Trung Hoa Du Ký – Ngày 2: đi Vân Nam

IMG_6723

Ngày 2: Phàn Chi Hòa – Lệ Giang, Vân Nam

Trở lại với bạn đọc vào ký sự ngày thứ 2 🙂 Sáng sớm tàu chầm chậm vào ga Phàn Chi Hòa, là điểm dừng cuối cùng trong hành trình 15 tiếng từ Thành Đô, mọi hành khách đã trở dậy và sửa soạn để xuống ga. Khác với Thành Đô, Phàn Chi Hòa (Panzhihua) là 1 thành phố nhỏ và yên tĩnh hơn, nhà ga cũng ít người hơn, phía ngoài ga là các tuyến xe buýt đi trong thành phố. Để có thể đi đến Lệ Giang, người viết phải bắt xe từ nhà ga đến bến xe trung tâm (kiểu như ga Hà Nội ra bến Mỹ Đình, hay ga Sài Gòn ra bến xe miền Tây vậy :D). Chú ý: các tuyến xe đường dài từ Phàn Chi Hòa đến Vân Nam nói chung đều khởi hành từ bến trung tâm chứ không phải từ nhà ga, nên nếu bắt xe buýt từ nhà ga thì sau một hồi vòng vèo, xe buýt cũng sẽ đỗ lại ở bến trung tâm rồi từ đó chuyển xe khác để đi Vân Nam ❗ Cung đường Phàn Chi Hòa – Lệ Giang là một trong các cung đường chính nên việc mua vé khá dễ dàng.

IMG_4882
(Do người Trung Quốc đọc từ phải sang trái, nên biển hiệu trên xe cũng phải đọc từ phải sang trái)

Giá vé Phàn Chi Hòa – Lệ Giang là 80 RMB/người (~12 USD), quãng đường 300km, thời gian ghi trên vé: 9:00 – 13:00, thời gian thực tế: 8 tiếng, đến Lệ Giang khoảng 5h chiều. Xe thường dừng 2-3 lần để ăn trưa và cho hành khách thư giãn.

IMG_4843
IMG_4845
IMG_4879

Phàn Chi Hòa là một thành phố mỏ, cũng không có gì đặc sắc để nói nhiều, không khí trong thành phố nhuốm màu mờ mịt nửa khói sương nửa bụi đá. Xe buýt lao vun vút qua các giao lộ, hướng về phía núi chập trùng, báo trước một lộ trình dài và vất vả. Quả thực vậy, phần lớn quãng đường là những khúc quanh chữ S nối nhau vô tận, khi thì leo dốc dựng đứng, lúc lại biến mất trong rừng hoa cải vàng ruộm cuối thu rồi bất chợt xuất hiện ở lưng chừng đèo chênh vênh. Nếu ai đã từng thót tim khi leo đèo Hải Vân hay nghẹt thở những khúc cua của đèo Ngoạn mục tuyến Đà Lạt – Sài Gòn thì sẽ dễ tưởng tượng hơn nhiều.

IMG_4888
IMG_4890
IMG_4913

Khi trời xế trưa, xe dừng để mọi người ăn uống và nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Bữa cơm cao nguyên đầu tiên rất đậm đà và giá rất rẻ (13 RMB ~ 2 USD) 😀 Tiết trời ở độ cao 3000m so với mặt nước biển không quá khó chịu như người ta tưởng, trời rất cao và trong xanh, gió lạnh, mọi người chỉ cảm thấy hơi khó thở vì chưa quen hít nhiều khí lạnh và loãng vào phổi, nhưng ăn no xong thì mọi mệt nhọc tan biến. Lúc này đã hơn 1h chiều, xe sắp xuống thung lũng và chuẩn bị vào đến địa phận tỉnh Vân Nam.

IMG_4926
IMG_4957
IMG_4998

Đường vào Vân Nam dễ đi hơn, hai bên đường là những hàng cây dài tăm tắp phảng phất vẻ đẹp của tháng lập đông, thời tiết đẹp và lý tưởng cho khách du lịch, hứa hẹn những ngày lạnh nhưng nắng ráo sắp tới 🙂

IMG_4949
IMG_5024
IMG_5059

Xe đến Lệ Giang khoảng 5h chiều, sau khi dừng ở bến xe đường dài, hành khách có thể bắt taxi vào bên trong thành phố. Người viết đặt phòng ở Mama Naxi’s Guesthouse, đây là hostel được LonelyPlanet xếp hạng tốt nhất trong các hostel cho du lịch bụi ở Lệ Giang. Có thể điện thoại để hostel cho xe ra đón, phí đón khách là 3 RMB/người. Nhận xét chung về hostel này: vị trí vừa (khoảng 20′ đi bộ đến trung tâm cổ trấn); phòng nhỏ và ấm cúng, giá phải chăng (100 RMB ~ 15 USD); phòng có nước nóng và wifi miễn phí; phục vụ nhiệt tình và thân thiện; nấu món địa phương với giá vừa (15 RMB/người/bữa). Vì chiều đã muộn, người viết ăn tối ở Mama Naxi rồi bắt đầu ‘súng ống’ để khám phá Lệ Giang về đêm ^^ Nhưng trước hết muốn có đôi dòng về tỉnh Vân Nam nói chung và Lệ Giang nói riêng.

Vân Nam (Yunnan) là tỉnh cực tây nam Trung Quốc, có diện tích gần 400,000 km2 tức là rộng hơn cả Việt Nam, là ngôi nhà chung của 52 dân tộc (trên tổng số 56 tộc người toàn quốc), được coi là miền đất nhiều sắc màu văn hóa bậc nhất Trung Hoa. Đây cũng là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với hệ động thực vật phong phú, nằm ở độ cao từ 1000 đến 3000m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu ôn hòa, lại được tưới tiêu bởi hệ thống các sông lớn như Dương Tử, Hồng Hà, Mê Kông. Nhóm ngôn ngữ chính của Vân Nam là Tạng (Tibetan), Nạp Tây (Naxi), Bạch (Bai) tương truyền là 3 anh em sinh ra một nhà nói 3 thứ tiếng khác nhau, chia nhau ra sống ở những vùng khác nhau từ cao nguyên, trung du, đến đồng bằng 🙂

yunnan

Khách du lịch biết đến Vân Nam là cái nôi đa tộc, cũng là một nơi gần như duy nhất ở Trung Quốc có tứ đại nội thị tượng trưng cho bốn mùa trong năm:
Côn Minh (Kunming) – thủ phủ Vân Nam, quanh năm nắng ấm – được coi là “Xuân Thành” (thành phố mùa Xuân)
Đại Lý (Dali) – kinh đô xưa của vương quốc Nam Chiếu từng nổi danh qua Thiên Long Bát Bộ – được coi là “Hạ Thành”
Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) – châu tự trị của người Thái ở Vân Nam – được coi là “Thu Thành”
Lệ Giang (Lijiang) – thủ phủ của người Nạp Tây – được coi là “Đông Thành”

Lịch sử biết đến Vân Nam như một vùng giáp ranh quan trọng với Tứ Xuyên vốn là đất của nhà Thục thời Tam Quốc. Câu chuyện Gia Cát Võ Hầu dẹp loạn các tộc thiểu số, bảy lần bắt rồi bảy lần tha Nam Vương Mạnh Hoạch chính là trên mảnh đất Vân Nam này. Trước kia chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng hoạt động cách mạng ở Vân Nam những năm 1939 dưới bí danh Hồ Quang, thủ lĩnh Bát Lộ Quân, trước khi trở về Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm qua phim tài liệu “Bác Hồ ở Vân Nam” nếu muốn 😀

Trở lại với Lệ Giang, người viết sẽ đề cập cụ thể hơn về lịch sử, văn hóa, và hình thái xã hội của nơi này trong bài viết ngày 3 và ngày 4. Bài viết này gửi đến bạn đọc cảm nhận về một Đông Thành khi đã lên đèn, đẹp lung linh hơn tất cả những thành phố đêm người viết từng thấy qua ^^ Một Lệ Giang im lặng về đêm với sắc màu ấm cúng trong cái rét 8 độ C với những con đường lát đá ánh màu đèn lồng đỏ, những cửa hiệu nhỏ rực rỡ đèn bày bán đồ ăn và quà lưu niệm cao nguyên.
IMG_6825
_MG_6625
_MG_6872
_MG_6657
_MG_6669IMG_6707

Đoạn đường đi ra chợ trung tâm (Square Market hay Sifang Market):
IMG_6860
IMG_5096
IMG_5094
_MG_6833
_MG_6689

Các mái ngói được người dân ở đây khôn khéo gắn bóng đèn nhỏ vào, nhờ thế mỗi mái nhà và con đường trong cổ trấn đều rực sáng:
IMG_6662
IMG_6714
_MG_6850
IMG_6853
_MG_6847
IMG_6677IMG_6727

Chợ trung tâm cũng là nơi thích hợp cho các hoạt động mua sắm và ăn uống. Các ngân hàng, bưu điện cũng tập trung ở khu vực này, nhưng chỉ hoạt động đến 5h chiều:
_MG_6716
IMG_6713
IMG_6705

Thị bò núi khô (yak meat) đặc sản của Vân Nam 😀 giá không rẻ chút nào!
IMG_6719
IMG_6720
IMG_6678
IMG_5222IMG_6854

Các biển hiệu ở Lệ Giang đều được viết dưới nhiều thứ tiếng, trong đó thú vị nhất là chữ tượng hình theo văn hóa Đông Ba (Dongba culture) của người Nạp Tây (Naxi), đây cũng là hệ thống văn tự độc đáo duy nhất còn lại trên thế giới hiện nay 😛
IMG_6857
IMG_6684

Từ chợ trung tâm, du khách đi thẳng tiếp sẽ ra đến quảng trường trung tâm (People’s Square) nơi có bánh xe nước khổng lồ, biểu tượng của Lệ Giang Cổ Trấn ^^ Trên đường đi sẽ vượt qua các bar và club nhỏ, đây có lẽ là dấu ấn của văn hóa ngoại lai du nhập vào Lệ Giang trong những năm gần đây. Các quán này trang trí bắt mắt, bên trong nhạc chát chúa pha đủ thể loại 😀 bên ngoài có các thiếu nữ ăn mặc trang phục truyền thống Nạp Tây chào mời du khách ghé chân:
IMG_6752
IMG_6757
IMG_6742

Quảng trường trung tâm có thể coi là điểm cuối của cổ trấn, là chỗ giao cắt giữa phố cũ và phố mới của Lệ Giang, cũng là đường đi vào công viên Hắc Long (Black Dragon Park) – sẽ được tường thuật chi tiết trong bài sau 🙂

IMG_6682IMG_6774
IMG_5166
IMG_5182
_MG_6811
IMG_6817
IMG_6799

Đến tầm 10h đêm là các quán bắt đầu đóng cửa, du khách cũng tìm đường về nhà nghỉ. Đêm cao nguyên đầu tiên đẹp nồng nàn, thú vị lắm nếu nhấm nháp vị bùi bùi của thịt bò (yak meat) lại hít hà thêm ly trà nóng trước khi chui vào chăn ấm … nhiệt độ ngoài trời về đêm có thể xuống dưới 5 độ … Hẹn bạn đọc trong bài tiếp theo đón bình minh lên trên trấn Lệ Giang và tiếp tục cuộc hành trình khám phá mảnh đất này sâu kỹ hơn nữa 🙂