Tây Tạng Du Ký – Ngày 1: Thành Đô

Chuyến bay của AirChina chặng Singapore – Chengdu (Thành Đô) khởi hành 2h sáng đưa người viết đến với Thiên phủ chi quốc lần thứ hai ♥ Nếu như lần đầu “Bắc tiến” đã có dịp thưởng ngoạn Thành Đô trong ngày đông tháng giá thì lần này là trải nghiệm hoàn toàn mới giữa kinh đô đất Thục Hán mùa hè ^^

Changi Airport, trong lúc chờ bay:

Đúng như dự đoán khi đặt chân xuống sân bay Song Lưu (Shuangliu Airport), ngay cả giữa tháng hè nóng nực Thành Đô vẫn có bầu không khí dịu mát dễ chịu, trời nhiều sương và hiếm nắng, nhiệt độ trung bình ngoài trời ở khoảng 13-17 độ! Vì chỉ có 1 ngày ở Thành Đô trước khi bay đi Nyingchi (cực Đông của Tây Tạng) ngày hôm sau, người viết dành thời gian sáng đi thăm Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), ăn trưa nhẹ với ẩm thực Tứ Xuyên (Sichuan), chiều ghé thăm Miếu Văn Thù (Wenshu temple) để ngoạn cảnh và uống trà, tối đi xem Xuyên kịch (Sichuan Opera)

1. Vọng Giang Lầu:

Xây dựng từ năm 1889 trên diện tích rộng hơn 120,000 m2 bên cạnh bờ sông Cẩm Giang (Jinjiang River) phía Tây kinh thành, Vọng Giang Lầu (Wangjianglou) nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều loại tre trúc nhất của Thành Đô (bamboo park), cũng là nơi tưởng nhớ nữ sĩ Tiết Đào (Xue Tao) thời Đường. Cũng giống như Vũ Hầu Tự (Wuhou Temple) và Thảo đường Đỗ Phủ (Du Fu Thatched Cottage), Vọng Giang Lầu thường là điểm đến của khách phương xa muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Thành Đô.

Đường vào Vọng Giang Lầu lúc sáng sớm tinh mơ:

Nhớ câu thơ Đỗ Phủ viết trong bài Đăng Lâu (Lên lầu) khi mới về Thành Đô:
Cẩm giang xuân sắc lai thiên địa
Ngọc Lũy phù vân biến cổ kim

(Sông Cẩm đang xuân giữa trời đất
Ðĩnh Ngọc mây vờn nối trước sau)
Tuy không nhằm vào tiết xuân nhưng không khí ban mai trong Vọng Giang Lầu rất sảng khoái trong trẻo, cây cối đường đi dọc bờ sông tươi tốt xanh um:

Uống trà, ngắm sông:

Rất dễ nhận ra người dân Thành Đô ở các góc nhỏ trong công viên đang tập thể dục buổi sáng:

Công viên Vọng Giang Lầu quy tụ hơn 150 loại tre trúc đa dạng, cũng là nguồn thức ăn tốt cho Gấu trúc Thành Đô (trung bình mỗi con hàng ngày ăn từ 20-30kg lá và cành tre trúc non) 😀

Như đã nhắc đến ở trên, Vọng Giang Lầu còn được xây để tưởng nhớ nữ danh kĩ thời Đường Tiết Đào (Xue Tao) (768-831); bà không những xinh đẹp mà còn rất giỏi thi từ ca phú, từng là bạn xướng hoạ với nhiều thi nhân nổi tiếng như Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn. Giai thoại kể Nguyên Chẩn vì mến mộ tài năng thi phú và nhan sắc của bà đã làm thơ rằng:
Cẩm Giang hoạt nhị Nga My tú,
Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.

(Núi sông đất Thục trời cho đẹp,
Sinh được Văn Quân với Tiết Đào) — “Văn Quân” ở đây chỉ Trác Văn Quân – vợ của Tư Mã Tương Như.

Bức tượng trắng của Tiết Đào có thể nhìn thấy bên trong Vọng Giang Lầu:

Ra về khỏi công viên Wangjianglou, trời đã sang trưa nhưng mặt trời vẫn chưa “mọc”, Thành Đô chìm trong sương nhẹ và mát mẻ, người viết ăn trưa bằng các món ẩm thực địa phương phong cách Tứ Xuyên (ít nhất phải 12 đĩa cho mỗi người, phần lớn là vị cay) 😀

2. Miếu Văn Thù:

Sau bữa trưa ‘đạm bạc’, người viết tản bộ nhắm hướng miếu Văn Thù Bồ Tát (Wenshu Temple), mục đích là vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức thú nhàn tản uống trà của người xứ này – vốn đã nổi danh khắp chốn ^^ Giá vào cổng chỉ có 5 RMB/người nhưng không gian bên trong Văn Thù Viện thì cực kỳ khoáng đạt, kiến trúc mang màu sắc hoành tráng thời Đường, xứng là viện Phật giáo đẹp nhất của Thành Đô 🙂

Đoạn đường trước khi đến Miếu Văn Thù:

Bên trong Miếu Văn Thù, khu Chính điện:

Vạn Phật Lạc Tự (Peace Pagoda of A Thousand Buddhas) là công trình mới xây bên trong miếu Văn Thù. Chùa ở dạng hình tháp cao 11 tầng (tổng cộng 22m) với mái lục giác, mỗi đầu cong của mái đều có treo chuông vàng đón gió:

Phía sau miếu là 3 phân khu: nhà hàng ăn chay Wenshu, quán trà (tea house) và thư viện Phật giáo. Đường đi bên trong rợp bóng cây xanh, không khí rất trong lành làm du khách có cảm giác nhàn tản lười biếng 😀

Đệ nhất danh trà – quán trà nổi tiếng của Thành Đô nằm ngay bên cạnh nhà hàng chay bên trong miếu Văn Thù

^^

Đặt chân vào đây, người ta khó có thể hình dung được Thành Đô lại là 1 trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất Trung Hoa với dân số 4 triệu người (gần bằng dân số toàn Singapore); lý do thật đơn giản bởi bên trong quán là không khí thưởng trà tao nhã, thảnh thơi, ai cũng như thu mình lại trong ốc đảo mù sương để chậm rãi nhâm nhi ly trà nóng.

– Người Thành Đô làm gì trong quán trà?
– Ngủ, nghỉ, đợi, đọc, chuyện trò, chơi, ngoáy tai, chụp ảnh … và tất nhiên là uống trà ^^

Người viết cũng chọn 1 góc nhỏ ngồi vừa uống trà vừa “bắn tỉa”. Mối chén trà có giá 15 RMB, sau khi khách tự chọn loại trà và ngồi vào bàn, sẽ có người của quán đến châm nước nóng và sẽ liên tục đi qua đi lại để châm 😀 trừ khi khách uống no bụng nước và đậy nắp chén trà!

Trà Thành Đô vừa thơm mùi vừa ngọt miệng, nước nóng bốc hơi nghi ngút, cánh trà đều tăm nổi bồng bềnh … uống xong ngẩng lên thì trời đã về chiều, phong cách “Starbucks” Thành Đô này quả là làm người ta nhất thời quên đi không-thời gian; một khoảng lặng dễ chịu trước ngày lên đường đi về phía Tây hứa hẹn không phút nào ngơi nghỉ ^^

Ra khỏi Đệ nhất danh trà quán, khách tham quan sẽ gặp tiếp thư viện Phật giáo rất lớn và đẹp của miếu Văn Thù:

Rời bước khỏi miếu Văn Thù, người viết men theo các con phố nhỏ của Thành Đô để về khách sạn. Nơi đây vẫn vậy, hè cũng như đông, phố phường sạch đẹp, ngăn nắp, và đấy màu sắc ❗ Vài hình ảnh sinh hoạt lúc sắp lên đèn:

3. Xuyên kịch:

Sau bữa tối thịnh soạn, người viết quyết định dành ra buổi tối để đi xem Xuyên kịch (Sichuan Opera) – hình thức ca vũ diễn tuồng sân khấu cổ lâu đời nổi tiếng của vùng Tứ Xuyên. Điểm đến: hý phường Shufeng Yayun, nằm ở Culture Park (gần Vũ Hầu Tự và Thảo đường Đỗ Phủ). Giá vé: 180 RMB/người.

Lúc này phố phường Thành Đô đã lên đèn:

Ca vũ kịch (hí kịch) Trung Hoa có nguồn gốc lâu đời, bắt nguồn trong dân gian với các màn nhào lộn, xiếc, hoạt kê, trào lộng. Sau này hí kịch được ưa thích ở các nơi cung đình, được phát triển và nâng lên tầm cao mới vào các đời nhà Đường, Tống, Nguyên, Thanh. Hí kịch Trung Hoa không chỉ phản ánh cái nhìn vào đời sống thực tại mà còn dựng lại các câu chuyện xưa, tích dã sử, truyện chính sử. Phục trang của mỗi vùng miền kết hợp với giọng ca điệu vũ càng làm phong phú thêm hình thức sân khấu cổ này. Ở Bắc Kinh, người ta gọi nó là Kinh Kịch, rồi lần lượt ra đời Xuyên Kịch vùng Tứ Xuyên, Tương Kịch vùng Tương Dương, Huy Kịch vùng An Huy …

Người viết vì đến hý phường sớm nên tiện dịp dạo qua hậu trường xem các diễn viên trang điểm. Bên trong hý phường cũng có gian hàng bán đồ lưu niệm nhưng giá cả không rẻ chút nào 😀


Khu vực sân khấu khá rộng rãi, khách xem kịch có thể vừa thưởng thức các màn trình diễn, vừa nhâm nhi trà nóng và lạc rang 😀

Xuyên kịch bao gồm rất nhiều màn diễn, mở đầu là màn cổ nhạc Naotai dùng các nhạc cụ dân tộc, sau là trích đoạn Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Phục trang và diễn xuất các diễn viên rất trơn tru điêu luyện, âm thanh và đạo cụ cũng được chuẩn bị công phu, duy có điều là lời thoại tiếng Trung 😀


Tiết mục thứ 3 là múa rối que (stick puppet show), điểm độc đáo là con rối sẽ được đổi mặt (puppet face changing) và thổi ra lửa (spitting fire):

Tiết mục thứ 4 là tích Bao Công xử án:

Tiết mục thứ 5 là màn múa bóng (hand-shadow show) khá độc đáo, người nghệ sĩ sử dụng cả hai tay kết hợp với đầu để tạo hình sinh động các con thú như chó, thỏ, ngựa, thiên nga, bồ câu, cú … được khán giả tán thưởng nhiệt liệt 😀

Tiết mục thứ 6 là độc tấu kèn Suona (Suona solo) – 1 loại kèn dân tộc của Trung Quốc dùng để giả tiếng các loài chim rừng. Màn trình diễn mới trông đơn giản nhưng rất nhọc sức, bác nghệ sĩ thổi và giả tiếng chim xong mồ hôi toát đầm đìa 😀

Tiết mục thứ 7 kể chuyện hài nhà kia vợ dạy chồng (Rolling Light) cũng tương tự như chuyện chàng Đậu nước Việt vậy, ông chồng bị phạt phải đội ngọn đèn dầu vừa múa vừa chui gầm ghế mà không được đánh đổ hay lằm tắt lửa:

Tiết mục thứ 8 là đổi trang phục (Costumes Changing): sau mỗi lần phất cờ hoặc xoay người trong tích tắc, không chỉ mặt nạ và cả phục trang của người diễn cũng được thay đổi, người xem không ai kịp nhận ra tiểu xảo này được thực hiện ra sao nên chỉ biết vỗ tay thích thú ^^


Tiết mục cuối cùng cũng là tiết mục được trông đợi nhất – múa đổi mặt và thổi lửa (faces changing and spitting fire), lúc này cả đoàn diễn viên tiến ra sân khấu và thể hiện tuyệt kỹ đổi mặt nạ theo từng nhịp múa. Cho đến nay vẫn ít người biết rõ về xảo thuật này của vùng Tứ Xuyên, nhờ thế múa đổi mặt trong các vở tuồng Tứ Xuyên được coi là độc đáo duy nhất không có nơi nào khác làm được



Tiết mục hoành tráng cuối cùng kết thúc đêm diễn sôi động kéo dài 90 phút của Xuyên kịch, du khách ra về còn được tặng 1 bộ bookmark lưu niệm nhỏ đẹp của hý phường có tạo hình các nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc như Tào Tháo, Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng … Tuy giá cả không rẻ nhưng màn diễn sân khấu cổ nhạc Tứ Xuyên quả là đáng để thử 1 lần cho khách phương xa khi đến Thành Đô 🙂

Thiên phủ chi quốc lúc này đã tối hẳn và mưa lâm thâm (khác xa so với các vùng ở Tây Tạng – sẽ được nói rõ ở các bài tiếp theo). Người viết trở về khách sạn gói ghém đồ đạc và ngủ sớm lấy sức cho ngày 2 thực sự tiến vào các vùng đất phía Tây. Tạm biệt cố đô Thục Hán, nhất định sẽ còn dịp ghé lại ốc đảo sương mù này trong những lần đáo Trung Hoa tới đây 😀