Căn nhà số 11 – Nguyên Minh

Trong văn học Việt Nam, có những cuốn sách nếu đã cầm lên, người đọc sẽ bị cuốn hút vào từng trang viết, để khi đọc xong gấp sách đặt xuống rồi vẫn thấy miên man xúc động bởi những hồi tưởng sâu lắng, những câu chuyện cô đọng và giản đơn nhưng có lẽ cần thời gian của cả đời người để trải nghiệm và đúc kết. Bạn đọc chắc đã quen thuộc những cái tên như Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải), Tôi đã không quên (Lê Minh Khuê), Thời xa vắng (Lê Lựu), hay Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); bài viết này nhằm giới thiệu một tác phẩm khác như thế: Ngôi nhà số 11 của Nguyên Minh.


(Tranh phố của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái)

Nhà văn Nguyên Minh sinh năm 1941, viết văn từ năm ông 17 tuổi. Trước năm 1975, ông chủ trương tạp chí Ý Thức và làm việc trong NXB Ý Thức (1970-1975). Sau năm 1975, ông gác bút đến năm 2000 mới viết lại. Một số tác phẩm đã in: Căn Nhà Hoang (2000), Tưởng chừng đã quên , và sắp xuất bản cuốn Tiếng rống biệt ly.

Căn nhà số 11 là cuốn tiểu thuyết mà Nguyên Minh viết sau giải phóng và mới được xuất bản cuối năm 2009. Thoạt nhìn cuốn truyện không có gì bắt mắt, chỉ như 1 cuốn tiểu thuyết trung tầm bày bán nhan nhản trên các kệ sách và lề đường thời đại đa thư này, nếu không muốn nói là nó hoàn toàn mờ nhạt giữa chồng sách của các cây bút trẻ và các truyện dịch thời thượng bìa đầy hào nhoáng nhưng nội dung rỗng tuyếch. Rất tình cờ người viết ‘nhặt’ được Căn nhà số 11 trong một ngày như thế giữa Sài Gòn sôi động và lập tức bị thu hút bởi bối cảnh ly kỳ cùng với thiên truyện độc đáo ^^

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của nhân vật “tôi” những năm đất nước còn chia cắt và cho đến sau này khi đã thống nhất 2 miền, những quan hệ ruột thịt cha anh, những người quen biết, những câu chuyện về bạn đời, bạn tình và bạn hữu và cả những người lạ mặt chỉ gặp đôi lần. Lấy bối cảnh từ căn nhà số 11, Nguyên Minh lần lượt dành từng chương truyện để kể về mỗi nhân vật của ông: Ông Bầu, Thủ Môn, Hậu Vệ, Tiền Vệ, Trung Phong … mỗi người trong số họ lại có những kỷ niệm riêng với nhân vật ‘tôi’, mỗi người lại có những cuộc sống riêng, tính cách riêng, và cả những tình yêu và bi kịch riêng; để đến vài chục năm sau này khi đã qua bên kia con dốc cuộc đời, ‘tôi’ lại mường tượng ra mồn một số phận của mỗi người, lại đôi lần khắc khoải bởi quãng thời gian tươi đẹp nhưng cũng không thiếu phần cơ cực đã qua. Đan xen trong mỗi trang viết là dòng ký ức bất tận về hình ảnh người cha, người mẹ, người anh trai và 3 người phụ nữ trong cuộc đời nhân vật ‘tôi’ …

Đã 25 năm tôi gác bút, tưởng chừng không còn gì nữa để phải viết lên trang giấy, trải lòng mình vào chữ nghĩa văn chương, dù đời tôi có bao nhiêu đau khổ ê chề sau mộ cơn biến động lịch sử kinh hồn đã quăng tôi và bạn bè ra tứ phía.

Những nhân vật trong truyện của tôi sau này đều là những người thân yêu. Người yêu cũ. Người vợ hiền. Cô bạn láng giềng ngây thơ ngày thơ ấu. Người Mẹ bao dung. Người cha khắc nghiệt. Những người bạn cùng say mê văn chương. Thời thanh xuân chúng tôi cùng nhau làm một tạp chí văn học nghệ thuật mang tên Ý Thức. Tất cả những người thân yêu đó, bấy lâu tưởng đã hóa đá trong tâm hồn tôi, sau bao nhiêu năm tháng, một hôm bỗng rủ nhau trở lại thành người, đánh thức tôi, gợi lại những xúc cảm mới. Tôi nghĩ về họ. Tôi nghiệm ra rằng, từ thưở ấu thời đến tuổi xế chiều, họ đã cho tôi biết bao nhiêu điều muốn nói. Tất cả những người thân yêu đó đã quyện vào tôi như nhập thành một. Tại sao tôi phải im lặng.

Bằng giọng kể ấm áp, văn phong chắc gọn sâu lắng, Nguyên Minh đưa người đọc đi qua quãng đường dài 15-20 năm, đánh dấu bằng những thăng trầm trong cuộc sống mỗi nhân vật giữa những biến chuyển của lịch sử lớn lao của dân tộc, gợi mở từ từ từng ký ức ngày ấy – bây giờ, những gì một thời vang bóng và tưởng chừng đã quên … Không quá cao trào, không nhiều kịch tích, phong cách của Nguyên Minh khiến bạn đọc thấy sự thân thuộc và đồng điệu giữa Căn nhà số 11Gặp gỡ cuối năm, Người của một thời của Nguyễn Khải, cũng thấy trân trọng hơn sự lao động nghiêm túc miệt mài đôi khi khắc nghiệt trong từng chương truyện của ông.

Thông tin về Nguyên Minh cũng như các tác phẩm của ông không nhiều, có thể tạm coi ông như cây bút thể loại ký/tự sự, đã bắt đầu nghiệp văn từ trước năm 75 nhưng sáng tác có phần đứt đoạn do bối cảnh lịch sử; người viết bài này muốn dành đôi dòng ngắn ngủi trong blog này để vinh danh ông qua tác phẩm Căn nhà số 11 🙂 nhất là trong lúc việc giới thiệu kho tàng văn học miền Nam trước 1975 vẫn còn hạn chế và cầm chừng.