Nepal Du Ký – Phần 3: Xưa cũ Bhaktapur

Trở lại với bạn đọc trong bài tiếp theo của phần 3, trong buổi sáng sau khi thăm làng Changu Narayan, chúng tôi tiếp tục đến với đô thị cổ Bhaktapur – niềm tự hào của người Nepal – luôn được mệnh danh là Thành phố văn hoá Newari (The City of Culture)

Một đoạn tự trào phỏng thơ bác Bảo Sinh trước khi vô đề:

Đi xem đất nước Nepal
So ra gái đẹp thua xa nước mình
Còn như miếu mạo cung đình
Không xem cũng biết rằng mình kém xa …

Đôi nét lược sử đô thị cổ Bhaktapur: nằm trên con đường buôn bán nối liền Tây Tạng và Ấn Độ, Bhaktapur đã sớm có mặt trên bản đồ thế giới từ thế kỷ 12 dưới triều đại vua Ananda Malla; sau đó gần 500 năm, nơi đây trở nên hùng mạnh trù phú hơn, dấu tích dễ thấy nhất chính là quần thể Quảng trường cung điện (Dubar Square – tiếng Nepal ‘Dubar’ có nghĩa là ‘Palace’, hay ‘cung điện). Trong những lúc cường thịnh nhất của phố thị Bhaktapur, lịch sử đã ghi lại hơn 170 đền thờ miếu mạo cùng vô vàn chạm trổ điêu khắc kỳ thú trong quần thể thành phố và quảng trường. Ngày nay du khách đến Nepal sẽ có dịp chiêm ngưỡng những di sản văn hoá còn bảo tồn được giữa lòng Bhaktapur mà tuổi đời đã hơn vài trăm năm có lẻ.

Khu vực trung tâm của Bhaktapur là Dubar Square. Cụm từ ‘Dubar Square’ sẽ còn trở đi trở lại trong nhiều bài viết sắp tới, bởi xu hướng chung của các triều đại phát triển rực rỡ ở Nepal là xây dựng những quảng trường với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, là sự phô diễn về sức mạnh, cũng là tôn vinh văn hoá Hy Mã. Kết quả là chúng ta sẽ có nhiều dịp đi bộ mỏi chân và lạc giữa các đền thờ và tượng tháp 😀

Bác tài xế nhiệt tình đưa chúng tôi vào tận cổng chỉ chỗ mua vé kèm theo lời dặn cứ đi cho mỏi chân rã cẳng đi, 2 tiếng nữa mệt rồi thì quay ra! Lúc đầu tôi tưởng bác tài nói đùa vì không nghĩ Bhaktapur lại rộng đến mức đi bộ 2 tiếng mới xuể, nhưng phải hơn 2 tiếng sau tôi mới có thời gian nghỉ ngơi và kiểm chứng rằng mình đã … sai. Theo Cổng Sư Tử (Lion Gate, theo cách gọi của Lonely Planet – Nepal), chúng tôi rảo bước đi vào Bhaktapur giữa lúc mặt trời đã chói chang cận trưa:

Con đường đi vào có đoạn dốc lên thoai thoải, các bạn Nepal phóng xe máy vèo vèo trên đoạn này 😀

Khung cảnh thanh bình bên ngoài cổng Lion Gate:

Giá vào cửa của Bhaktapur đắt kinh khủng! 750 NPR (~10 USD), là vé thăm quan đắt nhất toàn Nepal, trong khi đó giá cho các nước láng giềng như Trung Quốc, Bhutan, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Srilanka, Maldives thì chỉ có 50 NPR! Thẻ sinh viên quốc tế hay thẻ doanh nhân APEC hay thẻ xanh của Mỹ đều không có tác dụng ở đây …

Sau cổng soát vé Lion Gate là khuôn viên chính của Bhaktapur, nơi du khách sẽ gặp vô số những tượng đá lớn hay chạm trổ điêu khác trên gỗ, trên đá … mà tôi dù rất cố gắng nhưng vẫn bị bỏ sót không kịp ghi lại và tìm hiểu xem chúng tương ứng với vị thần nào hay truyền thuyết nào của đạo Hindu.

Quảng trường Dubar Square của Bhaktapur hiện ra giữa nắng trưa gay gắt nhưng cũng không ngăn được dòng người đổ ra đi bộ, phần vì mải mê chụp ảnh, phần vì ‘tiếc’ giá vé đắt mà phải đi cho bõ 😀

Một vài hình ảnh các đền thờ khi đi bộ vào quảng trường:

Kedarnath Temple (đối chiếu theo bản đồ Lonely Planet – Nepal):

Bên trái quảng trường là Phòng trưng bày Nghệ thuật Nepal (National Art Gallery) – vé vào cửa 100 NPR + vé máy ảnh 50 NPR phải mua thêm:

Cổng vào bảo tàng bên trái là tượng sư tử đực và tượng Hầu vương Hanuman 4 tay có từ thế kỷ 17; bên phải là tượng sư tử cái và bức tượng thần Vishnu trong hoá thân Narasimha nửa người nửa sư tử (đã có dịp đề cập với bạn đọc trong bài viết về Changu Narayan phần trước):

Liền kề Gallery là cánh Cổng Vàng (Golden Gate hay Sun Dhoka) sẽ dẫn du khách vào Cung điện 55 cửa sổ (55 Windows Palace). Cánh cổng được trang trí cực kỳ đẹp với các hoạt tiết bằng đồng mạ vàng của Garuda – con vật cưỡi của thần Vishnu, các stupa cách điệu, sư tử, voi … cùng tượng nhỏ 4 đầu 10 tay của thần Taleju Bhawani – được coi là thần bảo hộ của vương triều Malla. Thoạt trông cánh cổng này ít ai nghĩ rằng nó đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 17, đến nay đã hơn 400 tuổi!

Phía trước Golden Gate, ở vị trí trung tâm quảng trường là cột đá lớn, trên đỉnh là tượng thân đồng của vua Bhupatindra Malla, vị vua trị vì Bhaktapur vào thế kỷ 17:

Cột đá vua Bhupatindra Malla dựng ngay trước đền thờ đá Vatsala Durga mang phong cách kiến trúc Ấn Độ với quy mô không lớn nhưng chạm trổ rất cầu kỳ tinh xảo từ tầng đáy lên ngọn tháp:

Phía trên đền thờ là chuông lớn Taleju Bell dựng từ những năm 1737 để đánh những buổi cầu nguyện sáng và tối:

Đứng ở vị trí đền thờ đá Vatsala Durga nhìn sang bên phải du khách sẽ thấy giếng nước đá nằm liền kề với đền Pashupatinath thờ thần Shiva, đây là bản sao của đền thờ lớn Pashupatinath nổi tiếng của Nepal (nằm bên bờ sông Bagmati phía Tây thủ đô):

Nếu nhìn sang trái, du khách sẽ bắt gặp ngay 1 kiến trúc bắt mắt thú vị khác: tháp Chyasilin Mandap 10 mái:

Đi bộ tiếp, chúng tôi bắt gặp ngôi đền Siddhi Lakshmi bằng đá đặc trưng phong cách Bắc Ấn (Shikhara Style):

Xin cùng bạn đọc tản mạn đôi dòng về những kiến trúc thường gặp ở Nepal trước khi tiếp tục khám phá Bhaktapur kẻo mọi người sẽ thấy nhàm chán bởi quanh quanh các đền thờ cung điện đều có vẻ hao hao nhau 😀 Nằm gọn dưới chân dãy Hy Mã lại chịu ảnh hưởng đa phương từ những nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng; Nepal dung nạp trong mình 1 sự đa dạng văn hoá mà thể hiện mạnh mẽ nhất chính là trong kiến trúc. Người ta chia kiến trúc chính ở Nepal ra 3 dạng lớn:

+ Pagoda Style: với mái chồng nhiều tầng, có thể thấy trong các công trình như Changu Narayan, giữa các Dubar Square của Bhaktapur, Patan, hay Kathmandu
+ Stupa Style: với cấu trúc dạng tháp luôn gặp trong Phật giáo Tây Tạng, thể hiện rõ nhất qua kiến trúc của đền Swayambhunath hay tháp Boudhanath của Nepal (sẽ được giới thiệu cụ thể hơn trong các bài viết tới)
+ Shikhara Style: được cho là bắt nguồn từ kiến trúc đền Hindu vùng cao nguyên Bắc Ấn. Đền Siddhi Lakshmi là 1 công trình như vậy; sự cầu kỳ của Shikhara Style thể hiện không chỉ trong kiến trúc ngôi đền mà còn là các bức tượng người và vật bằng đá chia ra xếp theo mỗi bậc thang lên đền:

Đối diện với đền Siddhi Lakshmi là dãy hành lang gỗ dài rất đẹp với cột kèo tinh xảo nhẵn bóng dấu thời gian:

Công cuộc thăm thú và chụp ảnh Bhaktapur của chúng tôi tạm thời gián đoạn thú vị vì những bạn nhỏ Nepal dễ thương đang nô đùa chơi trong khu vực này của quảng trường, gửi đến bạn đọc vài tấm ảnh ngoài lề:

Đi qua Siddhi Lakshmi, du khách sẽ đến 1 khoảng sân rộng khác kém phần hào nhoáng hơn, đánh dấu bằng cặp đôi sư tử đá có phần lạc lõng 😀

Nổi bật nhất trong khu vực này là đền Fasidega Temple thờ thần Shiva có màu trắng toát, toạ lạc trên 6 tầng đế xây gạch nung đỏ, 2 bên bậc thang có đặt tượng voi, sư tử và bò rất oai vệ. Đây cũng là vị trí cao nhất trong quần thể Bhaktapur mà du khách có thể đứng ngắm quanh quảng trường.

Đồng hồ lúc này đã chỉ chính Ngọ, mải mê lang thang và chụp ảnh, chúng tôi đã tiêu tốn hơn 1 giờ đồng hồ. Đuối sức dưới trời nắng gắt, chúng tôi quyết định tránh nắng bằng cách đi xuyên qua các ngõ nhỏ nối khu vực Dubar Square với khu vực nổi tiếng thứ 2 của đô thị Bhaktapur: Taumadhi Tole. Bên trong các ngõ nhỏ này là các cửa hiệu bán đồ lưu niệm Nepal, quán ăn và nhà trọ dày đặc, thích hợp với du khách muốn mua sắm và nghỉ chân:

Quanh quanh bàn cờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Taumadhi Pole; khác với không khí ở Dubar Square nơi toàn khách du lịch nước ngoài, nơi đây nhộn nhịp và sầm uất với sự hiện diện của người bản xứ đang tấp nập sinh sống bán buôn:

Nằm ở vị trí đắc địa và là quán lớn nhất có thể nhìn thấy giữa Taumadhi Tole là cafe Nyatapola, nhưng chất lượng phục vụ bên trong thì kém xa hình thức bên ngoài, khuyến cáo các bạn có dịp ghé qua Bhaktapur đừng nên phí tiền và thời gian ghé qua quán này 😀

Chỉ vài bước chân từ cafe Nyatapola, du khách sẽ gặp đền Bhairabnath Temple cao 3 tầng, là nơi thờ Bhairab – hiện thân sức mạnh của thần Shiva:

Cái tên thần Shiva – Đấng huỷ diệt đã quá quen thuộc với bạn đọc vì đây là 1 trong 3 vị thần quan trọng nhất của Hindu giáo (Brahma, Vishnu, Shiva). Hiện thân Bhairab của thần Shiva không chỉ được thờ phụng bởi Hindu giáo mà còn xuất hiện trong Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Tây Tạng. Tượng thờ Bhairab ở Nepal hoàn toàn tương đồng với bức tượng tôi có dịp chụp bên trong Thập Vạn Phật Tự (Kumbum) khi đi thăm trấn Gyantse, vùng Tsang của Tây Tạng lần trước; xin đăng lại ảnh bức tượng để bạn đọc tham khảo:

Bên cạnh đền Bhairabnath, nổi bật nhất giữa Taumadhi Tole là đền thờ Nyatapola Temple có cấu trúc tháp với 5 mái lớn vươn cao ngạo nghễ trên nền đáy 6 tầng cực kỳ đồ sộ; cũng là ngôi đền cao nhất toàn Nepal:

Đền Nyatapola tuân theo kiến trúc Pagoda Style, cũng là kiến trúc quan trọng nhất trong 3 hình thái lớn của Nepal bởi nó ra đời từ kết tinh của tài năng và sự sáng tạo miệt mài của người Nepal qua nhiều thời kỳ, đã phôi thai ra 1 phong cách độc đáo và biểu trưng cho đất nước họ. Cũng vì thế mà đi khắp Nepal, du khách sẽ thấy các đền thờ xây theo Pagoda Style chiếm số lượng lớn nhất; và bản thân Quốc kỳ Nepal cũng có hình dạng của Pagoda Style!

Người Nepal còn tự hào về sự du nhập của Pagoda Style vào Trung Hoa mà công đầu phải nhắc đến cái tên nghệ nhân Balabahu (hay Araniko) – người sinh vào thế kỷ 13, đã có công đưa 80 nghệ nhân khác vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn, khi ông mới 17 tuổi, vào Trung Nguyên để xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc di sản theo lời mời của hoàng đế Trung Hoa khi đó, không ai khác là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (Kublai Khan). Giai đoạn Hốt Tất Liệt tại vị (1260-1294) cũng chính là khi Tây Tạng đang ở kỳ Phật giáo Hậu truyền, thời gian mà tông giáo Tát Ca (Sakya Sect) – 1 trong 4 tông giáo lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng – đang cực thịnh do có Nguyên triều bảo hộ (Xem thêm Tổng quan Phật giáo Tây Tạng đã đăng ở loạt bài cũ). Cùng lúc với Araniko vào Trung Nguyên gặp Nguyên Thế Tổ, lịch sử còn ghi nhận cái tên nhà thám hiểm người Italy Marco Polo đã du hành đến Trung Hoa. Phải chăng 2 con người kiệt xuất này đã gặp nhau giữa Bắc Kinh?

Ngày nay ở thủ đô Bắc Kinh vẫn còn tượng thờ Araniko. Tên của ông cũng được đặt cho đường phố ở Kathmandu. Và gần đây nhất, ở hội chợ Shanghai Expo 2010, trong tháp Nepal Pavilion có riêng 1 khu ‘Nepal Araniko Center’ vinh danh người nghệ nhân tài hoa này (Tham khảo thêm American Chronicles)

Trở lại với Taumadhi Tole của Bhaktapur, chúng tôi đi bộ xung quanh khu vực này ngắm nghía những kiến trúc mới cũ đan xen, những khung cửa sổ cầu kỳ tinh xảo, những gallery tranh màu sắc mạnh mẽ sống động mang phong cách cao nguyên độc đáo:

… Nhắm không nên nấn ná thêm nữa vì đã quá giờ hẹn với bác tài xế, chúng tôi rời Taumadhi Tole trở ra theo đường cũ, đi qua Dubar Square và ra khỏi Bhaktapur theo cổng Lion Gate trong tâm trạng vương vấn vì vẫn chưa khảo cứu được hết những di tích văn hoá bên trong đô thị cổ. Riêng tôi còn có 1 điều rất tiếc là không chọn mua một bức tranh bày bán ở đây để đem về làm kỷ niệm bởi biết đến bao giờ mới có dịp thăm lại Bhaktapur xưa cũ này …

Hình ảnh cuối cùng về Bhaktapur mà tôi chụp được trước khi lên xe rời nơi đây:

Tạm biệt thành phố văn hiến của thung lũng Kathmandu nơi lưu giữ niềm tự hào của người Nepal xuyên suốt nhiều thế kỷ, chúng tôi lại lên đường đến với Patan hùng tráng mà chi tiết xin hẹn bạn đọc ở bài viết lần sau ^^