Trung Hoa Du Ký – Ngày 7: đáo Tứ Xuyên

Ngày 7: về lại Thành Đô, kết thúc hành trình

IMG_8313

Sáng ngày thứ 7 gió lạnh trời trong, sau khi thức dậy và ăn sáng, người viết theo đoàn du lịch Trung Quốc lên xe rời Cửu Trại, lúc này mới có dịp ngắm con đường từ Cửu Trại Câu ra sân bay Cửu Trại Hoàng Long (Jiuzhai Huanglong Airport). Vùng phụ cận Cửu Trại cũng gọn gàng và sạch sẽ y hệt bên trong thung lũng vậy, trên đường đi nhìn thấy rất nhiều các khu nhà nghỉ đang được xây dựng, Trung Quốc đúng là đã bỏ rất nhiều tiền vào việc quy hoạch và cải tạo nơi đây, ý chừng chắc định mở rộng Cửu Trại Câu trong tương lai 😀 Xe dừng tổng cộng 3 lần, hóa ra là để đưa khách vào các khu buôn bán, đúng là phong cách của tour :mrgreen: Lần dừng thứ nhất là chỗ bán đủ các loại đồ trang sức bằng ngọc, đá, hổ phách … giá từ vài trăm RMB đến vài trăm nghìn RMB, đẹp và đa dạng thì đúng, nhưng mà đắt kinh người 😀 Lần dừng thứ hai là nơi bán dược thảo vốn được trồng trực tiếp trong vùng núi Cửu Trại, vị loại phong phú; khách du lịch Trung Quốc xem ra đã có kinh nghiệm nên mua khá nhiều. Lần dừng cuối là để du khách mua đặc sản thịt bò cao nguyên, chỗ này có vẻ giá rẻ nên ai cũng mua làm quà ^^

Đến trưa thì xe buýt đến nơi, sân bay Cửu Trại Hoàng Long nằm giữa lòng núi biệt lập, phong quang vắng vẻ quạnh quẽ chẳng kém gì lúc nửa đêm:
IMG_6466
IMG_6469
IMG_6471

Chuyến bay của China Southern Airlines khởi hành sớm, chưa kịp ngồi nóng ghế đã hạ cánh xuống Thành Đô. Từ sân bay về, người viết đi taxi đến thăm Vũ Hầu Tự (Wuhou Temple). Đền Gia Cát Vũ Hầu (Zhuge Liang) nằm ở rìa ngoài trung tâm thành phố, khoảng 30 phút chạy xe từ sân bay. Nơi đây thờ Khổng Minh, vị quân sư lỗi lạc của nhà Thục thời Tam Quốc. Đền được xây vào năm 223 sau Công nguyên, là một trong những đền thờ lâu đời nhất của Thành Đô, giá vé vào cửa: 50 RMB/người
IMG_8241

Cấu trúc đền chia làm 3 gian: gian ngoài thờ Thục chúa Lưu Bị, gian giữa thờ Khổng Minh, và gian cuối thờ 3 anh em Lưu – Quan – Trương, phía sau đền là khu hậu viên bán đồ lưu niệm và cửa sau thông ra phố cổ Jin Li. Ngoài ra bên trong đền còn có thờ các vị văn quan và võ quan có công trong lịch sử dựng nước thời Thục Hán. Vì đến đúng vào thời điểm Vũ Hầu Tự đang sửa chữa nên người viết chỉ kịp rảo bước thăm quan chứ không nấn ná được nhiều …
IMG_8239
IMG_8247

Đỗ Phủ (Du Fu) xưa đến Thành Đô ghé thăm đền có thơ rằng:
Từ miếu Vũ Hầu nay thấy đâu?
Cẩm Quan ngoài luỹ bách xanh mầu.
Trên thềm cỏ biếc lên xuân sắc,
Sau bụi oanh vàng hót mấy câu.
Ba lượt hỏi tìm mưu nghiệp lớn,
Hai triều khuông tá nhọc lo âu.
Xuất sư chưa thoả người đi vội,
Nên nỗi anh hùng ướt lệ sầu.

Có thể xem đó là bài thơ ngắn tổng kết quãng đời tận tuỵ oanh liệt của Khổng Minh vậy 🙂
IMG_8250
IMG_8256
IMG_8258
IMG_8264
IMG_6503
IMG_6502
IMG_6507
IMG_6519
IMG_8298

Nối liền với Vũ Hầu Tự là phố cổ Jin Li, một trong những con phố nổi tiếng nhất của Thành Đô, thu hút du khách bởi không khí tấp nập cũng như các món ẩm thực phong vị Tứ Xuyên và các gian hàng đồ lưu niệm đầy màu sắc bắt mắt. Vài hình ảnh du ký phố phường:
IMG_6529
IMG_8304
IMG_6534
IMG_8311

Món mì Tứ Xuyên (Dan Dan Mian hay Tan Tan Noodle) nổi tiếng, cay chảy nước mắt nước mũi 😛
IMG_6634

Thổi kẹo dẻo để tạo hình 12 con giáp:
IMG_6627

“Nem công chả phượng” cũng bằng kẹo luôn 😀
IMG_6629

Mặt nạ Tứ Xuyên, rất thịnh hành trong những buổi diễn tuồng đổi mặt (face changing show) của vùng Tứ Xuyên. Các mặt nạ này màu sắc đẹp, nhìn dữ dằn ấn tượng 🙂
IMG_6632

Các gian hàng đồ chơi “dân gian”, đủ cả hồ lô, trống mõ, súng gươm (tất nhiên bằng gỗ); mấy món này chợ Tết nước ta ngày xưa thì nhiều chứ bây giờ có khi lại hiếm 😀
IMG_6637
IMG_6643

Jin Li còn bày bán quà đặc trưng của Vũ Hầu Tự: bộ tượng Ngũ Hổ Tướng Quan – Trương – Triệu – Mã – Hoàng, ngoài ra còn có các bộ sách cổ, tranh cắt dán, mặt nã cỡ nhỏ và cỡ trung về các nhân vật thời Tam Quốc, đẹp và rẻ hơn nhiều so với các chỗ khác.
IMG_6647

Cà phê phố cổ, mới cũ giao thoa ^^
IMG_8318
IMG_8321
IMG_8322
IMG_6649
IMG_8324

Ra khỏi Jin Li trời đã về chiều, người viết về hostel cất đồ rồi hối hả đi ăn tối, món ăn sẽ là lẩu Tứ Xuyên (Sichuan Hot Pot), tuy đã ăn nhiều ở Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên ăn món này ở quê hương của nó, quả đúng là về quê ăn trái, lên phố ngắm người; món lẩu Tứ Xuyên gốc không chỉ ngon mắt mà còn rất ngon miệng, mùi vị không chê vào đâu được 😛
IMG_6588

Lẩu Tứ Xuyên có nhiều độ cay, từ không cay đến ít cay rồi cực kỳ cay 😀 người Tứ Xuyên rất tự hào về món Hot Pot của họ, khi ăn đều gọi loại cay nhất, còn người viết chỉ dám thử loại ít cay mà mới đụng đũa đã rơi nước mắt, ăn một lúc thì mặt đỏ như Quan Công; may là khi ăn có nước trà và món chè chữa cháy :mgreen: Bạn đọc có dịp dạo qua Tứ Xuyên tin rằng không thể bỏ qua món này:
IMG_6565
IMG_6567
IMG_6573
IMG_6574
IMG_6577

Đây mới là loại ít cay mà thôi …
IMG_6585

Nhâm nhi xuýt xoa tấm tắc một lúc đã qua 9h tối, người viết tranh thủ dạo qua phố phường Thành Đô ban đêm. Cũng giống Singapore, Thành Đô sáng đèn ngày đêm trên các tuyến phố chính, đồ ăn đêm cũng khá đa dạng còn giá cả thì phụ thuộc vào mức độ thông thạo tiếng Trung của khách:
IMG_6593
IMG_6597

Quảng trường trung tâm thành phố, nơi có tượng Mao Trạch Đông trước cửa Bảo tàng Khoa học Công nghệ Tứ Xuyên (Sichuan Science and Technology Museum):
IMG_6601
IMG_6592

IMG_6610
IMG_6611
IMG_6619
IMG_6613
IMG_6618

Mỏi chân lòng vòng, cuối cùng người viết cũng về đến hostel, vừa là lúc phải sắp xếp đồ đạc để sáng hôm sau rời Tứ Xuyên … Tổng kết lại chuyến đi “Bắc tiến” lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp, kịp ghé thăm những điểm nhấn quan trọng trong hành trình Tây Nam: Lệ Giang (Lijiang) ở Vân Nam, Thành Đô (Chengdu) và Cửu Trại Câu (Jiuzhaigou) ở Tứ Xuyên; tuy chưa thể nói là thông thạo thổ nhưỡng hay văn hóa với con người những vùng đất đã đi qua, nhưng chắc chắn là ấn tượng về nơi nào cũng sâu đậm đủ để viết đôi dòng đáo ký, chắc là bạn đọc sẽ nguyên lượng cho những chỗ còn khiếm quyết 🙂 Quà lưu niệm thì không nhiều nhặn gì, nhưng đều là những món đặc trưng từng vùng, phải đến tận nơi tìm tận chốn mới có ^^
IMG_6663

Ngày xưa luôn được dặn rằng du lịch đâu cũng hay nhưng Trung Hoa là kỳ thú và bí ẩn bậc nhất, chỉ mới kịp đi qua phía Tây Nam đại lục đã cảm thấy rất cuốn hút xốn xang rồi. Bản thân người viết dù đã đi về hơn 2 tuần nhưng vẫn luôn hình dung ra mồn một trước mắt nét cẩm tú của Đông Thành Lệ Giang trong lòng Vân Nam, vẻ diễm lệ pha màu thủy mặc của Hắc Long Đàm, dấu vết lịch sử nhuộm thắm kiến trúc Mộc Vương Phủ – Vạn Cổ Lầu, cái hùng tráng bất kham của núi tuyết Ngọc Long, tiếng trống trận và biển người màu sắc của tam tộc Nạp – Bạch – Tạng tự hào trình diễn vũ điệu cha ông, rồi những chuyến xe ngắn dài xuôi ngược nối liền từng vùng đất, thành phố trong sương Thành Đô trù phú về cuộc sống hay đậm đà về ẩm thực, cái chậm chạp ì ạch đáng yêu của gấu trúc Tứ Xuyên, và một thiên đường tìm thấy trong vẻ đẹp tổng hòa Cửu Trại Câu giữa những ngày đông giá d(^o^)b

Hành trình Trung Hoa Du Ký lần đầu khám phá Trung Quốc đến đây là kết thúc, cảm tạ bạn đọc đã theo dõi và động viên, người viết rất sẵn sàng chia sẻ chút kinh nghiệm ít ỏi thu thập được qua chuyến đi với ai có nhã hứng 🙂