tận. Mưa rơi nhẹ rắc đều lên cảnh vật bao quanh con tàu chúng tôi, một cảm giác thanh bình khó tin tràn ngập trong lòng, chúng tôi yêu Bắc Hàn ngay từ những phút đầu tiên như thế!

Mỗi lần xem lại bức ảnh chụp cảnh chờ xe trên đê này hẳn bạn sẽ nhớ đến câu hát ai cũng biết thời bao cấp nước ta: “Bố con mình dắt nhau về quê, ra đến bến nhỡ tàu nhỡ xe …

Phố xá làng mạc lướt qua cửa kính tàu gợi lên cảm giác thân thuộc về 1 Việt Nam trước khi mở cửa, Bắc Hàn có rất nhiều nét tương đồng với quê ta:

Tàu dừng tổng cộng 3 lần ngắn trên hành trình đến Bình Nhưỡng; thanh niên đeo balo, người trung niên xách ca táp, phụ nữ dắt các em nhỏ đeo cặp sách đi bộ trên sân ga … có ai thấy lại tuổi thơ của mình những tháng năm thiếu thốn vật chất nhưng ấm cúng tình người hay không? Trước mắt chúng tôi là cuộc sống của người dân Bắc Hàn giản dị thanh bình. Không chen lấn ồn ảo, không ngổn ngang bẩn thỉu, người Triều Tiên làm chúng tôi nể phục ngay từ những phút đầu tiên bắt gặp:

Điều dễ nhận thấy là số lượng quân nhân của Bắc Triều Tiên rất đông (chắc không nói thì ai cũng biết) và thiếu nữ Bắc Hàn cực kỳ xinh! Trải nghiệm này chúng tôi đã chứng thực trong suốt mấy ngày xuôi ngược, những khuôn mặt con gái Triều Tiên vô tình lướt qua trên đường sẽ đủ để bất cứ ai cũng ngoái đầu ^^

Và tàu rời ga tiếp tục hành trình đưa hành khách đến gần với thủ đô hơn … lại là màu xanh tươi đẹp và những mái nhà xám xây kiểu Hàn Quốc chào đón khách du lịch. Nếu bạn đã từng nghĩ khắp Bắc Hàn sẽ toàn là khẩu hiệu, biểu ngữ, cổng chào thì chắc bạn sẽ nghĩ khác khi một lần theo tàu vượt mấy trăm cây số đường nối liền biên giới Trung-Triều và Bình Nhưỡng để ngắm nhìn cuộc sống nông thôn-thành thị như thế này:

Gần 6h chiều, anh tour guide đến khoang và nhắn chúng tôi: “Ga Bình Nhưỡng chỉ còn 5 phút!”. Hành trình đã đến đích, và trời đã tạnh mưa, đêm nay chúng tôi sẽ xem ngay lễ hội Arirang lúc 8h30 mà không cần chờ đợi gì cả! Khỏi phải nói tâm trạng của đoàn lúc đó như thế nào 😀 mọi người tưng bừng bởi mong ước được ngồi giữa Bình Nhưỡng xem trình diễn Arirang sắp thành hiện thực!

Một vài hình ảnh đầu tiên của thủ đô Bình Nhưỡng qua cửa sổ tàu và cửa kính xe bus khi di chuyển từ ga tàu đến khách sạn:

Và khách sạn Yanggakdo nơi chúng tôi nghỉ chân đã gần kề:

Khách sạn Yanggakdo là 1 trong 3 khách sạn lớn của Bắc Hàn phục vụ cho du lịch nước ngoài, vì chúng tôi đến lúc trời đã tối nên phải hẹn bạn đọc bài review riêng về Yanggakdo trong ngày hôm sau. Còn buổi tối hôm nay chỉ là những cái nhìn đầu tiên khi bước vào sảnh khách sạn:

Lúc này đồng hồ đã chỉ hơn 7h tối, thời gian khá sát chỉ đủ để du khách ăn tối và lấy phòng rồi nhanh chóng chuẩn bị đi xem Arirang lúc 8h30. Đồ ăn Triều Tiên lần đầu chúng tôi thử thấy vừa miệng, chủ yếu là các món cá và đậu, riêng bia là uống miễn phí thoải mái 😀

Còn đây là phòng nghỉ đôi tiêu chuẩn của khách sạn Yanggakdo, chắc là không gắn máy nghe trộm như các bạn Mỹ hay đồn đại, và cho dù có thì cũng không sao bởi ở đất nước luôn rao giảng về nhân quyền và hòa bình thế giới còn có Watergate nữa là:

Bắc Triều Tiên không tin vào nước mắt

Bởi họ tin vào sức mạnh tự cường, vào nội lực quốc gia, vào những phấn đấu bền bỉ không ngừng của một dân tộc đã có nhiều nghìn năm lịch sử cổ đại, đồng thời trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc kháng Nhật oanh liệt gần 80 năm, ngày nay lại chịu đủ mọi áp lực từ nhiều phía nhưng người dân Bắc Triều Tiên vẫn sống, học tập, lao động, và xây dựng đất nước của mình để tự hào mà nói với Thế giới rằng nước mắt 2 miền chỉ dành cho ngày thống nhất.

Chúng tôi không ai viết báo, làm chính trị, hay thuộc các tổ chức nhân quyền; chúng tôi là những khách du lịch từ Việt Nam đến Bắc Hàn với tinh thần cầu thị, để được biết nước bạn ra sao, để một lần nghe tiếng nói từ phía “bên kia” sau quá nhiều thông tin áp đặt một chiều. Tưởng rằng sẽ là “nghệ thuật sắp đặt và diễn” hay chí ít cũng là “một vé đi tuổi thơ” để thấy lại những khó khăn thiếu thốn của một thời Việt Nam bao cấp nhưng những gì chúng tôi được thấy và tiếp xúc trong chuyến đi ngắn ngày lại khơi nguồn cho những cảm xúc yêu quý, thông cảm, trân trọng, và kính phục những gì người dân Bắc Triều Tiên đã và đang gây dựng từng ngày.

Một vài hình ảnh Bắc Triều Tiên trên đường tàu chạy từ biên giới Trung-Triều vào thủ đô Bình Nhưỡng:

Vũ điệu Arirang hoành tráng đón chào du khách, như lời hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi nhắn nhủ trước khi đoàn lên tàu về nước: “Tôi mong các bạn sẽ không bao giờ quên màn trình diễn Arirang, và hãy giới thiệu thêm nhiều bạn bè Việt Nam đến với Triều Tiên!”

Phải chăng người Bắc Triều Tiên chỉ sống trong vinh quang quá khứ?

… chắc hẳn rằng không, chúng tôi tin ngày mai tươi sáng hơn đang được họ viết ngay từ hôm nay:

Lịch trình của đoàn:

Ngày 1: từ biên giới Trung-Triều (thành phố Dandong) vượt sông Áp Lục (Yalu River) đi tàu vào Bình Nhưỡng (Pyongyang). Đến thủ đô khoảng 6h chiều. Tối ngày 1 xem trình diễn Arirang.

Ngày 2: đi thăm núi Myohyang, nơi có International Friendship Exhibition Hall trưng bày quà lưu niệm của các quốc gia, tổ chức, và cá nhân toàn thế giới tặng cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và lãnh đạo Kim Chính Nhật (Kim Jong Il). Trưa thăm đền Phật giáo Pohyon có từ thế kỷ 11. Chiều về thăm thú thủ đô Bình Nhưỡng (Arch of Triumph, Monument to the Founding of the Party, Tower of the Juche Idea).

Ngày 3: sáng đi thăm quan Bàn Môn Điếm (Panmunjom) và bảo tàng Koryo. Trên đường về thăm quan tàu hải quân USS Pueblo được Bắc Hàn coi là tàu do thám bị họ bắt từ năm 1968. Sau đó đến Mangyongdae là nơi sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và đi thử một trong những đường tàu điện sâu nhất thế giới (Pyongyang Subway). Tối đi dạo quảng trường Kim Il Sung và chụp Bình Nhưỡng trong đêm.

Ngày 4: lưu luyến rời Bắc Triều Tiên trở về Việt Nam

Các bài viết sau sẽ lần lượt gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về việc tìm tour, chi phí đi lại và cảm nhận của đoàn 🙂

… Vậy là chúng tôi đã đến đây những ngày tháng 8, đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Triều Tiên khỏi đế quốc Nhật Bản, và trở về với bao kỷ niệm đẹp … Nụ cười Việt-Triều khu phi quân sự DMZ, phần lãnh thổ Bắc Hàn:

Đến với Bắc Hàn nói chung và Bình Nhưỡng nói riêng chắc hẳn là đam mê của người yêu thích du lịch mà không cần hỏi rõ lý do, nhưng phần lớn đều có chung câu hỏi: “Làm sao để đi?”. Có những đường chính ngạch như đi công tác, xin visa từ Sứ quán vv… nhưng chúng tôi không làm như vậy mà tìm kiếm sự trợ giúp của các công ty du lịch. Vì quan hệ hữu hảo và đường biên giới tự nhiên thuận lợi giữa Trung Quốc và Triều Tiên mà phần lớn các tour vào Bắc Hàn đều thông qua agency của Trung Quốc. Thông tin du lịch các bạn có thể tham khảo từ rất nhiều nguồn trên mạng và qua sách báo, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những agency mà chúng tôi trao đổi thông tin trong thời gian trước khi đi.

1. Các agency ở Trung Quốc nhận làm tour đi Bắc Hàn:

– Lớn nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến Koryo Group, trụ sở tại Bắc Kinh, là agency có hơn 20 năm kinh nghiệm làm tour Triều Tiên. Trang web của họ cũng đầy đủ, kỹ lưỡng, và cực kỳ chi tiết, thích hợp cho tất cả khách du lịch VN cũng như quốc tế muốn tìm hiểu thông tin trước khi đi. Lịch trình khoa học và hướng dẫn đến tận răng là điểm mạnh của Koryo. Còn điểm kém hấp dẫn nhất của Koryo là giá cả! thường từ 800EUR trở lên cho tour 2 đêm và có thể nhảy đến 2000EUR nếu đi trên 1 tuần, và phải có đặt cọc trước kèm theo thanh toán đầy đủ trước ngày lên đường.

Explore North Korea có văn phòng tại Dandong (thành phố biên giới Trung-Triều) nên giá cả có phần mềm hơn Koryo (khoảng 6000RMB cho tour 4 ngày đi thăm Bình Nhưỡng). Tương tự Koryo, agency này yêu cầu thanh toán tiền đầy đủ trước khi tour bắt đầu. Sabrina, người phụ trách của agency này rất dễ thương và sẵn sàng giảm giá 10% tiền tour nếu bạn có thể đóng góp 10 cuốn sách tiếng Anh hay cho trẻ em Bắc Hàn.

– Agency mà chúng tôi chọn là DDCTS cũng có trụ sở ở Dandong, giá tour khá mềm và không yêu cầu đặt cọc trước 🙂 Toàn bộ tiền tour sau khi chúng tôi thỏa thuận (đã gồm tips cho guides phía Bắc Hàn) là: 3900RMB/người, vé xem Arirang (chỉ có các dịp tháng 8 đến 10 hàng năm) tính riêng (giá 800 RMB/người) và chỉ thanh toán tại biên giới ngay khi khách đã nhận visa Bắc Hàn! Qua cả trăm mail ngược xuôi, chúng tôi đã thu thập đầy đủ thông tin cần thiết cho chuyến đi vì website của DDCTS mục tiếng Anh chỉ ở mức giản lược chứ không được đầy đủ như Koryo hay ExploreNK. Bù lại thái độ làm việc nghiêm túc, nhanh nhậy, và đặc biệt việc chỉ nhận tiền sau khi khách đã có visa lên tàu của DDCTS được chúng tôi đánh giá cao và quả đã không thất vọng ^^

2. Cách thức vào ra Bắc Hàn:

Sau khi liên hệ với agency, khách sẽ cần cung cấp bản photo của passport, ảnh, thông tin về địa chỉ nhà/cơ quan, số điện thoại và email liên lạc; muộn nhất là 8 ngày trước khi khởi hảnh. Vé tàu vào ra Bắc Hàn sẽ do agency đảm nhiệm mua, còn nếu du khách muốn bay vào/ra Bình Nhưỡng thì có thể tự mua vé và cung cấp thông tin cho agency để họ lo visa riêng. Visa Bắc Hàn không đóng vào hộ chiếu mà cấp riêng trên 1 tờ giấy sẽ được thu lại khi ra khỏi nước họ, nên du khách có thể “yên tâm” (mặc dù chúng tôi rất tiếc là không được đóng 1 dấu nào của Bắc Triều Tiên vào passport). Hình ảnh cụ thể sẽ được cung cấp thêm khi viết đến bài ngày 1 🙂 Còn bạn lo lắng vì có visa Mỹ, Nhật, Nam Hàn trong passport? bạn có thể thoải mái vì hải quan Bắc Hàn thậm chí không giở đến trang thứ 2 của passport ra để kiểm tra!

Lộ trình quen thuộc của các tour đường bộ là: đi tàu từ Dandong (Trung Quốc) đến ga Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) của Bắc Hàn rồi chuyển qua tàu riêng của Bắc Hàn để tiếp tục đi đến Bình Nhưỡng. Còn đường hàng không sẽ bay trực tiếp Bắc Kinh hay Thẩm Dương (Shenyang), Trung Quốc vào sân bay Bình Nhưỡng bằng Air Koryo.

3. Để đến được Dandong thì có vô số cách, có thể đi tàu hoặc bay nội địa từ các thành phố khác đến, chúng tôi thì chọn lộ trình bay HCM/HN – Thượng Hải – Thẩm Dương, rồi đi xe bus (3 tiếng – 300km) từ Thẩm Dương đến Đan Đông. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu cho chúng tôi rằng không nên chọn chuyến bay quá gần vì thời tiết mùa thu thay đổi thất thường dễ ảnh hưởng đến lịch bay.

Sau khi nhóm từ HN đã sang đến Đan Đông an toàn nhanh chóng, nhóm đi từ Sài Gòn phải đổi lịch bay 3 lần vì siêu bão Muifa đổ bộ vào Trung Quốc gần như cùng thời điểm đoàn xuất phát khiến các chuyến bay liên tục trễ và vé mới phải mua sát giờ bay tại sân bay Thượng Hải. Khởi đầu sóng gió này được đền đáp bằng chuyến đi thanh bình và thời tiết Bắc Hàn trong mát suốt mấy ngày đoàn ở Bình Nhưỡng, chỉ mưa lại khi chúng tôi lên tàu về Đan Đông ^^

4. Nên và không nên mang gì vào Bắc Hàn?

– Qua trao đổi với agency và các nguồn thông tin trên mạng, du khách được mang máy ảnh, mp3, kindle, sách báo văn hóa phẩm không có nội dung chính trị và không mang tính tuyên truyền vào Bắc Hàn. Máy quay phim và điện thoại không được mang vào, còn máy tính và iPad sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng và thường được khuyến cáo không nên mang theo; thực ra mang có mang theo thì chắc bạn cũng không có nhu cầu sử dụng 😀 Các ống kính tele trên 100mm cũng sẽ bị giữ lại ở cửa khẩu (và trả lại khi du khách ra) nếu hải quan Bắc Hàn thấy ống kính quá dài. Còn nếu ống kính của bạn có kích thước vật lý ngắn (kiểu Tamron 70-300mm) thì có thể trót lọt. Thực chất quá trình kiểm tra hải quan diễn ra trên tàu và mang tính tự giác nhiều hơn chứ không hề có khám kỹ hành lý hay chạy qua máy soi 😉

– Đoàn chúng tôi có 10 người, mang theo 13 máy ảnh đủ loại, lens từ 12mm đến 300mm, vài chục thẻ nhớ, 5 iPad (3 iPad trong đó ‘gửi’ hải quan BH giữ ở biên giới)

– Nhưng quan trọng nhất cần có, theo Lonely Planet Korea (2010), là a sense of humor and an open mind

===

Vậy là mọi việc đã xong, hò hẹn với agency, chúng tôi gói ghém đồ đạc, mang theo máy ảnh và tư trang, thuốc men cùng kẹo bánh, thuốc lá, xà phòng làm quà cho các bạn Bắc Hàn rồi hồ hởi lên đường!

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P7 – Hết)

Ngày cuối không vội vàng, chúng tôi thong thả ăn sáng trước khi ra sân bay, chuyến bay từ Leh về Delhi khởi hành lúc 10.30. Sau màn kiểm tra kỹ lưỡng (gồm cả việc tự khai vào sổ thời gian lưu trú kèm tên khách sạn ở Leh cho đến việc mở hành lý và tháo giầy), tất cả cũng đã yên vị trên máy bay và cuộc gặp gỡ tình cờ với ông Narboo như 1 đoạn kết có hậu sau 6 ngày du ký Ladakh đầy cảm hứng. Ngay trước khi rời máy bay, ông còn kịp ghi cho tôi địa chỉ trang web của hotel mà gia đình ông giờ đang mở ở Leh với lời nhắn: “my place is silently beautiful!“. Không biết còn dịp nào chúng tôi gặp lại nhau, bạn đọc nếu có Ladakh trong danh mục những điểm đến tham quan thì có thể xem xét thêm về Hotel Shambhala của ông Narboo: http://www.hotelshambhala.com/

Tháng 5 vẫn còn là mùa thấp điểm ở Ladakh, trời vẫn còn lạnh và nhiều mây, nhưng Delhi thì đã thừa nắng gió. Chỉ có vài tiếng ở Delhi, chúng tôi không biết làm gì để tiêu hết thời gian nên mua vé tàu cao tốc chạy vào trung tâm, đi thăm Lăng mộ vua Humayun (Humayun’s Tomb). Gửi bạn đọc vài hình ảnh lang thang nơi này:

Xây theo kiến trúc Mughal (tương tự kiến trúc của Taj Mahal), Hamayun là sự kết hợp đối xứng chuẩn mực của mái vòm, của chính, cửa sổ, các gian phòng rộng lớn mà bên ngoài là tường đá phiến trắng-đỏ, bên trong là không gian rộng lớn và mát mẻ.

Đuối sức vì trời nóng, chúng tôi cũng không sục sạo mọi chỗ của Hamayun’s Tomb 😀 một phần cũng vì đang còn dư âm của Ladakh toàn cảnh vật núi sông, giờ đến đây gặp toàn những công trình nhân tạo hoành tráng. Các đoàn du khách nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản thì vẫn kéo vào Hamayun ùn ùn, dịp này cũng trùng với Tuần lễ vàng Golden Week (tuần đầu tháng 5 hàng năm) nên chả trách các bạn ý đi chơi khắp thế giới 😀

… Nhẩm tính đã đến lúc nên quay về sân bay, chúng tôi lại hì hục kéo hành lý ra ga, bụng bảo dạ lần sau xin chừa không dám lê la New Delhi khi chưa cất đồ và có kế hoạch cụ thể trong tay. Nhà ga Delhi quả là cực hình cho những ai phải mang vác nhiều, dòng người xuôi ngược đội valy trên đầu đi lại bất kể hàng lối, phụ nữ và người già rất nhiều, thời tiết nắng nóng nên gần như ai cũng kiệm vải, nhưng nếu để ý thì dưới chỗ râm lại ít người hơn ngoài chỗ nắng! Rất nhiều chỗ bán dưa chuột tươi chấm muối ớt nhìn thèm nhưng sau khi thấy các bạn ý cầm quả dưa nhúng vào cái thau nhựa rồi dùng tay vuốt vuốt cho sạch thì sợ mất hồn không dám ăn … Chen lấn xô đẩy xin đường mãi cuối cùng chúng tôi chui được vào tàu, tàu mới và chạy rất nhanh, nhưng lại cấm chụp ảnh nên không có tư liệu review cho bạn đọc.

Và phòng chờ quen thuộc của sân bay Indra Gandhi International Airport (IGIA) đã ở trước mắt. Sau mấy lần quá cảnh vào ra ở Delhi từ các chuyến đi lần trước, tôi đã thuộc sân bay này kha khá nên tranh thủ lượn lờ mua sách, sạc điện thoại, và dùng ké wifi miễn phí 😀 Các dịch vụ và mặt hàng trong IGIA đều đắt đỏ, trừ sách báo! bạn đọc có thể tìm thấy gần như đủ loại sách, nhất là các ấn phẩm giới thiệu về du lịch văn hóa hay ẩm thực Ấn Độ, Himalaya, văn minh sông Hằng … với giá rẻ (dưới 20USD cho sách tranh ảnh dày); mua sách ở Ấn Độ đúng là sướng khoái như Việt Nam bởi sách nhiều và rẻ, thảo nào nhiều sách mua xong lật trang cuối ra thấy có in “Sale in India only” ^^

Tạm biệt Ladakh, tạm biệt những ngọn núi, dòng sông trong lòng thung lũng Indus – Zanskar – Nurba, chúng tôi về Việt Nam mang theo nhiều kỷ niệm về 1 mảnh đất đẹp hùng vĩ và những con người thân thiện hiếu khách. Đã từ lâu du khách đến đây quên dần hình ảnh Kashmir với những xung đột biên giới Pakistan hay Trung Quốc, bởi vùng này đã trở thành điểm dừng chân cho những tuần trăng mật ấm cúng, những hành trình tâm linh về đất Phật cùng những khám phá độ cao chóng mặt, hay những trải nghiệm đường trường thú vị có một không hai ở Ấn Độ. Với chúng tôi, đó đặc biệt còn là những buổi sớm bình minh yên tĩnh 🙂

Juley, Ladakh!

(Hình ảnh Ladakh trên báo Travel Leisure – South Asia edition, tháng 8 năm 2011)

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P6)

Bận rộn lu bu với nhiều điều khác nên tôi vẫn nợ Ladakh nhiều bài viết, xin trở lại cùng bạn đọc trong bài tiếp theo và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi còn lưu lại vùng này, hôm nay chúng tôi dành trọn ngày đi thăm hồ Pangong Tso, vừa là hồ nước mặn rộng nhất bang nằm dưới chân Hy Mã, vừa là biên giới tự nhiên (còn tranh cãi) giữa Ấn Độ và Tây Tạng.

====

Hồ Pangong nằm không quá xa Leh, tuy chỉ có 150km đường chim bay giữa hai nơi nhưng thời gian di chuyển thường mất 5-6 tiếng do điều kiện đường núi gập ghềnh và vẫn còn băng tuyết trên nửa quãng đường. Chúng tôi dậy sớm mang theo áo ấm và rất nhiều nước để chống nhức đầu 😀

Ladakh buổi sáng tĩnh lặng cực kỳ, trong khung cảnh thanh bình đó, chúng tôi gần như là những người duy nhất chạy trên đường:

Không phải đợi quá lâu, chúng tôi đã đến gần đoạn đường gian nan nhất tuyến: vượt qua đỉnh Changla Pass ở độ cao hơn 5300m và đặc biệt vẫn gần như đóng băng trong tháng 5:

Nhờ vào 2 lần qua lại Khardungla Pass khi đi thung lũng Nubra trong mấy ngày trước mà chúng tôi không quá sốc với độ cao trên 5000m của Changla Pass, nhưng cái lạnh ở đây thì kinh người! Không một cơn gió nhưng Changla Pass làm người ta rùng mình vì sự ảm đạm có phần thê lương và cảm giác lạnh từ trong ra ngoài. Do không gần biên giới và một phần vì còn khá sớm nên Changla Pass rất ít người qua lại cũng như hiếm thấy binh lính đồn trú.

Tê cóng người, chúng tôi chui ngay vào xe và tiếp tục hành trình, hy vọng khi xuống thấp sẽ đỡ run cầm cập hơn …

Đường xuống từ đèo Changla khá đẹp, nếu đây là tháng 9-10 khi tuyết đã tan thì hẳn dưới cái nắng trong xanh của Ladakh, con đường này sẽ lý tưởng cho du khách chụp ảnh thưởng ngoạn:

Màu trắng dần dần ít đi và thay thế bằng màu nâu của đất cùng những lạch nước tan từ tuyết chảy hiền hòa, chúng tôi đã qua đoạn đường khắc nghiệt nhất:

Khung cảnh xung quanh lúc nào cực kỳ sống động, cậu lái xe tinh ý chạy chầm chậm giữa những hẻm núi để chúng tôi kịp ngắm thiên nhiên Ladakh ôn hòa ngoài cửa kính:

Nếu thích bạn có thể nhờ xe dừng lại để thoải mái ra ngoài chụp ảnh, đây là đoạn đường đẹp nhất trong hơn 150 cây số giữa Leh và hồ Pangong, thảm động thực vật tuy không phong phú nhưng đặc sắc và hiếm gặp, riêng tôi mới chỉ thấy những hình ảnh này qua máy tính trước khi đến Ladakh.

… Và phía cuối con đường lúc này là dải hồ Pangong giấu mình giữa những dãy núi, chúng tôi chỉ còn cách hồ vài cây số:

Hồ Pangong dài hơn 130 cây số, phía Tây nằm hẳn về địa phận Ấn Độ (chỉ có 40% diện tích hồ), phía Đông kéo dài sang địa phận Trung Quốc, cụ thể thuộc về Tây Tạng. Đã từ lâu du khách bị cấm hoàn toàn việc chạy về phía Đông của hồ vì khu vực này cho đến nay vẫn còn nằm trong tranh chấp, tuy rằng tiếng súng đã ngưng hẳn sau xung đột biên giới Trung-Ấn (Sino-Indian War) năm 1962.

Xe chúng tôi chạy chậm dần và dừng sát mép hồ, đã gần trưa nhưng lúc này mây đang phủ kín trời làm chúng tôi vô phuơng thấy được màu xanh ngọc nổi tiếng của Pangong Tso …

Những hình ảnh đầu tiên của Pangong qua ống kính của tôi:

Cùng với hồ Tsomori, hồ Pangong luôn là điểm đến cho những người yêu thích thiên nhiên rộng lớn và cảnh trời nước mênh mông. Ladakh chưa đông khách và dấu ấn Phật giáo trong vùng cũng chưa sâu đậm như người anh em bên phía kia dãy Hy Mã, nhờ vậy mà Pangong còn khá hoang sơ và không mang tính biểu trưng tôn giáo cao như các hồ thiêng Tây Tạng. Mặt trời chưa ló qua được mây, chúng tôi trong lúc chờ bóng nắng thì xoay ra chụp những góc khác nhau của Pangong Tso.

Đây là phía Tây của hồ:

Vùng giữa hồ, không rõ bên kia có gì …

Chim chóc vừa bay vừa kêu thảng thốt, có vẻ như sự hiện diện ven bờ của chúng tôi quấy quả đến buổi sáng của chúng 😀

Chúng tôi đi bộ một đoạn ven hồ và tranh thủ bắn tỉa loài cư dân gần như độc nhất ở đây:

Được biết hồ Pangong tuy là hồ nước mặn nhưng vào mùa đông là mặt hồ đóng băng cả, cũng là cách mà người địa phương vượt qua bên kia biên giới trong điều kiện cấm chèo thuyền ở đây 😀 Chúng tôi tìm được một stupa đá hiếm hoi ở mép nước nên cũng đua đòi xếp 1 cái khác nhỏ hơn bên cạnh, sau này bạn đọc đi qua có khi vẫn còn thấy y nguyên ở đây chăng?

Đã đến giờ ăn trưa, chúng tôi quyết định ăn nhẹ ngay cạnh hồ và đợi thêm một lúc để mặt trời (có thể) lên. “Nhà hàng” có thể tìm thấy dựng ngay gần hồ:

Và tất nhiên sẽ là món masala tea cay cay ngọt bùi để xoa dịu cái lạnh trong ngày nhiều mây:

Một số gia đình Ấn Độ cũng đang lái xe đến hồ. Hỉnh ảnh này trở nên quen thuộc hơn từ bộ phim “3 Idiots” năm 2010 khi rất nhiều đoạn trong phim lấy bối cảnh thiên nhiên Kashmir, trong đó có vùng hồ Pangong

Chờ đợi mãi đến gần 2h chiều, mây tản đi trong chốc lát và chúng tôi mới kịp thấy những mảng trời xanh hiếm hoi trên cao, màu nước Pangong cũng dịu bớt phần xám xịt

Không thể nán lại quá lâu, mặc dù tiếc nuối vì thời tiết không chiều lòng người, chúng tôi phải rời Pangong Tso để về lại Leh trước khi trời tối. Cảnh hồ cuối cùng khi quay lại chụp trước lúc xe leo đèo:

Trên đường ra thấy khá nhiều xe lúc này mới chạy về hướng Pangong, chắc các nhóm này sẽ cắm trại ngủ lại quanh hồ vì sau giờ chiều là đường về Leh gần như không có người đi để đảm bảo an toàn.

Chúng tôi lại lướt qua những cảnh đẹp hoang sơ vắng bóng người của Ladakh:

… Leh lúc này chỉ còn cách gần 1 giờ chạy xe, đã thấy bóng chiều về trên thủ đô … chúng tôi đã có bữa ăn tối cuối cùng của hành trình Kashmir trong cảm giác ấm cúng sau nửa ngày rét run và đói bụng 😀

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P5)

Nếu trong chúng tôi đã đi về phía Tây Nam thăm Hemis – Thiksey – Shey Monastery trong ngày 2 và đi về phía Bắc để đến với Nubra Valley trong ngày 4 thì ngày 5 là lúc chúng tôi dành thời gian đi dọc theo quốc lộ Leh-Kargil để đến với quần thể các tu viện cổ nhất Ladakh: Lamayuru, Alchi, và Likir. Kargil là điểm dừng chân quen thuộc trên đường bộ nối liền Srinagar đến Leh mà cứ mỗi dịp tuyết tan (từ tháng 6 đến tháng 10) là luôn ngập dấu bánh xe xuôi ngược.

5.1. Tu viện Lamayuru

Ngày thứ 5, thêm một bình minh yên tĩnh nữa chào đón chúng tôi, xe lại bon bon trên đường, chỉ có chúng tôi và nắng gió Kashmir, thi thoảng mới gặp vài nhóm nhỏ người Ladakhi tản bộ bên đường quốc lộ, chắc họ đón những chuyến bus bản địa họa hoằn lắm mới thấy xuất hiện trên tuyến liên tỉnh Leh-Kargil:

Trên đường đi, chúng tôi vượt qua đoạn đèo mà dưới chân là khúc hợp lưu của dòng Indus và dòng Zanskar (Confluence of Indus and Zanskar river), 1 địa điểm mà khách du lịch sẽ luôn bắt gặp trong hành trình tham quan Leh cung cấp bởi các agency Ấn Độ. Bản thân tôi chỉ thấy thú vị trước 2 màu nước bên xám đục bên xanh đậm hòa quyện vào nhau chứ thực tình không thấy chỗ này có gì hoành tráng …

Đường đến Lamauyru dài hơn 170km, chúng tôi gần như lả đi vì nóng trong xe cho đến khi chạy đến làng Basgo thì bác tài mới dừng lại trong ít phút để chúng tôi tranh thủ hít thở khí trời ^^

Làng Basgo tuy nhỏ nhưng được bao bọc bởi núi đá cao nên làng gần như lọt thỏm trong thung lũng khiến nó càng trở nên sinh động hơn khi ngắm nhìn từ trên cao:

Từ đây nhìn lên tu viện Basgo cheo leo rất ấn tượng, cứ như 1 ngọn hải đăng trên cạn mà thời gian đã bóc hết lớp hào nhoáng bên ngoài, để lại 1 tu viện đầy bụi đất sừng sững trên dốc đá cho người đời sau mỗi lần đi qua lại không cầm lòng được mà dừng chân tán thưởng:

Chạy thêm một đoạn nữa chúng tôi gặp 1 khu mới được cải tạo xây dựng, nghe nói đây là resort đầu tiên thuộc loại hiếm có khó tìm vùng này, nơi mà cả nhà nghỉ bình dân nhất cũng phải leo núi vượt đồi mới đến được:

Gần trưa xe đã vào địa phận tu viện Lamayuru. Vùng này chúng tôi đồ rằng thành phần đất đá kiến tạo chứa rất nhiều quặng hay sao mà núi đá rất màu sắc, dưới nắng trưa lại nổi bật màu vàng chanh đẹp mắt

Lên đến Lamauyru, chúng tôi quay lại ngắm quãng đường đèo vừa vượt qua, lại thêm những khúc quanh biến ảo ngoạn mục như tranh nữa:

Vé vào cửa Lamauyru chỉ vỏn vẹn 50 INR (tương đương 1.2 USD, tức là gần 25,000 VND), rẻ đến mức không thể tin được, cho một khung cảnh quá sức phóng khoáng hấp dẫn như ở đây. Sau một hồi tham quan, chúng tôi nhận ra rằng có lẽ điều làm Lamauyru cuốn hút du khách nằm chính ở cảnh sắc xung quanh tu viện hơn là bản thân các khám thờ hay tượng Phật!

Thêm một điểm tôi nhận thấy, hầu hết các tu viện ở Ladakh đều bán vé nhưng chắng có mấy ai soát vé, lại càng hiếm ai trốn vé, dường như mọi người đều coi đó là phần quyên góp nhỏ cho quỹ bảo tồn các thắng cảnh. Còn bác soát vé (hay ít ra người duy nhất chúng tôi gặp ở cổng tu viện) thì đang mải mê phiêu với cái tôi của chính mình 😀

Một vài hình ảnh bên trong tu viện:

Nếu Hemis là tu viện giàu có nhất vùng thì Lamauyru được biết đến như tu viện lâu đời nhất của Ladakh. Tương truyền tu viện được xây dựng bởi đại sư [B]Na Lạc Ba[/B] (Naropa) vào thế kỷ 10, người đã truyền ảnh hưởng của mình cho thế hệ kế cận là [B]Mã Nhĩ Ba[/B] (Marpa Lotsawa), đến lượt đệ tử của Mã Nhĩ Ba là [B]Mật Lặc Nhật Ba[/B] (Milarepa) đã có thành tựu lịch sử sáng lập ra tông Hồng Mạo [B]Ca Nhĩ Cư[/B] (Kagyupa Sect) – 1 trong 4 tông giáo lớn nhất Tây Tạng, vài thế kỷ trước khi Hoàng Mạo Cách Lỗ (Gelugpa Sect) ra đời. Bạn đọc có thể tham khảo thêm lịch sử Phật giáo Tây Tạng đã có dịp đề cập ở đây. Bởi vậy kiến trúc của Lamauyru có phần kém hoành tráng và không phân chia lưỡng tông Hồng-Bạch rực rỡ như các tu viện thuộc dòng “Mũ vàng”

Đối diện với khu khám thờ của tu viện là nơi thiền định của tăng chúng và nằm biệt lập trên 1 khu đồi khác. Được biết ở đây có hang cổ nơi các bậc đại sư xưa đã từng đắc đạo nhập tịch nhưng chúng tôi không tìm thấy chỗ nào mở cửa để vào thăm, chỉ còn cách men theo sườn đồi trèo lên đến đỉnh

Từ ngọn đồi “thiền định” nhìn xung quanh, chúng tôi không kìm được lòng phàm, tuy mệt đứt hơi bởi trời nắng và đồi cao nhưng không ngớt trầm trồ trước cảnh vật quanh Lamauyru đẹp bao la pha nhiều phần hoang dã, núi đá trập trùng dưới biển mây khổng lồ trôi lững lờ. Có lẽ nhiều thế kỷ trước đại sư Na Lạc Ba chọn nơi đây để hoằng trương giáo pháp cũng một phần bởi sức hấp dẫn của tự nhiên như thế này chăng?

5.2. Alchi Monastery

Chúng tôi rời Lamauyru theo xe quay trở lại quốc lộ hướng về phía Leh, rồi lại rẽ nhánh để chạy sang tu viện Alchi (cách Leh khoảng 70km). Đoạn đường này cảm tưởng gần và dễ đi hơn nhiều so với buổi sáng ròng rã, cũng một phần nhờ cảnh vật 2 bên đường xanh dịu mát:

Càng đi đến gần làng Alchi thì phong cảnh càng kỳ thú hơn nữa, có lẽ đây là Đường Lâm của vùng Ladakh chăng?

Chúng tôi dừng xe ở ngoài cổng làng rồi đi bộ vào thăm tu viện Alchi. Thật khó mà nhận biết đâu là cổng của Alchi bởi tu viện này nằm chính giữa làng, qua những ngách đi bộ, chúng tôi vào đến khuôn viên tu viện lúc nào không hay.

Khác với Lamauyru, tu viện Alchi thuộc về dòng Hoàng Mạo Cách Lỗ (Gelugpa Sect), nhưng bản thân kiến trúc Alchi cũng không giống với các tu viện cùng nhánh. Người Ladakhi luôn tự hào coi Alchi là tu viện cổ gần nhu duy nhất còn sót lại ở Ladakh biểu trưng cho kiến trúc Kashmiri của họ. Không quá hoành tráng mà nhỏ nhắn gần gũi với thiên nhiên, điêu khắc trạm chổ mái vòm gỗ và cổng vào mỗi khám thờ của Alchi đậm âm hưởng Ấn Độ – Nepal

Mỗi khám thờ lại nhìn ra khu vườn nhỏ trước mặt làm người ta có cảm tưởng đây là từng ngôi nhà nhỏ chứ không phải khuôn viện 1 tu viện trang nghiêm

Bên ngoài đã vậy, bên trong 3 khám thờ chính của Alchi, người ta còn bất ngờ hơn bởi cách bài trí. Cửa vào rất nhỏ và gần như ngay khi bạn bước vào, bạn sẽ thấy bàn chân của tượng Phật! ngước mắt lên sẽ là toàn thân tượng cực kỳ cao lớn với phục trang và màu sắc rất Ấn; xung quanh 4 phía tường đất là những bức vẽ không quá tinh xảo nhưng đã rất lâu đời. Xung quanh chân tượng là vòng kora chỉ đủ 1 người đi. Không gian bên trong gần như rất nhỏ, khác hoàn toàn các khám thờ hay gặp; đây chính là điểm đặc biệt khiến Alchi để lại ấn tượng mạnh cho chúng tôi. Vì trong các khám thờ đều cấm chụp ảnh nên phải mượn tạm 1 tấm trên mạng sau để minh họa:

Đáng tiếc là nơi lạ nhất lại là nơi chúng tôi chụp được ít ảnh nhất … kỷ niệm về Alchi giờ chi còn trong trí nhớ. Ngoài cổng tu viện bày bán một số sách ảnh chụp lại Alchi qua từng thời kỳ nhưng các cuốn này làm rất vụng nên chúng tôi bỏ qua không mua. Hy vọng sau này có Phượt gia nào trên đường thiên lý ghé lại Alchi sẽ có điều kiện “nháy” tu viện giữa làng này nhiều và sâu hơn nữa ^^

5.3. Likir Monastery

Từ Alchi sang Likir chỉ mất 15′ chạy xe, vượt qua con lộ bằng phẳng dễ đi, chúng tôi đã thấy Likir nổi bật phía chân trời

Xây dựng khoảng thế kỷ 15 và thuộc dòng truyền thừa Cách Lỗ (Gelugpa Sect), Likir quả không hổ danh là tự viện của phía Mũ vàng. Từ rất xa người ta đã có thể ngắm được kiến trúc hoành tráng như pháo đài của nó, thoạt nhìn sẽ có nhiều nét tương đồng với tu viện Thiksey hay Diskit.

Men theo đường đèo thoai thoải, chúng tôi đã đến gần cổng vào tu viện, lúc này đã hơn 3 giờ chiều, mặt trời vẫn còn gay gắt trên cao:

Vé vào cửa Likir chỉ có 20 INR, chưa đến 10,000 VND mà mãi chúng tôi mới tìm được 1 vị sư trẻ để mua vé. Không có ai soát vé, lại càng ít khách du lịch, chúng tôi có cả 1 tu viện để tự do khám phá!

Tuy Likir nhìn bên ngoài rất rộng lớn nhưng thực chất chỉ có 2 khu điện thờ chính và 1 bảo tàng trưng bày hiện vật biệt lập, còn lại là khu sinh sống của tăng chúng nên khách du lịch không được tham quan. Nếu bạn đã từng đặt chân đến Tây Tạng hay Nepal, chắc bạn sẽ quen với hình ảnh những khám thờ thiếu sáng, từng đoàn người hành hương vào ra không ngừng nghỉ, tiếng tụng kinh rì rầm không ngớt, hay những bảng hiệu cấm quay phim chụp ảnh. Còn ở Likir, bạn sẽ thấy điều ngược lại: từng gian điện thờ rộng rãi, vắng vẻ, thoải mái cho khách nhìn ngắm chụp ảnh; chỉ cần bạn bỏ giầy ngoài cửa là có thể ngồi đây hàng giờ nếu muốn:

Phòng trưng bày hiện vật của Likir nằm trên tầng thượng, du khách leo lên đây sẽ xem được các hiện vật trưng bày như thangka, mặt nạ, vũ khí cổ thời Phật giáo còn hưng thịnh dưới vương triều Namgyal, phần lớn trong số đó đã vài trăm năm tuổi. Phía cửa vào chúng tôi thấy 1 cuốn sổ lưu niệm ghi cảm tưởng của du khách, tò mò chúng tôi lật giở từng trang để xem. Sổ này ghi từ đầu năm 2010 đến nay, và chúng tôi tìm thấy một cái tên Việt Nam: “An Phùng” “07/2010” ghi đôi dòng cảm ơn Likir đã giữ gìn và trưng bày các hiện vật cho khách phương xa được tiếp xúc. Hào hứng chúng tôi cũng lén ghi vài chữ để không thua kém người bạn đồng hương 😀

Nhưng tầng thượng Likir không chỉ có phòng trưng bày mà còn có khoảng không gian rộng lớn cao nhất tu viện để bạn ngắm cảnh và chụp ảnh. Trước mắt chúng tôi lại là những gì hoang sơ dữ dội nhất của thiên nhiên Ladakh:

Likir vẫn còn một điểm thu hút du khách nữa, đó là tượng Phật Di Lặc (Maitreya) cao lớn dựng phía sau lưng tu viện. Tượng phật này cũng có nhiều nét tương đồng với tượng Phật khổng lồ ở Diskit trong lòng Nubra Valley nhưng kém rực rỡ hơn. Tượng nhìn xa rất đẹp nhưng nhìn gần có thể nhận ra nhiều phần đang bị xuống cấp bởi thời tiết khắc nghiệt:

Dưới chân tượng là khám thờ với tượng thân bằng đồng của Phật Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) và đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cùng 1 mandala ba chiều dựng giữa phòng rất đẹp:

Đi hết vòng tu viện, đã đến lúc chúng tôi trở ra, hình ảnh cuối cùng tôi còn kịp chụp trước khi rời Likir …

… và chúng tôi lại lên đường, nắng đang tắt dần trên 60 km đường về Leh:

Hình ảnh tu viện Spituk nằm gần sát sân bay Leh mà chúng tôi chỉ ngắm trên đường chứ không ghé vào:

Ngày thứ 5 rong ruổi kết thúc bằng buổi tối đi mua quà lưu niệm 🙂 chúng tôi đi bộ hầu hết các quầy hàng ở Main Market và Fort Road là những khu vực tấp nập buôn bán để khảo giá, định bụng mua khăn lụa Cashmere đem về quê dùng đặng những ngày đông tháng giá. Điều dễ nhận thấy là các mặt hàng ở đây rất đa dạng, từ khăn lụa nhỏ đến khăn lụa to; loại 1 lớp, 2 lớp; rồi loại đan tay, đan máy; áo len, chăn ấm, thậm chí cả thảm cực lớn làm từ lụa Cashmere đều có cả; giá thì khỏi chê! vài chục đô Mỹ cho đến vài chục nghìn đô Mỹ đều có đầy đủ. Chúng tôi tất nhiên mù tịt đắt rẻ, chỉ biết rằng các shop này bán thấp hơn so với cùng những tấm lụa đó được xuất đi châu Âu với giá gấp vài lần!

Tuy nghiệp dư nhưng thực sự không khó để phân biệt giữa các loại lụa Pashmina hay Cashmere được bày bán. Cách kiểm tra đơn giản là bạn cầm miếng lụa lên nhẹ bẫng, khoác lên cổ chỉ chưa đầy 1 phút đã thấy ấm, cầm miếng lụa có thể xỏ xuyên qua chiếc nhẫn, gói lại và mở bung ra không bị nhàu nát thì có thể coi là chất lượng tốt. Chắc cũng sẽ có loại hảo hạng nhưng chúng tôi chưa đủ trình độ nhìn ra 😀 Nâng lên đặt xuống, đi tới đi lui mãi chúng tôi cũng chọn được những thứ ưng ý trong tầm tiền để mua về Việt Nam, coi như kỷ niệm lần đầu (và chắc cũng không còn nhiều lần khác) đến quê hương của lụa Cashmere.

Nếu bạn đọc ghé Leh, dạo qua Fort Road thấy quán Wangoo Cottage Emporium (đối diện nhà hàng Dream Land) thì cứ thử bước vào tìm anh chủ quán Farhan xem sao, anh ấy ắt không nhớ chúng tôi là ai và hẳn đã quên Việt Nam nằm cạnh nước nào, nhưng chắc chắn sẽ nhiệt tình giúp bạn chọn hàng và không quên kèm theo lời nhắn “Cứ mua đi và giới thiệu bạn bè mày đến nhé!” ^^

Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (P4)

Tạm biệt thung lũng Nubra, trở lại Leh

Ngày 4 chúng tôi dậy sớm để tranh thủ ngắm khu làng chúng tôi nghỉ đêm qua, hôm nay lại là 1 ngày nắng ấm nữa trong hành trình Ladakh:

Từ ban công tầng 2, tôi cũng cố ép ra 1 tấm panorama chụp khung cảnh xung quanh nhà:

Khu đất của từng nhà khá rộng, sân vườn gần như tứ phía, bản thân khu nhà ở chỉ cao từ 1 đến 2 tầng, xây với rất nhiều cửa sổ nên ban ngày rất sáng.

Đường làng đơn sơ đáng yêu chạy phía ngoài những hàng rào thấp không cắm kẽm gai hay cài thủy tinh vỡ, Nubra Valley cho người ta cảm giác ấm cúng và an toàn ^^

Còn đây là khu vườn rợp bóng cây với hoa đào vẫn khoe sắc, đã sang tháng 5 mà mùa xuân dường như vẫn còn rất tuơi mới nơi này:

Thêm một vài hình ảnh xuân trong vườn tặng bạn đọc:

Bữa sáng đặc trưng: bánh mỳ với trứng tráng, bơ yak, mứt dâu và trà sữa – cũng là thay lời tạm biệt của gia đình người Ladakhi mến khách.

Juley Nubra Valley! chắc rằng chúng ta sẽ hiếm còn dịp nào tái ngộ … một lần chúng tôi đã tới nơi đây …

Tạm biệt gia đình người Ladakhi, chúng tôi rời làng Hunder, trở ra quốc lộ nhưng chưa vội quay về Leh mà sẽ vượt lòng sông cạn đi thăm tu viện [B]Samstaling[/B] ở làng Sumur. Lại là những dặm đường miên man trong trời xanh nắng cháy; cửa sổ xe mở to và tất nhiên không có điều hòa, chúng tôi chạy trong khung cảnh thiên nhiên Nubra đẹp tuyệt vời:

Những người bạn đồng hành ^^ rất nhiều xe của các đoàn khác cũng ra nhập hành trình trên đường chúng tôi chạy qua làng Sumur. Nhìn các xe nối đuôi nhau chạy trên những đoạn đường quanh co gấp khúc không biển báo, không đèn tín hiệu mới hiểu vì sao ban đêm hay mùa đông tuyết rơi thì đường trong thung lũng Nubra gần như bị phong tỏa

Tuy thế, phong cảnh bên cửa trái xe cực kỳ sinh động, lòng sông cạn hiện ra với dải cát dài và cả thảm thực vật màu xanh quý hiếm:

Chúng tôi thả dốc xuống cây cầu bắc sang địa phận làng Sumur, vì gần với biên giới Pakistan nên chỗ này rất đông lính gác, nhưng thái độ thân thiện và thoải mái với khách du lịch.

Đường làng Sumur rất tốt và bằng phẳng, làng gần như không có bất cứ loại xe cộ nào, người dân chỉ thấy đi bộ chăn dê mà thôi 😀 Nếu đây là các vùng khác của Ấn Độ thì chắc bạn phải nhường đường cho bò, còn ở Sumur bạn phải nhường đường cho dê – loài vật cung cấp lông hảo hạng cho tấm lụa Cashmere (Pashmina) nức danh thế giới. Chúng tôi được biết vùng lông phía dưới cổ của dê là phần lông quý nhẹ ấm quý giá nhất, làm ra sản phẩm mà người bán hàng ở Leh quảng cáo là “king of wool” – giá cũng trên giời luôn 😀 – loại “king of wool” này chỉ có 2 màu tự nhiên là trắng và xám nhạt chứ không có màu sắc nào khác, nếu có pha màu tức là lông đó không phải lấy từ cổ nữa.

Có ai thấy khung cảnh dưới đây thân quen chăng? Chúng tôi thì cùng có cảm nhận rằng nó hệt như khung cảnh ký ức tướng Maximus khi ông trở về quê hương Tây Ban Nha trong đoạn cuối phim Gladiator

Tất nhiên đó chỉ là phía cuối con đường dẫn lên tu viện Samstaling …

Samstaling mới được xây dựng ở Sumur, khuôn viên tu viện không lớn và chỉ có 2 tòa là nơi thờ cúng, còn lại là trường học và khu nhà ở của người Ấn-Tạng. Vì một lý do gì đó mà chúng tôi không phải mua vé vào thăm tu viện, có 1 vị sư già ở cổng cho phép chúng tôi đi thăm và chụp ảnh thoải mái, chỉ cần bỏ giầy ở ngoài khi vào điện thờ là được ^^

Vị sư trẻ đưa chúng tôi qua từng khám thờ, lần lượt giới thiệu ngắn gọn về câu chuyện dòng Hoàng Mạo Cách Lỗ năm xưa vượt dãy Hi Mã sang Ấn Độ đã đâm chồi bắt rễ vùng Nubra này, và Samstaling cũng không là ngoại lệ, được dựng lên nhờ công sức và đóng góp không ngừng nghỉ của người Tạng lưu vong xa xứ:

Những khu nhà khác trong khuôn viên Samstaling, nơi bạn có thể gặp rất nhiều người Tạng đang sinh sống và tu học:

Chúng tôi nấn ná thêm một chút nữa để ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh Samstaling, cái đẹp hoang dại rộng lớn của nó càng làm chúng tôi muốn đặt câu hỏi: sức mạnh nào đã giúp những người ở đây không những trụ vững với thiên nhiên khắc nghiệt 2 mùa nóng lạnh mà còn phát triển, xây dựng bản sắc riêng cho mình hàng trăm năm qua …

Tạm biệt Samstaling monastery và làng Sumur, chúng tôi hướng về phía đèo Khardung chạy một mạch, buổi chiều hôm nay chỉ còn chặng đường gian khổ vượt đèo cao ngất ngưởng là sẽ về lại Leh để nghỉ ngơi 😀 Một vài hình ảnh trước lúc xe lên đến khu vực núi tuyết:

Dòng sông Nubra uốn lượn dưới chân chúng tôi:

Ngay trước khi leo dốc, chúng tôi gặp đoạn đường xấu bị sạt lở. Sau nửa tiếng chờ đợi, máy xúc chuyên dụng không biết từ đâu lù lù chạy đến dọn đường để các xe tiếp tục hành trình:

Từ sau đoạn đó là quãng đường giá rét kinh người và choáng váng đầu óc khi xe lên cao dần đến đỉnh đèo Khardung, chúng tôi gần như nằm bẹp dí trong xe, trừ anh tài xế vẫn kiên định tay lái qua những khúc quanh và đường trơn nước tuyết tan.

… Gần 5h chiều chúng tôi đã hoàn toàn ra khỏi địa phận thung lũng Nubra và trở về thung lũng Indus, lòng chảo Leh cùng những hình ảnh quen thuộc đã dần hiện ra trong ống kính ^^

Hoàng hôn đang chạy qua Leh Palace …

Chúng tôi vẫn chưa muốn trở về khách sạn ngay bởi trong lúc chiều tàn tắt nắng, chúng tôi thấy trước mắt là khung cảnh sinh hoạt đẹp bình dị của cư dân Leh, xin gửi đến bạn đọc một vài hình ảnh đó:

Canh tác nông nghiệp trên ruộng cạn với bò yak và phân bón công nghiệp trợ lực 😀

Những hình ảnh này làm tôi lại quên mất mình đang ở Ấn Độ …

Ngày thứ 4 trong hành trình đã kết thúc với ấn tượng không thể quên với cả Nubra Valley và Indus Valley, ngày mai sẽ là những khám phá mới, những ngọn núi dòng sông mới trong sự bao la kỳ thú của thiên nhiên Ladakh ^^