Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Phần 2)

1. Bình minh Leh

Chúng tôi thức dậy khá sớm, đầu đã bớt nhức hơn, cơ thể đã dần quen với độ cao của Leh. Ăn sáng xong còn khá sớm, chúng tôi quyết định tản bộ quanh thành phố trước khi đi thăm 3 tu viện nổi tiếng gần Leh, cũng là những tu viện nổi tiếng nhất trong vùng thung lũng Indus (tu viện Hemis, Thiksey, và Shey).

Mới hơn 8h sáng mà ánh nắng đã tràn ngập khắp Leh báo trước một ngày nắng gió đang đợi chúng tôi ^^

Đường đi vào trung tâm thành phố sẽ dẫn du khách đến ngay chân quần thể cung điện Leh Palace mà chúng tôi vừa ghé thăm ngày hôm qua (bằng đường núi)

Cố cung Leh nhìn ban ngày khá nản … phần lớn đã được xây lại, xung quanh lộn nhộn nhà cửa thấp cao, bạn đọc có ghé Leh chắc cũng nên đứng ngoài chụp thay vì leo lên …

2. Đi về phía Đông Nam

Cậu tài xế người Ladakhi đón chúng tôi đúng 9h30 sáng và bắt đầu xuất phát đi về phía Đông Nam, đến với những tu viện đã vài trăm năm tuổi của Leh:

Xe đưa chúng tôi qua những cung đường đẹp mê người đúng chất cao nguyên Kashmir với trời trong vời vợi xanh, bụi cát nối dài với thảo nguyên nổi bật trên nền núi tuyết xa xăm:

Có lẽ bạn không cần là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để ghi lại vẻ đẹp say đắm của Ladakh ^^ Đường đi rất tốt và êm, chúng tôi chỉ ngồi trên xe lao vun vút khi chụp những bức ảnh này. Vương miện Ấn Độ là đây, Tân Cương Ấn Độ cũng là đây!

Trời rất nóng, gió ngoài cửa xe thổi rất mạnh; lác đác đây đó xóm nhỏ người Ladakh lọt vào ống kính chúng tôi … những chân núi xám cứ gần rồi lại xa:

2.1. Hemis

Trong 3 tu viện thì Hemis ở xa nhất, cách Leh 50km đường bộ. Đường đến Hemis chúng tôi vượt qua Shey và Thiksey nhưng sẽ dừng thăm 2 tu viện này khi về. Con đường “Tân Cương” của Ấn Độ tuy không xa nhưng chúng tôi đi mất hơn 1 tiếng vì thỉnh thoảng nhờ cậu tài xế dừng xe lại cho chúng tôi chụp ảnh phong cảnh.

Trời Ladakh hôm nay đẹp ghê người, bên ngoài xe chỉ khoảng 12 độ, mặc dù nắng chan hòa khắp nơi nhưng chúng tôi ai nấy đều mặc áo ấm và quấn khăn, trong khung cảnh này đây!

Dường như không một điểm cao nào là không được người Ladakhi tận dụng để xây các công trình tôn giáo. Tại những vị trí bắt mắt nhất trên đường, chúng tôi đều được nhìn thấy các đền tháp, tu viện nhỏ, hay ít ra cũng là những cột cờ phướn Phật giáo ngạo nghễ trong nắng gió:

Gần 11h trưa chúng tôi rời khỏi con lộ chính và rẽ vào hẻm núi, bắt đầu chạy đường đồi ngoằn nghèo qua những khu làng nhỏ dẫn lên Hemis, cửa tu viện đã gần kề!

Xây dựng trong giai đoạn 1630 dưới thời vua Sengge Namgyal, tu viện Hemis thuộc về dòng Ca Nhĩ Cư (Kagyupa Sect) hay thường được gọi là Hồng Mạo Giáo – Phái Mũ Đỏ (Red Hat Sect) chứ không phải Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect) như các tu viện lớn thường gặp ở vùng khác. (Xem thêm Tổng quan Phật giáo Tây Tạng)

Hemis được biết đến như 1 tu viện giàu có và lớn nhất Ladakh với khoảng 350 tăng chúng và có chi nhánh ở hầu hết 50 ngôi làng toàn Ladakh. Vé vào cửa tu viện Hemis là 100 INR (tương đương hơn 2 USD), vé bao gồm cả phí thăm quan tu viện và bảo tàng dưới lòng đất của Hemis. Khi chúng tôi đến nơi, cổng của tu viện đang được tu sửa lại.

Bước vào sân lớn (Main Courtyard), hiện ra trước mắt du khách là quần thể chính điện Hemis:

Những bức tường chạy bao quanh sân lớn đều đã được trùng tu lại nên màu sắc có phần tươi mới hơn:

Nếu theo đúng quy tắc màu sắc Hồng-Bạch của Phật giáo Tây Tạng thì có thể đoán ra Hemis (với sắc trắng chủ đạo) là nơi sinh sống tu học của tăng sĩ là chính.

Bước vào bên trong chính điện của Hemis, du khách có thể kiểm chứng điều này. Không khí bên trong điện mát lạnh dễ chịu, trên tường treo đầy những bức thangka cổ rất đẹp:

Lên tầng 2 của chính điện, du khách sẽ gặp khám thờ đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava hay Guru Rinpoche), người được coi là ông tổ Phật giáo Tây Tạng từ thế kỷ thứ 9, cũng là người khai tông lập phái cho tông giáo đầu tiên của Tây Tạng – tông Ninh Mã (Nyingma Sect):

Sau lưng khám thờ này có đường leo lên trên nóc của tu viện Hemis, nơi du khách có thể ngắm cảnh vật xung quanh tu viện. Bên cạnh tu viện là những ngôi nhà xây bằng đá và bùn của người dân địa phương:

Xa xa là thung lũng và những ngọn núi đang vàng rực dưới nắng trưa:

Lá cờ bay phần phật trên nóc Hemis làm chúng tôi mường tượng đến lá cờ Rồng sấm của hàng xóm Bhutan nhiều hơn là cờ biểu trưng Phật giáo:

Được biết tu viện Hemis tổ chức lễ hội vào mùa hè chứ không phải mùa đông nên thu hút được nhiều khách viếng thăm dịp tháng 6 – 10. Lễ hội này có 1 màn trình diễn đặc sắc gọi là “Cham” (tiếng Ladakhi) kể lại câu chuyện nổi tiếng xưa khi đại sư Kiết Tường Kim Cang (Pelgyi Dorje) nhân lúc nhảy múa đã dùng tên bắn chết vua Tạng Lãng Đạt Ma (Langdrama) – một người cổ xúy cho cổ giáo Bon và bài trừ Phật giáo giai đoạn thế kỷ thứ 9. Những hình ảnh lễ hội này có thể tìm thấy trong hầu hết các postcard của Ladakh chụp về Hemis với phục trang cổ và mặt nạ quỷ màu đỏ máu nhìn vừa ghê vừa cuốn hút!

Ngoài các khu điện thờ, Hemis còn nổi tiếng với quần thể bảo tàng trưng bày hiện vật dưới lòng đất, nơi du khách được tận mất chiêm ngưỡng những bộ sưu tập về phật điển, tranh tượng, đồ tế lễ, quần áo, vũ khí … xuất hiện trong tiến trình phát triển của Phật giáo Hy Mã nói chung và Phật giáo Ladakh nói riêng, tới nay đã nghìn năm tuổi. Tuy nhiên bảo tàng này yêu cầu du khách phải gửi hết máy ảnh máy quay điện thoại trước khi vào nên không có cách nào chụp ảnh được. Đi dạo hơn nửa tiếng mới ngắm được hết các hiện vật trong bảo tàng, cũng là lúc giữa trưa khi tu viện nghỉ ăn trưa, chúng tôi theo xe rời Hemis quay về thăm Thiksey và Shey.

2.2. Thiksey

Thiksey là tu viện lớn thứ 2 trong thung lũng Indus, về độ nổi tiếng chắc chỉ thua Hemis, nhưng chúng tôi lại thấy ở Thiksey vẻ đẹp khoáng đạt hoang dã hơn nhiều so với Hemis, chắc cũng bởi vì tu viện này được xây biệt lập trên một ngọn đồi riêng, xung quanh phần lớn là hoang mạc và trảng cát khổng lồ.

Đường về từ Hemis sang Thikey chạy qua những con đường đầy cây dương xanh mơn mởn:

Để rồi hiện ra phía cuối con đường là tu viện Thiksey ngạo nghễ trên đỉnh đồi:

Mới nhìn ai cũng dễ bị cuốn hút bởi kiến trúc nhiều tầng có phần chồng chéo của Thiksey, thêm vào đó là màu sắc khác lạ của những tòa xây trong quần thể tự viện, ngoài lưỡng tông Hồng Bạch còn có vài khu được xây với màu vàng nổi bật mà chúng tôi không rõ lý do.

Theo xe, chúng tôi chạy men theo đường đồi lên đến cổng chính của tu viện xây hướng về phía Nam:

Chúng tôi đặt chân vào Thiksey cũng là chính Ngọ, cả tu viện đang đóng cửa ăn trưa, du khách cũng tản mát tìm nơi mát mẻ trú chân, nhưng cũng là thời điểm tuyệt vời bởi tôi có cả tiếng đồng hồ để dạo quanh Thiksey tĩnh lặng trong nắng trưa:

Phong cảnh xung quanh nhìn từ Thiksey thực sự hoang sơ, cảnh tượng gió cuốn mây trôi hào sảng lắm! quả đúng là lam quan tuyết dũng, sa mạc sóc phong:

Tựa lưng vào bờ tường đá, chúng tôi khoan khoái ngắm thiên nhiên nơi đây biến ảo dưới mắt người và cả dưới ống kính:

Nhưng sức hấp dẫn của Thiksey không chỉ nằm ở cảnh quan tứ bề mà còn cả bên trong mỗi khám thờ tu viện nữa. Lúc này các nhà sư đã đi mở cửa các khám thờ cho chúng tôi vào tham quan.

Thikey xây vào giai đoạn thế kỷ 15, là tu viện thuộc dòng Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect hay Gelugpa Sect) do đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa sáng lập). Bên trong khám thờ lớn của tu viện, du khách sẽ thấy tượng đồng của Thích Ca Mâu Ni Phật (Shakyamuni) cùng các sư tổ của phái Cách Lỗ:

Ngoài khám thờ cũ, Thiksey còn có 1 khu mới xây vào năm 1980 khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đến thăm nơi này, và là khu thờ Phật tương lai Phật Di Lặc (Maitreya). Nổi bật trong khám thờ 2 tầng này là tượng thân của Phật Di Lặc rất đồ sộ và tạo hình ấn chuyển pháp luân cực kỳ đẹp!

Bức tượng này cao đến 15m, cũng là bức tượng lớn nhất toàn Ladakh, mất đến 4 năm để tạc nên họa tiết rất tinh tế, phối màu phô trương sặc sỡ nhưng toát lên vẻ hiền từ thanh khiết. Sau này trong lòng Nubra Valley chúng tôi còn được diện kiến 2 bức tượng thân khác cũng rất lớn nhưng chưa so được với tượng Maitreya bên trong Thiksey. Xung quanh tượng là vô số các ngọn đèn mỡ bò Yak đang cháy sáng, và tất nhiên không thể thiếu khách thập phương đang đi vòng kora quanh tượng.

Ra khỏi khám thờ Phật Di Lặc, nhìn sang bên phải du khách sẽ thấy 1 khu riêng bên trong có thờ 12 hóa thân của độ mẫu Đa La (Tara) và sư tổ Tông Khách Ba, tượng tuy nhỏ nhưng không kém phần tinh xảo:

… Đã đi gần hết Thiksey sau cả giờ đồng hồ, chúng tôi trở ra xe. Đường chạy xuống đồi ngoằn nghèo thoắt cái đã bỏ lại tu viện phía sau lưng. Từ đây nhìn trở lại Thiksey, cậu lái xe cho chúng tôi biết, kiến trúc của Thiksey và một số tu viện trong Ladakh không chỉ đơn thuần là phục vụ cho tôn giáo mà còn mang tính phòng thủ (fort monastery). Điều đó lý giải phần nào địa thế xây các tu viện vùng này thường là nơi hiểm trở, yết hầu trên những đường cái quan hay những khu vực bờ sông lớn.

Tạm biệt Thiksey, chúng tôi tiếp tục hành trình trở về Leh và tiếp cận tu viện cuối cùng trong kế hoạch ngày 2: Shey monastery.

2.3. Shey

Chỉ nằm cách Leh 15km, quần thể Shey Palace đã từng là cung điện mùa hè của vương triều Namgyal giai đoạn thế kỷ 17. Ngày nay, cũng như Leh Palace, người ta gần như không còn tìm được dấu tích gì của 1 chốn đế kinh vang bóng ngày xưa … Vé vào cửa Shey giá 50 INR (theo cậu tài xế cho biết) nhưng khu vực này vắng đến mức không có cả người bán vé, chúng tôi vì thế cũng không vào bên trong mà chỉ đi bộ ngoạn cảnh phía ngoài:

Kể từ khi hoàng tộc Namgyal rời Shey để chuyển về sống tại Stok năm 1842, Shey gần như không được tôn tạo gì, gió bụi thời gian gần như đã bào mòn hết những chiến tích cũ trên đỉnh đồi …

Nhưng bù lại, thiên nhiên lại rất hào phóng với chốn này! Dưới bóng mây trôi lững lờ qua thung lũng, quanh cảnh dưới chân cố cung bừng lên đầy sức sống. Chúng tôi nán lại trên đồi ít phút để ghi lại khoảnh khắc này:

Ấn tượng với phong cảnh quanh Shey lúc này, chúng tôi nhờ cậu tài xế dừng xe bên cạnh dòng Indus chụp vài tấm ảnh:

Được biết khu vực này đang được nước bạn Nhật Bản đầu tư xây dựng, không rõ là xây gì do vẫn chưa thành hình, hy vọng thời gian tới anh chị em nhà Phượt ghé thăm sẽ có dịp xem xét và chia sẻ thêm ^^

Chiều tàn rơi trên thung lũng Indus, dạo chơi dọc bờ sông một lúc chúng tôi đã thấy đói mệt rã rời mà đường về nhà còn hơn 10 cây số nữa … Ngày 2 đi thăm các tu viện quanh Leh kết thúc với bữa tối Ấn Độ tuyệt cú mèo Đêm nay chúng tôi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày thứ 3 và 4 rời Indus Valley đi sang thũng lũng lớn thứ hai của Ladakh: thung lũng Nubra, hứa hẹn còn rất nhiều điều về thiên nhiên và con người xứ này đang đợi chúng tôi khám phá!

Leave a comment