Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Phần 3)

1. Vượt Khardungla

Chúng tôi bắt đầu ngày 3 không sớm như tưởng tượng, gần 9h30 sáng xe mới xuất phát đi thung lũng Nubra – thung lũng trù phú nhất toàn vùng Ladakh, nằm cách thủ phủ Leh 150km về phía Bắc. Nhắc đến Nubra Valley là nhắc đến các khu làng Sumur, Diskit, Panamik, Hundle; và cũng là ranh giới xa nhất mà du khách được đi đến. Vượt qua đó là vùng biên giới chiến sự với Pakistan, vì thế trên đường đi Nubra bạn có thể gặp hàng đoàn xe quân sự hạng nặng rầm rập cắn đuôi nhau vượt đèo.

Trước khi lên xe, anh tài xế trẻ dặn chúng tôi nhớ mang theo áo lạnh, mặc dù Leh khi đó đang chói chang nắng sớm. Tạm biệt Leh, chúng tôi mải miết nhắm hướng núi tuyết mà chạy.

Hai tiếng đầu gần như không có gì đặc biệt, chúng tôi men theo sườn đồi, thoắt ẩn thoắt hiện, chuyển từ ngọn này sang ngọn khác, mỗi lúc một lên cao dần. Lúc này qua cửa kính xe, chúng tôi đã nhận ra con đường dần dần chuyển sang màu trắng và nhiệt độ trong xe đang xuống dần đến mức lạnh cóng!

Mặt trời đã lên đứng bóng, nắng xuyên qua kính xe chiếu gay gắt trên tay và trên mặt; bắt chấp như vậy, chúng tôi vẫn run lên trong áo khoác ….

Một màu trắng xóa đến nhức mắt bao trùm xung quanh, tai chúng tôi dần ù tai vì độ cao. Anh tài xế lái xe chầm chậm lại, báo hiệu đã đến đỉnh Khardungla — đỉnh đèo cao nhất trên đường bộ nối liến Leh và thung lũng Nubra

Đúng 12h trưa xe dừng, chúng tôi đã lên đến Khardungla, khung cảnh xung quanh vắng lạnh, mọi thứ dường như đóng băng

Nằm ở độ cao ấn tượng (trên 5300m so với mực nước biển — cao gấp 1.7 lần nóc nhà Đông Dương), Khardungla quả là làm người ta mệt mỏi bởi không khí loãng và tiết trời lạnh khô! Các bạn Ấn Độ thì rất tự hào coi Khardungla Pass là đường bộ cao nhất thế giới tuy rằng thông tin này không chính xác 😀 mặc dù vậy, thông tin ‘quán cà phê cao nhất thế giới’ thì có thể tin là thật, bởi chúng tôi chưa từng nghe qua có quán cafe nào khác nằm cao tương tự như vậy ^^

Thường trú trên Khardungla Pass là nhóm nhỏ quân đội Ấn Độ thái độ thân thiện và cho du khách thoải mái chụp ảnh:

Chúng tôi cũng không trụ được quá lâu với thời tiết khắc nghiệt ở đây, uống vội cốc cà phê, chúng tôi theo xe đổ đèo, đi nốt quãng đường dẫn vào thung lũng Nubra.

Nubra Valley chào đón chúng tôi thân thiện hơn nhiều so với đèo Khardung, càng đi màu xanh càng dày lên trong mắt.

Điểm đến trong chiều nay của chúng tôi ở thung lũng Nubra là Diskit Monastery, vẫn còn hơn 15km đường phía trước …

2.1. Tu viện Deskit

Deskit Monastery (hay còn có tên gọi Diskit Monastery) là tu viện Phật giáo lâu đời nhất trong lòng thung lũng Nubra, được xây dựng vào thế kỷ thứ 14 bởi đệ tử của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) nên Deskit thuộc vào dòng Hoàng Mạo Giáo Gelugpa Sect.

Vượt qua con đường bụi bặm đang được sửa chữa (hay vẫn trong tình trạng sửa chữa từ bao lâu nay), chúng tôi dần tiếp cận quần thể tu viện. Deskit được chia làm 2 khu lớn: phần tu viện và các khám thờ nằm bên dốc đá cheo leo của quả đồi bên phải, phần tư gia của Lạt Ma đứng đầu Deskit nằm ở chân đồi thấp bên trái (trên nóc có tượng thờ Phật Di Lặc khổng lồ!)

Đường vào Deskit:

Vé vào cửa tu viện Deskit cực kỳ rẻ, chỉ vỏn vẹn 20 INR, tương đương với gần 50cent tức 10,000 VND nhưng lại có rất nhiều thứ để xem cho thỏa thích ^^ Chúng tôi bước vào tu viện lúc 2.30 chiều, lúc này mặt trời vẫn chói chang và tu viện rất vắng khách tham quan

Các khám thờ của Diskit đều nhỏ và không được bảo quản tốt cho lắm, vì không có tài liệu hướng dẫn nên chúng tôi gần như không nhớ được cấu trúc của Diskit ra sao, một số khám thờ đóng cửa và chỉ mở nếu du khách yêu cầu. Ngoài các gian điện thờ Phật, Diskit còn có khám thờ riêng chứa vô số các tượng Minh Vương Hộ Pháp, nét vẽ mạnh mẽ và dữ tợn (đặc trưng thường thấy nếu bạn có dịp nhìn những tượng thờ Hindu của Ấn Độ hay Nepal); chắc cũng bởi thế mà những tượng này đều được che kín lại và chỉ được khai quang trưng bày trong những dịp lễ hội.

Một số hình ảnh các khám thờ chúng tôi đi thăm trong Diskit:

Nhưng có lẽ điều mà Diskit tự hào nhất chính là địa lợi và nhân hòa! Vị trí thiên phú của tu viện sừng sững trên đỉnh đồi nhìn ra thung lũng Nubra và sông Skyok, xa xăm cuối chân trời chính là biên giới Ấn Độ – Paskitan. Từ điểm cao này phóng tầm mắt ra xa, người ta chỉ thấy núi núi mây mây và những con đường cát trải dài bất tận. Chúng tôi hì hục leo lên chốt cao nhất của Diskit thể thỏa sức ngoạn cảnh. Nubra đẹp kỳ ảo trong nắng chiều! Chỉ 1-2 tháng nữa là Ladakh sẽ sang mùa hè, chắc những mảng màu xanh dưới chân đồi sẽ còn dày đẹp lên rất nhiều 🙂

Những vị sư già mà chúng tôi gặp ở Diskit rất dễ thương, ai cũng nói tốt tiếng Anh và thân thiện hơn so với chúng tôi mong đợi ^^ Các vị này trước đây đều đã từng tu học tại tu viện Tashilhunpo vùng Tsang của Tây Tạng, cách ăn mặc của họ cũng giản dị hơn so với đồng môn Hoàng Mạo Cách Lỗ phía bên kia biên giới.

Chúng tôi cũng bị thu hút bởi kiến trúc dưới chân đồi bên trái của tu viện Diskit, nổi bật trên nền trời là biểu tượng của Từ Bi và Trí Huệ – tượng thân Phật Tương Lai Phật Di Lặc (Maitreya Buddha) – trong tư thế ngồi và tay chuyển pháp. Đường lên đồi sẽ chạy phía sau lưng tượng rồi du khách sẽ đi bộ từ bãi đậu xe ra phía trước, làm vòng đảnh lễ xung quanh chân tượng.

Tượng Maitreya này có thể nói là cực lớn, cao 32m, màu sắc bắt mắt và còn rất mới. Được biết tượng được dựng từ năm 2006 và hoàn thành vào năm 2010, giờ đây đã trở thành biểu tượng thường gặp khi giới thiệu về Diskit monastery. Kiến trúc của tượng mang phong cách Phật giáo nguyên thủy với khuôn mặt Di Lặc trẻ trung sống động, trang phục cách điệu Ấn Độ ngồi trên chân đế lớn trang trí như những chân đế stupa nhìn thấy trong Potala với biểu tượng sư tử trắng bờm xanh và xung quanh chạm trổ vô số ngọc bích đá quý. Người hành hương về đây cũng đã buộc rất nhiều lụa trắng quanh chân tượng.

Đứng từ chân tượng nhìn ra trung tâm thung lũng:

Vị trí này cũng khá lý tưởng để ngắm kỹ hơn kiến trúc của Diskit Monastery xây theo triền dốc cũng như các stupa xây dựng quanh đồi giờ gần như đã bỏ hoang. Một số hình ảnh chúng tôi chụp lại khi đứng đây:

Du ngoạn Diskit đến hơn 4h chiều cũng là lúc chúng tôi nói lời từ biệt nơi đây để đến điểm dừng tiếp theo: những đồi cát làng Hunder và chuẩn bị cưỡi lạc đà 2 bướu – đặc sản lưu lạc đến Ấn Độ nhiều thế kỷ về trước

2.2. Hunder Village

Nằm không xa Diskit Village là Hunder Village, cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi thăm thú thung lũng Nubra. Trong những thế kỷ trước, làng Hunder còn nhộn nhịp sầm uất hơn nhiều bởi nó là ốc đảo xanh trên con đường tơ lụa đoạn nối liền Tây Tạng qua Ấn Độ.

Con đường chạy qua làng len lỏi giữa những cồn cát cao ngập đầu người:

Trước khi vào làng nghỉ ngơi, chúng tôi được bác tài đưa qua khu đồi cát cưỡi lạc đà để làm quen với những “cư dân” sa mạc này. Bãi cưỡi lạc đà khá rộng và sạch đẹp, tuy nằm giữa các đồi cát nhưng mơn mởn màu xanh, có cả 1 dòng suối nhỏ để khách du lịch vùng vẫy.

Được biết lạc đà ở vùng này là loại lạc đà 2 bướu (Bactrian Camel) đặc biệt bắt nguồn từ các vùng Trung Á, mà ngày nay chỉ phổ biến ở Tân Cương, Mông Cổ. Đây chắc chắn là con cháu của những đoàn lạc đà lớn xa xưa đã đi trọn con đường Á-Âu huyền thoại một thời và nay được giữ lại để nuôi dạy và thuần hóa trong lòng thung lũng Nubra. Dịp chúng tôi đến chắc là nhằm lúc các bạn lạc đà này đang rụng lông nên nhìn có phần xơ xác chứ nhìn ảnh giới thiệu trên mạng thì cũng mượt mà bắt mắt chả kém ai 😀

Trong bãi cưỡi có khoảng 20 con lớn bé cho du khách cưỡi, giờ phục vụ từ 9-12h sáng hoặc 3-6h chiều, mỗi suất trung bình 15-20′, còn nếu bạn chịu được nắng thì cứ thỏa sức mà đi

Chúng tôi cũng bon chen đợi đến lượt để cưỡi lạc đà cho bằng anh bằng em, đây là 2 chú lạc đà non đang chờ lúc đi dạo:

Không biết xưa kia các bác thương nhân có bí quyết gì để cưỡi trên lưng lạc đà hàng tháng trời chứ chúng tôi thì đã sợ đến già Cảm giác cưỡi lạc đà khá cao và chòng chành, ngồi lâu rất tê chân mỏi gối, chưa kể trời nắng như đổ lửa mà lạc đà cứ nhởn nha từng bước trên cát. Có lẽ những hình ảnh quân đội Saladin ngạo nghễ trên lưng lạc đà vung kiếm đẩy lui quân Thập tự chinh chỉ còn thấy được qua phim ảnh và sử sách …

Sau nửa tiếng đi phơi, chúng tôi cũng về lại bãi đáp, đây cũng là lượt cưỡi cuối cùng vì đồng hồ đã chỉ qua 6h tuy trời còn rất sáng. Bác tài đưa chúng tôi vào làng Hunder và tìm 1 gia đình người Ladakhi cho thuê trọ để chúng tôi qua đêm nay trong thung lũng Nubra.

Nghỉ ngơi tắm rửa xong xuôi thì trời sập tối rất nhanh, chúng tôi cũng không kịp dạo quanh nhà nên sẽ hẹn bạn đọc sang ngày hôm sau để có hình ảnh đầy đủ hơn về ngôi làng. Lúc này đường làng đã tối om om, Hunder chìm trong không gian tĩnh mịch, đây đó chỉ leo lét ánh sáng của những ngôi nhà cao hơn 1 tầng. Nubra Valley về đêm chỉ còn không khí se lạnh và sự yên ắng lạ thường; càng làm không khí bên trong ngôi nhà trọ thêm ấm cúng:

Chúng tôi vào phòng ăn cùng với gia đình người Ladakhi và 2 người bạn Nhật Bản cũng mới đến trọ. Bữa ăn tối đơn giản nhưng được coi là thịnh soạn ở nơi mà thịt cá có lẽ khá hiếm hoi nhất là khi mùa băng tuyết vừa qua, chúng tôi ăn gần như không nghỉ thức ăn nấu nhạt và rất ngon miệng, chưa kể món trà Masala Tea thơm cay hảo hạng.

Được biết làng Hunder mỗi năm chỉ đón khách tham quan mấy tháng, từ khoảng tháng 6 đến tháng 10, còn lại gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi tuyết sẽ phủ kín con đường bộ từ Indus Valley sang Nubra Valley. Do đó người dân Ladakhi ở đây tự lực cánh sinh là chủ yếu, đời sống giản tiện và rất gọn gàng, xăng xe tivi điện thoại máy tính đều rất hiếm. Cũng nhờ nằm ở vĩ độ thấp hơn Leh, điều kiện tự nhiên ở Nubra Valley rất tốt cho việc trồng cấy và chăn thả. Nếu bạn có dịp qua đây chắc sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu thấy những bày dê chăn thả tự do quanh làng, đây đó là nhiều dòng suối chảy từ trong núi ra quanh co mát sạch 🙂