Đỗ Tiến Thụy – Cây bút nông thôn

Trong nhiều năm gần đây, có lẽ kể cả những người lạc quan nhất chắc cũng không dám nói văn học Việt Nam đang làm tốt vai trò của mình trong việc tái hiện mảng đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới.

duonglam01

dotienthuyNói về những cây bút “nông thôn” thì người đầu tiên hay được nhắc đến là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng theo cảm nhận của riêng tôi thì văn của chị chưa chín; truyện của Nguyễn Ngọc Tư mới nhắc đến một phần cuộc sống vất vả đôi khi có phần bế tắc của người nông dân Nam Bộ mà thôi, chứ chưa phản ánh những điều lớn lao hơn, cái dung dị đằm thắm của quê hương Việt Nam, cái “hồn” của người quê thuần khiết nhưng mạnh mẽ chứ không tủi nhục và đáng thương như trong phần lớn tác phẩm của chị. Dẫu biết cảm hứng bi kịch sẽ truyền tiếng nói cho văn chương, nhưng trong xã hội mới khi văn minh đang kéo dần nông thôn về với thành thị, người đọc sẽ khao khát hơn được nhìn thấy một bức tranh làng quê toàn cảnh nhiều góc cạnh, muốn khám phá những chuyển biến tâm lý trong cuộc sống thường nhật của người nông dân. Văn đàn cần một ngòi bút tinh tế hơn để nhìn ra được những phần lam lũ và cả những điều hồn hậu trong cuộc sống nông thôn sau luỹ tre làng. Bài viết này mong muốn giới thiệu một cây bút đã như thế – nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy ^^

vetthuongthanhthiNhà văn Đỗ Tiến Thuỵ sinh năm 1970 tại Chương Mỹ, Hà Tây. Anh trước là học viên khóa 7 Trường Viết văn Nguyễn Du, hiện đang làm việc ở Văn nghệ Quân đội. Ngoài các truyện đã in rải rác trên các báo, mới đây anh đã cho ra tuyển tập truyện ngắn “Vết thương thành thị” (NXB Trẻ 2009), thể hiện sự am hiểu của anh về cuộc sống và con người nông thôn.

Đọc “Vết thương thành thị”, người ta cảm nhận được một không gian vùng quê Bắc Bộ đẹp thuần khiết và khoáng đạt, văn hóa làng xã giàu có, con người vị tha và giàu tình cảm, cuộc sống đang từng ngày trù phú lên; đồng thời chứa đựng trong nó là những mâu thuẫn thế hệ, những xung đột ngoại tộc, những đố kỵ mưu mô “rất người”. Nếu người đọc đã từng say mê theo chân anh Sài trong Thời xa vắng (Lê Lựu), trăn trở với khó khăn của anh Núi trong Sóng ở đáy sông (Lê Lựu), cuốn hút bởi cuộc sống đầy gam màu sáng tối qua Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), tấm tắc trước những giai thoại làng Đồng trong Bước qua lời nguyềnLão Khổ (Tạ Duy Anh), hay cảm thông với số phận người phụ nữ với Bến không chồng (Dương Hướng) thì tin chắc rằng không nên bỏ qua Vết thương thành thị của Đỗ Tiến Thụy.

duonglam02Trong tập truyện ngắn này, chúng ta tìm thấy những câu chuyện đặc sắc như “Gió đồng se sắt”: Mười năm ăn Tết ở vùng không có mùa đông, giờ tôi về Tết quê nhà. Mẹ mừng tíu tít như thể tìm lại được vật quý vừa đánh mất … Người đọc tò mò chứng kiến những ngày về quê của một người con đi xa đã lâu, giờ đang miên man bới tìm kỷ niệm để thấy lại mình của thời thơ ấu 20 năm về trước, thấy lại gia đình và hàng xóm láng giềng một thưở hàn vi đói kém nhưng giầu nghị lực và cần cù lao động để vượt lên nghịch cảnh, vượt lên những áp bức, coi thường và cả những bấp cập trong chính sách đãi ngộ người nông dân. Rồi sự kết hợp giữa anh sĩ quan thiếu tá có cái chân thành, tốt bụng của “người quê” với cô gái trẻ trung nhưng nhiều tráo trở đặc trưng của kiểu sống thị dân ít học (“Nơi không có sóng xì phôn”). Vươn ra xa hơn là cuộc sống vất vả của thân phận làm oshin xứ người mà lòng vẫn chỉ đau đáu hướng về quê hương (“Lênh đênh”) hay những va chạm, những thử thách của thói đời đen bạc với người công nhân sau khi thoát ly lên thành phố những mong tìm kiếm cơ hội sống tốt đẹp hơn (“Vết thương thành thị”) …

Gió đồng rửa mặt tha hương
Ta về quê chữa vết thương giang hồ …

duonglam03

Với cốt truyện chắc, văn phong mạch lạc, câu chữ chau chuốt xuất phát từ một nội lực dồi dào của ngòi bút cũng như tình cảm nồng ấm trong từng trang viết dành cho làng quê và người nông dân, tin chắc người đọc sẽ thích thú khám phá những câu chuyện đang diễn ra hôm nay ở làng quê Việt Nam thông qua cây bút nông thôn Đỗ Tiến Thuỵ 🙂