Phúc Kiến Tân Mão Ký – Thăm vùng Vĩnh Định (P1)

Sáng mồng 6 trời trong nắng ấm, chúng tôi lười biếng chui ra khỏi chăn, đúng là Tết nhất chỉ thích dậy muộn; mất một lúc ai nấy mới nhớ ra mình đang ở trong thổ lâu Điền Loa Khanh chứ không phải giữa Hà Nội xuân 😀 Hôm nay chúng tôi sẽ rời vùng Nam Tĩnh (Nanjing) để khám phá Vĩnh Định (Yongding) trước khi về lại thủ phủ Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến – điểm trung chuyển trên đường đi Quảng Châu.

Nói lời tạm biệt với Điền Loa Khanh quả là không dễ, nhất là lúc cảnh sắc tươi vui của cụm thổ lầu xinh đẹp này đang từ từ thức giấc. Chúng tôi nấn ná ở đồi vọng cảnh để thoả sức chụp Điền Loa Khanh cho đến khi nắng sớm đã lên cao:

1. Vĩnh Định – Cụm thổ lâu Gaobei

Nổi tiếng nhất trong các thổ lầu cổ xưa vùng Vĩnh Định phải kể đến thổ lâu Thừa Khải (Chengqilou), hay còn có biệt danh là Vua Thổ Lâu (King Tulou). Thừa Khải lâu nằm trong cụm các thổ lầu Gaobei thuộc làng Gaotou huyện Vĩnh Định (Yongding), cũng được khởi công xây dựng vào giai đoạn triều vua Minh Tư Tông Sùng Trinh Đế (1627-1644), nhưng phải đến những năm 1709 thì lầu mới hoàn thành, một phần là do kiến trúc phức tạp và kiên cố hiếm có của thổ lâu này.

Nhìn bên ngoài thì Thừa Khải lâu cũng gần giống như các thổ lâu tròn khác:

Nhưng những gì tinh tuý nhất của Chengqilou nằm bên trong lớp tường sừng sững cao 22.9m! Thừa Khải lâu có tất cả 3 vòng:

Vòng ngoài cùng lớn nhất của lâu cao 4 tầng, có 72 phòng mỗi tầng. Vòng giữa của lâu cao 2 tầng, có 40 phòng mỗi tầng. Vòng trong cùng cao 1 tầng với 32 phòng. Chính giữa toàn thổ lâu là nhà thờ tổ cao 1 tầng:

Từ trên nhìn xuống, các vòng lâu mái xám xếp đều tăm tắp đối xứng nhau qua trục chính chạy xuyên từ cửa nhà thờ tổ ra cổng vào thổ lâu; kiến trúc khoa học và quy củ, chả thế mà người ta xưng tụng đây là 1 trong những thổ lâu Phúc Kiến đẹp bậc nhất Trung Hoa, là vua của mọi thổ lâu:

Hình ảnh cuộc sống của tộc người Khách ấm cúng và đầy sắc màu bên trong những cánh cung Thừa Khải lâu ngày mồng 6 Tết:

Phía sau Thừa Khải hiện ra khu đất rộng tràn ngập sắc Xuân rạng ngời, vài ngôi nhà nhỏ với vườn cải mơn mởn, bên bờ tường đất là những rặng bạch đào đang đua nhau khoe sắc:

Sao chẳng về đây có bạn hiền,
Có hương, có sắc, có thiên nhiên
Sống vào giản dị, ra tươi sáng
Tìm thấy cho lòng một cảnh tiên?
(Sao chẳng về đây – Thơ Nguyễn Bính)

Nhóm chúng tôi đang mải mê tác nghiệp phía sau thổ lầu Thừa Khải (ảnh do anh Ngọc Hùng cùng đoàn chụp bằng máy cơ ^^)

Thổ lâu “hàng xóm” của Thừa Khải gọn gàng và quy mô nhỏ nhắn hơn với giếng trời tròn vành vạnh:

Do mới xây nên nơi đây còn khá mới và không quá đông người ở. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cộng đồng dân cư sinh sống trong các thổ lâu đều cùng họ với nhau; mỗi gia đình đều sở hữu vài phòng ở mỗi lầu, phòng ở lầu dưới luôn thẳng góc ngay với lầu trên. Vì thế mỗi lần đi giữa các phòng khác tầng, mọi người đều đi qua cầu thang chung và sân chung; nhờ đó mà duy trì được sự bình đẳng không phân cấp trong cuộc sống của tộc người Khách vùng Phúc Kiến. Quy luật này có phần mai một theo thời gian, những người trẻ tuổi ngày nay cũng dần rời bỏ các “khu nhà tròn” để mưu sinh nơi khác, nhưng đây vẫn là điểm nhấn văn hoá đặc trưng riêng biệt của vùng.

Phía sau cụm thổ lâu này là đài vọng cảnh, đường lên vừa nóng lại vừa xa >_< giữa trưa nắng chói chang chúng tôi hì hục trèo lên với hy vọng nhìn bao quát cụm Gaobei một lần trước khi đi. Một vài hình ảnh nhìn từ trên xuống sau khi ta cao hơn đèo; xa xa khu Gaobei huyện Vĩnh Định có nhiều nét tương đồng với cụm thổ lâu Hekeng huyện Nam Tĩnh:

Chùm ảnh giới thiệu cụm thổ lầu Gaobei mà tiêu điểm là Thừa Khải Lâu đến đây là hết. Chúng tôi lại rục rịch ăn trưa và chạy sô sang điểm tiếp theo – cụm thổ lầu Hongkeng – cũng thuộc huyện Vĩnh Định. Hẹn gặp lại bạn đọc trong bài tiếp theo với những bức ảnh vuông tròn đầy sức sống và sức xuân tưởng như không bao giờ dứt 🙂

Phúc Kiến Tân Mão Ký – Thăm vùng Nam Tĩnh (P2)

Sau bữa trưa với anh tài xế tốt bụng, chúng tôi tiếp tục đến thăm 2 khu làng Pushan và làng Changjiao đều nằm trong địa phận Nam Tĩnh. Hai nơi này nằm sát cạnh nhau và có đường liên thông nên du khách đến đây đều chọn cách đi bộ qua từng làng.

6. Nam Tĩnh – làng Pushan

Từ bãi đỗ xe đi vào làng Pushan, công trình kiến trúc đầu tiên mà chúng tôi gặp là thổ lâu Hegui, là thổ lâu cao nhất trong tất cả các thổ lâu ở Phúc Kiến, và đặc biệt còn được xây trên nền 1 đầm lầy cũ!

Ngay phía trước Hegui lầu là khóm bích đào đang nở hoa:

Thổ lâu Hegui có cấu trúc nền chữ nhật với 5 tầng lầu, cao 21.5m, xung quanh có 15 ngôi nhà nhỏ với chức năng bảo vệ thổ lâu chính.

Được biết trước kia bên trong thổ lâu còn có trường học. Ngày nay thì phần lớn người dân không còn sinh sống bên trong nữa mà biến nơi đây thành địa điểm cho du khách thăm quan và mua đồ lưu niệm.

Lầu thì vẫn đứng thế thôi
Hàng thì bán đứng bán ngồi chen nhau

Cách thổ lâu Hegui không xa là các “nhà tròn” quen thuộc của làng Pushan, phần lớn đều đang trong tình trạng cũ kỹ mục nát và hiếm người qua lại:

7. Nam Tĩnh – làng Changjiao:

Vượt qua con sông nhỏ, chúng tôi đặt chân vào làng Changjiao. Làng này trước kia có lẽ là làm nghề chài lưới, giờ thì vắng vẻ hơn nhiều, bên trong làng chúng tôi thấy đa phần là người lớn tuổi còn nam thanh nữ tú “đi vắng” cả, mới nhìn có thể liên tưởng đến làng Bạch Sa (Baisha) ở Lệ Giang, Vân Nam 😀

Đẹp nhất làng Changjiao có lẽ là đoạn đường đá dọc bờ sông có nhiều cây đa xanh tốt, tán cây rộng và cành lá sum sê. Chúng tôi đếm được ít nhất 3 cây đa lớn như vậy khi đi bộ hết làng:

Các bạn Trung Quốc đã khéo léo treo vào các cành cây cụm lồng đèn đỏ nhân dịp năm mới nên cảnh trí nhìn càng sinh động màu sắc hơn:

Làng Changjiao về cuối ngày thanh bình càng gợi nhớ nhiều hơn về không khí ngày xuân ở làng quê Việt Nam:

Đi hết làng Changjiao du khách sẽ đến được điểm thăm quan cuối cùng trong làng: thổ lâu Huaiyuan, được xây dựng từ năm 1907 nay đã hơn trăm tuổi.

Đoạn đường dẫn vào Huaiyuan lầu đẹp mê hồn, phía hông là dòng kênh nhỏ, sau lưng lầu là quãng đồi thấp; nếu vào mùa cày cấy chắc sẽ ngắm rõ được lâu đất vàng nổi bật trên những thửa ruộng mạ non ^^

Thổ lâu này cao 4 tầng, mỗi tầng có 34 phòng, từ phía ngoài nhìn vào rất đồ sộ. Theo những hình cũ chụp trước kia thì khoảng sân ngay trước Huaiyuan lầu có vẽ 1 vòng tròn Thái Cực rất lớn, nhưng giờ đây qua nhiều lần tôn tạo đã biến mất không còn vết tích:

Bước vào sân chung của Huaiyuan lâu là nhà thờ tổ và cũng là nơi dạy học khi xưa có kiến trúc đối xứng bắt mắt:

Thổ lâu này cũng là địa điểm cuối cùng chúng tôi dừng chân trước khi lên xe về lại Điền Loa Khanh lúc mặt trời sắp lặn.

8. Nam Tĩnh – Thổ lầu về đêm

Xuân xế mùa xuân, chiều xế chiều, chẳng mấy mà xe đã đưa chúng tôi về đến Tianloukeng. Phong cảnh Điền Loa Khanh lúc chiều tà cũng hữu tình không kém gì buổi sáng sớm:

Cụm thổ lầu Điền Loa Khanh như đã có dịp giới thiệu sơ lược với bạn đọc, gồm 4 thổ lâu tròn (Zhenchang, Hechang, Ruiyun, Wenchang) và 1 thổ lâu vuông (Buyun) nằm kề nhau; thổ lâu mà chúng tôi trọ là Zhenchang lâu. Một vài hình ảnh các thổ lâu kia lúc nắng tắt:

Sau bữa tối đơn giản, chúng tôi ra ngoài thổ lâu tìm mua pháo đốt! món này dễ kiếm và không quá đắt, cả nhóm tụm lại đốt pháo hoa ngay trước cổng thổ lâu để ôn lại những ngày còn không, chỉ cần chú ý trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa 😀

Người Việt Nam mình thì mải mê ôn lại kỷ niệm xưa giữa tiết trời rét mướt còn cư dân thổ lầu thì tụ tập giải trí như thế nào ngày Tết? Bạn đọc xem ảnh chắc cũng không lấy làm lạ 😉

Ngày mồng 5 Tết trôi qua thật nhanh, chúng tôi đã đi thăm được vùng Nam Tĩnh (Nanjing), cả đoàn về Zhenchang lầu lên giường đắp chăn ngủ sớm, sẵn sàng cho ngày mai mồng 6 Tết rời Điền Loa Khanh đi vãn cảnh vùng Vĩnh Định (Yongding). Xin chào và hẹn gặp lại bạn đọc trong bài viết tiếp theo du xuân Thổ lâu Phúc Kiến.