Trung Hoa Du Ký – Ngày 5: Thành Đô

Ngày 5: sáng thăm gấu trúc Thành Đô, chiều bay đi Cửu Trại Câu

Tạm biệt Vân Nam, người viết trở lại Tứ Xuyên tiếp tục hành trình khám phá Tây Nam Trung Quốc, điểm đến lần này là Thành Đô – thành phố của gấu trúc 🙂

IMG_7816

Vài nét về thành phố này:

Thành Đô (Chengdu) nằm ở trung tâm tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), giữ vai trò cực kỳ quan trọng về giao thông vận tải, thương nghiệp, công nghiệp của Tứ Xuyên nói riêng và đại lục nói chung. Đây cũng chính là kinh đô cũ của nhà Thục trong thời Tam Quốc, giờ đã là điểm du lịch nổi tiếng và cũng là nơi trung chuyển chính đến các địa danh khác ở Tứ Xuyên cũng như Vân Nam. Thành Đô còn được gọi là thành phố Hoa Phù Dung (The City of Hibiscus) vì trong thời Ngũ Đại Thập Quốc, nhà Hậu Thục cho trồng hoa phù dung xung quanh tường thành. Nơi đây bốn mùa mây phủ, đến mùa đông thì cả thành phố chìm trong sương mù, thường chỉ có 2-3 tháng trong năm hiếm hoi có nắng; vì thế mới có câu ngạn ngữ “Chó ở Tứ Xuyên sủa hướng mặt trời” (Sichuan’s dog barks at the sun) 😀

Đến Thành Đô, người ta thường đi thăm đền chùa, dạo phố cổ, ăn lẩu Tứ Xuyên (Sichuan hotpot), uống trà (teahouse), xem hát (Sichuan opera) để thưởng thức cái thú ăn chơi nơi này. Xa hơn trung tâm, du khách có thể chọn đi nơi phụ cận như:
– Xem gấu trúc ở TT Nghiên cứu và Nuôi dưỡng Gấu trúc Thành Đô (Chengdu Research and Breeding Centre).
Lạc Sơn (Leshan): nằm cách Thành Đô khoảng 160km, nổi tiếng với tượng Đại Phật (Dafo) là tượng bằng đá lớn nhất thế giới tạc vào trong núi, nằm ở nơi giao cắt của 3 con sông Mân giang, Đại Độ hà và Thanh Y giang. Tượng phật này cao 71m, được đẽo tạc trong 90 năm mới hoàn thành, đến nay đã hơn 1400 năm tuổi.
Nga Mi Sơn (Emei Shan): núi Nga Mi nằm không xa từ Lạc Sơn (khoảng 1h xe chạy), là một trong Tứ đại danh sơn của Phật giáo mà blog iCouple đã có dịp giới thiệu 🙂 Nơi đây địa hình cao chót vót, phong cảnh đẹp lạ thường, du khách có thể leo núi Kim Đỉnh, thăm chùa Vạn Phật, ngắm Thanh Âm các, xem chùa Báo Quốc, vào Cửu Lão Động … tìm hiểu thêm về sự giao thoa giữa Phật giáo và Đạo giáo đã làm nên điểm độc đáo của Nga Mi thiên hạ tú.
Cửu Trại Câu (Jiuzhaigou): khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại nằm cách Thành Đô 12 tiếng xe chạy hay 1 giờ bay về phía Đông, nổi tiếng là thiên đường hạ giới với phong cảnh sơn thủy thiên tạc hùng vĩ.

Vì thời gian có hạn, người viết chỉ chọn đi thăm khu Nuôi dưỡng Gấu trúc Thành Đô rồi bay đi thăm quan Cửu Trại Câu; ngày cuối bay về Thành Đô để đi thăm Vũ Hầu Tự, dạo phố cổ Jin Li và thưởng thức ẩm thực Tứ Xuyên. Bài viết này xin dành trọn để giới thiệu với bạn đọc về gấu trúc nơi đây. Gấu trúc (Panda) hay còn gọi là Đại Hùng miêu có nguồn gốc từ miền trung Trung Quốc, là loại động vật quý hiếm cần bảo tồn của thế giới. Hiện nay số lượng gấu trúc trong tự nhiên không nhiều, chỉ còn vài ngàn con;nguyên nhân vì loài này giao phối ít, tỷ lệ sinh sản thấp, một phần do điều kiện tự nhiên thay đổi, môi trường sống bị thu hẹp. Ở trung tâm gấu trúc Thành Đô, du khách có thể thăm quan 2 loại gấu trúc chính là: gấu trúc lớn (màu lông đen-trắng) và gấu trúc nhỏ (hay còn gọi là gấu trúc đỏ – Red panda).

Trung tâm Gấu trúc Thành Đô nằm cách nội đô khoảng 16km, có thể đi bằng xe buýt (2 RMB) hoặc taxi (25 RMB), thời gian mở cửa: 8am-6pm, giá vé vào cửa: 58 RMB/người (~ 8.5 USD)
IMG_7817

Thời gian cho gấu trúc ăn là 9h sáng hàng ngày, du khách nên đến đây trước giờ ăn để xem gấu trúc nhậu bữa sáng, vì sau đó thường gấu sẽ lăn ra ngủ! Trung tâm này chia ra các khu nuôi gấu lớn, gấu nhỡ, gấu đỏ, phòng chăm sóc gấu sơ sinh, phòng phát thanh truyền hình giới thiệu về gấu trúc … Đường vào thăm gấu:
IMG_7633
IMG_5939
IMG_5843

Có vẻ còn quá sớm nên gấu còn đang say giấc:
IMG_7639

Một lúc sau thì gấu bắt đầu thức dậy, chả đánh răng rửa mặt gì, cứ thế mò mẫm đi tìm thức ăn. Tuy được xếp vào loại động vật ăn thịt nhưng thức ăn chủ yếu của gấu trúc là cành non và lá tre trúc. Khách du lịch có thể thoải mái ngắm và chụp ảnh từ khoảng cách 20-30m:
IMG_7644
IMG_7658
IMG_7660
IMG_7667

Đây là một nhóm khác đang đối ẩm, có con vẫn ngủ gật trên cây, đời sống xem ra nhàn tản, có phần trụy lạc đáng yêu 😀
IMG_7677
IMG_7675
IMG_7696
IMG_5866
IMG_7693
IMG_7698
IMG_7701

Gấu trúc có thể xem là loài động vật siêu lười, ít vận động, việc làm ưa thích của chúng thường là ăn và ngủ. Sau đây là sê-ri ảnh về một lần vận động hiếm hoi của gấu trúc mà người viết được chứng kiến tận mắt, tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút sau giờ ăn. Những gì gấu trúc thể hiện trong Kungfu Panda đúng là chỉ có trên phim 😀 còn thực tế thì …

– Đầu tiên là định leo cây, nhưng chắc leo nhầm:
IMG_5869

– Sau tìm được đúng bậc thang, bắt đầu hì hục leo:
IMG_5871
IMG_5872
IMG_7715
IMG_7716

– Bằng nỗ lực phi thường, gấu đã lên được thang, thở phì phò rồi tiếp tục chuyền cành:
IMG_5873
IMG_7717
IMG_5874
IMG_5875
IMG_5876
IMG_7724

– Khi đi hết giàn gỗ, gấu dừng lại thở lấy sức, đồng thời làm động tác “gấu” nhất trong ngày là vươn mình chụm 2 chân trước lấy tư thế để gầm lên như đang ở rừng đại ngàn, tất nhiên không có tiếng gầm nào phát ra và chỉ diễn ra chưa đến 10 giây! khách tham quan thích thú đua nhau bấm máy 😀
IMG_5877
IMG_7726
IMG_5878
IMG_7727
IMG_7729

– Sau màn trình diễn ngẫu hứng, gấu có vẻ ngại vì được hâm mộ quá :mrgreen: nên quay lưng xuống thang, nhưng cũng chỉ được nửa đường thì mỏi mệt quá nên lăn ra ngủ, coi như kết thúc 1 ngày sôi động!
IMG_5879
IMG_5880
IMG_7734

Đi tiếp du khách lại gặp một nhóm khác đang chơi trong sân với trò chơi thích thú của gấu trúc là trèo lên đầu nhau …
IMG_5845
IMG_7748
IMG_7762

Được biết gấu trúc là loại sinh sản kém và tỉ lệ chết non rất cao. Ở trung tâm Gấu trúc Thành Đô, người ta tiến hành thụ tinh nhân tạo để nhân giống loài này. Gấu trúc non sinh ra được chăm sóc ở khu vực đặc biệt như trẻ sơ sinh, giúp chúng cứng cáp hơn để thích nghi với điều kiện sống nhân tạo. Khu vực này cho phép du khách thăm quan nhưng không được phép chụp ảnh.
IMG_7765

Ngoài gấu trúc lớn, trong trung tâm còn nuôi thả loài gấu trúc nhỏ (Red Panda), là loại gấu trúc đặc hữu chỉ có ở dãy Himalaya, thân màu đỏ, to hơn mèo nhà, có khuôn mặt ly miêu nên còn có tên là Gấu Mèo, xếp vào phân bộ chó, ăn lá tre trúc. Loài này khá thính và nhanh nhẹn, khác hẳn với bạn đồng môn Panda to béo nên tiếp cận và chụp ảnh Red Panda khó khăn hơn 😀
IMG_7775
IMG_7767
IMG_7768
IMG_7774
IMG_7785
IMG_7783
IMG_7778

Vòng vèo ngắm gấu, khách du lịch có thể tận tay bế gấu trúc non trong vòng 10 phút, nhưng giá thì rất đắt: 1000 RMB/lượt (~ 146 USD), mục đích để gây quỹ bảo tồn và chăm sóc gấu trúc nhưng cũng hạn chế số lượng người tiếp xúc với gấu non. Ngoài ra còn có thể mua Thẻ gấu trúc (Panda Card) là một cách ủng hộ Thành Đô trong việc phát triển khu nuôi gấu này. Ra về du khách có thể ghé quầy lưu niệm mua đồ, mọi thứ ở đây từ mũ nón, giày dép, bút sách đến bưu thiếp, túi cặp, thú nhồi bông (loại nhỏ đến to và rất to) đều là gấu trúc; các mặt hàng đẹp nhưng không rẻ chút nào. Một lần đến Thành Đô, tận mắt ngắm gấu trúc to béo và lười biếng vô lo phải công nhận là loài này hiền lành và dễ thương 😀 xứng đáng là biểu tượng quốc gia của Trung Quốc cũng như biểu trưng của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF. Chẳng thế mà Trung Quốc hét giá đến 1 triệu đôla cho mỗi quốc gia muốn “mượn” gấu trúc để đưa về các vườn thú quốc gia của họ. Được biết mới đây khi gấu trúc sang “thăm” Thái Lan đã được đón rước và hộ tống với nghi lễ hoàng gia 😀 So ra thì mua vé máy bay đến Thành Đô rồi trả phí thăm quan 58 RMB còn là quá rẻ ^^

Nửa ngày tham quan gấu trúc kết thúc, người viết theo lịch trình ra sân bay Song Lưu (ShuangLiu Airpot) của Thành Đô để bay đi Cửu Trại Câu, không biết rằng đây là 1 trong những chuyến bay bão táp nhất từ trước đến giờ ❗ Quả vậy, máy bay khởi hành đúng giờ (12.30pm), thời gian bay chỉ khoảng 45 phút, nhưng khi đến gần sân bay Cửu Trại Hoàng Long (Jiuzhai Huanglong Airport) thì gặp thời tiết xấu, gió cuốn ào ào giữa các vách núi cheo leo, ngồi trong máy bay nhìn khung cảnh ngoài trời chẳng khác gì phim hành động! Dù đã cố gắng 2 lần nhưng đều không thành công, cơ trưởng Southern Airlines phải cho máy bay quay về Thành Đô với lời hứa “sẽ quay lại khi thời tiết tốt hơn”. Vậy là máy bay quay lại Thành Đô, lúc đó là khoảng 2.30pm … Hành khách sau đó được sắp xếp về nghỉ ở khách sạn Hàng không gần sân bay, ai nấy đều ỉu xìu nhưng không ai đòi trả vé 😀 xem ra mọi người đã chuẩn bị tinh thần trước khi bay đến Cửu Trại mùa đông (Thống kê bên lề: sân bay Cửu Trại Hoàng Long được xây trong lòng thung lũng giữa vùng núi cao, về mùa đông thời tiết khắc nghiệt nên khả năng bay trễ hay hủy chuyến đến và đi của sân bay này cao hơn các mùa khác. Bạn đọc nếu có ý định bay đi Cửu Trại Câu nhớ để ý thời tiết để chuẩn bị tâm lý và sắp xếp thời gian hợp lý 🙂 ) Nghỉ ngơi trong khách sạn được một lúc thì nhân viên khách sạn đến mời hành khách đi ăn tối. Bữa tối khá đầy đủ, gồm 10 món Tứ Xuyên chua cay mặn ngọt đủ cả, ăn ngon miệng trong tiết trời lạnh dưới 10 độ; lúc đó là hơn 6pm. Vừa ăn xong thì sân bay báo chuyến bay đi Cửu Trại Hoàng Long đã sẵn sàng khởi hành vì trời đã lặng gió, thế là tất cả lại hăm hở nhào ra sân bay, háo hức lên máy bay lần 2 cất cánh vào lúc 7pm. May sao lần này tiết trời đã tốt hơn, gần 8pm máy bay hạ cánh nhẹ nhàng, hành khách thì tranh nhau … mặc áo rét 😀 Ấn tượng đầu tiên về Cửu Trại là trời cực kỳ lạnh, gió cuốn vun vút ngoài trời tối đen như mực, mắt nhìn không thấy cảnh xung quanh, xứng đáng là sân bay xây ở độ cao 3000m giữa núi non trùng điệp :mrgreen: Từ sân bay vào đến trung tâm thung lũng Cửu Trại Câu (nơi tập trung các khách sạn nhà nghỉ) là quãng đường 160km! có thể đi xe buýt (45 RMB) hoặc taxi (260 RMB). Máy bay Southern Airlines hạ cánh muộn cũng là chuyến cuối cùng trong ngày, sân bay nhanh chóng đóng cửa tắt đèn, phía ngoài sân bay thì xe buýt đã đi hết còn taxi chỉ lác đác vài chiếc. Tình cảnh lúc này quả là hơi chột dạ … nhưng đã đặt chân đến đây rồi, không cố nốt không được, thế là nhảy đại lên 1 xe buýt dành cho tour du lịch. Sau một hồi thương lượng, người viết đồng ý tham gia vào một nhóm nhỏ cũng đi du lịch Cửu Trại (tất nhiên hướng dẫn viên nói tiếng Trung), thuê khách sạn cùng chỗ với nhóm đó (giá 100RMB/đêm) để sáng hôm sau cả đoàn cùng đi thăm trại. Vậy là kế hoạch ở Migu Youth International Hostel ban đầu phá sản (mặc dù đã đặt phòng) nhưng nhập hội với nhóm du lịch Trung Quốc này đúng là một bất ngờ thú vị và có phần may mắn ^^ Xe buýt bắt đầu hành trình xuống đèo, luồn lách trong gió rét, trời tối đen như mực, cửa kính bên ngoài gần như trắng xóa … Sau 2 tiếng, xe dừng trước cửa 1 khách sạn khá lớn, lúc này mới thấy yên tâm hơn 🙂 Cả nhóm xuống xe vào khách sạn ăn tối rồi lấy phòng, lúc đó đã là 10h đêm. Khá bất ngờ, phòng khách sạn rộng và sạch sẽ, trong phòng treo 1 bức mandala sinh động dưới ánh đèn màu đỏ sậm mang phong cách người Tạng, nội thất phòng ốp gỗ với sàn trải thảm, giường ngủ có đệm sưởi điện. Khách sạn này chắc đang mùa khuyến mại vì ít khách chứ mùa du lịch thì giá phải gấp 4-5 lần 😀 Quá lạnh để suy nghĩ nhiều, việc cần làm ngay là cuộn chăn bật đệm sưởi lăn ra ngủ một giấc để sáng mai bắt đầu khám phá Cửu Trại Câu. Xin hẹn bạn đọc trong bài viết ngày thứ 6 dành trọn cho việc thăm thú tiên cảnh trần gian này ^^
IMG_7922
(Ảnh demo chụp Ngũ Hoa Hải (Five Flower Lake) ở Cửu Trại Câu)

Tam Quốc ngoại truyện (P1)

Ngoại truyện mà không phải là ngoại truyện, bài viết muốn bình luận về các yếu tố đã làm cho Tam Quốc Chí trở thành bộ tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn nhất của Trung Quốc, và cả sau này khi đã được chuyển thể thành phim. Bài viết lần này dành riêng cho thơ ca đề từ trong Tam Quốc diễn nghĩa 🙂

Continue reading