Tây Tạng Du Ký – Khúc vĩ thanh

Quả thật khó cho tôi khi muốn viết lại Khúc vĩ thanh Tây Tạng, bao nhiêu hình ảnh chuyến hành trình 11 ngày cứ đầy ăm ắp, ấn tượng với Tây Tạng vô cùng sâu đậm, những thắc mắc năm xưa nay đã tìm được lời giải đáp trên vùng đất Phật nhưng kéo theo đó là muôn vàn điều mới mẻ và lòng càng băn khoăn hơn … Xin trích đôi dòng từ cuốn Mùi hương trầm (tác giả Nguyễn Tường Bách): “Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đỉnh của Tây Tạng không chỉ làm hứng khởi tầm nghe nhìn của chúng ta vốn thường bị mây mù, khói đục và tiếng ồn che phủ, mà còn tích cực hơn, nó dẫn đường mở lối cho nhận thức và ý niệm về cái miên viễn đang hiện hình trước mắt ta. Tâm ta biết rằng cái miên viễn không phải đi tìm đâu xa, nó nằm ngay trước mắt, nó hiện diện ngay trong lòng, chỉ mắt vướng bụi nên không nhìn thấy nó, chỉ lòng chưa tỉnh nên không nhận ra nó. Nhưng cái miên viễn cũng không phải trần trụi sờ sờ ra đó để ai cũng có thể ngắm nghía mà muốn tới với nó phải đi hết đoạn đường phi hữu phi không, phải tự tay mở cánh cửa vô môn, phải nghe được thứ tiếng không lời, phải vào chốn ẩn mật chỉ dành cho những người dâng hết tâm ý, biết buông rơi chính mình. Cảnh quan Tây Tạng là bước khởi đầu, không phải là đoạn kết thúc.” Phải rồi! chỉ là bước khởi đầu, chưa phải là đoạn kết thúc, tôi đang viết cho bước khởi đầu của chính mình 🙂

1. Đô Thành mù sương

Tôi có duyên nhiều với Thành Đô (Chengdu) và cũng rất yêu thích thành phố này bởi nó có cái trong mát yên bình của đô thị quanh năm bao phủ bởi sương mù, kèm theo bề dày lịch sử văn hoá của cố đô Thục Hán đến nay đã vài mươi thế kỷ, cũng lại mang dáng dấp tân kỳ đô hội phát triển không thua kém bất cứ nơi đâu. Cũng vì thế tôi chọn Thành Đô, Tứ Xuyên làm điểm xuất phát của cuộc hành trình. Tuy chỉ lưu lại Thành Đô 1 ngày nhưng tôi đã may mắn cảm nhận được phần nào cuộc sống nơi Thiên Phủ Chi Quốc với những ghế kiệu, phòng trà, bạch viên, thi quyển:

Những vẻ đẹp làm mê lòng khách đến Thành Đô: này là Vọng Giang Lầu êm đềm trong sương sớm, này là Văn Thù Miếu giấu trong lòng nó những gì tinh hoa của vùng Tứ Xuyên. Bước chân vào Đệ nhất danh trà quán, người ta thấy một nốt trầm trong đời sống phồn hoa của nơi đây, không líu lo điện thoại, không tíu tít bán hàng, người dân Thành Đô vào đây độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm bên những ly trà luôn bóc khói nóng; đáng yêu và thú vị như tiết trời sương khói mát mẻ bao đời của mảnh đất này vậy. Không chỉ có thế, Văn Thù Miếu còn có riêng 1 thư viện Phật học cực lớn bên trong khuôn viên bởi với những ai nghiên cứu Phật giáo thì đều biết rằng hình tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là tượng trưng cho trí huệ mênh mông, điều mà sau này tôi được chứng ngộ khi đặt chân vào Tây Tạng.

Thành Đô tiễn tôi bằng 1 cơn mưa nhẹ và màn Xuyên kịch đặc sản khi trời chiều lảng bảng. Phố đẹp, đường đẹp, lầu gác đẹp và người cũng đẹp; Thành Đô trong mưa là 1 ấn tượng khó phai với khách phương xa. Ngồi trong rạp dựng ngoài trời ngay dưới cơn mưa xem hý kịch Trung Hoa lại càng thú vị hơn nữa. Tôi sẽ không lạ nếu mai này bên sông Cẩm Giang người ta chơi thêm hồ cầm đàn địch, để nếu có dịp ghé thăm tôi lại được thả hồn mơ mộng, hỏi rằng có phải đang tấu khúc Hồ trường Dạ Vũ Tiêu Tương?

Xin hẹn Thành Đô không xa lần tiếp theo du ký Trung Hoa sẽ gặp lại cố nhân 🙂

2. Tuyết Quốc trong mây

Có rất nhiều cái tên đẹp để dành riêng gọi cho mảnh đất của những độ cao này: Tây Tạng, Tibet, Land of the Snows, Nóc nhà thế giới, hay chỉ đơn giản là Tuyết Quốc. Một sớm mùa hè như mọi ngày nhưng có ý nghĩa đặc biệt với tôi, hôm nay tôi sẽ bay trên rặng Tuyết Sơn để đặt chân vào thánh địa Phật giáo, học theo dấu chân minh triết của người xưa lần tìm về xứ sở huyền thoại.

Rời Thành Đô, tôi đến với cửa ngõ màu xanh của Tây Tạng: Nyingchi (thuộc địa giới vùng Kham cũ). Nhấc từ đồng bằng lên cao nguyên trung bình 3000m so với mực nước biển sau vài tiếng bay, tôi choáng váng bởi không khí loãng và càng choáng váng hơn bởi những hình ảnh đầu tiên về Tây Tạng hiện ra xanh đến thế ^^ Chẳng thế mà những khách du lịch khi khám phá vùng Kham đã đặt cho nơi đây cái tên ‘Wild Wild East’ bởi sự khác biệt cực kỹ rõ nét về cảnh quan tự nhiên và điều kiện thời tiết: này là rừng cây thác nước, kia là núi tuyết thảo nguyên; thiên đường xanh Tây Tạng kỳ thú lắm!

Đường nay mây trắng gió ngàn:

Nếu như đỉnh Phan Xi Păng cao 3143m, trèo lên đến nơi là chạm vào nóc nhà Đông Dương thì ở Nyingchi cũng độ cao tương tự, tôi được chạm vào lá vào hoa của Khả Đình Câu, chạm vào thân cây Đại Bách 2600 năm tuổi, được dừng trên đỉnh Sejila cao 4702m để chạm vào sương gió ngay giữa trưa nắng hè, được hít thở cái mát rượi của rừng Lulang từ vọng lâu nhìn ra đỉnh Namche Barwa cao 7786m, đặc biệt là được chạm vào nét sơ khai của cổ giáo Ninh Mã do đại sư Liên Hoa Sinh sáng lập mà dấu tích còn lưu lại trên tu viện Tsozong giữa hồ Basum-tso:

Tạm biệt tiểu Thuỵ Sĩ vùng Kham, tôi lên đường đến với thành phố của chư thiên, trái tim của Tây Tạng: thủ phủ Lhasa. Hỏi rằng chư Phật nơi đâu? có phải là bức tượng Đức Thích Ca Thập Nhị Tuế Đẳng bên trong đền Jokhang tuổi đời chục thiên niên kỷ hay ngay trước mắt tôi kia dòng người mộ đạo bước đi giữa cái huyên náo của khu chợ Barkhor tay xoay kinh luân còn trong lòng tịnh không, hướng Phật:

Thiên kinh vạn quyển đọc bao nhiêu cho đủ? chỉ một lần lặng im đứng giữa Bát Giác Nhai sẽ dấy lên niềm kính phục nghi lễ tôn giáo khổ hạnh tràn đầy niềm tin của người Tạng dưới mái chùa Đại Chiêu buổi bình minh đầu ngày. Phải chăng người xưa có câu Nhất tu thị, nhị tu sơn để dành cho những con người này? Đời trong đục nào có hề chi, bởi họ đã đem đạo về đây giữa phố phường Lạp Tát hơn nghìn năm có lẻ, kể từ cuộc hôn phối giữa công chúa Văn Thành và Tạng Vương Tùng Tán Cương Bố thế kỷ thứ 7.

Đặt chân đến Lhasa chắc chắn ai cũng phải đến chiêm ngưỡng kiến trúc đồ sộ mang phong cách Tạng của hành cung Potala và tôi không phải ngoại lệ. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được trong đời mình sẽ có dịp leo mấy trăm bậc đá trắng trên độ cao 3600m để bước vào nơi thâm nghiêm cao quý nhất của cộng đồng chính-giáo Tây Tạng; và cứ như thế, tôi hăm hở thở và leo.

13 bức tượng của các Đạt Lai Lạt Ma đời trước, căn phòng của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sử dụng khi ngài còn tại vị, những stupa sơn son thếp vàng nạm đầy ngọc quý, những hành lang phô phang màu sắc, những cánh cổng đỏ sậm đầy quyền uy, những cầu thang lên xuống như ma trận, những bức tường được mural nhuộm thắm, những chiếc cột đen nhánh mỡ bò yak treo thangka khổng lồ, mùi nến mùi người mùi gỗ mùi ẩm mốc và mùi tiền … tất cả làm đầu óc của kẻ người trần mắt thịt như tôi rối bời!

Hiếm ai ra khỏi cung điện Potala mà lòng không hụt hẫng, lý do thì muôn vẻ nhưng tựu chung lại là cảm giác xa lạ, mất mát. Đã hơn 50 năm rồi hành cung Bố Đạt La vắng bóng chủ nhân thực sự của nó. Người Tạng cũng không còn lui tới đây thường xuyên, có chăng chỉ đi vòng kora khổng lồ dưới chân điện. Có sinh có diệt, vạn vật vô thường, Đức Thích Ca cũng từng truyền dạy điều đó áp dụng cho cả Phật pháp; mới nghe sao thấy dễ dàng nhưng đến Lhasa đối diện với thực tại đang diễn ra từng ngày thì lòng cay đắng lắm! Nhưng nếu ai hỏi tôi ấn tượng nhất với Lhasa là gì, tôi vẫn sẽ trả lời: “Potala!”. Nếu bạn một lần đến Lhasa, xin hãy bỏ sức leo lên cung, cũng như bạn đã từng không ngần ngại leo Yên Tử, leo chùa Hương, leo Côn Sơn Kiếp Bạc; bởi tôi xin cam đoan với bạn một điều rằng trên cao gió bạt tiếng eo sèo.

Potala kể từ ngày đầu được vua Tùng Tán Cương Bố đặt nền móng năm 637 cho đến lúc Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 mở rộng năm 1645 đã kinh qua bao biến thiên đổi dời; ngày nay trở thành bảo tàng độc đáo cho kiến trúc và văn hoá Phật giáo của người Tạng trên cao nguyên. Và khi đêm về trăng lên là lúc phô bày vẻ đẹp lưỡng tông Hồng-Bạch huyền ảo bí ẩn đó:

Trong cái nắng hè oi ả của kinh đô ánh sáng lúc nào cũng ngập tràn ánh mặt trời, tôi đến thăm tu viện Sera, 1 trong 3 ngôi đạo tràng quan trọng bậc nhất của thủ phủ Lhasa. Ấn tượng của tôi về ngôi đại tùng lâm này là hàng cây rợp bóng trong khuôn viên tu viện và nét mặt hứng khởi của những Tăng sĩ tuổi còn rất trẻ đang sôi nổi truy bài trong vườn Biện Kinh:

Nội dung của những cuộc tranh luận khẩu chiến này tôi không được biết, nôm na người đời bảo đó là cách để đào sâu hiểu biết về Phật điển, nâng cao tri thức trong quá trình tu học, và cũng là cách tinh tiến để đạt cảnh giới cao hơn. Tổng cộng có 6 cấp bậc trong giới Tăng sĩ Tây Tạng và việc vấn đáp sát hạch là bắt buộc để đạt được tới cấp thứ 4! Hoá ra có cách ngồi tập trung thiền định thu mình vào trong để tự giác ngộ, cũng lại có cách biện giải huyên náo để lĩnh hội giới luật như thế. Hoàng Mạo Giáo là tông giáo chú trọng nhất vào việc học đạo đúng cách, đề cao sự rèn luyện của Tăng chúng; hôm nay tôi đã được thấy phần nào điều đó:

Rời Lhasa tôi lại rong ruổi trên con đường thiên lý đến thăm thành phố lớn thứ 2 của Tây Tạng: Shigatse. Ngày đi Shigatse cũng là ngày nhiều sự kiện với tôi khi được tận mắt ngắm những kỳ quan thiên tạo và nhân tạo tuyệt diệu của Tây Tạng. Có ai không nín thở khi đứng trên đèo Karola cao hơn 5000m để ngắm màu xanh ngọc kỳ lạ của hồ San hô Yamdrok-tso đẹp ngỡ ngàng đang uốn lượn dưới chân đỉnh băng vĩnh cửu Nojin Kangtsang sừng sững ở độ cao 7191m:

Vị nữ thần nào năm xưa đã hoá thân vào hồ Yamdrok kỳ ảo này để ngày hôm nay tôi đứng đây chôn chân trong nắng gió ngắm nhìn cảnh quan mà lòng cảm khái trào dâng, thêm giận mình bất tài không tả được cái đẹp siêu nhiên chốn này!

Con đường xuống đèo chạy song song với bờ hồ mang lại góc nhìn khác về Yamdrok-tso, một góc nhìn tâm linh. Ai đến hồ cũng sẽ để ý thấy hàng ngàn ụ đá nhỏ có theo hình dạng stupa rải rác gần mép nước mà người Tạng hàng năm đi hành hương qua đây đều cung kính xếp lại như để lưu dấu trong cõi trần ai này, họ đã đến đảnh lễ chốn hồ thiêng vinh danh Phật pháp.

Khi xe chạy qua lên đỉnh đèo Karola (4960m) là lúc tôi được nhìn gần Nojin Kangtsang hơn, ngắm nhìn cái chói chang của đỉnh băng trong nắng trưa và rùng mình trong cái lạnh không cắt nghĩa được, cũng là dịp khẳng định một điều tôi đã tâm niệm từ lâu về Tây Tạng: Tuyết nơi đây trắng sạch nhất thế gian!

Dấu ấn thiên tạo của Tsang là thế, còn dấu ấn nhân tạo thì sao? tôi dừng chân bên trấn anh hùng Gyantse nghe lại câu chuyện pháo đài Gyantse Dzong nơi bao người Tạng ngã xuống đền nợ nước trong buổi đầu xâm lược của thực dân Anh năm 1904. Một thế kỷ đã qua rồi, pháo đài Dzong ngày nay vẫn sừng sững giữa thị trấn, tiếng súng gươm đã lùi vào quá khứ nhưng cuộc tranh đấu âm thầm lặng lẽ liệu đã thôi âm ỉ?

Gyantse là thị trấn nhỏ và nghèo, đường đi vắng lắm, những ngôi nhà lầm lũi như khô cháy dưới nắng cao nguyên, bóng người Tạng thấp thoáng dưới mái hiên, con đường giữa trấn như hoàn toàn tách biệt bởi dòng xe du lịch cứ chạy rầm rập, ngồi trên xe là khách thập phương tứ xứ như chúng tôi đây, chắc không có ai dừng lâu nơi này để nói được lời chào đúng nghĩa. Chạnh lòng nghĩ đến câu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “người vô tâm nhiều như gió bụi trên đường”

Cách pháo đài Dzong không xa là quần thể tu viện Pelkhor Chode – nơi hoà quyện tâm linh và dung dưỡng của 2 tông giáo Tát Ca và Cách Lỗ của Tây Tạng, một hình thức tổng hoà độc đáo mà tôi bấy giờ mới có dịp diện kiến. Chưa chạy đến cổng tu viện đã thấy thấp thoáng phía xa công trình kiến trúc “dị thường” nhất của toàn vùng Tsang nói riêng và cả Tây Tạng nói chung: tháp Thập Vạn Phật

Đếm sao cho đủ chi tiết mười vạn tranh tường, bích hoạ, tượng Phật, khám thờ … bên trong tháp; chỉ biết rằng ai đến đây cũng giật mình bởi kiến trúc Stupa Muôn cửa khổng lồ đã được người Tạng nghiêm cẩn dựng lên thành kỳ quan giữa cao nguyên! Kia là 4 tầng đáy của Tứ diệu đế và 4 đôi mắt hiền từ của đức Thế Tôn đang nhìn ra bốn phương; trên nữa là 13 nấc thang phấn đấu của đời người dẫn lên cõi Niết bàn; trên thượng tầng tháp là sự minh triết, là vòm trời xanh với trăng sao mây trắng nắng vàng. Kiến thức bản thân còn hạn hẹp mà biển trí huệ thì bao la, tôi chỉ biết gửi gắm những điều mình thấy qua vài bức ảnh.

Màu sắc của Kumbum – Thập Vạn Phật tự bên trong và cả bên ngoài phải dùng tính từ dữ dội để diễn tả! Nếu sắc bao quát trắng-đỏ-tím bên ngoài tháp chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiến trúc Nepal thì bên trong mỗi khám thờ tôi bắt gặp cách phối màu rực rỡ và có phần siêu thực của người Tạng. Mỗi gian điện lần lượt là các bức tượng thờ Quán Thế Âm, Thanh Đa La, Bạch Đa La, Tu di, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền Bồ Tát thì trên tường và trần là sẽ là vô vàn hoạ hình tương ứng. Tôi còn nhớ mãi khi đó trong lúc mắt quáng tay run chân mỏi, tôi bước vào 1 khám thờ rất tối và khi ngước lên bắt gặp tượng thân của Đức Phật Thích Ca toàn một màu đỏ sậm khoác y vàng đang nhìn xuống. Lòng tôi vừa kính sợ vừa thích thú, lễ tạ Ngài xong tôi đi lùi ra cửa mà không dám nâng máy lên chụp. Đây có lẽ là gian điện duy nhất tôi không dám chụp ảnh dù được phép.

Trên đường leo lên tháp, tôi gặp nhiều gia đình người Tạng 2-3 thế hệ cũng đang đi tham bái Kumbum, chúng tôi cùng lần từng bước lên những bậc thang nhỏ hẹp quanh co để khi lên đến đỉnh thì trao nhau nụ cười và cái gật đầu thay lời chào giữa những người không cùng ngôn ngữ. Tôi leo Kumbum mà cứ thắc mắc mãi, người Tạng vốn khá cao to mà sao những cầu thang họ làm nhỏ thế để vừa leo vừa lo đụng đầu? thế rồi tôi tự tìm cho mình lời giải đáp: Có phải chăng từ lúc sinh thời họ đã gắn bó với Phật giáo, khi còn nhỏ họ đã đến thăm viếng nơi đây và khi đã tuổi già xế bóng thì con cháu lại đưa họ tìm về chốn cũ? Nếu xa xưa lúc còn thơ bé đã có dịp vào nơi này thì chẳng phải thế giới quan hoá ra rất rộng lớn hay sao!

Đứng trên Kumbum lúc này chính ngọ, tôi nhìn bao quát toàn trấn Gyantse đang được mặt trời dát vàng ở cao độ xấp xỉ 4000m mà thầm cảm phục câu nói đầy tính triết lý của thi hào Goethe: “Über allen Gipfeln ist Ruh” – Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên.

Rời Kumbum, con đường xuyên vùng Tsang đưa tôi đến điểm dừng cuối: tu viện Tashilhunpo ở trung tâm thành phố Shigatse, là nơi tiếp diễn sự truyền thừa của dòng Ban Thiền Lạt Ma. Những tranh chấp phức tạp nhiều thế hệ hiển hiện trong lòng xã hội chính trị-tôn giáo Tây Tạng và cả sự ganh đua giữa 2 đô thị Nhật Khách Tắc và Lạp Tát sẽ là đề tài thu hút bất cứ ai đặt chân đến đây.

Trát Thập Luân Bố ngày nay là nơi tu học của Tăng sĩ vùng Tsang, cũng là điểm du lịch không thể bỏ qua. Câu chuyện dòng Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma; người là học trò, người là thầy dạy; cả 2 dòng đều là những đệ tử lỗi lạc của Hoàng Mạo Giáo thờ chung thầy là đại sư Tông Khách Ba; cả 2 dòng đều có tái sinh; mỗi dòng vừa có nhiệm vụ tiếp tục truyền thừa vừa thụ ấn người tái sinh của dòng kia. Mới nghe sao mà rắc rối và biết bao điều cơ mật đi kèm, kẻ hậu sinh như tôi quả không dám lạm bàn!

Bước đi trong Tashilhunpo, tôi bị thu hút bởi tông màu đỏ rực đầy uy quyền của 4 toà điện lớn nhất trong khuôn viên viện cùng những mái vàng ròng phô bày xa hoa minh chứng cho tài nghệ xuất chúng của người Tạng.

Hình ảnh bức tượng Phật tương lai Di Lặc cao 27m với đôi mắt xanh hiền hoà trong điện Jamkhang Chenmo cùng với sân Kelsang rộng lớn bao bọc 4 phía bởi nhưng bức tường đầy màu sắc hoạ hình đức Phật trong muôn ngàn ấn thủ chắc sẽ còn đeo đuổi tôi mãi …

Thiên nhân đồng điệu ^^ tạm biệt những công trình nhân tạo đượm màu tôn giáo vùng Tsang, tôi đi dọc theo dòng Nhã Lung trở lại vùng U để ngắm những nét thiên tạo khốc liệt khác mang bản sắc cao nguyên. Đứng trên triền dốc nhìn ra con sông Yarlung Tsangpo đang chảy giữa lòng U-Tsang, tôi mừng gặp lại người bạn cũ. Mới vài ngày trước tôi lần đầu gặp Nhã Lung khi sông uốn lượn hiền hoà dưới chân đỉnh Namche Barwa đoạn chảy qua rừng xanh Lulang; còn ngày hôm nay sông như xanh hơn in bóng trời trong vắt chảy xuyên qua những vùng đất trống núi trọc cực kỳ hiểm trở, hai bên là lạo xạo sỏi đá. Tôi nhặt vài viên đá và ném mạnh ra xa, dù đã thử nhiều lần và dùng hết sức, hòn nào hòn nấy chỉ rơi xuống lạch cạch và dừng lại bên bờ mép nước. Quá xa, quá rộng, quá hùng tráng! còn con người thì quá nhỏ bé! Ngay cả con đường 318 mệnh danh là Quốc lộ Trung Hoa cũng chỉ như đường kẻ vạch trên tấm màn mênh mông bao bọc bởi trời nước núi non.

Năm xưa vương triều Nhã Lung hùng mạnh rời đô từ thung lũng Yarlung vùng Kham về Lhasa chắc chắn đã qua đây. Bao nhiêu người đã đến và bao nhiêu người sau này sẽ tới, liệu họ có như tôi cũng đứng trước sông và ngâm ngợi về quá khứ vị lai của mảnh đất này? Lý Nhuệ dành trăm trang sách Ngàn dặm không mây để viết về thôn Ngũ Nhân Bình “hai năm không mưa, nắng như thiêu đốt”; có ai đã viết cho nơi đây những lời công bằng? Mà nào có hề chi với dòng Nhã Lung hùng tráng, “Chảy đi sông ơi – Băn khoăn làm gì? – Rồi sông đãi hết – Anh hùng còn chi?”

Trở về vùng U, tôi đi thăm một nơi linh thiêng nằm trong Tứ đại hồ thiêng của người Tạng: thánh hồ Nam-tso. Nằm ở độ cao hơn 4700m, lại bao bọc bởi rặng Nyenchen Tanglha với đỉnh cao chạm trời 7162m, hồ Nam-tso rộng đến 1920 cây số vuông, gần gấp 3 lần quốc đảo Singapore! “Nhỏ” như Singapore tôi còn chưa có dịp đi hết, đứng trước hồ mà tôi tâm phục khẩu phục. Phải gọi nơi đây là biển! biển trời, biển nước, biển gió, biển mây, và may sao không phải biển người ^^

Phong vô tướng, vân vô thường, muốn cảm nhận hết vẻ đẹp và sự linh thiêng của Nam-tso đã là khó rồi, nói chi đến việc nắm bắt dáng hình đang trải dài trước mắt. Khuôn hình tôi có hạn, cảm nhận còn thô vụng, xin tặng lại Nam-tso vài phút giây ngày nắng đẹp tôi đến – một trong muôn ngàn vẻ đẹp khôn tả của chốn biển hồ trên núi, dằng dặc một khúc ca giữa bao la mây trời.

Kỷ niệm với Nam-tso trong tôi còn là buổi trưa rất vui giữa lều 1 gia đình người Tạng sát mép hồ, nơi tôi được thư thả cạn chén trà sữa bò Yak và ăn món sữa chua gia đình làm. Nồng lắm, đậm lắm, béo lắm, khó ăn lắm nhưng hãy ăn đi bởi biết đến bao giờ mới có dịp lên Tây Tạng chỉ để ngồi uống với nhau chén trà như thế?

Tôi rời Nam-tso khi ánh nắng vẫn chưa tắt trên mặt hồ. Cảnh hồ đẹp vô song nhưng tôi cầm lòng không bước xuống để chạm vào mặt nước. Có lẽ mai sau tôi sẽ luyến tiếc vì bỏ mất cơ hội đó, cũng có thể lắm bởi tôi vẫn tham-sân-si

Sang ngày thứ 9 của cuộc hành trình, tôi tạm biệt vùng U để trải nghiệm một điều thú vị khác: đi trên tuyến đường sắt độc đáo nối liền Tây Tạng và người anh em thuở trước: cao nguyên Thanh Hải. Có 2 điều tôi thích thú với đường sắt này, không phải ở những cái “nhất” đã được nghe liệt kê: một là tôi có dịp được ngắm phong cảnh giao thoa giữa ‘Tạng’ và ‘Thanh’ hay chính là vùng U với Amdo thuở trước; hai là tôi có thời gian ngồi chép lại đọc lại những điều dồn dập tôi đã thấy trong vài ngày trước mà cho dù chuẩn bị kỹ càng trước khi đi nhưng tôi không thể ngờ bức màn phía Tây lại che phủ quá nhiều điều lạ lẫm phải tai nghe mắt thấy mới thoả lòng.

Tàu hoả thì vẫn là tàu hoả, nhưng nếu nói thế mà bỏ qua cung đường này thì quả là đáng tiếc. Hãy thử tưởng tượng khi bạn đang yên vị trên tàu chạy băng băng giữa cao nguyên thì nhác thấy 1 đàn cừu con trắng con đen đang bê tha gặm cỏ, bạn vừa nâng máy lên chưa kịp chỉnh ống kính thì tàu chạy qua mất, tiếc lắm, giận lắm, lại chong mắt lên chờ đợi và mai phục, cứ thế bạn luôn tay bấm máy, thu hết những gì đẹp và không đẹp lộ qua khung cửa. Tôi dám cá rằng có những lộ trình đẹp mà trong đời bạn chỉ đi với số lần cực kỳ hữu hạn, đường sắt Thanh-Tạng là một trong số đó!

Trong một phút vô tình của những lúc chong mắt chờ đợi và mai phục đó, dãy Khả Khả Tây Lý chào tôi từ phía rất xa. Sẽ có ngày tôi tạ lỗi với Kekexili bằng những hình ảnh đầy đủ và sống động hơn thay lời chào vội vàng tối nay:

Hành trình càng thú vị thì thời gian như càng trôi nhanh hơn! Khi bóng tối đã buông, tôi cảm tưởng con tàu rất đơn độc, phóng băng băng một mình qua thảo nguyên lúc này đã rơi vào tĩnh mịch. Nhìn đồng hồ tôi giật mình khi thấy đã sang ngày mới, đây là lần duy nhất trong 11 ngày xuôi ngược mà tôi thức khuya đến thế. Một ngày đi qua, tôi đã ở trong địa phận Thanh Hải, và phía xa mặt trời cao nguyên đang lên dần với sắc đỏ dịu mắt khác với cái chói chang thường gặp ở Tây Tạng. Tôi không nhớ lần cuối tôi được nhìn thẳng vào mặt trời như thế này là dịp nào:

Ra đến Tây Ninh, Thanh Hải, tôi tưởng rằng những gì ấn tượng nhất đã qua và ngày cuối là lúc nghỉ ngơi thư giãn nhưng tôi đã nhầm! Một vùng đất tiếp giáp với Tân Cương, Tây Tạng, Cam Túc, Tứ Xuyên; là mái nhà chung của người Tạng, Hán, Hồi, Mông Cổ; là quê hương của những con sông lớn tầm thế giới như Hoàng Hà, Trường Giang, Mekong; cũng là nơi hơn 650 năm trước sinh ra tổ sư Hoàng Mạo Giáo và sau đó gần 600 năm lại đản sinh vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso. Nơi đây kỳ lạ và thâm nghiêm vượt xa tầm với của bất cứ ai!

Điểm đầu chúng tôi ghé thăm là hồ Thanh Hải rộng mênh mông, xếp hạng là hồ nước mặn lớn nhất trên đất liền của Trung Hoa. Tôi dám cược rằng sớm thôi người Tạng cũng sẽ mất tiền để vào khu vực này vì quanh hồ người ta đang hối hả xây dựng khu resort mang phong cách Tạng! chắc sẽ là khu resort đầu tiên trên thế giới mang phong cách này cũng nên! Điểm dừng thứ hai là tu viện Tháp Nhĩ nằm ở vùng Hoàng Trung, ngôi đạo tràng lớn nhất và quan trọng nhất của phái Cách Lỗ ở Thanh Hải và được mệnh danh là tiểu Potala của Tây Tạng.

Bóng cũ dáng xưa có phần mai một, tu viện Taer nay đã mấy trăm năm tuổi. Nền cũ nơi mẹ Tông Khách Ba dựng stupa cho Ngài gửi gắm vào đây bao nhiêu tình mẫu tử giờ được tôn tạo lớn hơn, đẹp hơn; câu chuyện xung quanh tuổi thơ và sự đản sinh khác thường của Ngài cũng được thêu dệt bóng bẩy hơn. Niềm tin tôn giáo vừa khiến tâm hồn người ta thảnh thơi hướng thiện nhưng cũng là cách sinh lợi cho nhiều người; âu là thuận thời thế thế thời phải thế.

Taer có đến 4 học viện với nội dung học thuật rộng lớn nhưng có vẻ việc Biện kinh tranh luận không được đề cao như trong Lhasa. Tăng sĩ trẻ có, già có, nhìn vừa gần gũi với đời, vừa xa rời lạc lõng. Nếu đem thước đo tiêu chuẩn của giới luật ngày xưa mà xét thì chắc là ngày nay chắc đã xé rào nhiều. Đúng là sự đời vần vũ như mây gió, đổi thời gian đổi cả không gian

Chỉ ở được Thanh Hải 1 ngày tôi đã phải nói lời chia tay và cũng là lúc tạm biệt Tây Tạng, mảnh đất rộng lớn linh thiêng. Thiên Lý Nhãn nhìn xa muôn dặm, liệu có thấy hết những núi cao vực sâu chốn này? Thuận Phong Nhĩ nghe ngoài nghìn trượng, liệu có rõ câu chú ngân nga trong nắng trong mưa và trong tim mỗi người dân Tạng? Gió mây sẽ lại đi về trên nóc nhà thế giới như tự ngàn năm nay vẫn chẳng đổi thay, sẽ tiếp tục thổi tung bay triệu triệu lá cờ ngũ sắc in kinh Phật giăng khắp cao nguyên. Trong lòng tôi tràn đầy xúc động và hạnh phúc bởi cũng có ngày tôi bắt kịp chính mình trong giấc mơ khi trước, bắt kịp mây gió để được một lần trong đời đặt chân đến nơi đây.

3. Ngày về

Tôi rời cao nguyên Thanh-Tạng trong đêm, sáng mai tôi sẽ trở lại với cuộc sống thường nhật ồn ào bận rộn. Sau này có dịp trở lại không biết cảm giác của tôi sẽ ra sao? Mừng vì lại được rong ruổi trên đường thiên lý thăm viếng cố nhân? Lo vì khi đó sức khoẻ và nhiệt tâm liệu còn mạnh mẽ? Buồn vì thời gian tuy trôi nhanh nhưng chưa bằng những biến thiên đa cực cuồn cuộn trong lòng Tuyết Quốc? hay tôi sẽ sợ vì không dám đối mặt với một Tây Tạng quá mới mẻ? Tôi vừa thu được và vừa đánh mất mười một ngày! Có hề gì đâu? Thời gian và mảnh đất này thật là hào phóng. Tây Tạng của ngày hôm qua, hôm nay, và mai sau sẽ luôn hào phóng như thế, dang tay chào đón những ai muốn đến đây để chiêm bái sự hùng vĩ của thiên nhiên hoà quyện với cái đẹp tâm linh của nền Phật giáo Đại thừa Mật tông thâm hậu, dẫu biết rằng vạn vật trên đời không ra khỏi vòng sinh-diệt-tái sinh. Với cuộc đời này, với sự hào phóng ấy, phải sống nhanh lên, có ích hơn, và không chờ gì cả. Có lẽ ngày xưa chính là các Ngài sống thế!

Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình về Tuyết Quốc, người trẻ thì háo hức, người già thì trầm ngâm. Có người hỏi vì sao tôi có nhiều đam mê với mảnh đất Tây Tạng và văn hoá nơi đây đến thế? Tôi đồ rằng kẻ ngoại đạo như tôi giống tấm vải trắng dễ ăn thuốc nhuộm, hiểu biết hạn hẹp của tôi giống cốc nước vơi rất dễ đong đầy; nên khi vén mây bước vào thế giới siêu thực này, tôi đã được thoả lòng mong đợi ^^

Giữa bầu trời lịch sử, ấy muôn triệu ánh sao
Trong dân gian vạn thưở, ấy muôn triệu đoá hoa!

Hôm tôi ở Singapore trời cũng nắng, nhưng là cái nắng “điều hoà”, một thứ nắng xoàng.

Câu chuyện tôi kể các bạn nghe đến đây là hết.

Tây Tạng Du Ký – Ngày 11: Taer Monastery

Sáng ngày 11 chúng tôi dậy không vội vã, hôm nay là ngày cuối trên chuyến hành trình ghé thăm cao nguyên 🙂 Sau khi ăn sáng, cả đoàn rời khách sạn để đi thăm tu viện Hoàng Giáo lớn nhất Thanh Hải: Taer Monastery, nằm ở thị trấn Hoàng Trung (Huangzhong) cách Tây Ninh 26km về phía tây nam. Trời Thanh Hải hôm nay vẫn nhiều mây, không khí se se lạnh tựa như đầu thu! Xe bon bon chạy, cô hướng dẫn viên du lịch người gốc Thành Đô say sưa kể truyện về mảnh đất Thanh Hải và địa danh mà chúng tôi sắp ghé thăm …

1. Lan man lúc chạy xe:

Phật giáo Đại thừa Mật tông Tây Tạng sở dĩ đạt được những thành tựu rực rỡ như ngày nay là trải qua quá trình tôi luyện hun đúc chọn lọc nghìn đời mỗi khi nhắc đến người ta không thể quên những cái tên huyền thoại theo dòng thời gian. Trong đó nổi bật lên 1 nhà cải cách lỗi lạc, người đã có công xiển dương Phật giáo, hợp nhất Tăng chúng, vạch lại con đường tu học nghiêm cẩn, để từ đó xây dựng tông giáo lớn nhất cao nguyên Thanh-Tạng. Không ai khác chính là đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa), sư tổ của phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect). Người đời sau đến thăm Tây Tạng thường ghé những tu viện lớn như Cách Đăng (Ganden Monastery), Sắc Nhạ (Sera Monastery), Triết Phong (Deprung Monastery), Trát Thập Luân Bố (Tashilhunpo); những nơi này luôn có các gian điện thờ vinh danh ông. Bài viết hôm nay xin đưa bạn đọc xuôi ngàn cây số về lại 1 tu viện khác xa xôi hơn nằm trong vùng Thanh Hải, tu viện Tháp Nhĩ (Taer Monastery), để tìm hiểu về một giai đoạn khác của cuộc đời Tông Khách Ba – những tháng năm niên thiếu.

Đại sư Tông Khách Ba sinh năm 1357 ở vùng Tông Khách, Thanh Hải, Tây Tạng và được tin là hoá thân của trí huệ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri); khi đó nhắm vào thời nhà Nguyên đang chiếm quan nội, còn Phật giáo Tây Tạng đang trong giai đoạn kết thân chính trị với hoàng tộc. Lúc đản sinh ngài Tông Khách Ba cũng có nhiều truyện dị thường được chép lại. Trong lúc đậu thai 9 tháng, rất nhiều điềm lành xuất hiện trong nhà và quanh vùng. Ngày 28/10/1357, khi hư không thanh tịnh an lành thì ngài hạ sanh, tướng mạo lọt lòng đã an nhiên phi phàm, dự báo sau này sẽ có cơ duyên hộ trì Phật pháp làm lợi chúng sinh.

Đoạn nhau thai mẹ ngài đem chôn xuống đất, từ đó mọc lên một tàng cây lớn xum xuê 10 nghìn lá mà mỗi lá đều có chữ Văn Thù, nên người quanh vùng đều rất kính trọng gọi đó là cây Cổ Lai Chiên Đàn (tức là cây có trăm ngàn tượng Phật). Hàng năm mùa thu lá rụng, người hành hương đến đây đều nhặt lá cây đem về. Du khách ngày nay đến Thanh Hải thăm tu viện Taer cũng sẽ gặp cây này trong khuôn viên. Tương truyền con số 10 nghìn lá của cây Chiên Đàn chính là khởi nguồn của việc làm 10,000 lần nghi lễ Ngũ thể nhập địa của Tăng chúng và người mộ đạo sau này 🙂

Lên 17 tuổi, năm 1373, Tông Khách Ba rời quê nhà để vào Lạp Sát (Lhasa) tu học, từ đó mở đầu giai đoạn ngài bắt đầu lãnh giáo những tinh hoa của tông phái Phật giáo Tây Tạng khi đó gồm cả Ninh Mã (Nyingma Sect), Ca Nhĩ Cư (Kagyupa Sect), và Tát Ca (Sakya Sect). Mẹ ngài khi cuối đời có viết thư nhắn gọi Tông Khách Ba về, nhưng vì đường xá xa cách, lại vướng việc học và truyền đạo mà ngài không về được. Tông Khách Ba đã hoạ hình mình trong tranh rồi gửi về cho mẹ an tâm. Đồng thời trong thư gửi mẹ, ngài viết: “… con nay ở xa không về được quê nhà, xin mẹ dựng cho con 1 bảo tháp, thân không về được nhưng lòng hướng về …”. Gia đình ông y lời đã cho xây 1 stupa ngay cạnh khuôn viên tán cây Chiên Đàn. Mẹ ông mất mà không kịp gặp mặt con, cũng chưa kịp nhìn thấy những thành tựu lớn lao mà con trai bà dùng cả cuộc đời mình gây dựng được cho Phật giáo Tây Tạng. Còn đại sư cũng viên tịch vào năm 1419. Đúng 200 năm sau ngày sinh của Tông Khách Ba, năm 1557, chúng giáo tăng ni đệ tử môn đồ của Hoàng Giáo do con trai bà kiến lập uống nước nhớ nguồn đã trở lại Thanh Hải, dựng lên trên nền đất cũ một tu viện lớn bao bọc ngoài stupa xưa. Đó chính là tu viện Tháp Nhĩ (Taer Monastery), 1 trong 6 ngôi đại tùng lâm quan trọng của Cách Lỗ tông trên toàn Tây Tạng. Tên tu viện theo tiếng Tạng có nghĩa là stupa có trước, tu viện xây sau, độc đáo duy nhất khác hẳn phong cách mọi tu viện khác (thường xây tu viện xong mới dựng các stupa bên trong). Ngoài ra do sự tích cây 10,000 lá trong tu viện mà nơi đây còn có tên là Thập Vạn Phật (Kumbum Monastery).

Nhiều trăm năm sau, du khách đến Thanh Hải vẫn được nghe kể lại câu chuyện xúc động này, lại được đưa vào khuôn viên tu viện để xem cây Chiên Đàn (vẫn xanh tốt cho đến ngày nay) và chiêm bái stupa cổ mà mẹ Tông Khách Ba đã cho dựng để gửi gắm tấm lòng của người con xa xứ, càng thêm ngưỡng mộ bề dày văn hoá tâm linh của người Tạng trải bao thế hệ vẫn rực rỡ mê đắm vượt trên thách thức của thời gian 🙂

2. Tu viện Tháp Nhĩ:

Câu chuyện trên tham khảo nguồn từ Đại tạng kinh Việt Nam, Vạn Phật Đảnh, và dựa theo lời kể của hướng dẫn viên du lịch ở Thanh Hải mà kính bút chép ghi; mọi sơ sót ngoài ý muốn mong được bạn đọc lượng thứ. Lan man kể cũng đã dài, xin gửi bạn đọc vài hình ảnh của tu viện này.

Cổng vào chánh Đông của tu viện Taer Monastery:

Bước vào khuôn viên tu viện, du khách có thể dễ dàng nhận ra sự pha trộn phong cách Hán-Tạng rõ rệt trong bố cục và màu sắc toàn viện.

Từ giữa sân lớn của tu viện có thể thấy trước mặt là tháp mái vàng của Hộ Pháp Điện (Dharma Protector Temple):

Đối diện Hộ Pháp Điện là cửa vào lớn của tu viện, nhưng không thấy du khách qua lại, có lẽ đang trong quá trình tu sửa. Đây cũng là chỗ mua vé để vào thăm các điện thờ trong khuôn viên Taer Monastery. Vé vào cửa in đẹp và bên trong là đĩa CD loại nhỏ chứa các thông tin giới thiệu về tu viện ^^

Phía bên phải của sân là Như Lai Bát Tháp (8 Great Stupas) linh thiêng của người Tạng. Người hành hương đến đây đều bái lạy các stupa này trước khi đi vào thăm các khu điện:

Đây là 1 quần thể đầy đủ cả 8 stupa trong tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng kể lại những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Lịch sử Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni). Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ, một trong những kiến thúc stupa quen thuộc này (tháp muôn cửa – stupa of many doors) đã được người Tạng áp dụng tài tình để dựng lên cả 1 tháp lớn giữa trấn Gyantse vùng Tsang và cũng có tên là Thập Vạn Phật tháp (Kumbum, Palkhor Chode Monastery)

Nhác trông màu sắc tô điểm trên stupa có thể nhận thấy các tháp này đều được sơn sửa lại thường xuyên:

Phía xa là cổng vào chánh Tây của tu viện nằm ngay dưới khối 3 stupa trắng, giờ là bãi đậu xe riêng của khách đến thăm tu viện:

Theo đường xi măng sạch sẽ, chúng tôi bắt đầu đi vào khu điện đầu tiên: Hộ Pháp Điện, nơi có mural và tượng thờ của các vị Thiên Vương và hộ pháp nhà Phật. Điện này còn được biết đến với tên Tiểu Kim Ngoã Điện (Lesser Hall of Golden Roof):

Ở cửa vào mỗi điện là máy đọc thẻ, du khách dùng chính vé vào cửa để đưa qua máy quét trước khi vào, phương thức này khá hiện đại và là lần đầu tiên chúng tôi gặp khi đi du lịch Tây Tạng 😀 Việc chụp ảnh bên trong mỗi toà điện của tu viện Taer bị cấm rất ngặt nên hầu như ít ai có ảnh chụp kiến trúc bên trong của mỗi điện (>_<). Trên bốn phía tường bao của Tiểu Kim Ngoã Điện có treo rất nhiều đầu bò, linh dương, ngựa trắng được bảo quản tốt theo thời gian, không rõ bí quyết nhồi thú của người Tạng như thế nào mà các con vật này nhìn đều thật và sống động!

Ra khỏi Tiểu Kim Ngoã Điện là đường sang khu điện thứ hai, nơi thờ phụng mẹ của ngài Tông Khách Ba mà người hành hương tìm đến để bày tỏ lòng thành kính. Trên đường du khách sẽ bắt gặp stupa Niết bàn (Stupa of Nirvana) – stupa duy nhất trong Như Lai Bát Tháp không có 4 tầng Tứ diệu đế ở đáy, tượng trưng cho sự viên mãn tu thành chánh quả:

Du khách tranh thủ chụp ảnh với kinh luân đồng lớn ngay dưới chân stupa:

Bên trong khu điện thứ 2, chúng tôi bắt gặp tảng đá dựng ngay giữa vườn, tương truyền là phiến đá mà mẹ đại sư Tông Khách Ba thường dựa vào khi có mang ngài. Trên phiến đá bóng nhẫy dính chi chít các đồng tiền xu và tiền giấy của khách thập phương, hỏi ra mới biết người dân nơi đây đã bôi rất nhiều mỡ bò Yak lên đá, nhờ thế mà tiền cúng có thể dính vào được 😀

Vì không được chụp ảnh, chúng tôi bái lạy các tượng thờ rồi nhanh chóng ra khỏi điện, điểm đến tiếp theo là Đại Kim Ngoã Điện (Great Hall of Golden Roof). Một vài hình ảnh khi đi bộ trong tu viện:

Khi đi qua khu học viện của Taer Monastery, chúng tôi bắt gặp những nhà sư còn rất trẻ trong màu áo tu đỏ thắm với túi da, điện thoại, giày tây … Được biết có tổng cộng 4 học viện lớn: Hiển Tông học viện, Mật tông học viện, Thời luân học viện, và Y học viện nằm rải rác trong khuôn viên:

Trước khi bước đến khu Đại Kim Ngoã Điện, cũng là khu vực trung tâm của toàn tu viện, du khách sẽ đi qua sân rộng của Đại Kinh Đường (Great Hall of Meditation), nơi có rất nhiều các nhà sư trẻ và người Tạng đang làm lễ ngũ thể nhập đia:

Quy mô Đại Kinh Đường cực lớn, kiến trúc nổi bật phong cách Tây Tạng với những biểu tượng cát tường Phật giáo bằng vàng rực rỡ trên nóc:

Là cờ cuộn Phật giáo (Dhvaja):

Bánh xe Pháp (Dharma Whee) và cặp hươu vàng chính giữa nóc điện:

Bên trong Đại Kinh Đường khá tối nhưng du khách vẫn cảm nhận được sự hoành tráng toát lên từ bốn phía điện, trên các kệ là hàng nghìn tượng Phật nhỏ soi sáng bởi 1000 ngọn đèn mỡ bò Yak đặt dọc theo tường thờ phụng mỗi vị. Chính giữa điện là bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) lớn, bên cạnh là tượng thờ của Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9 và thứ 11 – một nét tương đồng với tu viện Tashilhunpo ở Shigatse! Ra khỏi Đại Kinh Đường, du khách sẽ theo cửa hông để đi sang các khu điện đằng sau:

Phía sau Đại Kinh Đường là quần thể quan trọng nhất của tu viện Tháp Nhĩ bao gồm 4 khu vực: Bếp lớn (The Great Kitchens) bên trong có 3 vạc đồng để nấu ăn cho Tăng chúng — gian này không mở cửa cho du khách tham quan, điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), điện thờ Phật tương lai Di Lặc Bồ Tát (Future Buddha Maitreya), và quan trọng nhất chính là Đại Kim Ngoã Điện (Great Hall of the Golden Roof) ^^ 4 khu này quần tụ xung quanh cây Cổ Lai Chiên Đàn nằm ngay trước Đại Kim Ngoã Điện. Du khách ai cũng thích thú không gian rực rỡ của khu vực này nhưng đáng tiếc không ai được chụp ảnh 😦

Cây Cổ Lai Chiên Đàn vẫn xanh um giữa sân và được quây bảo vệ bởi hàng rào gỗ thấp, người Tây Tạng làm lễ bái lạy ở đây rất đông. Dọc theo các bức tường trong khuôn viên là những chiếc kinh luân cổ kích thước to như người thật quay trên những giá gỗ đen nhánh bóng nhẫy dấu tay. Phía trên nóc Đại Kim Ngoã Điện là mái vàng rực rỡ, bên trong điện là stupa mà mẹ Tông Khách Ba đã xây cho ngài năm xưa. Qua thời gian được trùng tu nâng cấp, tháp nay phủ bạc cao đến 11m. Bước vào trong điện, chúng tôi trật tự dò từng bước đến dưới chân stupa để ngẩng đầu chiêm bái Phật tích quý giá nhất Thanh Hải, trong đầu vẫn ngân nga câu nói của người khai tông lập phái Hoàng Mạo Giáo viết thư gửi mẹ … “thân không về được, nhưng lòng hướng về” … vậy mà đã hơn 500 năm rồi đấy! Cầm lòng không chụp ảnh, chúng tôi rời khỏi Đại Kim Ngoã Điện, tiếp tục con đường leo ngược dốc của tu viện Taer đi sang khu tiếp theo.

Tuy xây dọc theo sườn núi, tu viện Taer không quá dốc, đường đá rộng rãi và thoải mái, chính phủ Trung Quốc chắc đã đổ vào đây rất nhiều tiền để tôn tạo và quy hoạch qua nhiều thời kỳ:

Khu điện cuối cùng chúng tôi ghé thăm thực ra là gian trưng bày độc đáo chỉ có ở Thanh Hải: tượng làm bằng bơ bò Yak (Hall of Butter Sculptures), vốn là 1 nghệ thuật tự hào của các nghệ nhân tăng sĩ trong tu viện Taer nổi danh toàn vùng Thanh-Tạng từ thế kỷ 16 đến nay:

Được biết các nghệ nhân này đều phải bỏ ra nhiều tháng công sức để nhào nặn và làm thành các bức tượng để kịp tham dự Tibetan Butter Sculpture Festival (diễn ra trung tuần tháng 2 hàng năm) và tuỳ theo chủ đề của mỗi năm mà sẽ có những tượng hay bức hoạ dạng lớn được làm, ví dụ làm tượng đại sư Tông Khách Ba, tượng Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, hay câu chuyện Văn Thành công chúa vào Tây Tạng … Chủ đề năm nay là Phật tương lai Di Lặc (Future Buddha Maitreya). Vì không được chụp ảnh trong gian điện nên mượn tạm 1 tấm trên mạng để bạn đọc hình dung rõ ràng hơn về công phu và tầm vóc các bức tượng làm hoàn toàn từ bơ bò Yak với độ chinh xác và tinh tế bất ngờ:

Ngay phía sau bức tượng này sẽ là bức tượng đã tham gia dự thi năm ngoái 😀 cả 2 bức tượng đều đươc đặt trong lồng kính giữ lạnh khi chúng tôi đến thăm, để chống chọi với cái nắng ngày hè có thể làm chảy các tác phẩm.

Rời khỏi Sculpture Hall, chúng tôi theo con dốc thoải trở ra ngoài cổng, tranh thủ ghi lại những khoảng khắc trước khi rời tu viện Tháp Nhĩ:

Và những mái vàng lấp lánh bên trong tu viện:

Tạm biệt tu viện Tháp Nhĩ và câu chuyện về tuổi thơ của đại sư Tông Khách Ba, chúng tôi ai cũng tấm tắc vì đã có dịp hiểu thêm những điểm độc đáo của vùng Thanh Hải mà trước giờ ít nghe nhắc đến 🙂 Ra đến cổng chánh Đông tu viện, chúng tôi tranh thủ đi dạo nhâm nhi món khoai nướng trước khi theo xe nhắm hướng sân bay trực chỉ:

Từ sân bay Tây Ninh, chúng tôi đáp chuyến bay chiều đi Thành Đô và ngay trong đêm đó bay ra khỏi Tứ Xuyên, tạm biệt Trung Hoa và cũng là kết thúc chuyến đi khám phá phía Tây lần này 🙂 Ngồi trên máy bay chúng tôi vẫn còn ngâm ngợi mãi, nhìn biểu tượng in trên tờ tiền 50 RMB mà không khỏi bâng khuâng về 1 miền đất vừa thật gần không thể tách rời vừa xa xôi như là ảo mộng …

Chuyến bay đêm ai cũng đã say ngủ, nhưng tôi biết có những đôi mắt vẫn mở chong chong nhìn đèn tín hiệu chớp ngoài cánh máy bay trong mây mù giữa lưng chừng trời, hay bởi lòng vẫn còn đau đáu về những điều tuyệt diệu được thấy qua ở phía dưới kia … cao vài nghìn mét trên mặt nước biển, xa trong dãy Hi Mã Lạp Sơn, sâu giữa những hồ nước lớn và rừng cây … một bức tranh Phật giáo tuyệt luân toàn cảnh vẫn trường tồn qua không thời gian … Bài viết ngày 11 đến đây là kết thúc, xin hẹn bạn đọc trong bài cuối – Khúc vĩ thanh Tây Tạng.

Tây Tạng Du Ký – Ngày 1: Thành Đô

Chuyến bay của AirChina chặng Singapore – Chengdu (Thành Đô) khởi hành 2h sáng đưa người viết đến với Thiên phủ chi quốc lần thứ hai ♥ Nếu như lần đầu “Bắc tiến” đã có dịp thưởng ngoạn Thành Đô trong ngày đông tháng giá thì lần này là trải nghiệm hoàn toàn mới giữa kinh đô đất Thục Hán mùa hè ^^

Changi Airport, trong lúc chờ bay:

Đúng như dự đoán khi đặt chân xuống sân bay Song Lưu (Shuangliu Airport), ngay cả giữa tháng hè nóng nực Thành Đô vẫn có bầu không khí dịu mát dễ chịu, trời nhiều sương và hiếm nắng, nhiệt độ trung bình ngoài trời ở khoảng 13-17 độ! Vì chỉ có 1 ngày ở Thành Đô trước khi bay đi Nyingchi (cực Đông của Tây Tạng) ngày hôm sau, người viết dành thời gian sáng đi thăm Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), ăn trưa nhẹ với ẩm thực Tứ Xuyên (Sichuan), chiều ghé thăm Miếu Văn Thù (Wenshu temple) để ngoạn cảnh và uống trà, tối đi xem Xuyên kịch (Sichuan Opera)

1. Vọng Giang Lầu:

Xây dựng từ năm 1889 trên diện tích rộng hơn 120,000 m2 bên cạnh bờ sông Cẩm Giang (Jinjiang River) phía Tây kinh thành, Vọng Giang Lầu (Wangjianglou) nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều loại tre trúc nhất của Thành Đô (bamboo park), cũng là nơi tưởng nhớ nữ sĩ Tiết Đào (Xue Tao) thời Đường. Cũng giống như Vũ Hầu Tự (Wuhou Temple) và Thảo đường Đỗ Phủ (Du Fu Thatched Cottage), Vọng Giang Lầu thường là điểm đến của khách phương xa muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Thành Đô.

Đường vào Vọng Giang Lầu lúc sáng sớm tinh mơ:

Nhớ câu thơ Đỗ Phủ viết trong bài Đăng Lâu (Lên lầu) khi mới về Thành Đô:
Cẩm giang xuân sắc lai thiên địa
Ngọc Lũy phù vân biến cổ kim

(Sông Cẩm đang xuân giữa trời đất
Ðĩnh Ngọc mây vờn nối trước sau)
Tuy không nhằm vào tiết xuân nhưng không khí ban mai trong Vọng Giang Lầu rất sảng khoái trong trẻo, cây cối đường đi dọc bờ sông tươi tốt xanh um:

Uống trà, ngắm sông:

Rất dễ nhận ra người dân Thành Đô ở các góc nhỏ trong công viên đang tập thể dục buổi sáng:

Công viên Vọng Giang Lầu quy tụ hơn 150 loại tre trúc đa dạng, cũng là nguồn thức ăn tốt cho Gấu trúc Thành Đô (trung bình mỗi con hàng ngày ăn từ 20-30kg lá và cành tre trúc non) 😀

Như đã nhắc đến ở trên, Vọng Giang Lầu còn được xây để tưởng nhớ nữ danh kĩ thời Đường Tiết Đào (Xue Tao) (768-831); bà không những xinh đẹp mà còn rất giỏi thi từ ca phú, từng là bạn xướng hoạ với nhiều thi nhân nổi tiếng như Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn. Giai thoại kể Nguyên Chẩn vì mến mộ tài năng thi phú và nhan sắc của bà đã làm thơ rằng:
Cẩm Giang hoạt nhị Nga My tú,
Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.

(Núi sông đất Thục trời cho đẹp,
Sinh được Văn Quân với Tiết Đào) — “Văn Quân” ở đây chỉ Trác Văn Quân – vợ của Tư Mã Tương Như.

Bức tượng trắng của Tiết Đào có thể nhìn thấy bên trong Vọng Giang Lầu:

Ra về khỏi công viên Wangjianglou, trời đã sang trưa nhưng mặt trời vẫn chưa “mọc”, Thành Đô chìm trong sương nhẹ và mát mẻ, người viết ăn trưa bằng các món ẩm thực địa phương phong cách Tứ Xuyên (ít nhất phải 12 đĩa cho mỗi người, phần lớn là vị cay) 😀

2. Miếu Văn Thù:

Sau bữa trưa ‘đạm bạc’, người viết tản bộ nhắm hướng miếu Văn Thù Bồ Tát (Wenshu Temple), mục đích là vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức thú nhàn tản uống trà của người xứ này – vốn đã nổi danh khắp chốn ^^ Giá vào cổng chỉ có 5 RMB/người nhưng không gian bên trong Văn Thù Viện thì cực kỳ khoáng đạt, kiến trúc mang màu sắc hoành tráng thời Đường, xứng là viện Phật giáo đẹp nhất của Thành Đô 🙂

Đoạn đường trước khi đến Miếu Văn Thù:

Bên trong Miếu Văn Thù, khu Chính điện:

Vạn Phật Lạc Tự (Peace Pagoda of A Thousand Buddhas) là công trình mới xây bên trong miếu Văn Thù. Chùa ở dạng hình tháp cao 11 tầng (tổng cộng 22m) với mái lục giác, mỗi đầu cong của mái đều có treo chuông vàng đón gió:

Phía sau miếu là 3 phân khu: nhà hàng ăn chay Wenshu, quán trà (tea house) và thư viện Phật giáo. Đường đi bên trong rợp bóng cây xanh, không khí rất trong lành làm du khách có cảm giác nhàn tản lười biếng 😀

Đệ nhất danh trà – quán trà nổi tiếng của Thành Đô nằm ngay bên cạnh nhà hàng chay bên trong miếu Văn Thù

^^

Đặt chân vào đây, người ta khó có thể hình dung được Thành Đô lại là 1 trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất Trung Hoa với dân số 4 triệu người (gần bằng dân số toàn Singapore); lý do thật đơn giản bởi bên trong quán là không khí thưởng trà tao nhã, thảnh thơi, ai cũng như thu mình lại trong ốc đảo mù sương để chậm rãi nhâm nhi ly trà nóng.

– Người Thành Đô làm gì trong quán trà?
– Ngủ, nghỉ, đợi, đọc, chuyện trò, chơi, ngoáy tai, chụp ảnh … và tất nhiên là uống trà ^^

Người viết cũng chọn 1 góc nhỏ ngồi vừa uống trà vừa “bắn tỉa”. Mối chén trà có giá 15 RMB, sau khi khách tự chọn loại trà và ngồi vào bàn, sẽ có người của quán đến châm nước nóng và sẽ liên tục đi qua đi lại để châm 😀 trừ khi khách uống no bụng nước và đậy nắp chén trà!

Trà Thành Đô vừa thơm mùi vừa ngọt miệng, nước nóng bốc hơi nghi ngút, cánh trà đều tăm nổi bồng bềnh … uống xong ngẩng lên thì trời đã về chiều, phong cách “Starbucks” Thành Đô này quả là làm người ta nhất thời quên đi không-thời gian; một khoảng lặng dễ chịu trước ngày lên đường đi về phía Tây hứa hẹn không phút nào ngơi nghỉ ^^

Ra khỏi Đệ nhất danh trà quán, khách tham quan sẽ gặp tiếp thư viện Phật giáo rất lớn và đẹp của miếu Văn Thù:

Rời bước khỏi miếu Văn Thù, người viết men theo các con phố nhỏ của Thành Đô để về khách sạn. Nơi đây vẫn vậy, hè cũng như đông, phố phường sạch đẹp, ngăn nắp, và đấy màu sắc ❗ Vài hình ảnh sinh hoạt lúc sắp lên đèn:

3. Xuyên kịch:

Sau bữa tối thịnh soạn, người viết quyết định dành ra buổi tối để đi xem Xuyên kịch (Sichuan Opera) – hình thức ca vũ diễn tuồng sân khấu cổ lâu đời nổi tiếng của vùng Tứ Xuyên. Điểm đến: hý phường Shufeng Yayun, nằm ở Culture Park (gần Vũ Hầu Tự và Thảo đường Đỗ Phủ). Giá vé: 180 RMB/người.

Lúc này phố phường Thành Đô đã lên đèn:

Ca vũ kịch (hí kịch) Trung Hoa có nguồn gốc lâu đời, bắt nguồn trong dân gian với các màn nhào lộn, xiếc, hoạt kê, trào lộng. Sau này hí kịch được ưa thích ở các nơi cung đình, được phát triển và nâng lên tầm cao mới vào các đời nhà Đường, Tống, Nguyên, Thanh. Hí kịch Trung Hoa không chỉ phản ánh cái nhìn vào đời sống thực tại mà còn dựng lại các câu chuyện xưa, tích dã sử, truyện chính sử. Phục trang của mỗi vùng miền kết hợp với giọng ca điệu vũ càng làm phong phú thêm hình thức sân khấu cổ này. Ở Bắc Kinh, người ta gọi nó là Kinh Kịch, rồi lần lượt ra đời Xuyên Kịch vùng Tứ Xuyên, Tương Kịch vùng Tương Dương, Huy Kịch vùng An Huy …

Người viết vì đến hý phường sớm nên tiện dịp dạo qua hậu trường xem các diễn viên trang điểm. Bên trong hý phường cũng có gian hàng bán đồ lưu niệm nhưng giá cả không rẻ chút nào 😀


Khu vực sân khấu khá rộng rãi, khách xem kịch có thể vừa thưởng thức các màn trình diễn, vừa nhâm nhi trà nóng và lạc rang 😀

Xuyên kịch bao gồm rất nhiều màn diễn, mở đầu là màn cổ nhạc Naotai dùng các nhạc cụ dân tộc, sau là trích đoạn Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Phục trang và diễn xuất các diễn viên rất trơn tru điêu luyện, âm thanh và đạo cụ cũng được chuẩn bị công phu, duy có điều là lời thoại tiếng Trung 😀


Tiết mục thứ 3 là múa rối que (stick puppet show), điểm độc đáo là con rối sẽ được đổi mặt (puppet face changing) và thổi ra lửa (spitting fire):

Tiết mục thứ 4 là tích Bao Công xử án:

Tiết mục thứ 5 là màn múa bóng (hand-shadow show) khá độc đáo, người nghệ sĩ sử dụng cả hai tay kết hợp với đầu để tạo hình sinh động các con thú như chó, thỏ, ngựa, thiên nga, bồ câu, cú … được khán giả tán thưởng nhiệt liệt 😀

Tiết mục thứ 6 là độc tấu kèn Suona (Suona solo) – 1 loại kèn dân tộc của Trung Quốc dùng để giả tiếng các loài chim rừng. Màn trình diễn mới trông đơn giản nhưng rất nhọc sức, bác nghệ sĩ thổi và giả tiếng chim xong mồ hôi toát đầm đìa 😀

Tiết mục thứ 7 kể chuyện hài nhà kia vợ dạy chồng (Rolling Light) cũng tương tự như chuyện chàng Đậu nước Việt vậy, ông chồng bị phạt phải đội ngọn đèn dầu vừa múa vừa chui gầm ghế mà không được đánh đổ hay lằm tắt lửa:

Tiết mục thứ 8 là đổi trang phục (Costumes Changing): sau mỗi lần phất cờ hoặc xoay người trong tích tắc, không chỉ mặt nạ và cả phục trang của người diễn cũng được thay đổi, người xem không ai kịp nhận ra tiểu xảo này được thực hiện ra sao nên chỉ biết vỗ tay thích thú ^^


Tiết mục cuối cùng cũng là tiết mục được trông đợi nhất – múa đổi mặt và thổi lửa (faces changing and spitting fire), lúc này cả đoàn diễn viên tiến ra sân khấu và thể hiện tuyệt kỹ đổi mặt nạ theo từng nhịp múa. Cho đến nay vẫn ít người biết rõ về xảo thuật này của vùng Tứ Xuyên, nhờ thế múa đổi mặt trong các vở tuồng Tứ Xuyên được coi là độc đáo duy nhất không có nơi nào khác làm được



Tiết mục hoành tráng cuối cùng kết thúc đêm diễn sôi động kéo dài 90 phút của Xuyên kịch, du khách ra về còn được tặng 1 bộ bookmark lưu niệm nhỏ đẹp của hý phường có tạo hình các nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc như Tào Tháo, Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng … Tuy giá cả không rẻ nhưng màn diễn sân khấu cổ nhạc Tứ Xuyên quả là đáng để thử 1 lần cho khách phương xa khi đến Thành Đô 🙂

Thiên phủ chi quốc lúc này đã tối hẳn và mưa lâm thâm (khác xa so với các vùng ở Tây Tạng – sẽ được nói rõ ở các bài tiếp theo). Người viết trở về khách sạn gói ghém đồ đạc và ngủ sớm lấy sức cho ngày 2 thực sự tiến vào các vùng đất phía Tây. Tạm biệt cố đô Thục Hán, nhất định sẽ còn dịp ghé lại ốc đảo sương mù này trong những lần đáo Trung Hoa tới đây 😀

Tây Tạng Du Ký – Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm …

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này … Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là chốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta – Có là Thái tử mới là Như Lai

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^


(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

– Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
– Ngày 2 và 3: bay Thành Đô – Nyingchi, khám phá mảnh đất ‘thiên đường xanh’ cực Đông của Tây Tạng.
– Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
– Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
– Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse – thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
– Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera – 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
– Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
– Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
– Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) – hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
– Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta’er (Ta’er Monastery) – tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến “Bắc tiến” thứ hai (Lần 1) ^^

… Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 …

Trung Hoa Du Ký – Ngày 7: đáo Tứ Xuyên

Ngày 7: về lại Thành Đô, kết thúc hành trình

IMG_8313

Sáng ngày thứ 7 gió lạnh trời trong, sau khi thức dậy và ăn sáng, người viết theo đoàn du lịch Trung Quốc lên xe rời Cửu Trại, lúc này mới có dịp ngắm con đường từ Cửu Trại Câu ra sân bay Cửu Trại Hoàng Long (Jiuzhai Huanglong Airport). Vùng phụ cận Cửu Trại cũng gọn gàng và sạch sẽ y hệt bên trong thung lũng vậy, trên đường đi nhìn thấy rất nhiều các khu nhà nghỉ đang được xây dựng, Trung Quốc đúng là đã bỏ rất nhiều tiền vào việc quy hoạch và cải tạo nơi đây, ý chừng chắc định mở rộng Cửu Trại Câu trong tương lai 😀 Xe dừng tổng cộng 3 lần, hóa ra là để đưa khách vào các khu buôn bán, đúng là phong cách của tour :mrgreen: Lần dừng thứ nhất là chỗ bán đủ các loại đồ trang sức bằng ngọc, đá, hổ phách … giá từ vài trăm RMB đến vài trăm nghìn RMB, đẹp và đa dạng thì đúng, nhưng mà đắt kinh người 😀 Lần dừng thứ hai là nơi bán dược thảo vốn được trồng trực tiếp trong vùng núi Cửu Trại, vị loại phong phú; khách du lịch Trung Quốc xem ra đã có kinh nghiệm nên mua khá nhiều. Lần dừng cuối là để du khách mua đặc sản thịt bò cao nguyên, chỗ này có vẻ giá rẻ nên ai cũng mua làm quà ^^

Đến trưa thì xe buýt đến nơi, sân bay Cửu Trại Hoàng Long nằm giữa lòng núi biệt lập, phong quang vắng vẻ quạnh quẽ chẳng kém gì lúc nửa đêm:
IMG_6466
IMG_6469
IMG_6471

Chuyến bay của China Southern Airlines khởi hành sớm, chưa kịp ngồi nóng ghế đã hạ cánh xuống Thành Đô. Từ sân bay về, người viết đi taxi đến thăm Vũ Hầu Tự (Wuhou Temple). Đền Gia Cát Vũ Hầu (Zhuge Liang) nằm ở rìa ngoài trung tâm thành phố, khoảng 30 phút chạy xe từ sân bay. Nơi đây thờ Khổng Minh, vị quân sư lỗi lạc của nhà Thục thời Tam Quốc. Đền được xây vào năm 223 sau Công nguyên, là một trong những đền thờ lâu đời nhất của Thành Đô, giá vé vào cửa: 50 RMB/người
IMG_8241

Cấu trúc đền chia làm 3 gian: gian ngoài thờ Thục chúa Lưu Bị, gian giữa thờ Khổng Minh, và gian cuối thờ 3 anh em Lưu – Quan – Trương, phía sau đền là khu hậu viên bán đồ lưu niệm và cửa sau thông ra phố cổ Jin Li. Ngoài ra bên trong đền còn có thờ các vị văn quan và võ quan có công trong lịch sử dựng nước thời Thục Hán. Vì đến đúng vào thời điểm Vũ Hầu Tự đang sửa chữa nên người viết chỉ kịp rảo bước thăm quan chứ không nấn ná được nhiều …
IMG_8239
IMG_8247

Đỗ Phủ (Du Fu) xưa đến Thành Đô ghé thăm đền có thơ rằng:
Từ miếu Vũ Hầu nay thấy đâu?
Cẩm Quan ngoài luỹ bách xanh mầu.
Trên thềm cỏ biếc lên xuân sắc,
Sau bụi oanh vàng hót mấy câu.
Ba lượt hỏi tìm mưu nghiệp lớn,
Hai triều khuông tá nhọc lo âu.
Xuất sư chưa thoả người đi vội,
Nên nỗi anh hùng ướt lệ sầu.

Có thể xem đó là bài thơ ngắn tổng kết quãng đời tận tuỵ oanh liệt của Khổng Minh vậy 🙂
IMG_8250
IMG_8256
IMG_8258
IMG_8264
IMG_6503
IMG_6502
IMG_6507
IMG_6519
IMG_8298

Nối liền với Vũ Hầu Tự là phố cổ Jin Li, một trong những con phố nổi tiếng nhất của Thành Đô, thu hút du khách bởi không khí tấp nập cũng như các món ẩm thực phong vị Tứ Xuyên và các gian hàng đồ lưu niệm đầy màu sắc bắt mắt. Vài hình ảnh du ký phố phường:
IMG_6529
IMG_8304
IMG_6534
IMG_8311

Món mì Tứ Xuyên (Dan Dan Mian hay Tan Tan Noodle) nổi tiếng, cay chảy nước mắt nước mũi 😛
IMG_6634

Thổi kẹo dẻo để tạo hình 12 con giáp:
IMG_6627

“Nem công chả phượng” cũng bằng kẹo luôn 😀
IMG_6629

Mặt nạ Tứ Xuyên, rất thịnh hành trong những buổi diễn tuồng đổi mặt (face changing show) của vùng Tứ Xuyên. Các mặt nạ này màu sắc đẹp, nhìn dữ dằn ấn tượng 🙂
IMG_6632

Các gian hàng đồ chơi “dân gian”, đủ cả hồ lô, trống mõ, súng gươm (tất nhiên bằng gỗ); mấy món này chợ Tết nước ta ngày xưa thì nhiều chứ bây giờ có khi lại hiếm 😀
IMG_6637
IMG_6643

Jin Li còn bày bán quà đặc trưng của Vũ Hầu Tự: bộ tượng Ngũ Hổ Tướng Quan – Trương – Triệu – Mã – Hoàng, ngoài ra còn có các bộ sách cổ, tranh cắt dán, mặt nã cỡ nhỏ và cỡ trung về các nhân vật thời Tam Quốc, đẹp và rẻ hơn nhiều so với các chỗ khác.
IMG_6647

Cà phê phố cổ, mới cũ giao thoa ^^
IMG_8318
IMG_8321
IMG_8322
IMG_6649
IMG_8324

Ra khỏi Jin Li trời đã về chiều, người viết về hostel cất đồ rồi hối hả đi ăn tối, món ăn sẽ là lẩu Tứ Xuyên (Sichuan Hot Pot), tuy đã ăn nhiều ở Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên ăn món này ở quê hương của nó, quả đúng là về quê ăn trái, lên phố ngắm người; món lẩu Tứ Xuyên gốc không chỉ ngon mắt mà còn rất ngon miệng, mùi vị không chê vào đâu được 😛
IMG_6588

Lẩu Tứ Xuyên có nhiều độ cay, từ không cay đến ít cay rồi cực kỳ cay 😀 người Tứ Xuyên rất tự hào về món Hot Pot của họ, khi ăn đều gọi loại cay nhất, còn người viết chỉ dám thử loại ít cay mà mới đụng đũa đã rơi nước mắt, ăn một lúc thì mặt đỏ như Quan Công; may là khi ăn có nước trà và món chè chữa cháy :mgreen: Bạn đọc có dịp dạo qua Tứ Xuyên tin rằng không thể bỏ qua món này:
IMG_6565
IMG_6567
IMG_6573
IMG_6574
IMG_6577

Đây mới là loại ít cay mà thôi …
IMG_6585

Nhâm nhi xuýt xoa tấm tắc một lúc đã qua 9h tối, người viết tranh thủ dạo qua phố phường Thành Đô ban đêm. Cũng giống Singapore, Thành Đô sáng đèn ngày đêm trên các tuyến phố chính, đồ ăn đêm cũng khá đa dạng còn giá cả thì phụ thuộc vào mức độ thông thạo tiếng Trung của khách:
IMG_6593
IMG_6597

Quảng trường trung tâm thành phố, nơi có tượng Mao Trạch Đông trước cửa Bảo tàng Khoa học Công nghệ Tứ Xuyên (Sichuan Science and Technology Museum):
IMG_6601
IMG_6592

IMG_6610
IMG_6611
IMG_6619
IMG_6613
IMG_6618

Mỏi chân lòng vòng, cuối cùng người viết cũng về đến hostel, vừa là lúc phải sắp xếp đồ đạc để sáng hôm sau rời Tứ Xuyên … Tổng kết lại chuyến đi “Bắc tiến” lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp, kịp ghé thăm những điểm nhấn quan trọng trong hành trình Tây Nam: Lệ Giang (Lijiang) ở Vân Nam, Thành Đô (Chengdu) và Cửu Trại Câu (Jiuzhaigou) ở Tứ Xuyên; tuy chưa thể nói là thông thạo thổ nhưỡng hay văn hóa với con người những vùng đất đã đi qua, nhưng chắc chắn là ấn tượng về nơi nào cũng sâu đậm đủ để viết đôi dòng đáo ký, chắc là bạn đọc sẽ nguyên lượng cho những chỗ còn khiếm quyết 🙂 Quà lưu niệm thì không nhiều nhặn gì, nhưng đều là những món đặc trưng từng vùng, phải đến tận nơi tìm tận chốn mới có ^^
IMG_6663

Ngày xưa luôn được dặn rằng du lịch đâu cũng hay nhưng Trung Hoa là kỳ thú và bí ẩn bậc nhất, chỉ mới kịp đi qua phía Tây Nam đại lục đã cảm thấy rất cuốn hút xốn xang rồi. Bản thân người viết dù đã đi về hơn 2 tuần nhưng vẫn luôn hình dung ra mồn một trước mắt nét cẩm tú của Đông Thành Lệ Giang trong lòng Vân Nam, vẻ diễm lệ pha màu thủy mặc của Hắc Long Đàm, dấu vết lịch sử nhuộm thắm kiến trúc Mộc Vương Phủ – Vạn Cổ Lầu, cái hùng tráng bất kham của núi tuyết Ngọc Long, tiếng trống trận và biển người màu sắc của tam tộc Nạp – Bạch – Tạng tự hào trình diễn vũ điệu cha ông, rồi những chuyến xe ngắn dài xuôi ngược nối liền từng vùng đất, thành phố trong sương Thành Đô trù phú về cuộc sống hay đậm đà về ẩm thực, cái chậm chạp ì ạch đáng yêu của gấu trúc Tứ Xuyên, và một thiên đường tìm thấy trong vẻ đẹp tổng hòa Cửu Trại Câu giữa những ngày đông giá d(^o^)b

Hành trình Trung Hoa Du Ký lần đầu khám phá Trung Quốc đến đây là kết thúc, cảm tạ bạn đọc đã theo dõi và động viên, người viết rất sẵn sàng chia sẻ chút kinh nghiệm ít ỏi thu thập được qua chuyến đi với ai có nhã hứng 🙂

Trung Hoa Du Ký – Ngày 5: Thành Đô

Ngày 5: sáng thăm gấu trúc Thành Đô, chiều bay đi Cửu Trại Câu

Tạm biệt Vân Nam, người viết trở lại Tứ Xuyên tiếp tục hành trình khám phá Tây Nam Trung Quốc, điểm đến lần này là Thành Đô – thành phố của gấu trúc 🙂

IMG_7816

Vài nét về thành phố này:

Thành Đô (Chengdu) nằm ở trung tâm tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), giữ vai trò cực kỳ quan trọng về giao thông vận tải, thương nghiệp, công nghiệp của Tứ Xuyên nói riêng và đại lục nói chung. Đây cũng chính là kinh đô cũ của nhà Thục trong thời Tam Quốc, giờ đã là điểm du lịch nổi tiếng và cũng là nơi trung chuyển chính đến các địa danh khác ở Tứ Xuyên cũng như Vân Nam. Thành Đô còn được gọi là thành phố Hoa Phù Dung (The City of Hibiscus) vì trong thời Ngũ Đại Thập Quốc, nhà Hậu Thục cho trồng hoa phù dung xung quanh tường thành. Nơi đây bốn mùa mây phủ, đến mùa đông thì cả thành phố chìm trong sương mù, thường chỉ có 2-3 tháng trong năm hiếm hoi có nắng; vì thế mới có câu ngạn ngữ “Chó ở Tứ Xuyên sủa hướng mặt trời” (Sichuan’s dog barks at the sun) 😀

Đến Thành Đô, người ta thường đi thăm đền chùa, dạo phố cổ, ăn lẩu Tứ Xuyên (Sichuan hotpot), uống trà (teahouse), xem hát (Sichuan opera) để thưởng thức cái thú ăn chơi nơi này. Xa hơn trung tâm, du khách có thể chọn đi nơi phụ cận như:
– Xem gấu trúc ở TT Nghiên cứu và Nuôi dưỡng Gấu trúc Thành Đô (Chengdu Research and Breeding Centre).
Lạc Sơn (Leshan): nằm cách Thành Đô khoảng 160km, nổi tiếng với tượng Đại Phật (Dafo) là tượng bằng đá lớn nhất thế giới tạc vào trong núi, nằm ở nơi giao cắt của 3 con sông Mân giang, Đại Độ hà và Thanh Y giang. Tượng phật này cao 71m, được đẽo tạc trong 90 năm mới hoàn thành, đến nay đã hơn 1400 năm tuổi.
Nga Mi Sơn (Emei Shan): núi Nga Mi nằm không xa từ Lạc Sơn (khoảng 1h xe chạy), là một trong Tứ đại danh sơn của Phật giáo mà blog iCouple đã có dịp giới thiệu 🙂 Nơi đây địa hình cao chót vót, phong cảnh đẹp lạ thường, du khách có thể leo núi Kim Đỉnh, thăm chùa Vạn Phật, ngắm Thanh Âm các, xem chùa Báo Quốc, vào Cửu Lão Động … tìm hiểu thêm về sự giao thoa giữa Phật giáo và Đạo giáo đã làm nên điểm độc đáo của Nga Mi thiên hạ tú.
Cửu Trại Câu (Jiuzhaigou): khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại nằm cách Thành Đô 12 tiếng xe chạy hay 1 giờ bay về phía Đông, nổi tiếng là thiên đường hạ giới với phong cảnh sơn thủy thiên tạc hùng vĩ.

Vì thời gian có hạn, người viết chỉ chọn đi thăm khu Nuôi dưỡng Gấu trúc Thành Đô rồi bay đi thăm quan Cửu Trại Câu; ngày cuối bay về Thành Đô để đi thăm Vũ Hầu Tự, dạo phố cổ Jin Li và thưởng thức ẩm thực Tứ Xuyên. Bài viết này xin dành trọn để giới thiệu với bạn đọc về gấu trúc nơi đây. Gấu trúc (Panda) hay còn gọi là Đại Hùng miêu có nguồn gốc từ miền trung Trung Quốc, là loại động vật quý hiếm cần bảo tồn của thế giới. Hiện nay số lượng gấu trúc trong tự nhiên không nhiều, chỉ còn vài ngàn con;nguyên nhân vì loài này giao phối ít, tỷ lệ sinh sản thấp, một phần do điều kiện tự nhiên thay đổi, môi trường sống bị thu hẹp. Ở trung tâm gấu trúc Thành Đô, du khách có thể thăm quan 2 loại gấu trúc chính là: gấu trúc lớn (màu lông đen-trắng) và gấu trúc nhỏ (hay còn gọi là gấu trúc đỏ – Red panda).

Trung tâm Gấu trúc Thành Đô nằm cách nội đô khoảng 16km, có thể đi bằng xe buýt (2 RMB) hoặc taxi (25 RMB), thời gian mở cửa: 8am-6pm, giá vé vào cửa: 58 RMB/người (~ 8.5 USD)
IMG_7817

Thời gian cho gấu trúc ăn là 9h sáng hàng ngày, du khách nên đến đây trước giờ ăn để xem gấu trúc nhậu bữa sáng, vì sau đó thường gấu sẽ lăn ra ngủ! Trung tâm này chia ra các khu nuôi gấu lớn, gấu nhỡ, gấu đỏ, phòng chăm sóc gấu sơ sinh, phòng phát thanh truyền hình giới thiệu về gấu trúc … Đường vào thăm gấu:
IMG_7633
IMG_5939
IMG_5843

Có vẻ còn quá sớm nên gấu còn đang say giấc:
IMG_7639

Một lúc sau thì gấu bắt đầu thức dậy, chả đánh răng rửa mặt gì, cứ thế mò mẫm đi tìm thức ăn. Tuy được xếp vào loại động vật ăn thịt nhưng thức ăn chủ yếu của gấu trúc là cành non và lá tre trúc. Khách du lịch có thể thoải mái ngắm và chụp ảnh từ khoảng cách 20-30m:
IMG_7644
IMG_7658
IMG_7660
IMG_7667

Đây là một nhóm khác đang đối ẩm, có con vẫn ngủ gật trên cây, đời sống xem ra nhàn tản, có phần trụy lạc đáng yêu 😀
IMG_7677
IMG_7675
IMG_7696
IMG_5866
IMG_7693
IMG_7698
IMG_7701

Gấu trúc có thể xem là loài động vật siêu lười, ít vận động, việc làm ưa thích của chúng thường là ăn và ngủ. Sau đây là sê-ri ảnh về một lần vận động hiếm hoi của gấu trúc mà người viết được chứng kiến tận mắt, tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút sau giờ ăn. Những gì gấu trúc thể hiện trong Kungfu Panda đúng là chỉ có trên phim 😀 còn thực tế thì …

– Đầu tiên là định leo cây, nhưng chắc leo nhầm:
IMG_5869

– Sau tìm được đúng bậc thang, bắt đầu hì hục leo:
IMG_5871
IMG_5872
IMG_7715
IMG_7716

– Bằng nỗ lực phi thường, gấu đã lên được thang, thở phì phò rồi tiếp tục chuyền cành:
IMG_5873
IMG_7717
IMG_5874
IMG_5875
IMG_5876
IMG_7724

– Khi đi hết giàn gỗ, gấu dừng lại thở lấy sức, đồng thời làm động tác “gấu” nhất trong ngày là vươn mình chụm 2 chân trước lấy tư thế để gầm lên như đang ở rừng đại ngàn, tất nhiên không có tiếng gầm nào phát ra và chỉ diễn ra chưa đến 10 giây! khách tham quan thích thú đua nhau bấm máy 😀
IMG_5877
IMG_7726
IMG_5878
IMG_7727
IMG_7729

– Sau màn trình diễn ngẫu hứng, gấu có vẻ ngại vì được hâm mộ quá :mrgreen: nên quay lưng xuống thang, nhưng cũng chỉ được nửa đường thì mỏi mệt quá nên lăn ra ngủ, coi như kết thúc 1 ngày sôi động!
IMG_5879
IMG_5880
IMG_7734

Đi tiếp du khách lại gặp một nhóm khác đang chơi trong sân với trò chơi thích thú của gấu trúc là trèo lên đầu nhau …
IMG_5845
IMG_7748
IMG_7762

Được biết gấu trúc là loại sinh sản kém và tỉ lệ chết non rất cao. Ở trung tâm Gấu trúc Thành Đô, người ta tiến hành thụ tinh nhân tạo để nhân giống loài này. Gấu trúc non sinh ra được chăm sóc ở khu vực đặc biệt như trẻ sơ sinh, giúp chúng cứng cáp hơn để thích nghi với điều kiện sống nhân tạo. Khu vực này cho phép du khách thăm quan nhưng không được phép chụp ảnh.
IMG_7765

Ngoài gấu trúc lớn, trong trung tâm còn nuôi thả loài gấu trúc nhỏ (Red Panda), là loại gấu trúc đặc hữu chỉ có ở dãy Himalaya, thân màu đỏ, to hơn mèo nhà, có khuôn mặt ly miêu nên còn có tên là Gấu Mèo, xếp vào phân bộ chó, ăn lá tre trúc. Loài này khá thính và nhanh nhẹn, khác hẳn với bạn đồng môn Panda to béo nên tiếp cận và chụp ảnh Red Panda khó khăn hơn 😀
IMG_7775
IMG_7767
IMG_7768
IMG_7774
IMG_7785
IMG_7783
IMG_7778

Vòng vèo ngắm gấu, khách du lịch có thể tận tay bế gấu trúc non trong vòng 10 phút, nhưng giá thì rất đắt: 1000 RMB/lượt (~ 146 USD), mục đích để gây quỹ bảo tồn và chăm sóc gấu trúc nhưng cũng hạn chế số lượng người tiếp xúc với gấu non. Ngoài ra còn có thể mua Thẻ gấu trúc (Panda Card) là một cách ủng hộ Thành Đô trong việc phát triển khu nuôi gấu này. Ra về du khách có thể ghé quầy lưu niệm mua đồ, mọi thứ ở đây từ mũ nón, giày dép, bút sách đến bưu thiếp, túi cặp, thú nhồi bông (loại nhỏ đến to và rất to) đều là gấu trúc; các mặt hàng đẹp nhưng không rẻ chút nào. Một lần đến Thành Đô, tận mắt ngắm gấu trúc to béo và lười biếng vô lo phải công nhận là loài này hiền lành và dễ thương 😀 xứng đáng là biểu tượng quốc gia của Trung Quốc cũng như biểu trưng của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF. Chẳng thế mà Trung Quốc hét giá đến 1 triệu đôla cho mỗi quốc gia muốn “mượn” gấu trúc để đưa về các vườn thú quốc gia của họ. Được biết mới đây khi gấu trúc sang “thăm” Thái Lan đã được đón rước và hộ tống với nghi lễ hoàng gia 😀 So ra thì mua vé máy bay đến Thành Đô rồi trả phí thăm quan 58 RMB còn là quá rẻ ^^

Nửa ngày tham quan gấu trúc kết thúc, người viết theo lịch trình ra sân bay Song Lưu (ShuangLiu Airpot) của Thành Đô để bay đi Cửu Trại Câu, không biết rằng đây là 1 trong những chuyến bay bão táp nhất từ trước đến giờ ❗ Quả vậy, máy bay khởi hành đúng giờ (12.30pm), thời gian bay chỉ khoảng 45 phút, nhưng khi đến gần sân bay Cửu Trại Hoàng Long (Jiuzhai Huanglong Airport) thì gặp thời tiết xấu, gió cuốn ào ào giữa các vách núi cheo leo, ngồi trong máy bay nhìn khung cảnh ngoài trời chẳng khác gì phim hành động! Dù đã cố gắng 2 lần nhưng đều không thành công, cơ trưởng Southern Airlines phải cho máy bay quay về Thành Đô với lời hứa “sẽ quay lại khi thời tiết tốt hơn”. Vậy là máy bay quay lại Thành Đô, lúc đó là khoảng 2.30pm … Hành khách sau đó được sắp xếp về nghỉ ở khách sạn Hàng không gần sân bay, ai nấy đều ỉu xìu nhưng không ai đòi trả vé 😀 xem ra mọi người đã chuẩn bị tinh thần trước khi bay đến Cửu Trại mùa đông (Thống kê bên lề: sân bay Cửu Trại Hoàng Long được xây trong lòng thung lũng giữa vùng núi cao, về mùa đông thời tiết khắc nghiệt nên khả năng bay trễ hay hủy chuyến đến và đi của sân bay này cao hơn các mùa khác. Bạn đọc nếu có ý định bay đi Cửu Trại Câu nhớ để ý thời tiết để chuẩn bị tâm lý và sắp xếp thời gian hợp lý 🙂 ) Nghỉ ngơi trong khách sạn được một lúc thì nhân viên khách sạn đến mời hành khách đi ăn tối. Bữa tối khá đầy đủ, gồm 10 món Tứ Xuyên chua cay mặn ngọt đủ cả, ăn ngon miệng trong tiết trời lạnh dưới 10 độ; lúc đó là hơn 6pm. Vừa ăn xong thì sân bay báo chuyến bay đi Cửu Trại Hoàng Long đã sẵn sàng khởi hành vì trời đã lặng gió, thế là tất cả lại hăm hở nhào ra sân bay, háo hức lên máy bay lần 2 cất cánh vào lúc 7pm. May sao lần này tiết trời đã tốt hơn, gần 8pm máy bay hạ cánh nhẹ nhàng, hành khách thì tranh nhau … mặc áo rét 😀 Ấn tượng đầu tiên về Cửu Trại là trời cực kỳ lạnh, gió cuốn vun vút ngoài trời tối đen như mực, mắt nhìn không thấy cảnh xung quanh, xứng đáng là sân bay xây ở độ cao 3000m giữa núi non trùng điệp :mrgreen: Từ sân bay vào đến trung tâm thung lũng Cửu Trại Câu (nơi tập trung các khách sạn nhà nghỉ) là quãng đường 160km! có thể đi xe buýt (45 RMB) hoặc taxi (260 RMB). Máy bay Southern Airlines hạ cánh muộn cũng là chuyến cuối cùng trong ngày, sân bay nhanh chóng đóng cửa tắt đèn, phía ngoài sân bay thì xe buýt đã đi hết còn taxi chỉ lác đác vài chiếc. Tình cảnh lúc này quả là hơi chột dạ … nhưng đã đặt chân đến đây rồi, không cố nốt không được, thế là nhảy đại lên 1 xe buýt dành cho tour du lịch. Sau một hồi thương lượng, người viết đồng ý tham gia vào một nhóm nhỏ cũng đi du lịch Cửu Trại (tất nhiên hướng dẫn viên nói tiếng Trung), thuê khách sạn cùng chỗ với nhóm đó (giá 100RMB/đêm) để sáng hôm sau cả đoàn cùng đi thăm trại. Vậy là kế hoạch ở Migu Youth International Hostel ban đầu phá sản (mặc dù đã đặt phòng) nhưng nhập hội với nhóm du lịch Trung Quốc này đúng là một bất ngờ thú vị và có phần may mắn ^^ Xe buýt bắt đầu hành trình xuống đèo, luồn lách trong gió rét, trời tối đen như mực, cửa kính bên ngoài gần như trắng xóa … Sau 2 tiếng, xe dừng trước cửa 1 khách sạn khá lớn, lúc này mới thấy yên tâm hơn 🙂 Cả nhóm xuống xe vào khách sạn ăn tối rồi lấy phòng, lúc đó đã là 10h đêm. Khá bất ngờ, phòng khách sạn rộng và sạch sẽ, trong phòng treo 1 bức mandala sinh động dưới ánh đèn màu đỏ sậm mang phong cách người Tạng, nội thất phòng ốp gỗ với sàn trải thảm, giường ngủ có đệm sưởi điện. Khách sạn này chắc đang mùa khuyến mại vì ít khách chứ mùa du lịch thì giá phải gấp 4-5 lần 😀 Quá lạnh để suy nghĩ nhiều, việc cần làm ngay là cuộn chăn bật đệm sưởi lăn ra ngủ một giấc để sáng mai bắt đầu khám phá Cửu Trại Câu. Xin hẹn bạn đọc trong bài viết ngày thứ 6 dành trọn cho việc thăm thú tiên cảnh trần gian này ^^
IMG_7922
(Ảnh demo chụp Ngũ Hoa Hải (Five Flower Lake) ở Cửu Trại Câu)

Trung Hoa Du Ký – Ngày 4: Lệ Giang

Ngày 4: đi làng Bạch Sa, thăm Mộc Vương Phủ (Lệ Giang), lên Vạn Cổ Lầu

Trở lại với bạn đọc ở bài viết ngày thứ 4, cũng là ngày cuối chơi thăm Lệ Giang ở góc trời Vân Nam 🙂 Du khách đến Lệ Giang ngoài việc dạo chơi trong phố cổ thường đi chơi các vùng phụ cận như:

– Làng Bạch Sa (Baisha village): khoảng 12km hướng Bắc Lệ Giang, có thể thuê xe đạp (10-15RMB/xe/ngày) hoặc thuê taxi đi. Làng Bạch Sa chính là Bạch Sa cổ trấn xưa, vốn là kinh đô cũ của vương quốc Nạp Tây (Naxi kingdom) trước đây khi người Nạp mới di cư đến vùng này, theo thời gian đã mai một đi nhiều. Nếu ai đó muốn tạm lánh khỏi không khí ồn ã của Lệ Giang thì có thể đi làng Bạch Sa, tìm hiểu thêm về cuộc sống thường nhật của người bản xứ trước khi nó bị thương mại hoá 😀

Shangri-la (Zhongdian, hay Trung Điện): cái tên Shangri-la có thể gây tò mò lớn cho bất cứ khách du lịch nào chắc bởi nó gắn liền với một thế giới tâm linh xa xôi được hư cấu qua vô số tiểu thuyết giả tưởng về đất Phật huyền bí … thực ra Shangri-la ở Vân Nam có tên cũ là Zhongdian (Trung Điện), vốn là 1 ngôi làng nhỏ nằm cách Lệ Giang 5 tiếng chạy xe về phía Bắc. Người Trung Quốc do nắm bắt được tâm lý của du khách nên vào năm 1997 đã đổi tên Trung Điện thành Shangri-la và đó là một chiến thuật thông minh :mrgreen: Shangri-la giờ đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách phương xa đi Vân Nam. Tuy Trung Điện có thể không thực sự huyền bí sâu xa như người ta mong đợi, nhưng đúng như Jane Wyatt nói “luôn có một mảnh đất thiêng liêng như thế trong tim mỗi chúng ta!” điều đó lý giải vì sao cái tên “Shangri-la” luôn đi kèm với những điều đặc biệt. Với người viết, mảnh đất huyền bí đó nằm ở cực Tây Trung Quốc, cách Lệ Giang hơn 1000km về phía Tây, ẩn mình trong làn sương mù của dãy Himalayas xa xăm … một mặt trời Tây Tạng đã sáng từ thế kỷ thứ 7, hơn 1300 năm về trước …

Hổ Khiêu Hiệp (Tiger Leaping Gorge): Hẻm núi hổ nhảy nằm cách Lệ Giang 60km về phía Bắc, được coi là hẻm núi hiểm trở nhất thế giới thu hút những ai ưa mạo hiểm, nơi đây vách núi dựng đứng, trên đầu trời xanh như ngọc, dưới chân là vực sâu hun hút, nước xoáy tung bọt trắng xóa. Từ hẻm núi này cũng có thể ngắm khúc quanh đầu tiên của Dương Tử Giang vào trung thổ, để chinh phục Hổ Khiêu Hiệp sẽ cần ít nhất 2 ngày 🙂

Do thời gian có hạn nên người viết chỉ chọn sáng đi Bạch Sa trấn, chiều về Lệ Giang thăm Mộc Phủ, đêm bay đi Thành Đô, Tứ Xuyên ^^

Bạch Sa trấn

Cổng chính vào làng Bạch Sa: sẽ phải trả tiền 30RMB/người 😀 nếu không muốn mất tiền thì có thể đi vòng ra đường làng (phía bên trái cổng) nhưng tất nhiên đường đi sẽ dài và khó thăm quan hơn
IMG_7431

Nếu như Lệ Giang đẹp thơ mộng và cuốn hút du khách thì người anh em của nó, Bạch Sa, có phần thua sút hơn về “nhan sắc”. Khách đến Bạch Sa có cảm giác như lần giở trang sách cũ về văn hóa người Nạp Tây, một xứ sở mẫu hệ bao đời chưa thay đổi, người phụ nữ vẫn gánh vác vai trò trụ cột trong gia đình, đời sống tần tảo phụ thuộc vào tự nhiên …
IMG_7368
IMG_7362
IMG_5664
IMG_7386
IMG_7370
IMG_7373

Một sáng thường nhật ở Bạch Sa trấn:
IMG_7364
IMG_7372
IMG_7374IMG_7383
IMG_7395IMG_7398

Chữ tượng hình của văn hóa Đông Ba Nạp Tây, hiểu sơ sơ là: trong làng có người làm ruộng, có người làm thuốc, có người trồng màu, thức ăn chính là dê bò gà :mrgreen:
IMG_7382

Baisha có nhiều quán ăn gia đình với món ăn truyền thống của người Nạp Tây, du khách có thể ghé bất cứ quán nào để thử, nhớ gọi món trà Naxi 😛 người viết ăn trưa ở một quán nhỏ (không biết tên gì :D), ông chủ hiếu khách, thức ăn đậm đà, trà núi uống rất ngon và mát, mỗi tội giá không rẻ tẹo nào; tranh thủ chụp ảnh sân nhà luôn ^^
IMG_7408
IMG_7421
IMG_7410
IMG_7413IMG_7416

Ăn uống no nê xong là chạy khỏi làng Bạch Sa, bạn đọc nếu có dịp ghé Vân Nam chắc là không nên đến đây 😉 Sau 15 phút đi xe đã trở lại quảng trường trung tâm Lệ Giang, tranh thủ nháy vài tấm ảnh rồi tìm đường đến Mộc Phủ:
IMG_7441
_MG_7436IMG_5689
IMG_7450

Du khách có thể mua những tấm thẻ nhỏ như thế này để ghi tên mình kèm theo điều ước rồi treo ở quảng trường, số lượng thẻ treo giờ chắc đã vài chục nghìn tấm 🙂
IMG_7454
IMG_7455

Mộc Phủ (Mu Fu)

Vài nét lịch sử nơi này: Mu Fu đã có lịch sử gần 500 năm tuổi, trước kia là vương phủ của Mộc thế tộc ở Lệ Giang được nhà Minh ban cho tên hiệu. Truyền kỳ kể thủ lĩnh họ Mộc vì kỵ húy, chữ Mộc mà đóng khung xung quanh sẽ thành chữ Khốn, nên đã không cho xây tường thành bao quanh Lệ Giang, vì thế nơi đây trở thành phố bốn phương với kiến trúc độc đáo không tường bao 🙂

Mu Fu nằm ở phía Nam trên bản đồ cổ trấn, từ quảng trường trung tâm đi mất khoảng 15 phút, quanh co vòng vèo men theo con suối nhỏ, du khách sẽ đến được Mu Fu, vé vào cửa là 45 RMB/người. Đường vào phủ:
IMG_7459
IMG_7460
IMG_7475
IMG_7476
IMG_7479
IMG_7480

Cổng chính:
IMG_7484
IMG_5721

Sau cổng chính có đặt quầy bán vé 😀
IMG_7486
IMG_7487
IMG_7491

Mu Fu dài cả thảy gần 400m có cấu trúc chữ Quốc (国) cực kỳ chặt chẽ, đi từ trước ra sau chia làm 5 khu ngay ngắn: tiền điện, chính điện, hậu điện, nhà hội đồng, nhà thờ tổ; đồng thời hai bên là hai dãy hành lang nối dài chạy xuyên suốt toàn phủ. Cấu trúc này còn được gọi Nội công Ngoại quốc, tức là bên trong thì giống chữ Công (工) còn tổng thể bao ngoài thì giống chữ Quốc (国); là kiểu kiến trúc dễ gặp ở chùa Thầy (Hà Tây) hay chùa Mía – Sùng Lâm Tự (Đường Lâm). Mỗi gian điện đều nguy nga rộng lớn xây theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái, riêng chính điện 12 mái; các mái đều như đầu đao uốn cong không cách điệu, vươn cao sắc nhọn, chạm trổ màu sắc theo phong cách cao nguyên bắt mắt. Cả Mu Fu toát lên một vẻ bề thế uy nghi, chẳng thế mà người ta gọi nơi đây là Tử Cấm Thành của Vân Nam 🙂

Ảnh tiền điện với sân chầu rộng lớn:
IMG_7498
IMG_7490
IMG_7499IMG_5734
IMG_7501
IMG_7509

Chính điện:
IMG_7516
IMG_7522
IMG_7524

Hậu điện:
IMG_7533
IMG_5758

Phía sau hậu điện là khu hội đồng, với sân khấu ngoài trời phục vụ cho việc vui chơi giải trí xem hát ngày xưa:
IMG_7540

Đặc biệt Mu Fu còn có hành lang dẫn lên một ngôi chùa nhỏ (chắc là nhà thờ tổ ngày xưa) dựng trên quả đồi thấp phía sau, đường đi lên chùa đẹp như tranh; lên đến nơi có thể quay lại ngắm toàn cảnh Mu Fu:
IMG_7545
IMG_7558
IMG_7556
IMG_7554
IMG_7551
IMG_5766

Công viên đồi Sư Tử (Lion Hill Park):

Mộc Phủ được xây theo hướng Đông, lưng dựa vào Đồi Sư Tử, nắng chỉ dột vào trưa còn về chiều râm mát. Từ phía sau Mu Fu có đường lên công viên, giá vé vào công viên là 15 RMB/người, du khách sẽ được ngắm Vạn Cổ Lầu (Wang gu Lou), đây cũng là nơi cao nhất ở Lệ Giang cho phép người ta nhìn toàn cảnh thị trấn.

Đường lên Vạn Cổ Lầu cao và khá mệt, nhất là sau khi đã đi hết một vòng Mu Fu, nhưng lên đến đỉnh đồi thì quả là bõ công, ngước mắt ngắm lầu mà lòng rung động ❗ Vạn Cổ Lầu có cấu trúc bảo tháp, cao hơn chục trượng, đỏ rực trong nắng chiều, lầu chia làm 5 tầng, cửa mở tứ phương, mỗi cửa vào đều có thạch sư trấn hai bên:
IMG_7561
IMG_7562
IMG_5785
IMG_5808
IMG_7571

Bên trong lầu là cả một sự phô diễn về nghệ thuật sắc màu và kiến trúc, đặc biệt mái vòm tinh xảo trang trí hình rồng nuốt mây rất ấn tượng:
IMG_7608
IMG_7607
IMG_7587
IMG_7585
IMG_7603

Leo đến tầng thượng của Vạn Cổ Lầu, du khách có thể thưởng thức cái thú toạ sơn quan cổ trấn trong cái lạnh tê người 🙂 Từ đây có thể nhìn bao quát ra toàn bộ Lệ Giang, ngắm núi Ngọc Tuyết Long xa xa trong mây, ngắm Đông Thành đã 800 năm tuổi, thấy sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới đang diễn ra từng ngày dưới chân đồi. Ai đó đặt tên cho nơi này là Vạn Cổ Lầu quả là có con mắt tinh đời! đứng trên cao ngắm nhìn từng mái nhà Lệ Giang đã xám màu thời gian tự hỏi phải chăng người nơi đây cũng đã bao phen leo đồi Sư Tử để nhìn về quá khứ tộc Nạp Tây, ôn cố tri tân về một vương quốc Đông Ba của tổ tiên mới đó mà đã nghìn năm tuổi …
IMG_5805
IMG_7597
IMG_7594
IMG_7595
IMG_7599
IMG_7600
IMG_7601

Nghe kể rằng con gái Nạp Tây mặc áo da dê, trên vai áo luôn đính bảy viên đá hay ngọc nhỏ tượng trưng cho các tinh tú trên trời và được gọi là “khoác sao đội trăng” (phi tinh đái nguyệt). Còn tộc Nạp Tây có câu ngạn ngữ: “Tay khéo không bằng tâm khéo, dáng đẹp không bằng mắt đẹp” (thủ xảo bất như tâm xảo, mạo mỹ bất như nhãn tịnh), mà “mắt đẹp” ở đây ngụ ý là có cái nhìn hay ý tưởng đẹp ^^ Giá trị tinh thần độc đáo đó lại được hun đúc mạnh mẽ thêm giữa lòng mảnh đất xinh đẹp, chả trách Joseph Rock ngày xưa đã bị cuốn hút và gắn bó cuộc đời ông với mảnh đất Vân Nam suốt 29 năm …

… Nắng chiều đã nhuộm vàng Lệ Giang, lững thững đi xuống đồi Sư Tử, men theo những con đường lát đá để trở về cổ trấn, chụp thêm vài tấm hình cuộc sống Lệ Giang trước lúc lên đèn:
IMG_7617
IMG_7618
IMG_7619
IMG_7622

Quà lưu niệm Lệ Giang:
IMG_7620IMG_5820

IMG_7471
IMG_7626
IMG_7624IMG_7461
IMG_7466
IMG_7464
IMG_7467
IMG_7630

Ngày thứ hai ở Lệ Giang đã kết thúc, lịch trình tiếp theo là đêm bay về Tứ Xuyên để sáng hôm sau thăm thú Thành Đô (Chengdu). Rời cổ trấn mà lòng bâng khuâng, có trở lại hay không thì hãy để thời gian trả lời; nhưng ấn tượng về Đại Nghiên trấn – Lệ Giang thị trên cao nguyên Quý Châu nơi thượng nguồn sông Kim Cát (Dương Tử) thì thật khó phai nhòa, quả là đẹp miên man cổ kính mê đắm lòng người! Người viết chợt có liên tưởng đến tác phẩm Ngân Thành Cố Sự của nhà văn Lý Nhuệ, câu chuyện kể về đô thị Ngân Thành giả tưởng nơi người dân ấm no nhờ khai thác muối mỏ, làm thịt trâu, bán bánh phân trâu … hạng người thôi thì đủ cả, chỉ thiếu có anh hùng, cứ tưởng chừng như vôi vữa nhưng hóa ra lại xây nền cho lịch sử. Phải chăng Lý Nhuệ lấy cảm hứng từ một Vân Nam đa sắc đa tộc, từ những cổ trấn như Đại Nghiên để xây dựng nên thế giới Ngân Thành trong văn của ông, giống như mảnh đất Cao Mật xưa đã chắp bút cho Mạc Ngôn vậy?
IMG_7478
IMG_7628

Tạm biệt Lệ Giang, tạm biệt Vân Nam … đường ra sân bay Lệ Giang xa 20km, tối hun hút không một ánh đèn, gió cao nguyên thổi vi vút ngoài trời, đến được sân bay mới thở phào nhẹ nhõm, lên máy bay không ngoái lại một lần … gần một giờ đồng hồ sau đã đáp xuống Tứ Xuyên … hẹn bạn đọc trong bài viết ngày 5 khám phá Thành Đô 🙂

Trung Hoa Du Ký – Ngày 3: Lệ Giang

Ngày 3: khám phá Lệ Giang cổ trấn, công viên Hắc Long Đàm và núi Ngọc Long Tuyết Sơn

Sáng ngày thứ 3, mới hơn 7h mà mặt trời đã chan hòa khắp mọi góc phố, xua tan cái giá lạnh ban đêm, cả trấn Lệ Giang rùng mình thức dậy trong nắng sớm và trời trong xanh văn vắt 🙂 Trước khi cùng bạn đọc khám phá Lệ Giang, như thường lệ, người viết dành đôi dòng viết về lịch sử mảnh đất này ^^

STD_5437

Toàn bộ thành phố Lệ Giang thực ra rất rộng lớn, nó bao gồm khu đô thị mới (New Town), Đại Nghiên (Dayan) cổ trấn, Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn, và Bạch Sa (Baisha) cổ trấn. Thành cổ Lệ Giang hay Lệ Giang cổ trấn hay đô thị cổ Lệ Giang mà người đời vẫn hay nhắc đến chính là Đại Nghiên cổ trấn. Đại Nghiên có nghĩa là Nghiên mực lớn, có thể xem đây là cách ví von thi vị nhưng rất chính xác của người xưa bởi nơi này giống như một nghiên mực khổng lồ, nước từ trung tâm chảy theo những con mương nhỏ len lỏi đến mọi nơi trong thành cổ, tạo nên một trấn cổ có một không hai của Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Còn chữ Lệ Giang có nghĩa là dòng sông đẹp, tượng trưng cho một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là nước. Sông Ngọc Hà (Jade Water) mang cái tinh khiết của núi non, chảy quanh thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang thành vô vàn ốc đảo, nối nhau bằng 354 chiếc cầu đá; cấu trúc phức hợp đó làm cho Lệ Giang càng trở nên độc đáo trong con mắt khách du lịch.

Người ta ví Lệ Giang như Venice của phương Đông, nhưng người viết cho rằng như vậy là khập khiễng và chỉ đúng về bề nổi mà thôi ❗ Nếu như Venice gồng mình lên chống chọi với sự xâm thực của nước biển thì Lệ Giang hoàn toàn ngược lại. Cổ trấn này vươn mình dưới chân núi Ngọc Long, đón nhận cái ưu ái trời trao, mỗi ngôi nhà trong thành cổ đều trồng dương liễu rủ bóng xuống dòng nước nhỏ chạy quanh, tạo nên cảnh đầu ghềnh dương liễu, cuối ghềnh nước trong, vẻ đẹp dịu dàng pha màu cổ tích đó đã qua bao thế kỷ chắc chắn vượt xa với cái nhân tạo còn quá trẻ của nước Ý 😀 Nếu muốn so sánh thì có lẽ gọi Lệ Giang là Tô Châu của cao nguyên sẽ xứng tầm hơn 😛

Lệ Giang được xây vào thời Tống – Nguyên, đến nay đã hơn 800 năm tuổi, cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như vẹn nguyên so với ban đầu làm cho giá trị lịch sử và văn hóa của Lệ Giang càng rõ nét hơn. joseph_rockNgười có công lớn đưa Lệ Giang nói riêng và Vân Nam nói chung đến với thế giới bên ngoài là nhà thực vật học Áo Joseph Rock (1884 – 1962) 🙂 Ông là người đã cống hiến 27 năm (1922 – 1949) nghiên cứu về hệ động thực vật cũng như con người, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của vùng Tây Nam Trung Quốc này. Những tài liệu quý hiếm kèm theo khám phá vĩ đại ông để lại được coi là nền móng đầu tiên để thế giới biết đến một Vân Nam – Tứ Xuyên đầy sắc màu trong lòng Trung Hoa rộng lớn. Công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Ba (Dongba) hay Từ điển ngôn ngữ Nạp Tây (Naxi) của Rock đến ngày nay được đánh giá là những bằng chứng sống sinh động và đầy đủ nhất về tộc người đã di cư đến Vân Nam hơn 1400 năm về trước. Bằng chiếc máy ảnh phim của mình, Joseph Rock đã ghi lại những dấu ấn lịch sử của vùng đất này từ những năm 1920, so với bây giờ cảnh vật hoàn toàn không đổi khác là mấy! Có 1 trang web khác khá thú vị In the footsteps of Joseph Rock đã theo dấu chân Rock đi qua từng vùng của Tây Nam Trung Quốc nhằm so sánh ngày ấy – bây giờ, bạn đọc có thể tham khảo thêm 🙂

LeGiang_1920
(Lệ Giang năm 1920, ảnh chụp bởi Joseph Rock)

Câu chuyện Rock khám phá mảnh đất Tây Nam Trung Quốc làm người Việt Nam thấy có nét thân quen, hay chính là năm 1893 khi bác sĩ Yersin đã góp công khám phá cao nguyên Lâm Viên để ngày hôm nay chúng ta có một Đà Lạt nên thơ đó hay sao!

map_lijiangLan man cũng đã đủ dài, bây giờ xin cùng bạn đọc khám phá Lệ Giang. Nhìn vào bản đồ Lệ Giang, có những điểm nhấn sau:
– Đi bộ trong phố cổ, hướng đến chợ trung tâm (Square Market), rồi đi ra quảng trường trung tâm (People’s Square) ở tâm bản đồ.
– Nếu đi tiếp lên hướng Bắc là công viên Hắc Long (Black Dragon Park): bên trong là hồ Hắc Long Đàm (Black Dragon Pool) và Ngũ Phụng Lầu (Five Phoenix Hall)
– Phía Tây Nam bản đồ là Mộc Phủ (Mu Fu, hay Mu Family Maison): đây là nơi ở của thủ lĩnh thị tộc lớn nhất Lệ Giang, giờ đã thành viện bảo tàng nổi tiếng nhất ở Lệ Giang.
– Sau lưng Mộc Phủ là Công viên Đồi Sư Tử (Lion Hill Park): trên đỉnh của nó Vạn Cổ Lầu (Wanggu Lou, hay Looking at the Past Pavilion), là nơi cao nhất ở Lệ Giang cung cấp cái nhìn bao quát toàn cảnh về cổ trấn cũng như khu đô thị mới.
– Đi xa khỏi Lệ Giang khoảng 14km là làng Bạch Sa (Baisha village), chính là Bạch Sa cổ trấn ngày xưa, giờ là một ngôi làng cổ nhỏ và yên tĩnh hơn Lệ Giang. Khách du lịch thường hay thuê xe đạp để đi giữa Lệ Giang và Bạch Sa.
– Cách Lệ Giang 30km là núi Ngọc Long Tuyết Sơn (Yulongxue Shan, hay Jade Dragon Snow Mountain) cũng là điểm đến thường xuyên của mọi du khách.

Về phần người viết khám phá Lệ Giang được chia làm 2 ngày. Ngày đầu bao gồm cổ trấn, công viên Hắc Long, và xem màn trình diễn Ấn tượng Lệ Giang (Impression Lijiang) ở chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn. Ngày thứ hai là đi thăm làng Bạch Sa rồi trở lại thăm Mộc Phủ của Lệ Giang và leo đồi Sư Tử (ngày hai sẽ được đăng chi tiết trong số tới) 😀

Cổ trấn lúc mặt trời lên:
IMG_5236
IMG_6892IMG_6907
IMG_6908
IMG_5596

Chú ý: mỗi du khách thường phải mua Vé bảo tồn phố cổ (Old Town Preservation fee) giá 80 RMB/người. Vé này không bắt buộc, nhưng nếu muốn tham quan một số nơi sẽ bị hỏi vé. Vé có thể mua ở các quầy thông tin du lịch (Tourism Information board) trong cổ trấn.

Khoan thai đi bộ trong phố cổ, hít thở không khí buổi sớm trong lành, du khách có thể thưởng thức bữa sáng kiểu Nạp Tây (22 RMB) hay đơn giản là mua bánh bao chay hoặc ngô luộc bên đường. Con đường dẫn đến chợ trung tâm và quảng trường trung tâm phố cổ sẽ đông dần lên …
IMG_6909
IMG_6901

Người Lệ Giang tin rằng nước sẽ mang lại điều tốt lành, nên nước chảy từ núi về đến bánh xe nước sẽ chia làm 3 dòng chính chảy vào bên trong cổ trấn. Quang cảnh nơi đây:
IMG_6922
IMG_6919
IMG_6920
IMG_6931
IMG_6932
IMG_5706

Từ bánh xe nước, hướng tây sẽ đi ra khỏi cổ trấn và vào khu đô thị mới, còn hướng bắc là dẫn vào công viên Hắc Long Đàm (Black Dragon Park). Công viên này vào cửa miễn phí, nhưng du khách phải có vé bảo tồn phố cổ, nếu không thì có thể mua ở cửa công viên. Đường vào công viên:
IMG_6939
IMG_6946
IMG_6951
IMG_6964

Bên trong công viên, trái với cái tên Hắc Long, là cả một thế giới sống động sắc màu đẹp tươi vô cùng, ở đây dường như thời gian ngừng trôi … hàng cây lá vàng lá xanh rợp bóng, nước chảy róc rách như lụa, mặt hồ nước trong vắt nhìn thấy đáy, mái ngói đỏ xanh chen chúc, cột sơn son thếp vàng …
IMG_7014
IMG_7020IMG_5450
IMG_5456

Trung tâm của công viên là Hồ Hắc Long Đàm (Black Dragon Pool), là nơi luôn xuất hiện trong mọi bài viết về Lệ Giang cũng như website, bưu thiếp …. thu hút mọi du khách đến ngắm nhìn và chụp ảnh. Từ năm 1920 khi những tấm ảnh đầu tiên về Hắc Long Đàm được thế giới biết đến qua con mắt của Joseph Rock, nơi đây không mấy đổi thay, xin cùng bạn đọc thưởng ngoạn:
HacLong_1920
(Hồ Hắc Long năm 1920, ảnh chụp bởi Joseph Rock)

IMG_5332
(Hồ Hắc Long năm 2009, ảnh chụp bởi YILKA)

Mặt hồ trong sáng như gương, xa xa ngọn núi Ngọc Long Tuyết Sơn nổi bật lên với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, như một nét chấm phá thiên tạo vào bức tranh sơn thủy hữu tình này. Vì thế cũng dễ hiểu nếu nơi đây luôn là lựa chọn số một cho việc chụp ảnh mẫu hay ảnh cưới ^^
IMG_6994
IMG_7011
IMG_7041
IMG_7047

Cá trong hồ:
IMG_5417

Người ta nói rằng nước trong Hồ Hắc Long có 2 màu: từ phía Nam nhìn thì nước hồ màu xanh, còn từ phía Bắc nhìn thì nước hồ lại có màu vàng, hai vùng nước này tuy nối liền nhưng cá giữa hai nơi không bao giờ qua lại. Có đến tận nơi nhìn tận mắt mới hiểu cách nói ví von này 🙂

Tiếp tục đi vòng quanh hồ, du khách có thể vào thăm Ngũ Phượng Lầu (Five Phoenix Hall) đậm màu Phật giáo hay bảo tàng Văn hóa Đông Ba Nạp Tây (Museum of Naxi Dongba Culture)

IMG_5391
IMG_7029
IMG_5410
IMG_7033
IMG_7039

Tham quan Hắc Long Đàm cần khoảng nửa ngày để du khách có thể đi bộ hết và chụp ảnh 🙂 xong xuôi rồi thì đích đến tiếp theo sẽ là núi Ngọc Long Tuyết Sơn (Jade Dragon Snow Mountain). Núi này nằm cách Lệ Giang 35km, có thể đi xe buýt số 7 ở gần tượng đài Mao Trạch Đông trong khu phố mới (10RMB/người) hoặc thuê xe taxi hay xe tải nhỏ của người địa phương để đến núi (20RMB – 40RMB).
IMG_5593

Nếu bạn đọc theo dõi cuốn Lonely Planet – China sẽ thấy thông tin về núi Ngọc Long khá lộn xộn, mong là bài viết này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn 😀 Núi Ngọc Long nói chính xác là một quần thể núi lớn mà nổi bật nhất là đỉnh Ngọc Long (cũng giống như đỉnh Phan Xi Păng trong dãy Hoàng Liên Sơn hay ngọn Everest trong dãy Himalayas vậy). Để vào được quần thể núi này, du khách phải trả 80RMB/người tại trạm thu phí. Từ trạm thu phí này đi sâu vào 14km nữa là điểm dừng đầu tiên mà người ta tổ chức trình diễn “Ấn tượng Lệ Giang”. Tiếp tục đi xe vài km nữa sẽ đến điểm dừng thứ hai gọi là Hải Bằng (Dry Sea Meadow), du khách có thể đi cáp treo (giá 170RMB) lên độ cao 3100m vốn là vùng hồ cạn hơn 2 thế kỷ. Điểm dừng thứ ba trên lộ trình xe là Vân Sơn Bằng (Cloud Fir Meadow), ở đây du khách có thể đi cáp treo (giá 160RMB) lên độ cao 4500m rồi từ đó trèo lên tiếp để ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn xung quanh. Điểm dừng cuối cùng và xa nhất (hơn 60km từ Lệ Giang) là Mao Ngưu Bằng (Yak Meadow), ở đây cáp treo rẻ nhất (60RMB) và sẽ lên độ cao 3500m; các tour du lịch từ Việt Nam đi Lệ Giang đều có địa điểm này trong danh sách 😉 Bản thân người viết không có ý định chinh phục độ cao nên không đi hết các vùng sâu trong núi mà chỉ dừng ở điểm đến thứ nhất để xem ‘Impression Lijiang’ ^^

Đường vào núi Ngọc Long cực đẹp, hai bên là thảo nguyên mùa đông, mặt trời đứng bóng, ánh nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời khoảng 15 độ, vì chênh lệch độ cao nên tai hơi ù và chóng mặt ít nhiều do không khí loãng. Biển báo sức khỏe, made in Chinese style 😀
IMG_7075

Đôi nét về màn trình diễn Ấn tượng Lệ Giang: ‘Impression Lijiang’ là màn trình diễn hoành tráng với sự tham gia của 500 vũ công và 200 ngựa giữa sân khấu đá dựng ngoài trời ở độ cao hơn 3000m so với mực nước biển, lấy phông nền trực tiếp chính là đỉnh núi tuyết Ngọc Long, tái hiện lại cuộc sống cũng như những nét lịch sử văn hóa độc đáo của người Lệ Giang 🙂 Đạo diễn của ‘Impression Lijiang’ không ai khác chính là Trương Nghệ Mưu (Zhang YiMou), cha đẻ của những kiệt tác màn bạc Trung Hoa như Anh hùng (Hero), Thập diện mai phục (House of flying daggers). Màn trình diễn này được ông và cộng sự Fan Yue và Wang Chaoge thai nghén trong nhiều năm nhằm quảng bá và vinh danh cho nền văn hóa nghìn năm tuổi của Lệ Giang nói riêng và Vân Nam nói chung. Ngoài ‘Impression Lijiang’, Trương Nghệ Mưu còn dàn dựng hai màn trình diễn ấn tượng khác là ‘Impression: Liu Sanjie’ ở Quảng Tây và ‘Impression of West Lake’ ở Hàng Châu, trong chuyến khám phá Trung Quốc lần sau nhất định người viết sẽ đến xem 🙂

‘Impression Lijiang’ kéo dài 1 tiếng 30 phút, trình diễn 2 lần mỗi ngày: 10:30 sáng và 1:30 chiều, nắng sẽ phát mũ, mưa sẽ phát áo, rất hiếm khi nghỉ nên du khách đến bất kể mùa nào trong năm cũng có thể xem được. Giá vé là 190RMB/người (~ 28 USD), tuy không rẻ nhưng hoàn toàn xứng đáng để thưởng thức một không khí hoành tráng có một không hai giữa thiên nhiên núi non hùng vĩ. (Chú ý: màn trình diễn sẽ không có tiếng Anh mà chỉ có 2 màn hình ở 2 góc hiển thị thông tin về mỗi màn mùa)
IMG_5496

Quang cảnh trước khi buổi trình diễn bắt đầu: khán đài đã kín chỗ
IMG_7078

Màn trình diễn bắt đầu bằng thước phim ngắn giới thiệu lịch sử mảnh đất Lệ Giang 800 năm tuổi:
IMG_7088

Sau khi tiếng nhạc nổi lên là đoàn vũ công nam tiến vào lễ đài:
IMG_7091
IMG_7108

Họ lần lượt tái hiện lại hình ảnh người con trai Lệ Giang tài ba khí phách, anh hùng trong chiến đấu, giỏi giang lúc thời bình. Mỗi màn múa đều có nhạc nền rộn rã hùng tráng vang dậy khiến người xem cảm nhận được cái hào khí cao nguyên:
IMG_5483
IMG_7128
IMG_7129
IMG_7148
IMG_7139
IMG_7135

Ngay sau đó là tiếng nhạc dìu dặt vang lên, các vũ công nữ tiến vào lễ đài, lưng đeo gùi chân nhịp bước, nhìn xa như những con kiến cần mẫn tha mồi về tổ:
IMG_7120
IMG_5472

Tiếp theo là màn trình diễn trên ngựa của các vũ công nam, đoàn ngựa tiến vào, phi nước kiệu trên vành đai cao nhất bao quanh sân khấu để chào khán giả. Du khách ai cũng ấn tượng, hết thảy đều la ó hay vẫy tay chào 🙂
IMG_7163
IMG_7164
IMG_7165

Màn trình diễn tiếp theo là cuộc sống kẻ chợ bán buôn của người địa phương, cũng đánh bạc, cũng uống rượu, cũng gây gổ như ai … Rồi có một cô gái đem lòng yêu một chàng trai nhưng bố mẹ cô không cho, rồi người con gái đi lấy chồng xa, để lại mẹ già và em gái ở quê, chàng trai chạy theo nhưng chỉ thấy bóng mà không thấy người … Đây có thể coi là màn trình diễn đẹp và xúc động nhất của ‘Impression Lijiang’ trong tiếng nhạc nền ấm áp truyền cảm đã làm không ít du khách nữ rơi nước mắt! Sau bài viết này, người viết sẽ upload các đoạn nhạc nền lên, bạn đọc sẽ có dịp hiểu hơn vì sao ^^
IMG_7172
IMG_7178
IMG_7183
IMG_7187
IMG_7198
IMG_7194

Trong phối cảnh trời đất giao hòa đó, từ hai phía xa sân khấu hai đội vũ công nam và nữ tiến ra hát vang những khúc ca bản xứ, rồi lần lượt các vũ công trong trang phục đa sắc màu tượng trưng cho các nhóm người Tạng, người Nạp Tây và người Bái đi vào, cùng hòa chung lời ca:
IMG_7217
IMG_7221
IMG_7207
IMG_7228
IMG_7245
IMG_7232

Sau khi các vũ công lui xuống thì sân khấu dường như được chia ra làm đôi, phía dưới là các vũ công nam mặc quần áo sẫm màu trình diễn màn múa văn hóa Đông Ba, phía trên là một nhóm khác khiêng thẻ bài lớn và trống lên cao. Người Lệ Giang coi đó là cách để họ gửi thông điệp thiên nhân giao hòa. Màn đánh trống rất tưng bừng, đúng là sở trường của Trương Nghệ Mưu, sau mỗi tiếng hò là cả trăm chiếc trống đánh một nhịp, khi khoan nhặt, lúc lại dồn dập và đến cao trào thì khán giả phấn khích vỗ tay rào rào 😀
IMG_7280
IMG_7287
IMG_7308
IMG_7293
IMG_7299

Màn trình diễn kết thúc là lúc toàn bộ vũ công nam nữ tiến ra sân khấu giao lưu với khán giả (bằng tiếng Trung) 😀 tuy không hiểu hết nhưng đại ý là: Quý khách có thích không?Chúng tôi thì rất thích, chúng tôi tự hào là người Lệ Giang giàu truyền thống và lòng mến khách, hôm nay chúng tôi rất vui được đón quý khách ở đây, chúc quý khách cũng sẽ thấy vui và yêu quý mảnh đất này như chúng tôi đây, xin hẹn ngày tái ngộ! Nôm na nó thế 😛
IMG_7317
IMG_7331
IMG_7340

Du khách nếu muốn có thể mua đĩa DVD của ‘Impression Lijiang’ ở cửa ra với giá 50RMB (~7 USD), trong đó có tặng kèm đĩa CD gồm toàn bộ 15 bài nhạc nền sử dụng khi trình diễn. Đĩa DVD này chỉ dài hơn 30 phút, tóm tắt lại màn trình diễn và quá trình dàn dựng luyện tập chứ không phải quay toàn bộ show diễn, nên cách duy nhất để xem tận mắt có lẽ là đến Lệ Giang một lần trong đời ^^

Để quay lại Lệ Giang, du khách có thể đi taxi từ chân núi hoặc đi xe buýt 7, nên lưu ý là taxi sẽ hết rất nhanh còn xe buýt thì không phải lúc nào cũng có! Ngoài ra có thể đi bộ ra đường lớn rồi vẫy bất kỳ xe nào chạy về hướng cổ trấn. Người viết làm như vậy và về đến cổ trấn với phí tổn 10RMB sau khi nhảy lên 1 xe tải nhỏ chở hàng 😀

… Rời núi Ngọc Long Tuyết Sơn mà lòng còn vấn vương … trong đầu vẫn ngân vang âm hưởng trống giục từng hồi và hình ảnh những vũ công nhảy múa trên nền trời xanh thẫm như một bức bích họa tạc vào không gian, con người tuy nhỏ bé nhưng lại rất mạnh mẽ … cảm phục cái tài đạo diễn của nghệ sĩ họ Mưu, càng thêm yêu thích nét văn hóa Nạp Tây của trấn Đại Nghiên ^^ Bài viết ngày 3 xin dừng ở đây, hẹn bạn đọc tiếp tục khám phá Lệ Giang ở bài viết sau.

Trung Hoa Du Ký – Ngày 2: đi Vân Nam

IMG_6723

Ngày 2: Phàn Chi Hòa – Lệ Giang, Vân Nam

Trở lại với bạn đọc vào ký sự ngày thứ 2 🙂 Sáng sớm tàu chầm chậm vào ga Phàn Chi Hòa, là điểm dừng cuối cùng trong hành trình 15 tiếng từ Thành Đô, mọi hành khách đã trở dậy và sửa soạn để xuống ga. Khác với Thành Đô, Phàn Chi Hòa (Panzhihua) là 1 thành phố nhỏ và yên tĩnh hơn, nhà ga cũng ít người hơn, phía ngoài ga là các tuyến xe buýt đi trong thành phố. Để có thể đi đến Lệ Giang, người viết phải bắt xe từ nhà ga đến bến xe trung tâm (kiểu như ga Hà Nội ra bến Mỹ Đình, hay ga Sài Gòn ra bến xe miền Tây vậy :D). Chú ý: các tuyến xe đường dài từ Phàn Chi Hòa đến Vân Nam nói chung đều khởi hành từ bến trung tâm chứ không phải từ nhà ga, nên nếu bắt xe buýt từ nhà ga thì sau một hồi vòng vèo, xe buýt cũng sẽ đỗ lại ở bến trung tâm rồi từ đó chuyển xe khác để đi Vân Nam ❗ Cung đường Phàn Chi Hòa – Lệ Giang là một trong các cung đường chính nên việc mua vé khá dễ dàng.

IMG_4882
(Do người Trung Quốc đọc từ phải sang trái, nên biển hiệu trên xe cũng phải đọc từ phải sang trái)

Giá vé Phàn Chi Hòa – Lệ Giang là 80 RMB/người (~12 USD), quãng đường 300km, thời gian ghi trên vé: 9:00 – 13:00, thời gian thực tế: 8 tiếng, đến Lệ Giang khoảng 5h chiều. Xe thường dừng 2-3 lần để ăn trưa và cho hành khách thư giãn.

IMG_4843
IMG_4845
IMG_4879

Phàn Chi Hòa là một thành phố mỏ, cũng không có gì đặc sắc để nói nhiều, không khí trong thành phố nhuốm màu mờ mịt nửa khói sương nửa bụi đá. Xe buýt lao vun vút qua các giao lộ, hướng về phía núi chập trùng, báo trước một lộ trình dài và vất vả. Quả thực vậy, phần lớn quãng đường là những khúc quanh chữ S nối nhau vô tận, khi thì leo dốc dựng đứng, lúc lại biến mất trong rừng hoa cải vàng ruộm cuối thu rồi bất chợt xuất hiện ở lưng chừng đèo chênh vênh. Nếu ai đã từng thót tim khi leo đèo Hải Vân hay nghẹt thở những khúc cua của đèo Ngoạn mục tuyến Đà Lạt – Sài Gòn thì sẽ dễ tưởng tượng hơn nhiều.

IMG_4888
IMG_4890
IMG_4913

Khi trời xế trưa, xe dừng để mọi người ăn uống và nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Bữa cơm cao nguyên đầu tiên rất đậm đà và giá rất rẻ (13 RMB ~ 2 USD) 😀 Tiết trời ở độ cao 3000m so với mặt nước biển không quá khó chịu như người ta tưởng, trời rất cao và trong xanh, gió lạnh, mọi người chỉ cảm thấy hơi khó thở vì chưa quen hít nhiều khí lạnh và loãng vào phổi, nhưng ăn no xong thì mọi mệt nhọc tan biến. Lúc này đã hơn 1h chiều, xe sắp xuống thung lũng và chuẩn bị vào đến địa phận tỉnh Vân Nam.

IMG_4926
IMG_4957
IMG_4998

Đường vào Vân Nam dễ đi hơn, hai bên đường là những hàng cây dài tăm tắp phảng phất vẻ đẹp của tháng lập đông, thời tiết đẹp và lý tưởng cho khách du lịch, hứa hẹn những ngày lạnh nhưng nắng ráo sắp tới 🙂

IMG_4949
IMG_5024
IMG_5059

Xe đến Lệ Giang khoảng 5h chiều, sau khi dừng ở bến xe đường dài, hành khách có thể bắt taxi vào bên trong thành phố. Người viết đặt phòng ở Mama Naxi’s Guesthouse, đây là hostel được LonelyPlanet xếp hạng tốt nhất trong các hostel cho du lịch bụi ở Lệ Giang. Có thể điện thoại để hostel cho xe ra đón, phí đón khách là 3 RMB/người. Nhận xét chung về hostel này: vị trí vừa (khoảng 20′ đi bộ đến trung tâm cổ trấn); phòng nhỏ và ấm cúng, giá phải chăng (100 RMB ~ 15 USD); phòng có nước nóng và wifi miễn phí; phục vụ nhiệt tình và thân thiện; nấu món địa phương với giá vừa (15 RMB/người/bữa). Vì chiều đã muộn, người viết ăn tối ở Mama Naxi rồi bắt đầu ‘súng ống’ để khám phá Lệ Giang về đêm ^^ Nhưng trước hết muốn có đôi dòng về tỉnh Vân Nam nói chung và Lệ Giang nói riêng.

Vân Nam (Yunnan) là tỉnh cực tây nam Trung Quốc, có diện tích gần 400,000 km2 tức là rộng hơn cả Việt Nam, là ngôi nhà chung của 52 dân tộc (trên tổng số 56 tộc người toàn quốc), được coi là miền đất nhiều sắc màu văn hóa bậc nhất Trung Hoa. Đây cũng là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với hệ động thực vật phong phú, nằm ở độ cao từ 1000 đến 3000m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu ôn hòa, lại được tưới tiêu bởi hệ thống các sông lớn như Dương Tử, Hồng Hà, Mê Kông. Nhóm ngôn ngữ chính của Vân Nam là Tạng (Tibetan), Nạp Tây (Naxi), Bạch (Bai) tương truyền là 3 anh em sinh ra một nhà nói 3 thứ tiếng khác nhau, chia nhau ra sống ở những vùng khác nhau từ cao nguyên, trung du, đến đồng bằng 🙂

yunnan

Khách du lịch biết đến Vân Nam là cái nôi đa tộc, cũng là một nơi gần như duy nhất ở Trung Quốc có tứ đại nội thị tượng trưng cho bốn mùa trong năm:
Côn Minh (Kunming) – thủ phủ Vân Nam, quanh năm nắng ấm – được coi là “Xuân Thành” (thành phố mùa Xuân)
Đại Lý (Dali) – kinh đô xưa của vương quốc Nam Chiếu từng nổi danh qua Thiên Long Bát Bộ – được coi là “Hạ Thành”
Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) – châu tự trị của người Thái ở Vân Nam – được coi là “Thu Thành”
Lệ Giang (Lijiang) – thủ phủ của người Nạp Tây – được coi là “Đông Thành”

Lịch sử biết đến Vân Nam như một vùng giáp ranh quan trọng với Tứ Xuyên vốn là đất của nhà Thục thời Tam Quốc. Câu chuyện Gia Cát Võ Hầu dẹp loạn các tộc thiểu số, bảy lần bắt rồi bảy lần tha Nam Vương Mạnh Hoạch chính là trên mảnh đất Vân Nam này. Trước kia chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng hoạt động cách mạng ở Vân Nam những năm 1939 dưới bí danh Hồ Quang, thủ lĩnh Bát Lộ Quân, trước khi trở về Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm qua phim tài liệu “Bác Hồ ở Vân Nam” nếu muốn 😀

Trở lại với Lệ Giang, người viết sẽ đề cập cụ thể hơn về lịch sử, văn hóa, và hình thái xã hội của nơi này trong bài viết ngày 3 và ngày 4. Bài viết này gửi đến bạn đọc cảm nhận về một Đông Thành khi đã lên đèn, đẹp lung linh hơn tất cả những thành phố đêm người viết từng thấy qua ^^ Một Lệ Giang im lặng về đêm với sắc màu ấm cúng trong cái rét 8 độ C với những con đường lát đá ánh màu đèn lồng đỏ, những cửa hiệu nhỏ rực rỡ đèn bày bán đồ ăn và quà lưu niệm cao nguyên.
IMG_6825
_MG_6625
_MG_6872
_MG_6657
_MG_6669IMG_6707

Đoạn đường đi ra chợ trung tâm (Square Market hay Sifang Market):
IMG_6860
IMG_5096
IMG_5094
_MG_6833
_MG_6689

Các mái ngói được người dân ở đây khôn khéo gắn bóng đèn nhỏ vào, nhờ thế mỗi mái nhà và con đường trong cổ trấn đều rực sáng:
IMG_6662
IMG_6714
_MG_6850
IMG_6853
_MG_6847
IMG_6677IMG_6727

Chợ trung tâm cũng là nơi thích hợp cho các hoạt động mua sắm và ăn uống. Các ngân hàng, bưu điện cũng tập trung ở khu vực này, nhưng chỉ hoạt động đến 5h chiều:
_MG_6716
IMG_6713
IMG_6705

Thị bò núi khô (yak meat) đặc sản của Vân Nam 😀 giá không rẻ chút nào!
IMG_6719
IMG_6720
IMG_6678
IMG_5222IMG_6854

Các biển hiệu ở Lệ Giang đều được viết dưới nhiều thứ tiếng, trong đó thú vị nhất là chữ tượng hình theo văn hóa Đông Ba (Dongba culture) của người Nạp Tây (Naxi), đây cũng là hệ thống văn tự độc đáo duy nhất còn lại trên thế giới hiện nay 😛
IMG_6857
IMG_6684

Từ chợ trung tâm, du khách đi thẳng tiếp sẽ ra đến quảng trường trung tâm (People’s Square) nơi có bánh xe nước khổng lồ, biểu tượng của Lệ Giang Cổ Trấn ^^ Trên đường đi sẽ vượt qua các bar và club nhỏ, đây có lẽ là dấu ấn của văn hóa ngoại lai du nhập vào Lệ Giang trong những năm gần đây. Các quán này trang trí bắt mắt, bên trong nhạc chát chúa pha đủ thể loại 😀 bên ngoài có các thiếu nữ ăn mặc trang phục truyền thống Nạp Tây chào mời du khách ghé chân:
IMG_6752
IMG_6757
IMG_6742

Quảng trường trung tâm có thể coi là điểm cuối của cổ trấn, là chỗ giao cắt giữa phố cũ và phố mới của Lệ Giang, cũng là đường đi vào công viên Hắc Long (Black Dragon Park) – sẽ được tường thuật chi tiết trong bài sau 🙂

IMG_6682IMG_6774
IMG_5166
IMG_5182
_MG_6811
IMG_6817
IMG_6799

Đến tầm 10h đêm là các quán bắt đầu đóng cửa, du khách cũng tìm đường về nhà nghỉ. Đêm cao nguyên đầu tiên đẹp nồng nàn, thú vị lắm nếu nhấm nháp vị bùi bùi của thịt bò (yak meat) lại hít hà thêm ly trà nóng trước khi chui vào chăn ấm … nhiệt độ ngoài trời về đêm có thể xuống dưới 5 độ … Hẹn bạn đọc trong bài tiếp theo đón bình minh lên trên trấn Lệ Giang và tiếp tục cuộc hành trình khám phá mảnh đất này sâu kỹ hơn nữa 🙂

Trung Hoa Du Ký – Ngày 1: vào Thành Đô

Hành trình vạn lý qua 2 vùng Tứ XuyênVân Nam phía Tây Nam Trung Quốc kéo dài 8 ngày và hơn 3000 cây số đường đi về sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:
– Ngày 1: bay vào Thành Đô (Tứ Xuyên) rồi đáp tàu đi Phàn Chi Hòa
– Ngày 2: từ Phàn Chi Hòa bắt xe buýt đi Vân Nam, đến Lệ Giang cổ trấn lúc chiều tối
– Ngày 3 và 4: thăm thú Lệ Giang ngắm núi nhìn sông, đêm ngày 4 bay về Thành Đô
– Ngày 5: sáng xem gấu trúc Thành Đô, chiều bay đi Cửu Trại Câu
– Ngày 6: khám phá thiên đường hạ giới ở Cửu Trại
– Ngày 7: bay về Thành Đô, thưởng thức ẩm thực Tứ Xuyên
– Ngày 8: thăm thú phố phường; chiều bay đi từ Thành Đô, kết thúc lần đầu “Bắc tiến”

(Các thông tin dùng trong bài viết này và các bài tiếp sau là trải nghiệm cá nhân, thông tin về địa danh, thời tiết và giá cả … chính xác cho đến thời điểm viết 12/2009, có thể dùng để tham khảo trong vòng thập kỷ tới – không hơn).

Ngày 1: Malaysia – Thành Đô – Phàn Chi Hòa

Với giá cả 2 chiều bay Kuala Lumpur – Thành Đô rẻ hơn nhiều so với vé KL – Hà Nội và ngang ngửa KL – Sài Gòn nên không có gì ngạc nhiên là chuyến bay của AirAsia chật căng người và quần áo rét 😀

IMG_4751

IMG_4753

AirAsia X giống hệt AirAsia, khác mỗi chữ X … vì là hãng hành không giá rẻ nên mọi đồ ăn thức uống và dịch vụ giải trí đều bán trên chuyến bay 😀

IMG_4766

Đồ nghề: Canon EOS 5D Mark II, ống Canon 17-40mm f4 L USM, ống Canon 70-200mm f4 L IS USM. Máy phụ: Canon G10 ^^

IMG_4776

Thời gian bay: 4.5 tiếng, hạ cánh xuống sân bay quốc tế ShuangLiu, Thành Đô gần 2h giờ chiều ^^ Ấn tượng đầu tiên là sân bay Trung Quốc cực rộng, hành lang đến cực dài, và trời cực đẹp (11 độ, nhiều mây, không mưa, không nắng, gió nhẹ, thành phố chìm trong sương khói mùa đông). Kiểm dịch sân bay kỹ càng cẩn thận hơn so với Việt Nam hay Singapore, còn hải quan Trung Quốc làm việc nhanh nhẹn gọn gàng, tờ khai Hải quan của Trung Quốc rất đẹp nhưng khu vực này (như thường lệ) cấm chụp ảnh :mrgreen:

Ra khỏi sân bay thì lựa chọn tốt nhất cho du khách là bắt taxi. Xe taxi của Trung Quốc nhiều và dễ bắt, thường có 2 màu trên thân xe, và luôn chạy theo đồng hồ nên chỉ cần đưa lái xe địa chỉ cụ thể là đủ. Quãng đường khoảng 22km có giá khoảng 60 RMB (~ 9 USD) đã bao gồm lệ phí sân bay.

_MG_6602

Taxi Trung Quốc đi nhanh và lái lạng lách y hệt người Việt Nam đi xe máy 😀 Đáng chú ý là đường phố lớn của Trung Quốc rất hiếm xe máy, phần lớn người dân đi bộ hoặc đi xe đạp điện nên tiếng ồn khá thấp và trên trục chính chỉ toàn xe hơi. Mọi người đều tuân thủ luật lệ, các ngã tư đều có người điều khiển giao thông nhưng khuyến cáo là phải nhìn trước nhìn sau khi qua đường vì taxi và xe buýt Trung Quốc lái hơn trong phim …

_MG_6594

Thành Đô (Chengdu) vốn được coi nút giao thông huyết mạch của Trung Quốc, vừa là ga chính đi các thành phố khác của Tứ Xuyên, lại cầu nối quan trọng đi các vùng phía Tây và phía Nam đất nước. Với mục đích thăm cả Tứ Xuyên và Vân Nam, người viết chọn Thành Đô là điểm dừng chân đầu tiên, từ đây có 2 lựa chọn chính (với giá cả hợp lý) để đi Vân Nam:

– Cách 1: bay hoặc đáp tàu đi Côn Minh (Kunming), lộ trình này cho phép du khách thăm Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang. Đây là lộ trình quen thuộc với các tour du lịch từ Việt Nam, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian di chuyển trên tuyến Thành Đô – Côn Minh (xx giờ tàu), từ Côn Minh đi xe đến Lệ Giang mất thêm xx tiếng nên sẽ giảm thời gian ở chơi thăm Lệ Giang

– Cách 2: với ý định lấy Lệ Giang làm điểm nhấn của vùng Vân Nam mà bỏ qua Côn Minh và Đại Lý, người viết chọn cách 2 là đi tàu (15 tiếng) từ Thành Đô đến Phàn Chi Hòa (Panzhihua), bắt xe buýt từ Phàn Chi Hòa (7 tiếng) đến Lệ Giang.

Vé tàu ở Trung Quốc chủ yếu mua trực tiếp từ ga hoặc thông qua các đại lý du lịch trong nước. Vé tuy nhiều nhưng luôn luôn nên mua trước từ 3-5 ngày khởi hành vì số lượng người Trung Quốc đi tàu là cực cực lớn, một phần do yếu tố địa lý. Với họ, đi tàu 10-12 tiếng, vượt khoảng cách 800-1000km có thể xem là gần! Với khách du lịch nếu không có điều kiện mua vé trực tiếp thì nên nhờ khách sạn ở Trung Quốc đặt vé cho rồi nhận vé sau khi đã đến nơi.

Người viết đặt phòng với nhà nghỉ Sim’s Cozy Garden Hostel (website) – đây là 1 điểm dừng chân nổi tiếng cho khách du lịch bụi toàn thế giới, được HostelWorld và LonelyPlanet xếp hạng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Sim’s Cozy do vợ chồng Sim (người Singapore) và Maki (người Nhật Bản) quản lý, đã hoạt động trên 20 năm, cực kỳ uy tín và nhiều kinh nghiệm về du lịch Tây Nam Trung Quốc; đồng thời hỗ trợ đặt thuê xe, vé tàu, vé máy bay, tổ chức tour ngắn ngày và dài ngày, xin giấy phép đi Tây Tạng …

Vài hình ảnh để bạn đọc tham khảo:

IMG_4788

_MG_6584-2

_MG_6577

_MG_6579

IMG_4795

Sim’s Cozy có tủ sách và bộ sưu tầm phim nhạc khác đa dạng, khách có thể đặt cọc và mượn miễn phí 🙂 (tủ sách này không có cuốn nào tiếng Việt cả … ) Trong Sim’s Cozy cũng có nhà hàng nhỏ, phục vụ món ăn Âu-Á và đồ uống với giá cả phải chăng, chất lượng vừa vừa, mang phong vị món Nhật khá nhiều.

IMG_4798

Từ Sim’s Cozy tuy không gần trung tâm thành phố, nhưng lại gần với ga tàu và thuận tiện đi thăm TT Bảo tồn và Nuôi dưỡng Gấu trúc của Thành Đô (sẽ được đề cập trong kỳ tới trong bài viết đầy đủ về Thành Đô). Sau khi đến Sim’s Cozy lấy vé tàu, người viết đi taxi ra ga tàu Thành Đô, khoảng cách 2km, giá 9 RMB (~ 1 USD).

SIM

Thành Đô có 2 ga lớn là ga phía Bắc (North Train Station) và ga phía Nam (South Train Station), trong đó ga phía Bắc luôn là điểm khởi hành của các chuyến tàu, các thông tin trên mạng nếu không ghi chú cụ thể thì mặc định là ga phía Bắc. Ga Thành Đô cực rộng, xứng đáng là ga tàu lớn của Trung Quốc 😀 trong bán kính vài trăm mét trước cửa ga cho đến bên trong ga chỉ toàn người là người, hành lý cũng khó mà nhìn thấy vì quá đông người. Các thông tin biển hiệu đều là tiếng Trung, nhưng số hiệu tàu – giờ khởi hành – sân ga hiển thị số nên vẫn có thể tìm được đúng tàu cần đi. Trước khi vào ga, hành khách phải đưa hành lý qua băng kiểm tra như ở sân bay. Nguyên tắc số 1 là giữ chặt vé + ví + tư trang, chen lấn nhiệt tình không khách sáo, và không đi theo đám đông nào cả vì tất cả mọi người đi về tất cả mọi hướng :mrgreen:

Cách đọc vé tàu của Trung Quốc:
train_ticket

Thêm một điều nữa là các hành lang đi ra sân ga của Trung Quốc khá dài và lộn xộn, sẽ không có thang máy nên toàn bộ hành lý nặng nhẹ đều phải bê lên xuống cầu thang ❗ Trái với không khí ồn ã bên ngoài, sân ga rất ngăn nắp và rất sạch, mỗi toa sẽ có trưởng toa đứng ngoài chào khách và kiểm tra qua vé.

IMG_4807

IMG_4803Lịch chạy tàu khá chính xác, thời gian sai lệch toàn tuyến chỉ trong vòng 30′, thông tin về lộ tuyến và lịch có thể tham khảo từ site China Highlights. Tùy thuộc vào hành trình mà có nhiều loại tàu, thông thường các tuyến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hong Kong, Tây Tạng thì tàu rất tiện nghi và vé đắt hơn. Trên các tàu đều chia hạng toa: ngồi cứng (Hard Seat), ngồi mềm (Soft Seat), nằm cứng (Hard Sleeper), nằm mềm (Soft Sleeper); loại sau giá thường gấp rưỡi đến gấp đôi loại trước. Riêng các toa nằm, tuy chia ra nằm cứng và nằm mềm nhưng mỗi giường đều có gối chăn đệm, khác nhau chủ yếu là khoang nằm cứng có 3 giường (trên, giữa, dưới) còn khoang nằm mềm chỉ có 2 giường (trên, dưới); nên loại nằm cứng (Hard Sleeper) luôn là lựa chọn của du khách cho các chuyến đi trên 10 tiếng vì yếu tố chất lượng và kinh tế 😛 Bạn đọc nếu có ý định đi tàu hỏa du lịch Trung Quốc thì nên xem thêm từ site Seat61. Giá vé tùy vào loại toa và thay đổi theo vị trí giường nằm, giường dưới giá sẽ đắt nhất và giảm dần khi phải trèo cao 😀 Trong mỗi toa, hành khách có thể cất hành lý dưới gậm giường nằm hoặc để trên giá, và tất nhiên phải tự trông coi. Đầu mỗi toa là máy lấy nước nóng luôn có sẵn nước sôi 99 độ; phía cuối mỗi toa là phòng rửa và 2 buồng vệ sinh (cẩn thận không thừa vì toilet chỉ sạch trước khi tàu chạy !)

IMG_4804

Sau khi đã lên tàu, trưởng toa sẽ đi kiểm tra vé từng hành khách, thu vé giấy và phát cho hành khách 1 thẻ bài (mang đậm phong cách Trung Quốc :D). Thẻ này phải giữ vì khi đến ga cuối, hành khách phải đổi thẻ để lấy lại vé, có thể mới ra khỏi ga được.

IMG_4820IMG_4834

Chuyến tàu Thành Đô – Phàn Chi Hòa khởi hành lúc 5:36 chiều, quãng đường 823km, thời gian khoảng 15 tiếng, được xếp vào loại tàu đêm, sẽ đến ga Phàn Chi Hòa khoảng 8.30 sáng hôm sau. Ngay sau tàu khởi hành, nhân viên mặc đồng phục sẽ đi bán đồ ăn uống, đồ lưu niệm (rởm) và đồ dùng cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt). Nếu có điều kiện thì hành khách nên mua đồ ăn mang theo, vì đồ ăn bán trên toa rất đắt, chất lượng trung bình. Như gói hoa quả chỉ đáng 10 RMB được bán 20 RMB …

IMG_4825

Người đi tàu Trung Quốc kinh nghiệm đều mang theo bình đựng nước nóng để có thể lấy nước nóng uống trên tàu, pha trà, nấu mì … kiêm đánh răng rửa mặt buổi sáng 😀 Chú ý: tàu đêm Trung Quốc sẽ tắt đèn vào lúc 9:30 tối và chỉ bật lại vào 6:30 sáng hôm sau, sẽ có loa thông báo nhưng là tiếng Trung! hành khách nên ăn bữa tối trên khoang càng sớm càng tốt và nên có đèn pin phòng khi hữu sự ^^

IMG_4832

Mọi người trên tàu phần lớn hiền lành thân thiện, đủ cả lứa tuổi trẻ già, hiếm người biết tiếng Anh, ai cũng thấy thú vị khi biết có hành khách Việt Nam đi tàu từ Tứ Xuyên (Sichuan) vào Vân Nam (Yunnan) 😛 và không kém phần ngạc nhiên là người Việt biết ít tiếng Trung 😮 chắc là nghĩ người Việt cái gì cũng biết keke Khi đêm xuống, tàu chạy cực nhanh (tốc độ hơn 100km/h) nhưng khá êm, nhiệt độ khoảng 9-10 độ trong khoang, thích hợp nhất là cuộn trăn nằm ngủ, xin hẹn bạn đọc bài viết ngày 2 🙂