Trên cao gió bạt tiếng eo sèo

Nằm trong tuyển tập mới nhất “Hướng nào Hà Nội cũng sông” của nhà văn Hồ Anh Thái, Trên cao gió bạt tiếng eo sèo có thể xem là 1 bài viết nhẹ nhàng, thâm thuý với cái nhìn chân thực của ông về những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống thường nhật, từ việc cáp treo đi Yên Tử cho đến việc xây dựng con đường gốm sứ sông Hồng; tất cả toát lên những nhận định khách quan đầy gợi mở và không kém phần thẳng thắn khi đánh giá những điều được và chưa được của người Việt Nam. Xin nhường lời cho bạn đọc thưởng ngoạn và phê bình 🙂

=====

Trên cao gió bạt tiếng eo sèo

Ngày tôi lên núi Yên Tử lần đầu chưa có cáp treo. Phải trèo. Chín giờ sáng bắt đầu ở chân núi, trèo lên đến Hoa Yên đã hơn một giờ chiều. Đến đấy đã thấm mệt. Tất cả quyết định sẽ nghỉ đêm tại Hoa Yên, sáng mai mới leo tiếp lên chùa Đồng.

Nghe nói đoạn trên này ngắn hơn nhưng dốc hơn đoạn đã qua bên dưới. Nhưng rồi đến bốn giờ chiều, anh em lại quyết định leo tiếp lên chùa Bảo Sái. Đã hồi sức. Vả lại cũng muốn rút ngắn bớt đoạn đường sẽ phải leo tiếp sáng mai. Đoạn từ Hoa Yên lên Bảo Sái quả là có dốc hơn, gian nan hơn đoạn bên dưới. Lên đến chùa Bảo Sái thì núi rừng đã tối sầm không còn nhìn thấy gì nữa. Chùa chật ních người đến ngủ trọ. Chúng tôi may mắn còn có chỗ, được xếp vào trong căn bếp của nhà chùa. Đêm ấy, cả toán nằm thẳng cẳng như xếp cá bên cạnh mấy bà già hành hương, tất cả khoảng hơn chục người, trong căn bếp ám đen bồ hóng.

Sáng hôm sau, tiếp tục hành trình leo núi. Quả thật là cao. Quả thật là dốc. Quả thật là thở phì phò và không thể đeo khoác mang xách gì được nữa. Tất cả trút hết sang người gánh thuê. Có những đoạn gần như dốc đứng, mắt người leo dưới chạm gót chân người trèo bên trên. Bám vào đá mà leo. Bám vào rễ cây mà leo. Xuống thì có lúc phải nằm bò ra, bám vào rễ cây mà thả dần người xuống. Trước đấy tôi đã nhiều lần đi chùa Hương. Không so sánh được. Có lẽ chỉ bằng một phần mười Yên Tử. Đoạn đường núi từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích, người ta đi dần dà khoảng bốn mươi lăm phút, thời ấy tôi đi vùn vụt chỉ ba mươi phút. Còn lên Yên Tử thì phải cắt ra làm hai ngày. Có người chỉ leo một ngày, lên đến chùa Đồng buổi tối cùng ngày, nhưng mà phải dồn sức và kiệt sức. Có người bị tim mạch, không leo tiếp được, phải dừng lại lưng chừng. Có người lên được đến đỉnh, nhưng khi xuống phải thuê người võng. Hai người địa phương gánh cái võng đã được bó chặt, trèo xuống. Những chỗ dốc đứng, cái võng trông như tử thi bó chiếu lủng lẳng chiều thẳng đứng bên bờ vực. Hàng năm vẫn có người trượt chân rơi xuống vực.

Thế mà vẫn hân hoan đi. Tươi cười đi. Người trên xuống động viên người dưới lên: Sắp đến nơi rồi. Những bà già lưng còng, phải trên dưới tám mươi tuổi, chống gậy leo như không, gặp nhau chào A Di Đà Phật. Sức mạnh của tâm linh.

Thanh niên thì thở như kéo bễ, bò lê bò càng. Vẫn đi. Nhìn lại trên người mình, không còn mang vác một cái gì. Nhìn sang người gánh thuê, tất cả tư trang của mình đã chạy sang bên ấy. Túi xách, ba lô… tất tật. Mình đi giày thể thao bó chắc vào chân. Chị gánh thuê chỉ đi dép lê. Quãng đường mình phải chia làm hai ngày để leo, có khi chị ta chỉ leo từ sáng đến trưa. Nếu trên đỉnh không có ai thuê gánh xuống thì tất bật trở ngay xuống chân núi để làm chuyến nữa. Một người buột miệng: Từ giờ đến chết không quay lại Yên Tử nữa, nếu như không có cáp treo. Chị gánh thuê xuýt xoa: Có cáp treo thì chúng em chết, một năm chúng em chỉ nhờ vào mấy tháng gánh thuê này thôi.

Chính trên đỉnh núi Yên Tử hôm ấy, tôi nhớ đến cái cáp treo lên xuống núi Linh Thứu Gridakuta ở Ấn Độ, nơi còn in dấu chân Phật. Đi thăm suốt ngày thành Vương Xá Rajgir, đến chân núi Linh Thứu thì cũng đã khá mệt. Sáng mắt lên khi nhìn thấy hệ thống cáp treo đưa khách lên thiền viện Nhật Bản trên một sườn núi. Ai trèo núi thì cứ trèo. Ai đi cáp treo thì cứ đi. Được lựa chọn là một đời sống dân chủ. Loại cáp treo ở Linh Thứu Sơn là chair lift, tức là mỗi người một cái ghế, không có lớp vỏ bọc xung quanh, cũng không có mái che. Cứ thế du khách trôi trên những mỏm núi, những ngọn cây, trần ra giữa nắng gió. Chỉ có một thanh sắt chắn ngang trước bụng để khách không tuột ra khỏi ghế. Cứ thế mà lên đến thiền viện Nhật Bản, rồi lên đến đỉnh núi còn dấu tích Phật ngồi thiền. Đấy là nơi Người nhìn thấy vua Bimbisara bị con trai tiếm quyền, bắt giam trong một hang núi phía bên kia. Đấy là nơi Devadatta sai một người lính lên ám sát Phật. Anh lính được cảm hóa, việc ác không thành. Sau đó Devadatta còn cho người lăn một tảng đá to xuống nơi Phật ngồi đây, nơi hệ thống cáp treo bây giờ đang đưa du khách lên.

Hôm anh bạn buột một câu trên đỉnh núi Yên Tử về chuyện cáp treo, ai cũng nghĩ mơ tưởng hão huyền vậy thôi. Còn lâu. Thế mà chỉ ít năm sau, báo chí đưa tin về dự án xây dựng hệ thống cáp treo Yên Tử. Thôi thì bao nhiêu lời bàn vào bàn ra. Bao nhiêu tiếng kêu phản đối của nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học. Người ta còn viện đến yếu tố tâm linh. Đến với tâm linh là phải đổ mồ hôi nước mắt, là phải mỏi gối chồn chân mới bày tỏ được lòng thành kính và niềm tin. Người ta còn viện đến khả năng báng bổ đất Phật khi cho khách ngồi trên cáp treo mà bay trên đầu trên cổ Phật tích và người hành hương. Rồi lý do làm hỏng cảnh thiên nhiên, làm hỏng môi trường, làm mất mỹ quan…

Sao vậy nhỉ? Những tưởng giới văn nghệ sĩ, giới khoa học phải xử sự ngược lại. Họ đúng ra phải là những người háo hức cái mới, làm ra cái mới, và hân hoan đón chào cái mới. Không mới sao có sáng tạo, có phát minh? Không mới sao có sinh sắc cho đời sống, cho nghệ thuật, cho khoa học? Giá mà có một phản ứng tưng bừng phấn khởi với cáp treo Yên Tử, chùa Hương, Bà Nà, Nha Trang, Đà Lạt… Giá mà có một không khí tưng bừng reo vui với những công trình mới, phát minh mới, tác phẩm mới, sản phẩm mới… Động viên khích lệ nhau làm cái tốt cái hay cái đẹp cái mới. Người sáng tạo thế mà đơn độc lắm, họ rất cần sự cổ vũ, động viên. Người sáng tạo thế mà nhạy cảm lắm, họ rất cần được tránh cho những tổn thương.

Thì cứ coi những tiếng la ó kia là phản biện. Nhưng phản biện là để thận trọng hơn, lật qua lật lại vấn đề nhiều lần hơn, xem xét và đánh giá kỹ hơn, làm cho công trình hoàn chỉnh hơn. Phản biện đâu phải là nhằm mục đích xóa bỏ. Hoàn toàn. Không phải là chữa bệnh mà rạch thêm một nhát cho chết hẳn, chết đứ đừ. Không phải góp ý mà là rủa xả mạt sát. Phê bình cuốn tự truyện của một nghệ sĩ theo cách phát động quần chúng đấu tố, không phân biệt được rằng phê bình tự truyện (nhân vật trung tâm là một người có thật) phải khác với phê bình một tác phẩm hư cấu (với nhân vật hư cấu). Phê bình con đường gốm sứ bên sông Hồng, cũng đi đến mạt sát rằng người ta “đang bôi bẩn những bức tường”.

Vui nhỉ, khi tháp Eiffel vừa mới dựng lên ở thành Paris, cũng bao nhiêu tiếng gào thét phản đối “con quái vật bằng sắt” xấu xí.

Tôi thì lại thấy cuốn tự truyện kia thật đúng là tự truyện. Bởi lẽ hơn nửa thế kỷ qua ở ta hầu như không có tự truyện hoặc hồi ký đúng nghĩa. Hầu hết đều là những chiếc gương nịnh mặt, soi vào đấy, các nhân vật đều mịn màng, đẹp đẽ, không tì vết. Cuốn sách kia trở thành một tác phẩm hiếm hoi vì nó chân thật, từ một nhân vật mà nhìn thấy được thời đại, lại được chuyển tải bằng văn chương đúng nghĩa.

Tôi nhớ con đường gốm sứ ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nơi trước kia có một con suối bùn rác, người ta phủ bê tông lên trên, làm một con đường, rồi xây một cái cầu vượt phía trên con đường ấy. Đấy là cái giá của sự phát triển đô thị thời kỳ đầu. Mấy chục năm sau, khi đã phát triển, người ta lại quyết định phá cái cầu vượt chắn mất tầm nhìn và thiếu mỹ quan, bóc con đường bê tông lên, khơi lại dòng suối. Như một con kênh. Nước chảy róc rách, hai bên kè bằng những tảng đá, trồng cỏ và lau sậy. Nó trở thành con đường đi bộ đẹp và tự nhiên. Hai bên suối là con đường gốm sứ, mới chỉ gần 200 mét. Bức tranh đức vua Jeongio viếng mồ phụ mẫu. 1700 nhân vật và 800 con ngựa. Một lễ rước tưng bừng, những nghi thức hoàng cung, những tập tục bình dân, trang phục của một thời đại được tái hiện. Đi hết bức tranh, dọc theo dòng suối mà đi tiếp, ta sẽ gặp những nghệ sĩ đường phố. Một cây ghi ta, một dàn trống, đôi ba nhạc cụ dân tộc, một người hoặc nhiều người, họ hát lên những bài ca của mình.

Con đường gốm sứ của ta chưa sánh được. Nhưng mà mấy chục cây số ven sông Hồng, thay cho những bức tường xám loang lổ, giờ là những hình ảnh vui mắt. Không cao siêu gì, thậm chí còn những hình ảnh đơn giản, thô sơ, những biểu trưng lồ lộ của nhà tài trợ. Phản biện là đúng, cần lắng nghe phản biện để điều chỉnh, sửa chữa. Nhưng phản biện hung hãn và cay nghiệt như chỉ nhằm mục đích hủy diệt thì có còn là phản biện? Những lúc ấy, lại cứ thầm nhủ trong lòng, như là đang hô to lên động viên những người thực hiện: Chớ dừng tay, chớ ngừng lại, tiếp đi, làm tiếp đi.

Nhìn ra rõ ràng trong những người phản đối, có cả những họa sĩ. Xin hãy phủ định tác phẩm này bằng một tác phẩm khác. Phân tích, bình luận, phê phán, chỉ bằng lời thôi thì dễ dàng quá. Sao nhỉ, sao mấy vị chê bai có chuyên môn ấy không tự nguyện đến nhập cuộc, tham gia vào, mỗi vị nhận lấy mấy mét tường, đây là cơ hội để bày tỏ khả năng sáng tạo và trách nhiệm công dân của họa sĩ? Và bắt tay vào làm cũng là cách phủ định những cái mà mình cho là chưa hay. Chắc là chính quyền và dân chúng sẽ nhìn các vị một cách khác.

Nhưng thực tế đã chứng tỏ người làm việc có nhiều, và người không làm việc nhiều hơn. Ngồi sẵn đâu đấy trong những công sở, những xa lông, những tiệm ăn, quán cà phê, bãi bia, thậm chí giữa đông đúc chợ người. Ai đi qua là bình phẩm. Ai làm ra một cái gì là chê bai. Một tinh thần nhàn rỗi không chịu làm việc. Một tinh thần tự ti ngược, ngược tức là không làm nổi, nhưng lại ra vẻ không có gì đáng làm. Một tinh thần ngoại đạo nhưng tự cho rằng mình có thể góp ý về mọi lĩnh vực. Một tinh thần đồng nghiệp, khi không làm được nữa thì chê những người đang làm. Một thực tế khá phổ biến: trong một cơ quan, ai cũng thao thao những ý tưởng hay ho, cứ như nếu mình thực hiện thì mọi thứ đều đỉnh. Nói nghe thì hay. Nhưng vấn đề là chỉ thiếu người làm. Bây giờ tìm cho ra người thực hiện mới khó. Tìm người nói hay thì không khó.

Vậy thì đứng lên nào, động chân động tay lên nào, hò dô ta. Ta xây nhà làm đường, xây cáp treo, tàu điện ngầm. Ta phát minh sáng chế. Ta làm kinh tế, làm nghệ thuật, làm văn chương. Thêm một cái mới là thêm một cái quý. Vừa phải thôi, khiêm nhường thôi thì cũng quý. Ta phê bình phản biện để cho nó mới hơn, tốt hơn, không phải để tiêu hủy, để đập bỏ, để chắn ngang đường.

Bây giờ Yên Tử đã có cáp treo. Đoạn đường từ chân núi lên lưng chừng Hoa Yên leo bộ mất ba bốn tiếng đồng hồ, giờ đây đi cáp treo chỉ mười lăm phút. Người già cả có cơ hội. Người bệnh khớp bệnh tim có cơ hội. Người tàn tật thiệt thòi có cơ hội. Ở những xứ phát triển, nếu xây cao ốc mà không xây đường dành riêng cho người ngồi xe lăn thì sẽ bị phạt. Từ Hoa Yên, sắp tới cũng sẽ có cáp treo lên đến tận đỉnh. Loại chair car hay cable car, ngồi trong cái lồng kính bao bọc, không ngại mưa gió. Cái cáp treo lên đất Phật là cơ hội cho mọi người.

Tôi thì vẫn trèo chín trăm mét còn lại lên đến chùa Đồng. Đi qua rừng trúc ướt đẫm sương, mù mịt sương. Gió lộng bạt cả tiếng người. Sương và mây đều bay. Không khí nghìn năm còn nguyên đấy. Không khí tâm linh còn nguyên đấy.

=====

Căn nhà số 11 – Nguyên Minh

Trong văn học Việt Nam, có những cuốn sách nếu đã cầm lên, người đọc sẽ bị cuốn hút vào từng trang viết, để khi đọc xong gấp sách đặt xuống rồi vẫn thấy miên man xúc động bởi những hồi tưởng sâu lắng, những câu chuyện cô đọng và giản đơn nhưng có lẽ cần thời gian của cả đời người để trải nghiệm và đúc kết. Bạn đọc chắc đã quen thuộc những cái tên như Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải), Tôi đã không quên (Lê Minh Khuê), Thời xa vắng (Lê Lựu), hay Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); bài viết này nhằm giới thiệu một tác phẩm khác như thế: Ngôi nhà số 11 của Nguyên Minh.


(Tranh phố của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái)

Nhà văn Nguyên Minh sinh năm 1941, viết văn từ năm ông 17 tuổi. Trước năm 1975, ông chủ trương tạp chí Ý Thức và làm việc trong NXB Ý Thức (1970-1975). Sau năm 1975, ông gác bút đến năm 2000 mới viết lại. Một số tác phẩm đã in: Căn Nhà Hoang (2000), Tưởng chừng đã quên , và sắp xuất bản cuốn Tiếng rống biệt ly.

Căn nhà số 11 là cuốn tiểu thuyết mà Nguyên Minh viết sau giải phóng và mới được xuất bản cuối năm 2009. Thoạt nhìn cuốn truyện không có gì bắt mắt, chỉ như 1 cuốn tiểu thuyết trung tầm bày bán nhan nhản trên các kệ sách và lề đường thời đại đa thư này, nếu không muốn nói là nó hoàn toàn mờ nhạt giữa chồng sách của các cây bút trẻ và các truyện dịch thời thượng bìa đầy hào nhoáng nhưng nội dung rỗng tuyếch. Rất tình cờ người viết ‘nhặt’ được Căn nhà số 11 trong một ngày như thế giữa Sài Gòn sôi động và lập tức bị thu hút bởi bối cảnh ly kỳ cùng với thiên truyện độc đáo ^^

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của nhân vật “tôi” những năm đất nước còn chia cắt và cho đến sau này khi đã thống nhất 2 miền, những quan hệ ruột thịt cha anh, những người quen biết, những câu chuyện về bạn đời, bạn tình và bạn hữu và cả những người lạ mặt chỉ gặp đôi lần. Lấy bối cảnh từ căn nhà số 11, Nguyên Minh lần lượt dành từng chương truyện để kể về mỗi nhân vật của ông: Ông Bầu, Thủ Môn, Hậu Vệ, Tiền Vệ, Trung Phong … mỗi người trong số họ lại có những kỷ niệm riêng với nhân vật ‘tôi’, mỗi người lại có những cuộc sống riêng, tính cách riêng, và cả những tình yêu và bi kịch riêng; để đến vài chục năm sau này khi đã qua bên kia con dốc cuộc đời, ‘tôi’ lại mường tượng ra mồn một số phận của mỗi người, lại đôi lần khắc khoải bởi quãng thời gian tươi đẹp nhưng cũng không thiếu phần cơ cực đã qua. Đan xen trong mỗi trang viết là dòng ký ức bất tận về hình ảnh người cha, người mẹ, người anh trai và 3 người phụ nữ trong cuộc đời nhân vật ‘tôi’ …

Đã 25 năm tôi gác bút, tưởng chừng không còn gì nữa để phải viết lên trang giấy, trải lòng mình vào chữ nghĩa văn chương, dù đời tôi có bao nhiêu đau khổ ê chề sau mộ cơn biến động lịch sử kinh hồn đã quăng tôi và bạn bè ra tứ phía.

Những nhân vật trong truyện của tôi sau này đều là những người thân yêu. Người yêu cũ. Người vợ hiền. Cô bạn láng giềng ngây thơ ngày thơ ấu. Người Mẹ bao dung. Người cha khắc nghiệt. Những người bạn cùng say mê văn chương. Thời thanh xuân chúng tôi cùng nhau làm một tạp chí văn học nghệ thuật mang tên Ý Thức. Tất cả những người thân yêu đó, bấy lâu tưởng đã hóa đá trong tâm hồn tôi, sau bao nhiêu năm tháng, một hôm bỗng rủ nhau trở lại thành người, đánh thức tôi, gợi lại những xúc cảm mới. Tôi nghĩ về họ. Tôi nghiệm ra rằng, từ thưở ấu thời đến tuổi xế chiều, họ đã cho tôi biết bao nhiêu điều muốn nói. Tất cả những người thân yêu đó đã quyện vào tôi như nhập thành một. Tại sao tôi phải im lặng.

Bằng giọng kể ấm áp, văn phong chắc gọn sâu lắng, Nguyên Minh đưa người đọc đi qua quãng đường dài 15-20 năm, đánh dấu bằng những thăng trầm trong cuộc sống mỗi nhân vật giữa những biến chuyển của lịch sử lớn lao của dân tộc, gợi mở từ từ từng ký ức ngày ấy – bây giờ, những gì một thời vang bóng và tưởng chừng đã quên … Không quá cao trào, không nhiều kịch tích, phong cách của Nguyên Minh khiến bạn đọc thấy sự thân thuộc và đồng điệu giữa Căn nhà số 11Gặp gỡ cuối năm, Người của một thời của Nguyễn Khải, cũng thấy trân trọng hơn sự lao động nghiêm túc miệt mài đôi khi khắc nghiệt trong từng chương truyện của ông.

Thông tin về Nguyên Minh cũng như các tác phẩm của ông không nhiều, có thể tạm coi ông như cây bút thể loại ký/tự sự, đã bắt đầu nghiệp văn từ trước năm 75 nhưng sáng tác có phần đứt đoạn do bối cảnh lịch sử; người viết bài này muốn dành đôi dòng ngắn ngủi trong blog này để vinh danh ông qua tác phẩm Căn nhà số 11 🙂 nhất là trong lúc việc giới thiệu kho tàng văn học miền Nam trước 1975 vẫn còn hạn chế và cầm chừng.

Thơ và Nhạc Trung Hoa trong phim (P8)

Cách đây 15 năm có một bộ phim tâm lý hành động Đài Loan ra mắt khán giả truyền hình Việt Nam và đã gặt hái được thành công vang dội, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, những cái tên Như Ý, Đoan Khang, Vương Thế Sương từ đó trở thành tâm điểm ái mộ của màn bạc. Chỉ cần nhắc đến thế thôi chắc bạn đọc cũng đã nhận ra bộ phim được đề cập trong bài viết lần này là phim gì 🙂

Mạt Đại Hoàng Tôn (1995)

Đóng máy năm 1992 và công chiếu ở Việt Nam năm 1995, Mạt Đại Hoàng Tôn (The Imperial Wanderers) tập trung khai thác bi kịch cuộc sống, những ngang trái trong tình yêu, những khó khăn tranh đấu, những dối lừa man trá của mỗi cá nhân giữa bối cảnh sóng gió chung của dân tộc. Phim đặt vào thời kỳ Thanh mạt khi lịch sử đang sang trang mới, cách mạng Tân Hợi nổ ra làm triều đình phong kiến cuối cùng của Trung Hoa lung lay đến tận gốc rễ. Đoan KhangNhư Ý là con của hai gia đình đại quý tộc gốc Mãn Châu, đem lòng yêu thương nhau nhưng mối tình của họ bị gia đình Đoan Khang phản đối kịch liệt. Trong buổi chạng vạng của thời cuộc, gia đình của Như Ý và Đoan Khang đều lụi bại, mất hết quyền lực và tài sản …

Trong cảnh hoạn nạn, Như Ý được Thế Xương giúp đỡ, sau đó cô quyết định lấy Thế Xương để trả ơn vì tưởng Đoan Khang đã chết. Ít lâu sau, tình cờ hai người gặp lại nhau nhưng giờ đây Như Ý đã là vợ Thế Xương. Biết vợ mình còn nặng lòng với Đoan Khang, Thế Xương ngầm tìm mọi cách hãm hại tình địch. Như Ý cùng Đoan Khang bỏ trốn nhưng không thành, Như Ý bị thương nặng vì muốn tránh liên lụy nên lén bỏ đi …

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm không thành công, mọi người đều cho rằng Như Ý đã chết. Sự hận thù giữa Thế Xương và Đoan Khang vì thế ngày càng sâu đậm. Thời gian qua đi mấy năm, Đoan Khang cảm nhận được tấm lòng của người bạn tâm giao là Tiểu Bảo nên đồng ý lập gia đình với cô. Còn Đoan Mẫn (em gái Đoan Khang) tình cờ được Thế Xương giúp đỡ nên đem lòng yêu anh ta mà không hề biết mối thù của Xương với anh trai mình. Khi đám cưới đã gần kề thì họ bất ngờ gặp đệ nhất ca nữ Khúc Linh Lung trong một buổi xem hát – người có dung mạo giống hệt Như Ý. Kỷ niệm xưa tràn về, bi kịch cuộc sống và tình yêu của 5 con người đến lúc đó lại bùng nổ lên cao trào …

Bài hát cực hay mở đầu phim:

Các diễn viên chính trong phim:
Huỳnh Nhật Hoa vai Phú Sát Đoan Khang
Châu Hải My vai Như Ý
La Huệ Quyên vai Tiểu Bảo
Tạ Tổ Vũ vai Trương Lỗi
Từ Thiếu Cường vai Vương Thế Xương
Dương Bảo Vỹ vai Đoan Mẫn

Khán giả chắc sẽ còn nhớ mãi một Đoan Khang điển trai hào hoa với tình yêu cháy bỏng dành cho Như Ý đẹp thùy mị đoan trang khuynh đảo màn bạc châu Á thập kỷ trước, một Thế Xương phản diện với cá tính mạnh mẽ đầy mưu mô thủ đoạn, một Tiểu Bảo giàu nghĩa khí sống hết lòng cho huynh đệ và người mình yêu, một Đoan Mẫn băn khoăn lạc lõng giữa lựa chọn gia đình và tình yêu với kẻ thù, một Đoan Phu Nhân vẫn còn đang bàng hoàng trước sự sa sút thế gia để sớm chiều hoài nhớ những phú quý của ngày hôm qua, một Trương Lỗi – thái giám của triều Thanh cuối cùng – không ngừng tranh đấu để tìm chỗ đứng của mình trong cái hỗn loạn của xã hội mới ngày thoát thai … Mạt Đại Hoàng Tôn làm cho người xem tấm tắc bởi diễn xuất rất đạt của từng nhân vật, sự nhuần nhuyễn của lời thoại, cái tỉ mỉ của mỗi cảnh quay, và tất nhiên là cả những giai điệu tuyệt hay trong phim ^^

Bài hát cuối phim:

Người đẹp “không tuổi” Châu Hải My năm nay đã ngoại tứ tuần mà nét xuân sắc của cô gần như không mấy thay đổi 🙂 Cô còn được yêu mến với các vai diễn như Cửu Muội trong Dương Gia Tướng, Bát Muội trong Trở về thời chưa cưới, Đại Vũ trong Tứ hải tung hoành, Mẫu Dạ Xoa Tôn Nhị Nương trong Thủy Hử

Còn tài tử Huỳnh Nhật Hoa thì chắc đã rất quen thuộc với khán giả Việt Nam với những vai cổ trang như Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu, Hồ Nhất Đao trong Tuyết sơn phi hồ, Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ … Riêng Từ Thiếu Cường thì dường như rất thành công với các vai phản diện trong Tân Sở Lưu Hương, Nhạc Phi truyền kỳ 😀

————-

Phần 8 của chuyên đề Thơ và Nhạc Trung Hoa trong phim đến đây kết thúc, hẹn gặp lại bạn đọc trong phần 9 một ngày không xa 🙂

Huế – Đà Nẵng – Hội An (P2)

Phần 2 – Những sắc màu Hội An

Rời Huế, đi xuống phía Nam, điểm dừng chân đầu tiên cho khách du lịch chắc chắn phải là Đà Nẵng và phố Hội.

IMG_4039

Là thành phố năng động và phát triển, khám phá Đà Nẵng khá dễ dàng kể cả cho du khách mới đến lần đầu. Chỉ cần 1 bản đồ, 1 xe máy là có thể chạy thẳng ra cửa biển; từ đó nếu rẽ trái đi vượt đèo là ngắm được Vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà còn rẽ phải đi sâu xuống qua khu resort Furama sẽ thấy Ngũ Hành Sơn thấp thoáng trong sương, thăm được làng nghề điêu khác đá và ngắm biển Non Nước. Vài tấm ảnh Đà Nẵng trên đường đi Hội An:

IMG_2681
IMG_2687
IMG_2690
IMG_3891
IMG_3900
IMG_3906
IMG_3927
IMG_3914IMG_3915
IMG_3916IMG_3917

Nằm cách Đà Nẵng hơn 25km về phía Nam, đô thị cổ Hội An khoác trên mình tấm áo thời gian đã vài trăm năm tuổi đánh dấu sự giao thoa của 3 nền văn hoá Nhật – Trung – Việt. Hội An sau 1 thập kỷ được công nhận là di sản văn hoá thế giới vẫn chưa bị vết chân du khách thập phương làm mất đi nét nho nhã cổ kính lâu đời. Xa khỏi những ồn ã phố phường, còi xe khói bụi, du khách đặt chân đến Hội An cảm nhận được sự hài hoà không-thời gian, thích thú trước nét đẹp của mỗi con đường, ngắm những công trình kiến trúc tuổi đời tính bằng thế kỷ, dừng chân vào mỗi nhà thờ cổ hay Hội quán để hiểu hơn văn hoá và cuộc sống của người Hội An xưa và nay.

Dưới đây là những trải nghiệm bằng hình ảnh của người viết bài sau hơn một lần đến Hội An, để ngỏ lời bình cho bạn đọc ghé thăm ^^

Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu …

IMG_2719
IMG_2722
IMG_2725
IMG_2727
IMG_2728
IMG_2730
IMG_2736
IMG_2743
IMG_2760IMG_2764
IMG_2748
IMG_2752
IMG_4030
IMG_2755
IMG_7170
IMG_4013
IMG_4014
IMG_4016
IMG_4635
IMG_4642
IMG_3999
IMG_3983
IMG_3978
IMG_3981
IMG_4042
IMG_2771
IMG_4041IMG_4045
IMG_4047
IMG_4725
IMG_4740
IMG_4746

Hội An còn có tên là Hoài Phố 🙂 Người ta bảo đến đây để cảm nhận được cái hồn xưa cũ, để thở lại nhịp của Hải Phố khi còn tàu bè thương thuyền tấp nập, để ngắm sông Hội buổi nắng mưa, để hiểu hơn hương cao lầu một thưở. Riêng người viết bài thấy thêm một sinh khí mới thôi thúc mình đi và tìm hiểu nhiều hơn nữa; có lẽ đam mê du lịch bốn phương đã được thổi bùng lên nhờ Hội An từ đó ^.^

Đỗ Tiến Thụy – Cây bút nông thôn

Trong nhiều năm gần đây, có lẽ kể cả những người lạc quan nhất chắc cũng không dám nói văn học Việt Nam đang làm tốt vai trò của mình trong việc tái hiện mảng đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới.

duonglam01

dotienthuyNói về những cây bút “nông thôn” thì người đầu tiên hay được nhắc đến là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng theo cảm nhận của riêng tôi thì văn của chị chưa chín; truyện của Nguyễn Ngọc Tư mới nhắc đến một phần cuộc sống vất vả đôi khi có phần bế tắc của người nông dân Nam Bộ mà thôi, chứ chưa phản ánh những điều lớn lao hơn, cái dung dị đằm thắm của quê hương Việt Nam, cái “hồn” của người quê thuần khiết nhưng mạnh mẽ chứ không tủi nhục và đáng thương như trong phần lớn tác phẩm của chị. Dẫu biết cảm hứng bi kịch sẽ truyền tiếng nói cho văn chương, nhưng trong xã hội mới khi văn minh đang kéo dần nông thôn về với thành thị, người đọc sẽ khao khát hơn được nhìn thấy một bức tranh làng quê toàn cảnh nhiều góc cạnh, muốn khám phá những chuyển biến tâm lý trong cuộc sống thường nhật của người nông dân. Văn đàn cần một ngòi bút tinh tế hơn để nhìn ra được những phần lam lũ và cả những điều hồn hậu trong cuộc sống nông thôn sau luỹ tre làng. Bài viết này mong muốn giới thiệu một cây bút đã như thế – nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy ^^

vetthuongthanhthiNhà văn Đỗ Tiến Thuỵ sinh năm 1970 tại Chương Mỹ, Hà Tây. Anh trước là học viên khóa 7 Trường Viết văn Nguyễn Du, hiện đang làm việc ở Văn nghệ Quân đội. Ngoài các truyện đã in rải rác trên các báo, mới đây anh đã cho ra tuyển tập truyện ngắn “Vết thương thành thị” (NXB Trẻ 2009), thể hiện sự am hiểu của anh về cuộc sống và con người nông thôn.

Đọc “Vết thương thành thị”, người ta cảm nhận được một không gian vùng quê Bắc Bộ đẹp thuần khiết và khoáng đạt, văn hóa làng xã giàu có, con người vị tha và giàu tình cảm, cuộc sống đang từng ngày trù phú lên; đồng thời chứa đựng trong nó là những mâu thuẫn thế hệ, những xung đột ngoại tộc, những đố kỵ mưu mô “rất người”. Nếu người đọc đã từng say mê theo chân anh Sài trong Thời xa vắng (Lê Lựu), trăn trở với khó khăn của anh Núi trong Sóng ở đáy sông (Lê Lựu), cuốn hút bởi cuộc sống đầy gam màu sáng tối qua Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), tấm tắc trước những giai thoại làng Đồng trong Bước qua lời nguyềnLão Khổ (Tạ Duy Anh), hay cảm thông với số phận người phụ nữ với Bến không chồng (Dương Hướng) thì tin chắc rằng không nên bỏ qua Vết thương thành thị của Đỗ Tiến Thụy.

duonglam02Trong tập truyện ngắn này, chúng ta tìm thấy những câu chuyện đặc sắc như “Gió đồng se sắt”: Mười năm ăn Tết ở vùng không có mùa đông, giờ tôi về Tết quê nhà. Mẹ mừng tíu tít như thể tìm lại được vật quý vừa đánh mất … Người đọc tò mò chứng kiến những ngày về quê của một người con đi xa đã lâu, giờ đang miên man bới tìm kỷ niệm để thấy lại mình của thời thơ ấu 20 năm về trước, thấy lại gia đình và hàng xóm láng giềng một thưở hàn vi đói kém nhưng giầu nghị lực và cần cù lao động để vượt lên nghịch cảnh, vượt lên những áp bức, coi thường và cả những bấp cập trong chính sách đãi ngộ người nông dân. Rồi sự kết hợp giữa anh sĩ quan thiếu tá có cái chân thành, tốt bụng của “người quê” với cô gái trẻ trung nhưng nhiều tráo trở đặc trưng của kiểu sống thị dân ít học (“Nơi không có sóng xì phôn”). Vươn ra xa hơn là cuộc sống vất vả của thân phận làm oshin xứ người mà lòng vẫn chỉ đau đáu hướng về quê hương (“Lênh đênh”) hay những va chạm, những thử thách của thói đời đen bạc với người công nhân sau khi thoát ly lên thành phố những mong tìm kiếm cơ hội sống tốt đẹp hơn (“Vết thương thành thị”) …

Gió đồng rửa mặt tha hương
Ta về quê chữa vết thương giang hồ …

duonglam03

Với cốt truyện chắc, văn phong mạch lạc, câu chữ chau chuốt xuất phát từ một nội lực dồi dào của ngòi bút cũng như tình cảm nồng ấm trong từng trang viết dành cho làng quê và người nông dân, tin chắc người đọc sẽ thích thú khám phá những câu chuyện đang diễn ra hôm nay ở làng quê Việt Nam thông qua cây bút nông thôn Đỗ Tiến Thuỵ 🙂

Bỗng nhiên có một ngày

Không phải PGS Tô Hải Vân đâu (mặc dù cuốn đó của bác ý sắc sảo, độc đáo) mà là nhà văn Nguyễn Quang Lập với tạp văn Ký ức vụn đã truyền cảm hứng cho bài viết này ra đời. Cũng vài năm rồi, văn học Việt Nam dường như đi ngang, có sách đấy có độc giả đấy, nhưng không cao trào và thiếu sôi nổi, còn những cuốn sách được ưa thích đa phần lại là truyện dịch và tiểu thuyết nước ngoài. Điểm mặt người ta vẫn cảm nhận được sự cố gắng của Văn Mới trong việc tìm tòi tuyển chọn, của sự trở lại âm thầm nhưng quả quyết của Lê Đạt, Trần Dần – những cái tên gần như biệt tích sau buổi Nhân văn giai phẩm đầu năm 60, của sự bùng nổ thiếu đanh thép của dòng văn học mạng và các cây bút trẻ … tất cả vẫn ‘sống’ nhưng hơi thiếu ‘động’.

Colorful Pencils

Bỗng nhiên có một ngày, mà cũng phải 20 năm rồi còn gì, nhà văn Nguyễn Quang Lập mới ‘giấy hoá’ những ký ức của ông từ những ngày tấm bé làng Đông (phần Thương nhớ mười ba) đến những vụn vặt rất đời trong cuộc sống (phần Vui buồn một thưở), và đặc biệt là những mẩu chuyện về các nghệ sĩ bạn văn tên tuổi trong nghề (phần Người từng gặp, Những người bạn khó quên, và Bạn văn). Người ta bắt gặp những tên tuổi lão làng như Trần Dần, Hải Bằng, Bùi Giáng, Nguyễn Khải, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Ánh, Thanh Sơn, Bảo Ninh và nhiều nhiều nữa; mỗi người một vẻ, ai cũng là ‘nạn nhân’ của lăng kính hài hước, dí dỏm, đôi khi lại bỡn cợt, phóng túng của Nguyễn Quang Lập. Những “bộ mặt thật” như được vạch trần, đời hơn, đểu hơn, và cuốn hút hơn. Đi suốt tập sách, bạn đọc cảm nhận được hơn sức mạnh của ngòi bút, nhất là khi ngòi bút đó viết ngắn gọn, sắc sảo, không thừa thiếu, chỉ vừa vặn để người ta không bỏ sót phần nào. Ai đó đã nhận xét rằng Ký ức vụn bỗ bã quá, chửi bậy quá nhưng có đọc mới thấy thế mới là tạp văn, thế mới hợp với chất bi hài đầy rẫy trong cuộc sống này, và đặc biệt là trong làng văn. Những nho lâm ngoại sử như thế có thể nhắc đến Thi nhân Việt Nam, Chân dung và Đối thoại, Hậu Chân dung và Đối thoại, Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh … và giờ đã có thêm 1 tác phẩm nữa để đọc và thưởng thức.

nguoisach

Trong lúc mất mùa văn học như hiện nay, Ký ức vụn là 1 cuốn sách hay nên đọc, một miếng ngon giữa làng đã nêm vừa mắm muối, người đọc cứ thế mà xơi thôi :mrgreen: Tuy không phải là “cứu tinh” duy nhất cho văn đàn, nhưng mong nó là tín hiệu sớm cho những tác phẩm khác của các tác giả khác sẽ tiếp nối ra đời. Cũng như chính Nguyễn Quang Lập đã kêu gọi bạn văn mạnh dạn đưa truyện lên blog để tiếp cận với độc giả nhanh hơn:

Đa số nhà văn bạn tôi rất ngại máy móc, kỹ thuật (e-mail, blog, mạng), thường bịa ra một lý thuyết nào đó để trốn tránh. Tôi cho là rất phí. Vì không cách gì hay hơn là anh ném tác phẩm ra một đám đông – toàn nickname, không biết mặt – người ta có thể mắng mình như không. Đám đông đó tôi nghĩ mới thật

Nhà văn Bảo Ninh nhân đọc Ký ức vụn đã nhận xét rằng:

Sự thực thì tôi thấy Ký Ức Vụn là một cuốn tiểu thuyết, cuốn ấy viết cho những người cùng thời cùng kiểu với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện. Thời thơ ấu, tuổi học trò, mối tình đầu, tang thương chiến tranh, đời văn, quê nhà, và tha hương lang bạt. Trần Vàng Sao. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đoàn Anh Thắng. Phùng Quán. Bạn bè ở Huế…

Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn. Và cả mừng cho văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình. Bấy lâu vẫn tưởng là số lượng độc giả ưa đọc và biết đọc văn học càng ngày càng vơi. Cứ tưởng bây giờ thiên hạ chỉ thiên về ” văn học sân chơi “. Song, cơn sốt, nếu có thể gọi như vậy, cơn sốt đam mê và thán phục của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ đối với Ký Ức Vụn đã chứng tỏ tôi nghĩ nhầm. Một tác phẩm văn học đã từ lâu lắm rồi mới thấy, lại được đón nhận rộng rãi bởi một niềm say mê văn học đã từ lâu lắm rồi mới có. Thật là điều quá đáng mừng cho văn học.

Còn người viết bài này thì đồng cảm với nhà văn Nguyễn Quang Lập trong truyện Thương nhớ mười baThương nhớ vỉa hè :mrgreen:Thương nhớ gì lại đi thương nhớ vỉa hè, có mà dở hơi. Nhưng mà thương nhớ thật” … đúng là nhớ thật, các bạn ạh 😛 Những điều thú vị khác như có người thích ăn ruồi, có người hai đầu gối, kẻ lắm hào quang, người đầy bóng tối, ai xấu ai tốt ai khôn ai dại … sẽ đều được phơi qua những mảnh vụn ký ức để bạn đọc tự chiêm nghiệm ^^

***

nql1Nhà văn Nguyễn Quang Lập sinh ngày 30/4/1956 ở Quảng Bình, hỗn danh là Lập Bọ. Ông xuất bản không nhiều sách, ngoài ra còn viết kịch bản cho phim (Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Lập trình cho trái tim) và kịch (Mùa hạ cay đắng, Trên mảnh đất người đời).

Mới đây nhất ông viết kịch bản cho vở diễn Ngàn năm tình sử dựng lại khúc ca bi tráng về anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt được đánh giá cao, sắp tới vở này được diễn rộng rãi, chắc cũng phải đi xem! Ah quên, blog của bác Bọ là trang Quê choa, đọc cũng thú vị :d

Cuốn Ký ức vụn dày 296 trang, bìa mềm, giá 45,000 VND, có ở khắp nơi.

Bảo Ninh và những ký ức chiến tranh

Bao Ninh34 năm sau giải phóng khi chiến hào đã im tiếng súng, những người lính dấn thân nơi lửa đạn giờ chắc đã đều luống tuổi, những thế hệ vào sinh ra tử của một thời được tái hiện lại rất nhiều trong văn học qua ngòi bút những nhà văn tên tuổi như Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Nguyễn Quang Sáng … nhưng nổi bật lên một phong cách khác lạ, một cách rất riêng để tiếp cận chủ nghĩa anh hùng cá nhân cũng như khắc họa những năm tháng vinh quang, khổ đau bất tận đó thì phải nhắc đến nhà văn Bảo Ninh. Có thể nói không quá rằng ông là người viết về chiến tranh, viết về cuộc sống và những năm tháng chiến đấu của người lính, viết về kẻ thù bên kia chiến tuyến, và viết về những khó khăn cuộc sống hậu phương khi đất nước chia cắt một cách sâu sắc nhất, cảm động nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc. Những điều ông viết có thể xem như một sự tri ân cho những cuộc đời mà tuổi trẻ của họ đã kinh qua dấu ấn thời đại của dân tộc, dấu ấn mà sau này dù có nỗi khổ nào của ngày hôm nay cũng không sánh bằng những đau khổ đã trải qua và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng tới thế nào cũng chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua.

Noi buon chien tranhNhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên năm 1969 cho đến ngày hòa bình lập lại. Ông học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du, hiện nay công tác tại báo Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam và Văn nghệ Trẻ; ông được văn đàn biết đến sau truyện ngắn Trại bảy chú lùn in năm 1987, nhưng chỉ thực sự tạo ra làn sóng phê bình khen chê với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (1991). Trước đó ‘Nỗi buồn chiến tranh’ được biết đến với tên Thân phận tình yêu, sau được dịch ra tiếng Anh The Sorrow of War.

Phải chăng người ta đón nhận văn ông bởi ‘nỗi buồn’ mà nó mang? Không phải! hay bởi hình tượng người lính trong văn ông cao đẹp và lãng mạn? Cũng không phải! Văn của Bảo Ninh đi vào lòng người đọc vì những ký ức chiến tranh mà ông viết là khách quan, là những gì mà cái tôi đã và sẽ lên tiếng trong giai đoạn chỉ ‘chúng tôi’ – ‘chúng ta’ là những điều người ta muốn nghe, là những xúc cảm rất đời khi ai đó được trải qua đỉnh cao vinh quang và cả tột cùng cay đắng, là sự trình bày lắng đọng nhất của một người đã từng cùng vạn người nếm vị mặn của lệ chiến tranh. Continue reading

The Ballad of Hồ Chí Minh

Có một người nghệ sĩ nước Anh đã lấy cảm hứng sau khi được đọc một cuốn sách quý, gồm nhiều bài viết của một số giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Italia… ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ, kết hợp với làn điệu dân ca cổ Saxon để sáng tác 1 ca khúc rất đặc biệt, giai điệu trẻ trung sôi nổi, nhịp nhẹ nhàng vui tươi, còn lời ca thì tràn đầy nhiệt huyết hào hứng. Đó chính là nghệ sĩ Ewan McColl, ca khúc ông viết là “Ballad of Ho Chi Minh”, đã được dịch ra tiếng Việt “Bài Ca Hồ Chí Minh”.

Nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh lãnh tụ, xin giới thiệu cùng bạn đọc bài hát cùng bản dịch, tin chắc ai cũng sẽ thấy ngạc nhiên thú vị và yêu thích ca khúc này 🙂

Ballad of Ho Chi Minh
Continue reading

Tổ Quốc Máu và Hoa

Câu chuyện của cuộc chiến xâm lược Trung Quốc vào biên giới Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979, một buổi sáng không thể quên cho dù 30 năm đã đi qua.

———–

(Bài viết này xin được chép nguyên văn từ blog Osin, chủ nhân blog chắc cũng sẽ cảm thông mà nguyên lượng cho sự đường đột này)

Biên Giới Tháng Hai (2009-1979)

Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.

“Những đôi mắt”

Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn. Continue reading

Canh Xuân phú

Thơ hay không chỉ ở thần mà còn ở tứ ở luật, bài thơ sau đây coi như có cả 3 yếu tố, đọc xuôi đọc ngược đều thành thơ hay, post mọi người đọc vui cho biết 🙂

nature_shine.jpg
Canh Xuân

1A. Đọc xuôi:

Ta mến cảnh Xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương Xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mĩm cười

1B. Đọc ngược:

Cười mĩm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi Thắm sắc Xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh Xuân cảnh mến ta
Continue reading