Nepal Du Ký – Phần 2: Hành khúc Thamel

Nhắc đến khu Thamel ở Kathmandu cũng giống như nhắc đến khu phố ‘Tây’ Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn hay khu Hồ Gươm ở Hà Nội vậy. Người ta gọi Thamel là thiên đường của dân du lịch bụi, là Nepal thu nhỏ giữa lòng thủ đô một phần vì sự đa dạng sôi động về dịch vụ nhà hàng quán bar, khách sạn nhà nghỉ, cửa hàng cửa hiệu, đại lý du lịch … thôi thì đủ cả; cũng vì nơi đây tập trung những sắc màu cuộc sống phong phú nhất mà ít ai ghé chân đến Kathmandu lại không một (vài) lần lượn qua lượn lại 🙂 Con đường gió bụi từ Pokhara đến Kathmandu cuối cùng đã kết thúc, chúng tôi bồi hồi chạm ngõ thủ đô vào lúc chiều tà. Bài viết hôm nay xin gửi đến bạn đọc những cảm nhận về khu phố Thamel – Hành khúc Ngày và Đêm ^^

Sau khi đã lấy phòng yên vị, tôi mặc ấm và ra khỏi hostel dạo lòng vòng quanh Thamel khi đã lên đèn. Tiết trời Kathmandu buổi tối không quá lạnh, nhiệt độ trung bình 15 độ C, trời nhiều mây không mưa gió nhẹ, tầm nhìn xa không quá 3km vì bụi, khi sang đường các bạn nhớ nhìn trước nhìn sau kẻo đụng phải xe máy và ôtô luôn đánh võng thường trực. Ấn tượng đầu tiên về khu phố Thamel là: đèn đâu mà lắm thế? đồ đâu mà nhiều thế? và giá sao mà đắt thế? Những cửa hàng trên phố chắc cả ngày chỉ đợi khi đêm xuống là bung ra bán với màu sắc ấm cúng bắt mắt:

Những tấm thảm lớn và rất lớn như thế này được quảng cáo là làm từ lông bò Yak (giống bò quen thuộc với bạn đọc nếu đã du hành qua Tây Tạng), giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn Nepali Rupee (100 USD = 7,000 NPR), sau khi nghe giá trên trời xong, du khách cứ bình tĩnh mà mặc cả để kéo giá xuống đất 😀 giá hợp lý chỉ bằng 40-60% giá chào ban đầu:

Các loại túi nhỏ cho nam nữ đủ kích thước và chất liệu cũng được bày bán rất nhiều, giá trung bình từ 10-30 USD:

Nếu bạn hứng thú với các đồ gỗ chạm trổ cầu kỳ xinh xắn, Thamel cũng sẽ không làm bạn thất vọng:

Hay những cuốn lịch 2011 bằng giấy tái chế in hình Phật với giá chỉ 120 NPR (~ 2 USD) và những lồng đèn giấy màu mè trang trí hoạ tiết Phật giáo. Kinh nghiệm là bạn cứ mua nhiều (từ 4-5 món) rồi mặc cả giảm giá một lượt là sẽ mua được rẻ:

Rảo bước đi giữa những con phố ngắn và đâm ngang dọc như bàn cờ của Thamel có thể dễ dàng nhận ra phần lớn du khách đến đây đều từ Châu Âu, lý do chính vì đam mê leo núi ở Nepal và tận dụng giá cả rẻ khu vực này để mua đồ dùng dụng cụ

Đủ loại mũ thêu các biểu tượng quen thuộc của Nepal cùng găng tay và khăn ấm:

Những cửa hàng bán áo thun may sẵn của Thamel: bạn cũng có thể chọn mầu áo, chất liệu vải rồi yêu cầu thêu trước ngực, thêu sau lưng, và thêu luôn cờ 2 bên bả vai; thời gian làm chỉ cần 1 ngày và giá 400-450 NPR mỗi chiếc (có thể giảm giá nếu may nhiều), tính ra chỉ 6 USD cho 1 món quà kỷ niệm độc đáo lại thời trang từ Nepal đem về ^^

Một món khác rất thịnh hành trên đường phố Thamel đó là sách! Nhưng chúng tôi đều đồng ý là không nên mua sách ở Thamel nói riêng và Nepal nói chung. Lý do các bạn bán hàng đưa ra cho việc giá cao là: “Sách này chúng em nhập về từ nước ngoài về, phải chịu tỉ giá lên xuống nên khó giảm giá được!”, nghe sao mà gần gũi giống Việt Nam! Có rất nhiều cuốn về văn minh Himalayas cũng như Phật giáo cổ rất đẹp và độc nhưng nhìn giá xong thì âm thầm trả về chỗ cũ 😀 Bạn đọc nếu muốn thì chỉ nên mua bưu thiếp Made in Nepal về làm quà với giá 10 NPR/cái, mua 10 tặng 2:

Ngoài ra, nếu ai thích thú với đồ giả cổ và các món hơi hướng Ấn giáo và Phật giáo có thể ghé vào các cửa hiệu bán đồ kiểu này, cứ cách vài mét sẽ có 1 hiệu như thế nên du khách cứ ép giá tối đa, không được hàng này ta qua hàng khác. Nói chung các bạn bán hàng Nepal khá cởi mở với câu chào “Namaste!” trên môi, hét giá cũng sốc, nhưng mặc cả xong thì vẫn tươi cười bán. Về điểm này Việt Nam mình thua xa dù cũng được tiếng là hiếu khách:

Một rừng Tibetan Singing Bowl cho bạn chọn ^^ Cái nhỏ giá khoảng 300 NPR, cái nhỡ giá khoảng 500 NPR, cái nhớn giá khoảng 700 NPR, cái cực nhớn thì chưa kịp hỏi giá … Đây là các “bát tộ” màu đồng thau hoặc đen hoặc vàng; bên trong và bên ngoài đều có hoa văn đẹp, quan trọng nhất là khi sẽ phát ra âm thanh trong và cao lại ngân vang khi dùng dùi gỗ xoay xung quanh. Nhưng mà âm thanh thì vốn không tả được, xin nhường bạn đọc có dịp sẽ tự khám phá. Trước kia Tibetan Singing Bowl chủ yếu được dùng trong các buổi giảng kinh; còn ngày nay thì đã bình dân hơn, xuất hiện rất nhiều ở Thamel để du khách chúng ta thích thú đánh thử, nghe thử rồi mua thật 🙂

Đi loanh quanh, đời mỏi mệt, bụng đói tay run; tôi ghé vào quán ăn trên đường. Các quán cafe ở Thamel thường kết hợp với nhạc sống, câu lạc bộ xăm trổ, và tất nhiên là hội quán du lịch luôn:

Tôi chọn quán Nhật này vì thích tên quán, nhưng không khí bên trong quán, chất lượng món ăn và giá cả thì tuyệt vời hơn tưởng tượng rất nhiều, cộng thêm với anh phục vụ người Nepal hiền lành, nhiệt tình. Mấy ngày sau đó tôi đều ghé đây ăn sáng và ăn tối:

Giá trung bình mỗi món ăn của quán Momotaru là 150 NPR, phong vị Nepal, Nhật Bản, Âu Mỹ đủ cả:

Bữa tối no nê, tôi trở về Avalon Guesthouse, không quên tặng Thamel một tấm nhìn từ trên cao, nhận xét chung là thành phố nhiều đèn lắm bụi thiếu cây xanh thừa tiếng ồn:

Đêm qua ngày lại, chẳng mấy mà tái ngộ bạn đọc với những hình ảnh cuộc sống Nepal khi bình minh ^^ Phòng tôi ở tầng thượng của Avalon Guesthouse nên sáng ra tranh thủ vừa tập thể dục vừa chụp ảnh từ lầu cao nhất. Từ đây nhìn ra Kathmandu cũng không đáng yêu là mấy, quy hoạch đô thị hỗn loạn như nước mình, chỉ ít nhà cao tầng hơn thôi (>_<)

Luôn tiện giới thiệu thêm với bạn đọc về Avalon Guesthouse: vị trí hostel cách Thamel khoảng 5 phút đi bộ, cách sân bay 20′ chạy taxi. Phòng vừa và nhỏ, giá từ 15 USD đến 30 USD/đêm, sạch sẽ, không bọ rệp, nước nóng 24/7 vì khách sạn dùng pin mặt trời để nấu, có thể đặt phòng trước từ HostelWorld. Nhân viên khách sạn trẻ và nói tiếng Anh tốt, Internet không dây không có (thay vì đó là 1 máy tính nối mạng đặt ở tầng trệt, không chặn Facebook hay Twitter như Trung Quốc), tốc độ mạng chậm và không ổn định – cũng là bệnh chung của Nepal (Việt Nam nay chữa khỏi rồi ^^). Bác quản lý Avalon nhiệt tình và biết kinh doanh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm du lịch về Kathmandu, giúp bạn đặt chỗ gọi xe taxi đi quanh thành phố với giá mặc cả được. Nhưng ấn tượng nhất phải nói là là bác bảo vệ vốn là 1 quân nhân giải ngũ luôn trong trang phục quân cảnh chỉnh tề và chào kiểu lính mỗi khi chúng tôi ra vào hostel 🙂

Rời Avalon, chúng tôi lại bắt đầu ngày mới bằng việc ngắm nhìn Thamel ban ngày trước khi thuê xe taxi đi thăm các khu xung quanh Kathmandu. Thamel ban ngày nhìn cũng nhiều màu sắc nhưng bụi bặm và lười biếng hơn lúc về đêm:

Bản đồ Thamel có thể tìm thấy trên … tường nhưng chắc không mấy hữu ích. Bạn đọc cũng không cần đến bản đồ LonelyPlanet mà làm gì vì chỉ cần lượn Thamel từ lần thứ 3 trở lên là thông thuộc hết 😀 Giao thông trên phố Kathmandu khá bát nháo, đường phần lớn là bụi bẩn, khẩu trang là vật bất ly thân cho tất cả mỗi khi ra đường!

Gần 8h sáng, tiết trời thu trong mát của thủ đô đang là 15 độ C, một ly cafe nóng làm cho chúng tôi sảng khoái và xách máy đi chụp khoảnh khắc phố phường cùng những con người Nepal ^^

Gửi tặng bạn đọc loạt ảnh Nepal trắng đen, cảm nhận xin tuỳ mỗi người:

… Chẳng thể nào qua hết từng con phố, nhưng còn đó mùa thu đầy gió và cuộc sống phố phường thanh bình … chúng tôi tạm rời Thamel bắt đầu hành trình khám phá các vùng xung quanh thung lũng Kathmandu trong hôm nay mà điểm đến đầu tiên là đền thờ Changu Naryan – đền Hindu cổ nhất có từ thế kỷ IV; chi tiết phải hẹn bạn đọc trong bài tiếp theo Phần 3: lạ lẫm Changu Narayan.