Nepal Du Ký – Phần 2: Hành khúc Thamel

Nhắc đến khu Thamel ở Kathmandu cũng giống như nhắc đến khu phố ‘Tây’ Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn hay khu Hồ Gươm ở Hà Nội vậy. Người ta gọi Thamel là thiên đường của dân du lịch bụi, là Nepal thu nhỏ giữa lòng thủ đô một phần vì sự đa dạng sôi động về dịch vụ nhà hàng quán bar, khách sạn nhà nghỉ, cửa hàng cửa hiệu, đại lý du lịch … thôi thì đủ cả; cũng vì nơi đây tập trung những sắc màu cuộc sống phong phú nhất mà ít ai ghé chân đến Kathmandu lại không một (vài) lần lượn qua lượn lại 🙂 Con đường gió bụi từ Pokhara đến Kathmandu cuối cùng đã kết thúc, chúng tôi bồi hồi chạm ngõ thủ đô vào lúc chiều tà. Bài viết hôm nay xin gửi đến bạn đọc những cảm nhận về khu phố Thamel – Hành khúc Ngày và Đêm ^^

Sau khi đã lấy phòng yên vị, tôi mặc ấm và ra khỏi hostel dạo lòng vòng quanh Thamel khi đã lên đèn. Tiết trời Kathmandu buổi tối không quá lạnh, nhiệt độ trung bình 15 độ C, trời nhiều mây không mưa gió nhẹ, tầm nhìn xa không quá 3km vì bụi, khi sang đường các bạn nhớ nhìn trước nhìn sau kẻo đụng phải xe máy và ôtô luôn đánh võng thường trực. Ấn tượng đầu tiên về khu phố Thamel là: đèn đâu mà lắm thế? đồ đâu mà nhiều thế? và giá sao mà đắt thế? Những cửa hàng trên phố chắc cả ngày chỉ đợi khi đêm xuống là bung ra bán với màu sắc ấm cúng bắt mắt:

Những tấm thảm lớn và rất lớn như thế này được quảng cáo là làm từ lông bò Yak (giống bò quen thuộc với bạn đọc nếu đã du hành qua Tây Tạng), giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn Nepali Rupee (100 USD = 7,000 NPR), sau khi nghe giá trên trời xong, du khách cứ bình tĩnh mà mặc cả để kéo giá xuống đất 😀 giá hợp lý chỉ bằng 40-60% giá chào ban đầu:

Các loại túi nhỏ cho nam nữ đủ kích thước và chất liệu cũng được bày bán rất nhiều, giá trung bình từ 10-30 USD:

Nếu bạn hứng thú với các đồ gỗ chạm trổ cầu kỳ xinh xắn, Thamel cũng sẽ không làm bạn thất vọng:

Hay những cuốn lịch 2011 bằng giấy tái chế in hình Phật với giá chỉ 120 NPR (~ 2 USD) và những lồng đèn giấy màu mè trang trí hoạ tiết Phật giáo. Kinh nghiệm là bạn cứ mua nhiều (từ 4-5 món) rồi mặc cả giảm giá một lượt là sẽ mua được rẻ:

Rảo bước đi giữa những con phố ngắn và đâm ngang dọc như bàn cờ của Thamel có thể dễ dàng nhận ra phần lớn du khách đến đây đều từ Châu Âu, lý do chính vì đam mê leo núi ở Nepal và tận dụng giá cả rẻ khu vực này để mua đồ dùng dụng cụ

Đủ loại mũ thêu các biểu tượng quen thuộc của Nepal cùng găng tay và khăn ấm:

Những cửa hàng bán áo thun may sẵn của Thamel: bạn cũng có thể chọn mầu áo, chất liệu vải rồi yêu cầu thêu trước ngực, thêu sau lưng, và thêu luôn cờ 2 bên bả vai; thời gian làm chỉ cần 1 ngày và giá 400-450 NPR mỗi chiếc (có thể giảm giá nếu may nhiều), tính ra chỉ 6 USD cho 1 món quà kỷ niệm độc đáo lại thời trang từ Nepal đem về ^^

Một món khác rất thịnh hành trên đường phố Thamel đó là sách! Nhưng chúng tôi đều đồng ý là không nên mua sách ở Thamel nói riêng và Nepal nói chung. Lý do các bạn bán hàng đưa ra cho việc giá cao là: “Sách này chúng em nhập về từ nước ngoài về, phải chịu tỉ giá lên xuống nên khó giảm giá được!”, nghe sao mà gần gũi giống Việt Nam! Có rất nhiều cuốn về văn minh Himalayas cũng như Phật giáo cổ rất đẹp và độc nhưng nhìn giá xong thì âm thầm trả về chỗ cũ 😀 Bạn đọc nếu muốn thì chỉ nên mua bưu thiếp Made in Nepal về làm quà với giá 10 NPR/cái, mua 10 tặng 2:

Ngoài ra, nếu ai thích thú với đồ giả cổ và các món hơi hướng Ấn giáo và Phật giáo có thể ghé vào các cửa hiệu bán đồ kiểu này, cứ cách vài mét sẽ có 1 hiệu như thế nên du khách cứ ép giá tối đa, không được hàng này ta qua hàng khác. Nói chung các bạn bán hàng Nepal khá cởi mở với câu chào “Namaste!” trên môi, hét giá cũng sốc, nhưng mặc cả xong thì vẫn tươi cười bán. Về điểm này Việt Nam mình thua xa dù cũng được tiếng là hiếu khách:

Một rừng Tibetan Singing Bowl cho bạn chọn ^^ Cái nhỏ giá khoảng 300 NPR, cái nhỡ giá khoảng 500 NPR, cái nhớn giá khoảng 700 NPR, cái cực nhớn thì chưa kịp hỏi giá … Đây là các “bát tộ” màu đồng thau hoặc đen hoặc vàng; bên trong và bên ngoài đều có hoa văn đẹp, quan trọng nhất là khi sẽ phát ra âm thanh trong và cao lại ngân vang khi dùng dùi gỗ xoay xung quanh. Nhưng mà âm thanh thì vốn không tả được, xin nhường bạn đọc có dịp sẽ tự khám phá. Trước kia Tibetan Singing Bowl chủ yếu được dùng trong các buổi giảng kinh; còn ngày nay thì đã bình dân hơn, xuất hiện rất nhiều ở Thamel để du khách chúng ta thích thú đánh thử, nghe thử rồi mua thật 🙂

Đi loanh quanh, đời mỏi mệt, bụng đói tay run; tôi ghé vào quán ăn trên đường. Các quán cafe ở Thamel thường kết hợp với nhạc sống, câu lạc bộ xăm trổ, và tất nhiên là hội quán du lịch luôn:

Tôi chọn quán Nhật này vì thích tên quán, nhưng không khí bên trong quán, chất lượng món ăn và giá cả thì tuyệt vời hơn tưởng tượng rất nhiều, cộng thêm với anh phục vụ người Nepal hiền lành, nhiệt tình. Mấy ngày sau đó tôi đều ghé đây ăn sáng và ăn tối:

Giá trung bình mỗi món ăn của quán Momotaru là 150 NPR, phong vị Nepal, Nhật Bản, Âu Mỹ đủ cả:

Bữa tối no nê, tôi trở về Avalon Guesthouse, không quên tặng Thamel một tấm nhìn từ trên cao, nhận xét chung là thành phố nhiều đèn lắm bụi thiếu cây xanh thừa tiếng ồn:

Đêm qua ngày lại, chẳng mấy mà tái ngộ bạn đọc với những hình ảnh cuộc sống Nepal khi bình minh ^^ Phòng tôi ở tầng thượng của Avalon Guesthouse nên sáng ra tranh thủ vừa tập thể dục vừa chụp ảnh từ lầu cao nhất. Từ đây nhìn ra Kathmandu cũng không đáng yêu là mấy, quy hoạch đô thị hỗn loạn như nước mình, chỉ ít nhà cao tầng hơn thôi (>_<)

Luôn tiện giới thiệu thêm với bạn đọc về Avalon Guesthouse: vị trí hostel cách Thamel khoảng 5 phút đi bộ, cách sân bay 20′ chạy taxi. Phòng vừa và nhỏ, giá từ 15 USD đến 30 USD/đêm, sạch sẽ, không bọ rệp, nước nóng 24/7 vì khách sạn dùng pin mặt trời để nấu, có thể đặt phòng trước từ HostelWorld. Nhân viên khách sạn trẻ và nói tiếng Anh tốt, Internet không dây không có (thay vì đó là 1 máy tính nối mạng đặt ở tầng trệt, không chặn Facebook hay Twitter như Trung Quốc), tốc độ mạng chậm và không ổn định – cũng là bệnh chung của Nepal (Việt Nam nay chữa khỏi rồi ^^). Bác quản lý Avalon nhiệt tình và biết kinh doanh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm du lịch về Kathmandu, giúp bạn đặt chỗ gọi xe taxi đi quanh thành phố với giá mặc cả được. Nhưng ấn tượng nhất phải nói là là bác bảo vệ vốn là 1 quân nhân giải ngũ luôn trong trang phục quân cảnh chỉnh tề và chào kiểu lính mỗi khi chúng tôi ra vào hostel 🙂

Rời Avalon, chúng tôi lại bắt đầu ngày mới bằng việc ngắm nhìn Thamel ban ngày trước khi thuê xe taxi đi thăm các khu xung quanh Kathmandu. Thamel ban ngày nhìn cũng nhiều màu sắc nhưng bụi bặm và lười biếng hơn lúc về đêm:

Bản đồ Thamel có thể tìm thấy trên … tường nhưng chắc không mấy hữu ích. Bạn đọc cũng không cần đến bản đồ LonelyPlanet mà làm gì vì chỉ cần lượn Thamel từ lần thứ 3 trở lên là thông thuộc hết 😀 Giao thông trên phố Kathmandu khá bát nháo, đường phần lớn là bụi bẩn, khẩu trang là vật bất ly thân cho tất cả mỗi khi ra đường!

Gần 8h sáng, tiết trời thu trong mát của thủ đô đang là 15 độ C, một ly cafe nóng làm cho chúng tôi sảng khoái và xách máy đi chụp khoảnh khắc phố phường cùng những con người Nepal ^^

Gửi tặng bạn đọc loạt ảnh Nepal trắng đen, cảm nhận xin tuỳ mỗi người:

… Chẳng thể nào qua hết từng con phố, nhưng còn đó mùa thu đầy gió và cuộc sống phố phường thanh bình … chúng tôi tạm rời Thamel bắt đầu hành trình khám phá các vùng xung quanh thung lũng Kathmandu trong hôm nay mà điểm đến đầu tiên là đền thờ Changu Naryan – đền Hindu cổ nhất có từ thế kỷ IV; chi tiết phải hẹn bạn đọc trong bài tiếp theo Phần 3: lạ lẫm Changu Narayan.

Nepal Du Ký – Phần 2: Đường về Kathmandu

Qua núi, qua sông, qua đồng lúa chín, tôi nghe xao xuyến cảnh đẹp Nepal. Rời bến xe trung tâm Pokhara, chúng tôi bắt đầu chuyến đi thú vị dài hơn 6 tiếng đồng hồ vượt 200 cây số từ Pokhara về đến thủ đô Kathmandu. Pokhara-Kathmandu là tuyến đường quan trọng của Nepal nên du khách có rất nhiều lựa chọn di chuyển, mà kinh tế và phổ biến nhất là đi bus đường dài, ví dụ tiêu biểu: Green Line bus với giá 18USD/người có bao gồm ăn trưa, khởi hành sáng 8h hàng ngày từ Pokhara và đến Kathmandu khoảng 3h chiều. Thay vì Green Line bus, chúng tôi chọn đi Sahara Bus với giá 10USD/người và không có bữa ăn trưa. Hành khách có thể mua vé trực tiếp ở bến xe nhưng tốt nhất là nhờ khách sạn mua vé giùm từ ngày hôm trước.

Thuộc loại bus mới nhưng không xịn, Sahara bus về mặt lý thuyết thì có điều hoà nhưng thực tế thì ngược lại, ưu điểm duy nhất là khởi hành đúng giờ và chỉ dừng nghỉ 2 lần (kể cả giờ ăn trưa) trên toàn tuyến, âu cũng là tiền nào của nấy:

Có quạt đấy nhưng mà không bật. Xe dựa vào gió trời làm mát:

Chuyện kể trên xe chắc sẽ nhàm, tôi xin dùng thủ pháp song song để tăng phần “kịch tính”. Thủ pháp này chắc bạn đọc không lạ gì qua truyện “Thiếu nữ đánh cờ vây” của Sơn Táp hay “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami, chỉ có điều không tài tình như các nhà văn mà thôi 😀 Với tôi, đó là sự kết hợp của 2 tuyến: câu chuyện nhỏ về Phật Thích Ca và câu chuyện của tôi trên đường du lịch ^^

Ngày xửa ngày xưa, hơn 560 năm trước Công lịch, nửa thế kỷ trước khi Chúa Jesu ra đời, vài vạn năm trước khi Đảng Cộng Sản Nepal (Maoist) lên nắm quyền, xa xôi hơn rất nhiều chiến sự Ấn Độ – Pakistan tranh giành cao nguyên Kashmir, cũ kỹ hơn rất nhiều những căng thẳng biên giới Nepal – Tây Tạng, nằm trong khu vực đồng bằng nằm cạnh dãy Hy Mã Lạp Sơn và sông Hằng nhìn ra vịnh Bengal, người ta biết được có những tiểu quốc độc lập và một trong các tiểu quốc đó có tên là Ca Tì La Vệ (Kapilavatsu) của vương triều Thích Ca (Shakya) có khu vườn Lâm Tì Ni (Lumbini) – ngày nay là 1 chấm nhỏ trên bản đồ Nepal nằm sát cạnh biên giới với Ấn Độ – nơi giữa những ngày tháng 4 nóng như thiêu đốt đã ra đời thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), người mà sau này được ghi công sáng lập Phật giáo cho nhân loại …

… Xe đưa chúng tôi đi qua những phong cảnh làng quê Nepal vẫn còn chìm trong sương khói gợi lên cảm giác thân quen của những đoạn đường làng rợp lúa chín vụ hè thu vùng đồng bằng Bắc Bộ:

… Sinh ra trong nhung lụa, lại nhắm vào thời kỳ Ấn Độ cổ đặt nặng phân chia giai cấp (4 giai cấp chính: Giáo sĩ – Brahmin/Priest, Chiến binh – Kshatriya/Warrior, Lái buôn – Vaisya/Commoner, và Nô lệ -Shudra/Slave), thái tử Siddhartha từ những ngày thơ ấu đã băn khoăn với câu hỏi “Tại sao?” và “Ai là người phân chia giai cấp xã hội để con người làm khổ lẫn nhau rồi khi chết đi đều về với cát bụi?” …

Công bằng mà nói, điều kiện vật chất của Nepal còn kém Việt Nam và các nước Đông Nam Á khá xa. Ở những đoạn đường đồng không mông quạnh thường hiện ra các trạm … đứng chờ xe buýt:

Còn nhà cửa 2 bên đường thì khá đơn sơ – một Hà Tây quê lụa nửa thập kỷ về trước:

… Cha ông và người dân Kapilavatsu mong muốn ông trở thành ông vua vĩ đại đưa đất nước ra khỏi vòng kềm toả của vương quốc láng giềng Kiêu Tát La (Kosala), vợ ông cũng muốn níu chân ông lại nơi hoàng cung sau khi bà sinh được con trai; nhưng trong tim Tất Đạt Đa nung nấu 1 ước nguyện khác. Bỏ lại địa vị tôn quý và gia đình mình, ông lên đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình “Làm sao để diệt khổ phổ độ chúng sinh?”. Lúc này thái tử 29 tuổi, con trai ông chưa đầy tháng được ông đặt tên là La Hầu La (Rahula) có nghĩa là “Vật cản” (Obstacle) …

Nhưng cũng nhờ thế mà chạy vào tầm mắt của chúng tôi chỉ có màu xanh bát ngát của núi đồi và màu vàng ruộm của lúa chín ngày mùa mà không bị nhà cửa che khuất:

… Trải qua nhiều năm nếm trải cay đắng, kể cả đã tầm đạo nơi thành Vương Xá (Ràjagriha) xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) hay tu khổ hạnh suốt 6 năm, lại chứng kiến những hạnh phúc và cả đau thương của loài người, Tất Đạt Đa cuối cùng đã giác ngộ dưới tán cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Boudhagaya), nhận ra được nhận nguồn gốc sanh tử luân hồi chính là vô minh. Lúc này Phật Thích Ca mới 35 tuổi …

Dường như đã quá quen thuộc với địa hình thoai thoải xuống lên không ngừng của đường cao tốc Pokhara – Kathmandu, bác tài xế xe Sahara chạy băng băng qua sông suối cầu vượt, ngồi trên xe chúng tôi chỉ biết đảo qua đảo lại để tranh thủ chụp được tấm nào hay tấm đó. Đoạn đường này về mặt hiểm trở thì không thể so với cung đường Vân Nam hay tuyến xe vào Lhasa, Tây Tạng.

Các bạn Ấn Độ đi chung cũng thoải mái tận hưởng thời gian rảnh trên xe buýt để ăn uống và đọc sách. Điều phàn nàn duy nhất là đồ ăn sau khi dùng xong các bạn ý mở cửa sổ ném ngay ra ngoài khi xe đang chạy nhanh >_<

… Trong vườn Lộc Uyển (Sarnarth) gần thành phố Ba La Nại (Varanasi) – nay thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ; Đức Phật bắt đầu bài giảng đầu tiên của mình về kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát (gọi là Chuyển Pháp Luân) cho 5 vị Tỳ kheo …

Đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút, hoàn toàn không có ánh mặt trời, làng quê Nepal vẫn mù mịt hơi sương, xe dừng cho chúng tôi giải lao ăn trưa. Không có nhiều điểm dừng như tuyến xe buýt Malaysia – Singapore, vị trí chúng tôi đỗ lại cũng gặp hầu hết các đoàn xe chạy Pokhara – Kathmandu. Còn quán ăn thì rất đơn sơ, phía trước là núi, phía sau là ruộng, trong quán bán masala tea (trà sữa) và các món cơm Ấn Độ với giá cả phải chăng.

Nhìn vào “hậu viên” chắc ai cũng nghĩ đây là khung cảnh Việt Nam quê mình, khác chút là thiếu gà thả vườn:

Các bé gái Nepal rất thân thiện với khách du lịch và nói tiếng Anh tốt ^^

… Những giáo lý của Đức Phật về Tứ Diệu Đế, Duyên Khởi, Luật Nhân Quả được Ngài tích cực truyền dạy. Sử cũ còn chép vị trí đỉnh Linh Thứu (Gridhrakuta) nơi Đức Phật giảng kinh, ngày nay du khách đến thăm chỉ thấy còn tàn tích xưa cũ đã hơn hai ngàn tuổi …

Sau bữa trưa không đặc sắc, chúng tôi theo xe tiếp tục quãng đường còn lại. Tôi cũng lim dim chợp mắt cho đến gần 1h chiều khi xe chuẩn bị qua con đèo cuối cùng để đặt chân vào Kathmandu. Dừng lại ở thị trấn ngay trước chân đèo, bác tài đổ xăng và cho hành khách 15′ để mua đồ ăn thức uống trước khi vượt đèo. Được biết xăng dầu là vấn đề đau đầu cho Nepal bởi giá cả leo thang liên tục và luôn khan hiếm nguồn hàng; cũng là điểm tương đồng với nước ta 😀

Mặt trời lúc này đã chói chang, khung cảnh cuộc sống thị trấn đầu giờ chiều:

… Trong suốt 45 năm còn lại, Đức Phật Thích Ca không ngừng giáo hoá, thuyết pháp độ sanh, bản thân Ngài cũng trải qua nhiều lần bị ám hại, những kỳ truyện huyền thoại về cuộc đời Ngài vì thế cũng được thêu dệt nhiều lên …

Các món (khó) ăn giá rẻ của nước bạn như ngô non trộn gạo rang, dưa chuột và muối ớt, hay cá sông nướng tẩm ớt – chụp lên nhìn còn đỡ, chứ nếm vào thì mất hết thiện cảm 😀

… Lòng từ bi và sự tận tâm tận lực trong việc giáo hoá con đường giải thoát của Ngài làm tiền đề sau này cho sự lan rộng và phát triển rực rỡ của Phật giáo không chỉ ở Ấn Độ mà truyền sang các nước Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc …

Sau khi thử vài món và hối hận tràn trề, chúng tôi tiếp tục 2 tiếng hành trình còn lại mà không biết rằng thời gian thực tế cần để vượt đèo biến thành hơn 4 tiếng bởi quãng kẹt xe kéo dài từ lúc bắt đầu lên cho đến lúc thả dốc xuống đèo. Chắc là việc kẹt xe trên đường về thủ đô rất phổ biến nên các lái xe không ai phàn nàn bực dọc gì, tất cả đều ra ngoài hút thuốc gọi nhau í ới 😀 Tôi cũng tranh thủ xuống đường xem nước bạn kẹt xe có khác gì nhà mình không, nhận ra là cũng bụi bặm và mất thời gian như nhau, khác chăng các bạn Nepal “lười biếng” nên ít bấm còi inh ỏi như các bạn Việt Nam!

Vài hình ảnh xe con xe to “Lái chậm – Sống lâu” với màu sắc loè loẹt xếp hàng như hộp diêm trên đường leo lên:

…Năm 483 trước Công Nguyên, trong cánh rừng Sà La ở Câu Thi Na (Kusinagara), Đức Phật Thích Ca nhập diệt, giải thoát khỏi mọi khổ đâu phiền não trong cuộc sống. Khi đó Ngài 81 tuổi. Ngài căn dặn chúng đệ tử rằng vạn vật vô thường không ra khỏi vòng biến hoại, phải không ngừng tinh tiến tu học để đạt giải thoát …

Thoát khỏi con đèo ngoạn mục cuối cùng, chúng tôi bon bon chạy vào thủ đô. Cửa ngõ Kathmandu hiện ra trong nắng chiều rất đẹp, cũng là những phút giây thư giãn thú vị nhất cho cả ngày di chuyển từ Pokhara về. Bạn đọc sau này đi thăm thú Nepal nếu phải di chuyển giữa 2 thành phố Pokhara – Kathmandu, hay đi rừng quốc gia Chitwan có thể xem xét việc đi xe buýt bởi yếu tố kinh tế (giá chỉ 10USD so với vé máy bay 100USD) nhưng không nên hy vọng quá nhiều vào việc ngắm cảnh đẹp trên đường 🙂 Một vài hình ảnh Kathmandu chào chúng tôi lúc 6h chiều:

… Câu chuyện nhỏ về Đức Phật lịch sử tôi kể đến đây là hết, các hình ảnh đen trắng minh hoạ được lấy từ truyện tranh “Buddha” của hoạ sĩ Nhật Bản Osamu Tezuka. Vùng đất sinh ra thái tử Tất Đạt Đa ngày nay thuộc về phần đất bên Nepal chứ không phải Ấn Độ nữa, người dân Nepal do đó rất tự hào về di sản thánh tích Phật giáo của mình, dù biết sự thực nơi đây đã bị huỷ hoại gần hết. Như bóng câu qua cửa sổ, vùn vụt đã hơn hai nghìn năm biến cải, nhân loại vinh danh tôn giáo do Đức Thích Ca sáng lập; liệu trong ngày mai của những ngày mai sẽ ra đời vị Phật tương lai để tiếp tục hoằng trương giáo pháp?

Truyện kể trên từng cây số của tôi cũng theo đó mà dừng ở đây. Trải qua nửa ngày đi xe buýt, chúng tôi về tới thủ đô Kathmandu 🙂 Khách sạn chúng tôi thuê là Avalon Guesthouse với giá 15USD/phòng và vị trí ở ngay sát khu Thamel. Tôi sẽ có dịp thông tin đầy đủ hơn về hostel này trong các bài viết sắp tới, xin hẹn gặp lại bạn đọc ^^

Tây Tạng Du Ký – Ngày 6: Tsang (P2)

3. Tu viện Tashilhunpo ở Shigatse:

Nhật Khách Tắc (Shigatse) là điểm dừng chân thứ 2 của chúng tôi trong vùng Tsang. Nằm ở độ cao trung bình 3900m so với mực nước biển, là thủ phủ của Tsang và cũng là thành phố lớn thứ 2 sau Lhasa, Shigatse giữ vai trò đặc biệt về mặt chính trị xã hội của toàn Tây Tạng. Nhắc đến Shigatse là nhắc đến đại tu viện Trát Thập Luân Bố (Tashilhunpo Monastery) – cung điện của các đời Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) người giữ vai trò quan trọng thứ hai trong cộng đồng chính-giáo Tây Tạng.

Sau khi rời trấn Giang Tử (Gyantse), xe đưa chúng tôi vượt 90km đường đến với Shigatse, khi đến nơi đã gần 4h chiều; vì không muốn nấn ná nên chúng tôi đi thăm tu viện Tashilhunpo luôn để sáng hôm sau lên đường về Lhasa. Tu viện Tashilhunpo được xây năm 1447 bởi Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 Căn Đôn Châu Ba (Gendun Drup), môn đệ của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa); dần dần được các đời Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 và thứ 5 mở rộng. Tashilhunpo Monastery là 1 trong 6 đại tu viện nổi tiếng của dòng Hoàng Mạo Cách Lỗ (Gelugpa Sect), 5 đại tu viện kia là: Sắc Nhạ – Sera Monastery (Lhasa), Triết Phong – Deprung Monastery (Lhasa), Cách Đăng – Ganden Monastery (Lhasa), Lạp Bốc Lăng – Labrang Monastery (Gansu), và Tháp Nhĩ – Ta’er Monastery (Qinghai). Xây dựng trên diện tích hơn 300km2, tu viện Trát Thập Luân Bố ngày nay là nơi sinh sống và tu học của khoảng 800 Lạt Ma và cũng là điểm thu hút khách du lịch ghé thăm ở trung tâm Shigatse.

Khác với dự đoán ban đầu, cổng vào tu viện nhỏ và có phần kém hoành tráng, ấn tượng chỉ là bãi đỗ xe rất to và các đoàn khách du lịch Trung Quốc đứng chen chúc dưới trời nắng để mua vé vào cửa:

Bước vào Tashilhunpo là khoảng sân rất rộng, hai bên là những dãy nhà thấp, có một vài nhóm người đang dọn dẹp chuẩn bị cho sự kiện Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 sẽ từ Bắc Kinh đến Tây Tạng. Nếu người viết không nhầm, sự kiện này trùng với dịp ‘Phật sống lên ngôi ở Tây Tạng‘ diễn ra sau đó không lâu đầu tháng 7/2010.

Nhìn vào kiến trúc tu viện có 4 toà lớn, đi từ trái sang phải: toà tháp cao nhất bên trái tường đỏ mái vàng là điện thờ Di Lặc Bồ Tát (Maitreya Temple hay Jamkhang Chenmo), sau đó là điện Sisum Namgyel mái vàng có lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, toà tiếp theo là toà Kundun Lhakhang là khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 4, và toà cuối cùng bên phải là Tashi Langyar lưu giữ lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma từ thứ 5 đến thứ 9. Bên phải toà Tashi Langyar có thể nhận ra bức tường trắng lớn (Thangka Wall) là nơi treo các thangka khổng lồ vào các dịp lễ hội. Phía trước điện Tashi Langyar là khu Kelsang Temple Complex có sân lớn (Great Courtyard) bao bọc bởi các bức tường với mural hoạ hình 1000 Phật Thích Ca trong các tư thế ấn khác nhau:

Phía sau toàn bộ tu viện là con đường kora trên sườn đồi treo vô vàn những chiếc kinh luân bằng đồng:

Từ năm 1980, Tashilhunpo chính thức mở cửa đón khách tham quan và được xếp hạng khu du lịch AAAA cấp quốc gia:

Một vài hình ảnh những ngõ nhỏ bên trong tu viện:

Kiến trúc các khu nhà khá giống nhau với tường đá vôi trắng, cửa sổ và cửa chính viền đen, hiên nhỏ phủ vải trắng, mái bằng màu đỏ sậm. Các khu nhà này là nơi sinh hoạt của Tăng ni và có vẻ không mở cửa cho tham quan:

3 stupa lớn nhìn thấy khi đi bộ trong tu viện:

Toà tháp màu đỏ du khách sẽ gặp đầu tiên là điện Jamkhang Chenmo thờ Phật tương lai (Future Buddha) Di Lặc Bồ Tát (Maitreya) như đã có dịp giới thiệu với bạn đọc trong phần Văn vật Phật giáo Tây Tạng

Bên trong điện là tượng Phật Di Lặc ở tư thế ngồi được đúc vào năm 1914 bởi Ban Thiền Lạt Ma thứ 9; bức tượng này là tượng Phật Di Lặc lớn nhất thế giới: cao 26m, đúc từ 150,000kg đồng và sử dụng hơn 300kg vàng để mạ, riêng mỗi ngón chân của tượng đã dài hơn 1m! Sở dĩ có chi tiết này vì du khách khi bước vào điện sẽ gần như choáng ngợp bởi tầm vóc đồ sộ của tượng, khi bắt đầu đi quanh chân tượng thì nhìn rõ nhất chính là các ngón chân của Ngài 😀 Bốn phía điện là các tranh tường trang trí hoạ hình Phật Di Lặc đang thiền định trên nền màu đỏ rực rỡ.

Điện Jamkhang Chenmo đang được lát xi măng lại ở sân ngoài, khách du lịch đều bu lại quanh sân vì thu hút bởi quang cảnh lao động của người dân địa phương: nhóm nhân công chia ra 2 đội đứng ở cánh phải và cánh trái, mỗi đội sẽ lần lượt hát trước và tay sẽ theo nhịp dậm chày nện đất, sau một điệu hát sẽ đến đội bên kia. Cứ thế họ nhịp nhàng san đập khoảng sân bêtông sân trước điện. Quang cảnh này chắc là sẽ luôn gặp khi người Tạng xây cất nhà cửa, đồ rằng bài hát của họ cũng là các câu kinh đã được phổ ra thành nhịp ^^

Đặc điểm chung của các điện thờ trong tu viện Tashilhunpo là cấm ngặt chụp ảnh, biển báo phạt đề rõ phía ngoài: 1800RMB cho máy ảnh, 2500RMB cho máy quay nên tất cả không ai dám ho he gì 😀 Sau khi tham quan Jamkhang Chenmo, chúng tôi trở ra và đi bộ tiếp trong Tashilhunpo:

Con đường giữa những bức tường đỏ đưa du khách đến toà điện lớn thứ 2 của tu viện: Sisum Namgyel, bên trong là lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 viên tịch vào năm 1989. Stupa này được làm từ 615kg vàng ròng, trang trí thêm 868 viên đá quý và hơn 240,000 viên ngọc – một trong những stupa vàng cực kỳ quý giá của Tây Tạng. Nhìn phía ngoài toà nhà, du khách sẽ thấy mái đồng mạ vàng rực rỡ của Sisum Namgyel:

Trang trí trên mái là những biểu tượng của Phật giáo tinh xảo và cũng không kém phần phô trương như tượng vàng chim thần Gruda, bánh xe Pháp luân 8 trục bằng vàng có 2 con hươu hai bên, hay cờ chiến thắng Dhvaja cực lớn đúc bằng đồng treo các chuông nhỏ:

Toà điện thứ 3 trong Tashilhunpo mà chúng tôi vào tham quan là Kundun Lhakhang – khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 4, một trong những Ban Thiền Lạt Ma trứ danh nhất của Tây Tạng bởi ông chính là thầy dạy của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 vĩ đại Lobsang Gyatso. Stupa của Ban Thiền đời thứ 4 là stupa đầu tiên được dựng trong tu viện Tashilhunpo năm 1662 và hoàn toàn không bị hư hại gì sau Cách mạng Văn hoá. Hình ảnh trước cửa điện:

Nếu để ý kĩ bức mural ngay cửa vào của Kundun Lhakhang sẽ thấy 8 tiểu đồng này tay đều cầm 8 biểu tượng cát tường của Phật giáo (Ashtamangala, hay 8 Auspicious symbols of Buddhism):

Tám biểu tượng này lần lượt là:
– [1] Umbrella (Parasol): Dù lọng – tượng trưng cho phẩm cách cao thượng, không tổn hại.
– [2] Two goldfish: Song ngư – tượng trưng cho sự chuyển luân tự do và hạnh phúc
– [3] Conch shell: Tù và – tượng trưng cho những lời truyền dạy tuyệt luân của Đức Phật
– [4] Lotus: Hoa sen – tượng trưng cho sự tinh khiết, đứng trên mọi uế tạp của trần tục
– [5] Treasure Vase (Urn): Bình thánh thủy – tượng trưng cho sự đầy đủ về sức khoẻ, trường thọ, giàu sang, thịnh vượng, và trí tuệ
– [6] Victory banner (Dhvaja): Lá cờ cuộn – tượng trưng cho sự chiến thắng
– [7] Endless Knot: Nút trường cửu – tượng trưng cho sự kết nối của mọi vật
– [8] Dharma Wheel: bánh xe Pháp luân – tượng trưng cho sự xiển dương không ngừng của Phật pháp

Trên các bức tường đỏ của điện Kundun Lhakhang cũng có vẽ 8 biểu tượng này:

Một chi tiết thú vị nữa mà người viết tình cờ khám phá ra khi ngắm nhìn mái của các điện thờ trong Tashilhunpo: toà điện đầu tiên Jamkhang Chenmo là mái bằng không có đầu cong nhô ra ngoài; toà điện thứ 2 Sisum Namgyel có mái đôi, mái thượng trang trí đầu rồng và mái hạ trang trí đầu bút lông sắc nhọn; còn mái đôi của toà điện thứ 3 Kundun Lhakhang ngược lại, mái thượng trang trí đầu bút lông và mái hạ trang trí đầu rồng nhô ra ngoài 😀 Đây có thể dùng làm cách nhận dạng sau khi đã đi thăm Tashilhunpo về và chụp rất nhiều ảnh, cần phân biệt giữa các toà điện với nhau:

Rời khỏi khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 4, chúng tôi lại theo con đường vách đỏ đi tiếp, không quên xoay ống kính hướng về những sắc màu Phật giáo rất thú vị xung quanh:

Tình cờ trong tích tắc khi quay lại nhìn toà Sisum Namgyel, lọt vào khuôn hình là một nhà sư đang đăm chiêu tựa lưng vào cờ chiến thắng Dhvaja trong cái nắng gay gắt cuối ngày trước giờ tu viện đóng cửa:

Xuyên qua 1 con đường hầm nhỏ và tối, du khách sẽ đến được toà điện lớn thứ 4 của tu viện: Tashi Langyar, nơi có lăng mộ của các Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 5 đến thứ 9. Toà điện này đã từng bị phá huỷ trong Cách mạng Văn hoá, và được Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cho xây lại năm 1989:

Phía trước Tashi Langyar là khu điện Kelsang (Kelsang Temple Complex), khu điện này bao gồm khám thờ Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara), và Đa La (Tara); nhưng bắt mắt hơn cả chính là khu sân chung (Great Courtyard) nằm chính giữa:

Được biết đây là khu vực sân dành cho các Lạt Ma trẻ tu học và tranh luận về giáo pháp; khác với các khu vực sân khác thường ở vườn cây như tu viện Sera hay tu viện Deprung (Lhasa), khu vực sân này bố trí quy củ hơn:

Bao quanh sân là các bức tường rực rỡ sắc đỏ với các bức tranh tường hình Phật Thích Ca Mâu Ni pha trộn phong cách Tây Tạng với thời nhà Minh và nhà Đường của Trung Hoa, vì thế mà các mural trở nên sống động và đa dạng hơn:

Tổng cộng có 1000 hoạ hình của Phật Thích Ca với các ấn (mudra) khác nhau, xen kẽ là 8 biểu tượng cát tường. Ấn Phật giáo là những cử chỉ bằng tay đặc biệt mang những dấu hiệu của Phật tính khác nhau. Ngoài Thủ ấn (các ấn nơi tay) còn có các Khế ấn là những tư thế khác khi cầm ngọc hay tọa thiền … Một số Thủ ấn chính thường gặp: Ấn thiền, Ấn giáo hoá, Ấn chuyển pháp, Ấn xúc địa, Ấn vô uý, Ấn tối thượng bồ đề, Ấn trí huệ vô thượng, Ấn hiệp chưởng … Bạn đọc có hứng thú tìm hiểu về Ấn Phật giáo có thể xem thêm minh hoạ ở đây: Explaination of Mudras

Rời khỏi sân của Kelsang Complex, chúng tôi trở lại sân trước của tu viện Tashilhunpo. Đoạn đường ra khỏi tu viện:

Trong ảnh phía xa là bức tường Thangka có chiều cao tương đương với toà nhà 9 tầng, được xây dựng năm 1468 đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 1; vào các dịp ngày 14, 15, và 16 tháng 5 hàng năm (lịch Tây Tạng), bức Thangka khổng lồ sẽ được treo ở đây thu hút hàng vạn người hành hương đến Tashilhunpo để chiêm bái:

Ấn tượng của người viết về Tashilhunpo không nhiều, tuy là nơi Ban Thiền Lạt Ma sinh sống và có các lăng mộ của các đời Ban Thiền Lạt Ma đời trước nhưng Tashilhunpo hoàn toàn không quá hoành tráng như tưởng tượng, việc chụp ảnh cũng bị cấm chặt hơn các nơi khác. Tuy nhiên nếu để ý kĩ, những dấu ấn Phật giáo Đại thừa Mật tông thể hiện bên trong Tashilhunpo rất rõ ràng 🙂 So với những quần thể lớn như cung điện Potala khi du khách không đủ thời gian và tâm trí để quan sát và ghi nhận những chấm phá độc đáo trong kiến trúc cũng như văn vật trên đường du ngoạn thì ở Tashilhunpo hoàn toàn có thể chậm rãi mà khám phá hết. Không khí bên trong tu viện rất trang nghiêm, những khu nhà tường trắng cửa đen và các toà điện tường đỏ mái vàng trăm năm qua đã lưu giữ vô vàn những giá trị văn hoá kết tinh bởi mỗi đời Lạt Ma Tây Tạng. Không phải tự nhiên mà tu viện này trở thành điểm đến hấp dẫn và gần như bắt buộc mỗi khi thăm thú vùng Tsang, đặc biệt cho những ai muốn hiểu thêm về Phật giáo và xã hội Tây Tạng xưa và nay ^^

Đoàn chúng tôi lên xe rời khỏi quần thể tu viện lúc đồng hồ đã chỉ sang 5.30 chiều, ai cũng gần như kiệt sức sau 1 ngày dài di chuyển từ Lhasa đến Shigatse, trên đường đã dừng lại ở hồ Yamdrok-tso, vượt đèo Karola để ngắm đỉnh băng Nojin Kangtsang Glacier, ghé trấn Gyantse để khám phá tháp Thập Vạn Phật Kumbum Stupa, sau là vào tu viện Tashilhunpo ở Shigatse. Điểm dừng cuối cùng trong ngày là Everest Friendship Hotel (địa chỉ: No.12 Deqingpozhang Road, Shigatse), tên cũ là Qomolongma Friendship Hotel. Điều thú vị duy nhất về hotel này là bảng giá! theo Lonely Planet – Tibet thì nhà nghỉ này thuộc loại rẻ và giá bình dân (100RMB-400RMB), nhưng nếu đến trực tiếp nhìn thì không khỏi giật mình: phòng dorm giá chỉ 45RMB còn phòng thường giá trên 2000RMB, riêng phòng sang giá trên 5000RMB 😀 chắc là cố ý trêu đùa du khách!

Bài viết ngày 6 đến đây là kết thúc. Sau bữa ăn tối dở tệ, đêm buông xuống trên Shigatse, thành phố này trở nên tĩnh mịch hơn cả trấn Bayi hay thủ phủ Lhasa tuy thời tiết về đêm không quá lạnh. Ngày mai trong bài viết thứ 7, người viết sẽ rời Shigatse quay lại Lhasa, buổi chiều đi thăm tu viện Sera và buổi tối đi ngoạn cảnh Potala cung giữa nền trời đêm ^^

Tây Tạng Du Ký – Ngày 5: Potala Palace

4. Thăm cung điện Potala:

Rời khỏi Đại Chiêu Tự, chúng tôi hướng đến trái tim Lhasa – cung điện Potala – trong lòng khấp khởi sắp được đặt chân vào hành cung uy nghi nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong mọi chuyến hành hương Tây Tạng. Nếu Jokhang Temple được coi là điểm đến tâm linh Phật giáo thì Bố Đạt La cung có thể coi là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hoá Tây Tạng và là biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma. Nhìn trên bản đồ, thủ đô Lhasa gần như được phân thành 2 khu rõ rệt: khu phía Tây tập trung người Hán và khu phía Đông tập trung người Tạng. Tuyến phố lớn Beijing Donglu nối liền 2 khu vực này, chính giữa 2 khu là quảng trường Potala cực rộng và cung điện Potala sừng sững trên ngọn Hồng Đồi tại trung tâm ^^

Về mặt lịch sử, Potala Palace hay Bố Đạt La cung được khởi công từ thời vua Songtsen Gampo nhưng lúc đó mới ở dạng hành cung nhỏ. Đến đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso thì Potala mới chính thực được chọn làm cung điện của Hoàng Mạo Giáo và nơi đây được kiến thiết lại với quy mô cực lớn, xây cất trong suốt 50 năm mới hoàn thành, tính đến nay đã hơn 6 thế kỷ mà không bị biến động thiên tạo hay nhân tạo nào làm hư hại. Sau này, cùng với sự ra đời của cung điện mùa hè Norbulingka, nơi đây chính thức trở thành cung điện mùa đông của các đời Lạt Ma.

Về mặt kiến trúc, Potala toạ lạc trên đỉnh Hồng Đồi (Red Hill hay Marpori) cao 300m so với mặt bằng thành phố – ngọn đồi được tin là tượng trưng cho Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara); là 1 trong 3 ngọn đồi thiêng của thủ đô Lhasa: hai ngọn đồi còn lại là: đồi Chokpori tượng trưng cho Kim Cương Thủ Bồ Tát (Vajrapani), và đồi Pongwari tượng trưng cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjushri).

Nhìn vào chính giữa cung Potala là Hồng Cung (Red Palace), tường đắp màu son đỏ mà theo văn hoá người Tạng đó là biểu trưng quyền lực:

Trên nóc của Hồng Cung là nơi lưu giữ thi hài của các Đạt Lai Lạt Ma:

Bên phải Hồng Cung là Bạch Cung (White Palace) có tường đá trát đất sét trắng, được người Tạng coi là biểu tượng của hoà bình, cũng là nơi sinh hoạt của các Lạt Ma khi còn tại vị. Kiến trúc lưỡng tông Hồng-Bạch này còn áp dụng cho tất cả các cung điện lớn nhỏ khác xây trong Tây Tạng:

Nhìn sang 2 bên ở chánh Tây và chánh Đông là các vọng gác; cánh trái trên hình là Namgyal Dratsang – nơi sinh hoạt của Tăng ni:

Tổng thể cung điện Potala cao 117m, từ Đông sang Tây có chiều dài 360m, chiều rộng theo trục Bắc-Nam đo được 270m; diện tích hơn 360,000m2 bao gồm 13 tầng, bên trong chia thành hơn 1000 phòng nhỏ với gần chục ngàn Phật điện; vật liệu xây dựng cung là gỗ, đá, và bùn; độ cao trung bình so với mặt nước biển là 3600m, là cung điện xây dựng ở độ cao ấn tượng nhất thế giới. Phải nói rằng đó là một kỳ quan tôn giáo không chỉ riêng trong Lhasa mà của toàn nhân loại!

Lộ trình khám phá cung điện Potala cho mọi du khách: xuất phát từ cửa vào phía Đông bên phải, leo các bậc đá đi lên, du khách sẽ đến được Bạch Cung. Sau khi thăm hết Bạch Cung sẽ theo đường liên thông (trên nóc toà nhà có màu vàng nằm giữa 2 cung) để đi sang mái của Hồng Cung. Thăm Hồng Cung từ tầng cao nhất xuống dưới rồi ra ở cửa sau Hồng Cung, từ đó men theo con đường kora phía Tây để đi ra khỏi Potala. Chú ý: vọng gác và khu điện Namgyal Dratsang không mở cửa cho khách thăm quan; từ cửa vào Bạch Cung cho đến lúc ra cửa sau của Hồng Cung du khách sẽ không được chụp ảnh; các phòng điện nhạy cảm của Potala đều đóng cửa; trong mỗi khu điện thờ mở cửa và ở các hành lang đều gắn camera theo dõi chặt chẽ!

Trước đây phía ngoài Potala cung là hồ nước lớn, giờ đã bị lấp đi, xây thành quảng trường lớn. Con đường mới đang được trồng tỉa lại, chạy trước mặt cung điện:

Bỏ qua đường vào ở cổng chính, chúng tôi vào từ cổng chánh Tây của Potala … và như thế tôi đã đến đây … Sau lần đại trùng tu năm 1989-1994, chính phủ Trung Quốc chính thức đưa nơi đây vào khai thác du lịch. Trên tấm bia đá ghi: Cung điện Potala được Unesco đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 1994 ^^

Ở cổng này có bàn kiểm tra hộ chiếu khách du lịch, nếu bạn mang hộ chiếu Việt Nam thì thủ tục kiểm tra nhanh chóng đến bất ngờ 😀 sau đó là khu vực máy scan an ninh – mọi thứ chất lỏng dạng chai lọ cỡ vừa và lớn cùng với đồ dao kéo, đồ bắt cháy … đều phải bỏ lại. Sau cửa này du khách mới thực sự đặt chân vào quần thể cung Potala, hình ảnh chánh Tây của cung – khu vực này không mở cửa cho khách vào thăm:

Con đường từ của phía Tây hợp lưu với đường vào từ cổng chính đi đến trạm soát vé thứ hai:

Từ đây ngước nhìn lên, cung Potala cao vời vợi … chỉ vài trăm bậc đá nữa là tới được cửa vào Bạch Cung; mới nghe tưởng dễ dàng nhưng có leo từng bậc Potala mới thấy cái khắc nghiệt của thời tiết Lhasa; trong điều kiện không khí loãng bằng 68% mức thông thường, ở độ cao hơn 3600m, du khách ai cũng thở khò khè trong gió khan và nắng cháy, lại không được quên chụp ảnh xung quanh 😀

Con đường trắng tưởng như vô tận sẽ kết thúc ở cửa lớn dẫn vào khu vực tiền sảnh Bạch Cung. Lên đến đây, ai cũng phải dừng lại thở lấy sức, đồng thời đợi các đoàn đi trước vào hết bên trong để khỏi chen chúc:

Từ đây đã có cái nhìn bao quát hơn về quảng trường phía trước Potala cung:

Tiền sảnh Bạch Cung:

Cổng lớn ở tiền sảnh Bạch Cung trang trí gỗ mun đỏ thắm buộc vải ngũ sắc, phía trên cánh cổng khổng lồ là phù điêu 7 con sư tử trắng với dòng chữ: Cánh cổng dẫn đến sự phồn vinh (The gate of storing prosperity). Nếu được vào cửa chính Hồng Cung, du khách sẽ gặp cổng lớn khác cũng bằng gỗ đỏ nhưng buộc lụa trắng, phía trên là dòng chữ: Con đường dẫn đến sự giác ngộ tâm thức hoàn toàn (The path to perfect spiritual enlightenment). Tuy nhiên cổng chính Hồng Cung thì hiếm ai được ngắm, lý do vì lộ trình đi thăm Potala xuất phát từ Bạch Cung rồi đi thông vào Hồng Cung từ trên nóc, đến lúc xuống thì ra bằng cửa hậu nên không qua cửa chính. Thông tin vừa nêu được người viết tham khảo từ sách The Potala do Unesco xuất bản.

Hai bên cổng là mural của Tứ Đại Thiên Vương (Four Guardian Kings), được xem là tứ tướng hộ pháp của Đại thừa Mật tông. Vị mặt vàng là Bắc Vương Đa Văn Thiên tay cầm lọng, vị mặt đỏ là Tây Vương Quảng Mục Thiên tay cầm stupa, vị mặt xanh là Nam Vương Tăng Trưởng Thiên tay cầm kiếm, và vị mặt trắng là Đông Vương Trì Quốc Thiên tay cầm đàn. Những bức hoạ hình này là những mural lớn nhất, đẹp nhất, và chi tiết nhất về bốn Thiên Vương có thể nhìn thấy trong Tây Tạng:

Trong truyện Phong thần của Hứa Trọng Lâm có tích Ma Giai Tứ Tướng với câu chuyện bốn anh em họ Ma (Ma Lễ Thanh, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Hồng, và Ma Lễ Thọ) phò Trụ Vương Ân Thọ đánh Tây Kỳ có nét tương đồng với tứ đại thiên vương. Tuy nhiên khắc hoạ của Ma Giai Tứ Tướng mang phong cách của Đạo giáo chứ không phải Phật giáo, xét về niên đại cũng ra đời trước rất lâu – khi đó nhắm vào cuối thời Ân Thương trước công nguyên và nhà Chu dựng cơ nghiệp đất Thần Châu; còn Phật giáo phải đến thời Đường sau công nguyên mới trực tiếp ảnh hưởng vào Tây Tạng. Các bức tranh tường của bốn vị Hộ pháp ở cung Potala thể hiện thuần tuý quan niệm của người Tạng chứ không hề có sự lai tạp nào.

Tiếp tục đi qua các dãy hàng lang ngắn, du khách sẽ đến được sân trong của Bạch Cung (tiếng Tạng gọi là Deyangshar) vốn là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội Phật giáo; bên phải sân là khu nhà 2 tầng màu vàng là nơi sinh sống của Tăng ni, bên trái là phòng tu học của Tăng ni, còn ở giữa là chính điện Bạch Cung:

Bạch Cung nhô cao kỳ vĩ giữa nền trời xanh thẳm, tuy chỉ có 5 tầng lầu nhưng kiến trúc Bạch Cung tiêu biểu cho lối xây thượng thu hạ thách độc đáo mang màu sắc Tây Tạng, những tường xây bằng đá phiến trát đất sét trắng nghiêng vào bên trong chứ không thẳng đứng, mỗi tầng lầu là các cửa sổ lớn và ban công phủ vải bạt đen, trên mái vòm vuông vức sử dụng màu đỏ và màu vàng để trang trí. Tổng hoà 3 màu sắc trắng, đỏ, vàng tượng trưng cho hoà bình, quyền lực, và sự viên mãn. Chỉ tiếc từ cánh cổng này trở vào trong cho đến khi ra cửa sau của Hồng Cung đều cấm chụp ảnh, người viết chỉ chụp lén được vài tấm khi đi thăm quan bên trong và ở đoạn mái nối liền 2 cung:

… Như bị lường gạt, các đoàn khách đi lướt qua các gian điện thờ, ngắm nhìn các pho tượng và tranh tường trong chớp mắt, chưa kịp hiểu mình đang ở đâu thì đã bước tới cửa sau của Hồng Cung:

Ra đến ngoài cửa sau của Hồng Cung, khách du lịch ai cũng thấy hụt hẫng! Nội cung chiến thành vĩ đại của người Tạng đó sao? cung điện mùa đông của Đạt Lai Lạt Ma chỉ là nhiêu đó? Có lẽ do chủ ý của Trung Quốc làm khách thăm quan không ai chiêm ngưỡng được vẻ đẹp quý báu thực sự của Potala: hàng người này đến hàng người khác xô đẩy luồn lách trong những hành lang nhỏ tối om om; giọng hướng dẫn viên oang oang vẳng vào từng góc nhỏ; những căn phòng đóng cửa, những ổ khoá im lìm, camera bí mật bố trí ở tất cả các cửa ra vào; ánh sáng vàng vọt le lói trên cao không đủ soi tỏ bệ thờ, những pho tượng nghìn tuổi được khoá sau những hàng rào gỗ cao quá đầu người, những tấm thangka và tranh tường khuất sau lưới sắt, những mandala 3D cất trong tủ kính mờ, những câu kinh Phạn-Tạng cuộn thành từng gói nằm phủ bụi trên kệ; những tấm biển chú thích sơ sài dưới chân những Stupa vàng ròng cực lớn … Người ta không cảm thấy được sự thâm nghiêm và cao quý của nơi đây, cái hồn xưa cũ của Potala dường như đi vắng!

Người viết may mắn trong lúc sắp rời khỏi Hồng Cung đã kịp mua cuốn sách The Potala của Unesco, ấn bản 1993 giá 160RMB, dành riêng để giới thiệu về cung. Cuốn sách này không bán ở bất cứ đâu ngoài khu vực cung Potala! sau khi mua, cuốn sách được đóng một triện màu đỏ 3 thứ tiếng Anh-Tạng-Trung: A Souvenir of the Potala Palace ^^ Sách dày 165 trang, tất cả đều in màu chụp lại toàn bộ các điểm nhấn kiến trúc của Potala, các điện thờ quan trọng của Hồng Cung và Bạch Cung, những Stupa chính cùng các pho tượng Phật quý giá cất bên trong cung, kiến trúc mái vòm kinh điển của cung … Đây là 1 tài liệu tham khảo cực kỳ quý giá để khách phương xa hiểu được những giá trị văn hoá và thấy hết vẻ đẹp mà cung Potala sở hữu. Xin được giới thiệu với bạn đọc một số hình ảnh chụp lại từ sách, những hình ảnh này hầu như chưa xuất hiện trên mạng, và kể cả có đi thăm Potala ngày nay chắc cũng khó lòng mà mục kích được:

– Bên trái là cổng tiền sảnh Bạch Cung, bên phải là cổng tiền sảnh Hồng Cung:

– Hành lang nội cung sơn son thếp vàng, trên tường là những thangka hoạ hình Đạt Lai Lạt Ma:

– Mái cung Potala toát lên sự oai nghiêm quyền lực:

– Ảnh là đỉnh mái vàng (Golden Dome) của Stupa lớn chứa thi hài Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, xây năm 1936. Kiến trúc mái vòm Potala được trang trí đầu chim thần garuda, bên dưới mái là kết cấu ngàm đỡ nhiều tầng vô cùng chắc chắn, đảm bảo vòm chịu được chấn động và gió lớn:

– Ngoài tượng thân của 13 vị Đạt Lai Lạt Ma giữ bên trong cung, Potala còn có tượng vua Songtsen Gampo và các quan đại thần Thổ Phồn:

– Tượng Đức Phật Thích Ca (Shakyamuni) bằng vàng ròng tạc song song với tượng Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso bằng bạc từ thế kỷ 17:

– Tượng đồng của Phật A Di Đà (Amitabha hay Amitayus):

– Và tất nhiên không thể thiếu được tượng bạc của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) là người sáng lập Hoàng Mạo Giáo (Gelugpa Sect) tạc từ thế kỷ 17:

– Bức tượng quan trọng nhất trong cung Potala: Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) được mang vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7:

– Stupa Tomb của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 Thubtan Gyatso: cao 12.97m, rộng 7.83m, làm từ 18,870 lượng vàng ròng, bên trong có chứa cả di hài của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây chỉ là 1 trong hàng chục Stupa bằng vàng ròng được lưu giữ trong cung Potala:

– Trong 4 bậc của Stupa tượng trưng cho Tứ Diệu Đế (có dịp điểm qua với bạn đọc ở bài trước), người Tạng trang trí bằng kim cương, đá quý, hồng ngọc, lục ngọc; mỗi viên có kích thước lớn và đều là tài sản vô giá:

– Những Mandala 3D độc nhất vô nhị bằng đồng được đúc cách đây hàng trăm năm:

– Thangka cổ kể lại lễ hội năm 1695 sau khi cung Hồng Cung được xây dựng xong:

– Thangka cổ hoạ hình Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 và thứ 3 – tác phẩm của trường phái Menthang:

– Thangka vẽ từ thời nhà Đường cũng thuộc trường phái Menthang:

– Hình tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjushri) qua bút pháp của trường phái Khen-tse từ thế kỷ 17:

– Các báu vật khác trong cung: giáo huấn của Phật viết bằng tiếng Phạn trên giấy cọ (palm tree leaves):

– Khèn làm bằng vàng của người Tạng để thổi báo hiệu giờ nghỉ khi tụng kinh:

– Những pho sách cổ nhất lưu giữ trong cung:

Hy vọng vài hình ảnh trên cho bạn đọc cái nhìn chính xác hơn về những báu vật liên thành đang được bảo quản bên trong bảo tàng văn hoá Potala 🙂 Quay trở lại với bài viết, chúng tôi men theo con đường phía sau để đi xuống. Được biết con đường này vốn dành cho các nhà sư cưỡi ngựa lên Potala, riêng Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 còn lái xe ôtô lên xuống!

Khu vực công viên phía sau Potala nhìn từ trên cao:

Cánh cổng cuối cùng của quần thể cung Potala, ra khỏi đây, chúng tôi lại bắt đầu một cuộc đi dạo mới, đó là đi hết vòng Kora lớn theo tường bao ngoài dưới chân cung điện:

Con đường này đẹp tuyệt vời! hàng trăm chiếc kinh luân màu đồng óng ả in nổi câu kinh Om Mani Padme Hum xếp dọc theo tường, chốc chốc lại có người đi tra dầu bôi trơn cho từng chiếc, những đoàn người Tạng vừa đi vừa đẩy kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ giữa cái nắng trưa oi ả. Ở đây, người viết gặp nhiều người Tạng hơn cả, khác với bên trong cung điện Potala đa phần là khách thập phương:

Ngước nhìn lên có thể thấy phía sau của cung Potala:

Ba stupa lớn trong công viên phía sau cung Potala:

Con đường Kora kết thúc cũng là lúc du khách đến bến xe buýt trước cửa cung Potala. Lúc này cả đoàn ai cũng đã thấm mệt, mọi người lên xe đi ăn trưa:

5. Món quà Lhasa:

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đi thăm Bảo tàng Tây Tạng (Tibet Museum) nằm đối diện với cung điện mùa hè Norbulingka. Bảo tàng này không lớn nhưng quy tụ khá đầy đủ các thông tin giới thiệu về văn vật Tây Tạng, điểm thú vị nữa là hướng dẫn viên bảo tàng nói tiếng Anh rành rọt, còn về phần trưng bày chắc bạn đọc cũng đoán ra: đó là các phòng giới thiệu về đồ thủ công mỹ nghệ, thảm dệt, lục ngọc hồng ngọc đá quý san hô Tây Tạng, vòng đeo tay và trang sức … nhưng thu hút người viết nhất chính là phòng trưng bày Thangka và Mandala Tây Tạng. Tuy không phải bức nào cũng là tranh cổ, giá cả thì vô cùng – từ vài trăm RMB đến vài chục nghìn RMB – nhưng phần lớn các Thangka treo ở đây đều khá đẹp và được Tăng ni trong tu viện Tây Tạng vẽ trực tiếp, tiền bán tranh sẽ được chia lại 70% cho tu viện. Vốn đam mê nghệ thuật tạo hình Tây Tạng thể hiện qua các bức tranh, người viết đã có món quà thứ hai của Lhasa – đó là bức Mandala vẽ bằng bột vàng trên nền giấy bồi đen, vài hình ảnh xin chia sẻ cùng bạn đọc:

Đi từ vòng ngoài vào trong, Mandala này tạo hình nhiều lớp, mỗi lớp lại được vẽ bằng tay và đánh bột màu tỉ mỉ:

Chính giữa tranh là chữ Om:

Viền ngoài của tranh là các bánh xe Pháp Luân có 8 trục. Theo quan niệm Phật giáo Tây Tạng, bánh xe Pháp có 6 trục là biểu hiện của Lục Đạo (Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ Quỉ, Ðịa ngục), nếu 8 trục là tượng trưng cho Bát Chính Đạo – con đường giải Khổ (Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định), còn 12 trục là biểu hiện của Thập Nhị Nhân Duyên. Những bánh xe Pháp thường gặp trong Tây Tạng như bánh xe Pháp trên nóc chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple), trên nóc tu viện Sera ở Lhasa hay tu viện Tashilhunpo ở Shigatse đều là loại 8 trục:

Trang trí ở các góc của tấm Mandala:

… Vậy là tôi đã được thoả nguyện, ước mơ bấy lâu đã thành sự thực, tôi đã có được những món quà mà chỉ tới Tây Tạng mới tìm thấy được! Trở về khách sạn mà vẫn còn lâng lâng trong dạ, Lhasa đã gần 8h tối nhưng ráng chiều vẫn dệt vàng trên những đỉnh núi, mở cửa trông ra tôi chỉ thấy cái tĩnh tại của núi xám và đặc biệt là thấy Potala cung lặng im trên đỉnh đồi phía xa.

Chắc phải lâu lắm nữa tôi mới có dịp đứng ngắm Potala như thế này. Chưa thấy ai viết tặng Potala mấy vần thơ, tôi xin mượn ý thơ trong Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan sẽ hợp tâm trạng hơn:

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
    Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương …

Chưa đến Potala thì chắc tôi không hình dung được bên cạnh dáng vẻ uy nghi hoành tráng, nơi đây đang trải qua những biến động ngầm, thách thức sự tồn vong của nền văn hoá cao nguyên lâu đời. Người Tạng thường làm ra những Mandala cát rất đẹp và công phu rồi lại quét bỏ đi như một cách biểu hiện tính vô thường của hiện hữu; phải chăng những gì họ tạo dựng được hàng nghìn năm qua đang phải đối mặt với một giai đoạn mới trầm luân hơn, như 1 quy luật của tạo hoá có thịnh có suy? Nói về Potala cung, vị đáo bình sinh hận bất tiêu (đi mà chưa đến cả đời hận khôn nguôi), nhưng liệu đắc đáo hoàn lai hận khả tiêu (đến rồi khi về có thực sẽ nguôi ngoai)?

Bài viết ngày 5 gồm 4 phần giới thiệu tổng quan về Phật giáo và văn vật Tây Tạng cùng hai nơi quan trọng trong Lhasa (chùa Đại Chiêu và cung Potala) đến đây là kết thúc. Khi màn đêm buông xuống trên Lhasa cũng là lúc tôi pha ly trà nóng vừa thưởng vừa đọc cuốn The Potala. Ngày mai lại là một ngày mới đầy nắng gió và tôi sẽ ở trên con đường 250 cây số nối liền Lhasa với Shigatse – thủ phủ vùng Tsang; xin hẹn bạn đọc trong bài viết ngày thứ 6 🙂

Tây Tạng Du Ký – Ngày 5: Jokhang Temple

3. Đi thăm Đại Chiêu Tự:

Sáng ngày thứ 5 thức giấc, ấn tượng qua 1 đêm là hình ảnh cung Potala chập chờn trong giấc ngủ và cơn nhức đầu khó chịu nhất từ lúc bắt đầu vào Tây Tạng. Ở độ cao trung bình 3500m, thủ phủ Lhasa quả không phải là nơi để khách phương xa dễ dàng thích nghi, chưa kể thời tiết tháng 6 là nóng nhất trong năm (~ 23 độ C ngoài trời), chưa đến 7h sáng mà ánh nắng đã chan hoà trên những rặng núi cao và lan dần vào thành phố 😀

Chỗ chúng tôi ở là khách sạn Himalaya (6 East Linguo Road), phòng khá sạch đẹp, có nước ấm 24/24, trong phòng cũng có máy thở oxi đề phòng khách du lịch chưa quen với không khí loãng trong Lhasa (giá thuê máy là 50RMB), tầng trệt của khách sạn cũng có cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nhược điểm lớn nhất của hotel là vị trí hơi xa trung tâm quảng trường Potala, từ đây cần khoảng 15′ đi bộ để đến được khu phố Bakhor. Kế hoạch trong ngày 5 là dạo quanh Lhasa, đi bộ khu chợ Bakhor và vào thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) buổi sáng, đến trưa sẽ đi thăm cung điện Potala, và chiều về thăm bảo tàng Tây Tạng (Tibetan Museum).

Sau bữa sáng nhẹ của khách sạn, chúng tôi bắt đầu lên đường khám phá Lhasa 🙂 Vài hình ảnh khách sạn Himalaya:

Ấn tượng đầu tiên khi đi dạo phố ở Lhasa là người dân ở đây dậy rất sớm, có lẽ bởi mặt trời ló dạng đằng Đông sớm hơn các vùng khác. Trên đường phố ở đâu cũng bắt gặp đoàn người hành hương và người bản xứ đang cùng song hành hướng về một phía – chắc bạn đọc cũng đoán ra – quảng trường Potala. Không khí ban mai của thủ đô trong lành, mát mẻ, có phần se se lạnh. Trời tuy nắng nhưng gần như không thấy ai mặc áo ngắn tay. Lòng vòng trong những con đường tắm nắng, ngắm nghía những ngôi nhà, góc phố, cùng người dân Tạng, du khách có thể thoải mái chụp ảnh, chỉ trừ các bốt gác lưu động trên đường với súng ống và đồ trực chiến của quân đội Trung Quốc! Một vài hình ảnh qua ống kính người viết về buổi sáng thường nhật nơi đây:

Nét cũ mới chen nhau ở Lhasa chắc không còn xa lạ gì trong những thập kỷ gần đây. Những khung cửa sổ trang trí mandala nhiều tuổi kế cận với những ngôi nhà người Hán mới xây càng minh chứng rõ ràng hơn cho cuộc sống đa sắc tộc trong lòng Lhasa:

Chúng tôi vào thăm một tự viện nhỏ nằm kín đáo bên trong các ngõ hẻm của khu chợ Bakhor, vì tự viện không cho chụp ảnh nên chỉ có vài hình ảnh phía ngoài chia sẻ cùng bạn đọc:

Sáu chiếc kinh luân (pháp khí của Mật tông) ứng với Lục Tự Đại Minh Chú – Om Mani Padme Hum:

Bên trong tự viện, tôi bắt gặp ở gian thờ Phật dắt trên khung cửa là những tờ tiền 2,000 hay 5,000 đồng Việt Nam, đầy phấn khích tôi cũng để lại một tờ tiền Việt làm kỷ niệm mùa hè đến thăm nơi đây ^^ Người Tạng mua những túi cây khô như thế này để đốt, khói trắng từ stupa lan toả trên nền trời xanh thẳm:

Nụ cười người Tạng: tay phải là chiếc chuyển kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ, tay trái là bọc tiền lẻ Nhân Dân Tệ. Tôi mất 1 RMB để chụp được bức ảnh này, tuy nhiên không nên lấy đó làm lạ, cũng chẳng hoài công xét đoán làm gì! Có chăng lại nhớ câu chuyện 2 vị tôn giả A Nan, Ca Diếp xưa cũng từng đòi Đường Tăng phải đổi bát tộ vàng thì mới trao cho Kinh pháp; nhìn theo góc độ học đạo thì đạo pháp không thể truyền thụ dễ dàng cho nên kẻ muốn thọ giáo phải đánh đổi. Thêm nữa, kiến giải của A Nan, Ca Diếp là phải có ăn để sống mà viết ra kinh, còn với tay trắng mà đòi lấy kinh truyền đời thì người sau có mà chết đói. Có thực mới vực được đạo, cái sự tưởng chừng như đơn giản mà khó lãnh hội biết bao! Câu chuyện cũ lướt qua trong tôi giây lát, rồi lại về với thực tại phố phường Bakhor:

Rời tự viện, chúng tôi rảo bước trên con đường dẫn đến Đại Chiêu Tự. Trong tiếng Tạng, Bakhor Square có nghĩa là Bát Giác Nhai, nơi đây lấy Jokhang Temple làm tâm điểm, là nơi nhộn nhịp thứ nhì trong trung tâm Lhasa, chỉ sau quảng trường Potala. Đường đến Jokhang đầy nắng và gió, hai bên đường là các quầy hàng bán đồ lưu niệm Tây Tạng sặc sỡ sắc màu:

Những người dân Tạng đi vòng quanh Đại Chiêu Tự theo chiều kim đồng hồ, coi đó là vòng Kora khổng lồ bao ngoài tự. Ngay trước cửa Jokhang Temple là 2 cây cột lớn quấn kỳ ngũ sắc của Phật giáo. Theo lời của hướng dẫn viên du lịch sau này chỉ cho chúng tôi biết, những nơi nào có 2 cột lớn như vậy là biểu trưng thánh địa được Phật giáo hộ trì, bên trong sẽ thờ tượng Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát và các Hộ Pháp nhà Phật:

Ngay bên ngoài Jokhang Temple, ở hai phía tả hữu là dòng người hành hương mộ đạo làm lễ ngũ thể nhập địa tiêu biểu nhất trong các nghi lễ bái Phật của Tây Tạng: trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào 1 máy nhỏ đeo ở cổ tay; như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong tràng hạt hoặc làm đến 10,000 lần! (có sự tích đằng sau con số 10,000 này mà người viết sẽ chia sẻ với bạn đọc trong bài viết ngày cuối ở Thanh Hải :P)

Không ai bảo ai, trong cái nắng ban mai đang chiếu rọi trên nóc chùa Đại Chiêu, chúng tôi im lặng chôn chân trước nghi lễ tôn giáo khổ hạnh nhưng mang niềm tin tâm linh mạnh mẽ đó:

Như đã có dịp điểm qua với bạn đọc, Đại Chiêu Tự được xây vào giai đoạn 642 sau Công nguyên bởi vua Tùng Tán Cương Bố (Songtsen Gampo). Thực ra ban đầu chùa được vua dựng để thờ tượng Phật mà công chúa Nepal Ba Lợi Khố Cơ mang vào Tây Tạng, nhưng sau tượng này được chuyển sang Tiểu Chiêu Tự còn Đại Chiêu Tự lúc đó bắt đầu thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thập Nhị Tuế Đẳng (Twelve-years old Shakyamuni, hay Jowo Rinpoche) do công chúa Đường quốc Văn Thành mang vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7.

Bước vào sân chùa Đại Chiêu, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sự trang nghiêm toát lên từ kiến trúc rực rỡ pha trộn tinh hoa Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, và cả nhà Đường của Trung Hoa. Màu sắc mỗi cây cột dọc hay xà ngang càng nổi bật hơn khi có ánh nắng chiếu vào. Trên đầu mỗi cột đều có hình Đức Phật Thích Ca với các tư thế toạ thiền và tay ấn khác nhau, còn trên các xà con giữa các thân cột là những câu kinh Tạng:

Mỗi bức tường của Jokhang đều là những bức tranh mural khổng lồ với hoạ hình Phật Thích Ca đẹp cổ kính, màu sắc trải qua hơn 10 thế kỷ nhưng nhìn vẫn lạ lẫm và cuốn hút:

Trước cửa của chính điện Jokhang là tấm màn che lớn có hình ảnh quen thuộc của Phật giáo: Bánh Xe Pháp Luân – tượng trưng cho Phật giáo muôn đời (Buddhism Forever), 2 con hươu trong truyền thuyết Phật Thích Ca thuyết giảng nơi vườn Lộc Uyển (Sarnath), và ngoài cùng là tháp Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) nơi Đức Phật giác ngộ và giải thoát. Những hình ảnh này còn được tạc thành tượng vàng đặt ngay trên nóc chính điện của chùa. Dưới mặt đất là chữ Vạn (Svastika) bằng đá lớn xoay theo chiều kim đồng hồ mà người Tạng tin rằng sè mang đến phúc lộc an khang:

Chùa Đại Chiêu xây theo hướng Tây, cao 4 tầng và rộng tổng cộng 25,000m2; bên trong chùa ngoài tượng Đức Phật Thích Ca dát vàng được bảo vệ cẩn mật, còn có các bức tượng và gian điện thờ sư tổ Hoàng Mạo Giáo – đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cùng các đại đệ tử, tượng các Tạng Vương Thổ Phồn, tượng các Hộ Pháp của phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) có kích cỡ bằng người thật, và tất nhiên cấm chụp ảnh! Một vài hình ảnh của chùa, kể cả những hình người viết lén chụp được:

Đại Chiêu Tự có rất nhiều phòng như thế này được giăng lưới sắt để bảo vệ, bên trong là những pho tượng lâu đời quý hiếm nhất của toàn Tây Tạng:

Ánh sáng bên trong chùa lấy ánh sáng tự nhiên là chính, kết hợp với những ngọn đèn nến làm từ mỡ bò Yak khiến màu sắc bên trong chùa lung linh huyền ảo hơn. Khác với chùa của Trung Quốc hay Việt Nam, các chùa ở Tây Tạng không nghi ngút khói hương, thay vào đó là mùi nồng nồng của mỡ bò bởi theo người Tạng, mỡ bò Yak khi đốt không tạo ra khói nhờ đó không gây hư hại đến các bức tượng hay tranh thangka treo trong chùa, ngược lại, mỡ bò Yak như phủ một lớp bóng đặc trưng lên các pho tượng. Những người hành hương mộ đạo khi vào lễ bái các tu viện và chùa chiền đều không quên mang theo một chiếc phích chứa mỡ bò Yak mà họ sẽ thành kính rót vào các lư đèn như một sự dâng hiến nhỏ vinh danh Phật pháp:

Vì là chùa linh thiêng nhất và lâu đời nhất trong Lhasa, Jokhang Temple như bị bao vây bởi đoàn người hành hương cũng như khách du lịch tứ phương kéo về, sức chen lấn cũng không kém gì hội chùa Hương! chỉ khác là không ai mang lễ vật hương hoa; riêng người Tạng thì mỗi bước đi đều lẩm nhẩm câu kinh Phạn-Tạng, khiến cho bầu không khí tuy đông nhưng hết sức thâm nghiêm. Nếu nhắm mắt mà tưởng tượng, người ta có thể nghe thấy bài ca tôn giáo nghìn lời hoà chung đang ngân nga dưới mái chùa Đại Chiêu trong ánh nắng vàng tưởng chừng như vô tận của Lhasa; bài ca đó thay tiếng trống chiêng, thay âm chuông mõ, cứ ngân nga nhịp nhàng đều đặn, mới đó mà đã 1300 năm rồi … bao nhiêu triệu triệu con tim đã đến rồi đi, ai cũng để lại Jokhang một chút hồng trần và mang đi một phần thanh tịnh …

Đi hết 1 vòng Đại Chiêu Tự, chúng tôi trở ra ngoài, quay lại chợ Bakhor để hướng về quảng trường Potala. Lúc này trời đã sắp sang trưa.

Điểm đến tiếp theo sẽ là Potala cung ^^

Tây Tạng Du Ký – Ngày 5: Văn vật Phật giáo Tây Tạng

Trở lại với bạn đọc trong bài viết ngày 5 ^^

2. Văn vật trong Phật giáo Tây Tạng:

Phật giáo Tây Tạng cuốn hút với nhân loại không chỉ bởi những tinh hoa pha trộn giữa Đại thừa phái (Mahayana), Mật tông (Tantrayana), và tôn giáo cổ Tây Tạng (với Bon giáo là điển hình) mà còn bởi những văn vật để lại cho đời. Có lẽ không nơi đâu trên trái đất này lại quy tụ đầy đủ và nhiều di chỉ Phật giáo như Tây Tạng, từ đền chùa thành quách đại viện tiểu viện cho đến tượng Phật, kinh sách luật tuyển, cờ phướn; rồi đồ dùng trong lễ bái, tán tụng, cúng dường, trì nghiệm, hộ ma, khuyến đạo … dường như không thống kê nào kể xiết! Trong bài viết ngắn ngủi này, người viết không đủ khả năng và cũng không có tham vọng tổng kết hết những tinh tuý của nơi đây, chỉ muốn dành đôi dòng nhắc đến những văn vật thường gặp trên đường khám phá Tây Tạng 🙂

a. Đại kỳ ngũ sắc:

Đi thăm Tây Tạng nói riêng và các quần thể Phật giáo nói chung, du khách hay bắt gặp các cờ phướn 5 màu tung bay trong gió. Nếu để ý kĩ, cờ ngũ sắc Tây Tạng có 5 màu (trắng, đỏ, lục, vàng, lam) hơi khác so với lá cờ Phật giáo (trắng, đỏ, cam, vàng, lam). Một trong các lý do có thể giải thích là: lá cờ Phật giáo chính thức ra đời năm 1889, còn Phật giáo Tây Tạng mà ảnh hưởng bắt nguồn từ Ấn Độ giáo thì đã có từ lâu đời, trải qua thời gian sẽ xuất hiện vài sai khác, tuy nhiên điều này không làm thay đổi ý nghĩa biểu trưng.

Số 5 không chỉ tượng trưng cho Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) tương sinh tương khắc làm nên vạn vật, còn ứng với Ngũ Trí của Mật tông miêu tả về trí của con người (Pháp giới trí, Đại viên kínha trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tác trí), đồng thời hợp với Ngũ Uẩn (Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức) là 5 yếu tố tạo thành thân tâm, và là Ngũ Bộ Chú – nghi thức trì niệm của Mật Giáo (Tịnh Pháp Giới, Văn Thù Nhất Tự Hộ Thân, Lục Tự Đại Minh, Chuẩn Đề Cửu Thánh, và Nhất Tự Kim Luân Phật Đỉnh); nhưng trên hết là biểu thị sức mạnh và sự thống nhất giữa Ngũ PhươngNgũ Phật:

Ngũ Phật (Five Wisdom Buddhas) có thể coi là biểu hiện siêu việt nhất trong thế gian, các vị này là thầy của các Bồ Tát. Đồng thời, trong mỗi thời đại loài người, các vị lại hoá thân thành Phật lịch sử – có hình dạng người sống trên thế gian. Trong thời đại chúng ta, vị Phật lịch sử đó chính là Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni Buddha), còn vị Phật được tin rằng sẽ xuất hiện trong tương lai (Future Buddha) là Phật Di Lặc (Maitreya Buddha). Vì thế mỗi khi nhắc đến Ngũ Phương Phật, người ta sẽ nhắc đến vị Phật lịch sử và vị Bồ Tát tương ứng:

– Trung ương: Đại Nhật Như Lai (Tathagata); Phật lịch sử là Ca-la-ca-tôn-đại (Krakuccanda) và Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra)
– Hướng Đông: Bất Động Như Lai (Aksobhya); Phật lịch sử là Ka-na-ca-mâu-ni (Kanakamuni) và Kim Cương Bồ Tát (Vajrapani)
– Hướng Nam: Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava); Phật lịch sử là Ca-diếp (Kasyapa) và Bảo Thủ Bồ Tát (Ratnapani)
– Hướng Tây: Di Đà Phật (Amitabha); Phật lịch sử là Thích-ca-mâu-ni (Shakyamuni) và Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara)
– Hướng Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi); Phật tương lai là Di-lặc (Maitreya) và Phổ Chùy Thủ Bồ Tát (Vishvapani)

Quan niệm trên chỉ xuất hiện từ khi Đại thừa Phật giáo ra đời, và càng được củng cố bởi Mật tông Tây Tạng, điều đó cho thấy sự khác biệt và phức tạp, bao hàm muôn yếu tố trong Phật giáo Tây Tạng. Đi khắp cao nguyên Thanh-Tạng, du khách sẽ gặp rất nhiều nơi thờ cúng Ngũ Phật cũng như các Phật lịch sử và chư vị Bồ Tát, bên cạnh các vị Tạng vương và Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma. Những sự sắp xếp trên luôn có nghiêm luật chặt chẽ mà hiếm có ai hiểu được, thậm chí phần lớn chúng ta không bao giờ hiểu rõ được mà chỉ biết chiêm bái để kính phục trí tuệ, công sức và sự sáng tạo của người xưa!

b. Statues:

Tượng Phật Tây Tạng nổi trội hơn so với bất cứ nơi nào trên thế giới bởi sự đa dạng phong phú về thể loại, mỗi tượng lại xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau (Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, bản địa), hình thái phong cách dáng ngồi tay ấn nét mặt màu sắc trang phục đều cực kỳ sinh động, toát lên những nét riêng của văn hoá Phật giáo Mật tông huyền bí. Nhìn ngắm mỗi bức tượng Tây Tạng, du khách sẽ bị thu hút bởi đôi mắt Phật không phải lúc nào cũng hiền từ nhìn xuống mà đôi khi mở to nhìn thẳng hay nhắm mắt, tuỳ thuộc theo tư thế thiền định và mỗi dáng ngồi, sau đó là những phù điêu trang trí nhiều tầng bao quanh tượng và cả chân bệ. Người Tạng còn dùng vàng, bạc, đồng, các kim loại quý và ngọc thạch, hổ phách, đá quý … để tô điểm thêm cho tượng, nâng giá trị của các bức tượng lên tầm có một không hai, trở thành tài sản vô giá của dòng Phật giáo nơi đây. Tây Tạng có những bức tượng cá biệt đến vài nghìn năm tuổi được trưng bày bên trong cung Potala. Thường các tu viện lớn và cung Potala đều cấm chụp ảnh nên cách tốt nhất có lẽ là một lần đến Tây Tạng để được chiêm ngưỡng những bảo vật truyền đời nơi đây.


(Tượng Thiên Vương chụp ở Shigatse)

c. Murals:

Murals hay các bích hoạ vẽ trên tường là hình thức nghệ thuật nổi tiếng của Tây Tạng, không chỉ mang tính trang trí làm đẹp với sắc màu cực kỳ sặc sỡ, những bức mural còn biểu hiện đức tin cổ giáo của người Tạng vào trời đất cỏ cây sông hồ núi tuyết, đôi khi là hình thức kể chuyện thuật lại tích cũ việc xưa trong quá trình gây dựng và hoằng trương tông phái, có lúc lại khắc hoạ chân dung những vị Phật, Bồ Tát, La hán, Hộ pháp, Tạng vương cũng như danh sư đạo Phật. Được biết chất liệu để vẽ tranh tường đều dùng nguồn nguyên liệu sẵn có ở mỗi địa phương, qua các công thức pha tạo màu cộng với chất liệu tự nhiên khả năng bảo vệ bức tranh theo thời gian hàng trăm năm mà không phai nhạt hay hư hại gì!


(Bức mural chụp ở Shigatse)

d. Thangkas:

Thangka cũng là các bức tranh Phật giáo bắt nguồn từ Nepal và du nhập vào Tây Tạng từ thời vua Tùng Tán Cương Bố lấy công chúa Nepal Ba Lợi Khố Cơ. Thangka Tây Tạng có thể xem là đỉnh cao của nghệ thuật tượng hình (Iconography) mà đề tài thường gặp là các bức vẽ về cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, Pháp luân, Phật Dược Sư, các tư thế toạ thiền, các vị hộ pháp và quỷ thần … Được biết Thangka được vẽ trên vải dệt sợi đay, rồi dùng mật của giống trâu Yawk trộn với bột đá để bồi mặt vải cho mịn, sau đó căng tấm vải đã bồi lên khung gỗ và dùng các loại màu khoáng hay bột vàng để vẽ. Tranh Thangka sau đó được khâu vào khung bằng lụa để dễ dàng cuộn lại, tiện lợi cho việc di chuyển và bảo quản.

Người ta tin rằng Thangka không chỉ cảm nhận được bằng mắt mà còn bằng tâm, việc chiêm bái Thangka một cách trang nghiêm sẽ giúp Phật tử nhập tâm, hoá thân với đối tượng được vẽ trong tranh, cảnh giới này có lẽ chỉ được nội truyền trong các tông phái mà không truyền cho người ngoài. Màu sắc sử dụng trong Thangka cực kỳ sinh động, sặc sỡ và chi tiết tới từng đường nét nhỏ. Chính bởi tính độc đáo của Thangka và ảnh hưởng tín ngưỡng của nó mà người đời sinh ra sùng bái và ham thích sở hữu Thangka, phá vỡ quy luật gốc của tranh là không được trao đổi mua bán! Ngày nay Thangka đã thương mại hoá, việc sao chép, vẽ lại và buôn bán trở nên phổ biến tại thị trường các nước; tuy nhiên vẻ đẹp và sự tinh xảo thì kém xa những Thangka hàng nghìn tuổi của vùng Tây Tạng. Do đó đến Tây Tạng ngắm những bức Thangka cổ đại, người ta vẫn rung động và trân trối bởi nét độc đáo đầy tính Chân Thiện Mỹ toát lên từ mỗi bức tranh.

Trường phái Thangka Tây Tạng nổi bật lên với 2 tên tuổi: Khentse Chenmu SchoolMenthang School, tác phẩm của 2 trường phái này du khách sẽ bắt gặp nhiều khi đi thăm quan hành cung Potala 🙂

Mandala: Mandala cũng là những bức hoạ hình giống như Thangka, điểm khác biệt ở đây là Mandala luôn chú trọng vào các hình vẽ vòng tròn biểu thị cái nhìn của người Tạng về thế giới và vũ trụ, trong đó hoạ hình các đức Phật hay Bồ Tát hoặc những biểu tượng Phật giáo. Điểm độc đáo ở Tây Tạng là có những mandala cỡ lớn và cực lớn bằng cát, có Mandala ba chiều mô phỏng các cung điện, và đặc biệt là các tu viện được xây theo kiến trúc Mandala như tu viện Samye (Samye Monastery) đã có dịp nhắc đến trong phần 1 về Phật giáo Tây Tạng ^^


(Bức Mandala lớn vẽ trực tiếp trên tường – ảnh chụp ở Shigatse)

e. Stupas:

Stupa (hay Chorten) xây theo dạng hình tháp, được coi như ngôi nhà lưu giữ phần hồn, cũng giống như các pho tượng được xây để lưu giữ phần xác vậy. Ở Tây Tạng, stupas có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ là nơi chứa tro cốt di hài mà còn chứa những vật dụng bình sinh được Đức Phật hay các môn đệ sử dụng; qua đó thể hiện sự tôn kính của người dân đến di thể của Phật.

Stupa thường gặp gồm nhiều tầng: tầng đáy thấp nhất tượng trưng cho 10 điều tâm niệm (Thập tâm hạnh), tầng tiếp theo gồm 4 bậc tượng trưng cho Tứ Diệu Đế (Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế) và Tứ Thần Túc (Dục, Tinh, Tâm Quán), phần trên nữa có dạng bầu là biểu hiện của Ngũ Căn (Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn, Huệ căn) và Ngũ Lực (Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Ðịnh lực, Huệ lực), phía trên là 13 bậc thang dẫn lên cao tượng trưng cho đường tới cõi Niết bàn chỉ có thể thông qua Bát Chính Đạo, và trên cùng luôn là mặt trăng và mặt trời biểu thị sự minh triết soi sáng mọi vật.

Nổi bật phải kể đến bộ 8 stupa lớn (Eight Great Stupas) kể lại những thành tựu trong cuộc đời tu hành đắc đạo của Phật Thích Ca Mầu Ni; và các Stupa Tomb bằng vàng ròng cực lớn của các đời Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng lưu giữ bên trong cung Potala:

Những chi tiết thú vị khác của văn vật trong Phật giáo Tây Tạng sẽ được nhắc lại khi cùng bạn đọc đi qua những địa danh ở Tây Tạng ở bài viết tiếp theo 🙂

Tây Tạng Du Ký – Ngày 5: Phật giáo Tây Tạng

Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ …
(thơ Chế Lan Viên)

Nhắc đến Tây Tạng mà chưa đề cập đến tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng của vùng đất này thì quả là thiếu sót lớn, ví như đi thăm Huế mà chưa tường chuyện chín chúa mười ba đời vua nhà Nguyễn, hay ghé thăm thánh địa Vatican mà chưa nghe qua về lịch sử giáo hội Roman! Trước khi tiếp tục nhật trình ngày 5 thăm thú thủ phủ Lhasa, người viết xin dành ra đôi dòng vắn tắt điểm qua những cột mốc lịch sử văn hoá cùng những cái tên đã trở thành huyền thoại xuyên suốt nhiều nghìn năm xây dựng và phát triển của cao nguyên Thanh-Tạng.

1. Tổng quan lịch sử tôn giáo Tây Tạng

Phật giáo có nguồn gốc lâu đời từ Ấn Độ, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Lịch sử, truyền thuyết, và nhân loại đều công nhận Phật giáo được khai sáng bởi Đức Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni Buddha). Truyện kể về cuộc đời của Đức Phật từ khi đản sinh cho đến khi lập gia đình là năm 16 tuổi; năm 29 tuổi thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) quyết chí xuất gia tu hành tìm đường diệt khổ; đến năm 35 tuổi giác ngộ ra chân lý, đắc đạo và trở thành Phật. Trong suốt 45 năm sau đó Ngài đi thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh rồi cuối cùng viên tịch nhập niết bàn vào năm 80 tuổi.

Trong Phật giáo chia ra làm 2 trường phái chính: Phật giáo Đại Thừa và Giáo lý Tiểu Thừa. Tiểu thừa (Hīnayāna) nghĩa là cỗ xe nhỏ. Đặc điểm của giáo lý Tiểu thừa là không đưa ra lí thuyết về Niết bàn, mà lấy sự giác ngộ bản thân làm trọng. Trái lại, phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) – tức cỗ xe lớn – thì đa dạng hơn, tập trung vào việc mở đường giác ngộ cho chúng sinh.

Bản thân Đại thừa lại được chia ra nhiều bộ phái khác nhau truyền qua các vùng Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Về mặt thời gian, Đại thừa Phật giáo gồm ba kỳ: Sơ kỳ, Trung kỳ và Vãn kỳ. Phật giáo Tây Tạng là sự khai triển độc đáo của Đại thừa Mật giáo thời Vãn kỳ kết hợp uyển chuyển với những nét văn hoá lâu đời của người bản xứ đã có mặt trước đó trên cao nguyên Thanh – Tạng hàng trăm năm, trải qua quá trình sàng lọc, tôn vinh, và cả những cách tân, biến cải, song song là sự giao thoa liên tục với Phật giáo Nepal và Trung Quốc; đã xây dựng nên một thế giới tâm linh huyền bí, một tinh hoa Phật giáo có lẽ là rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại!

a. Thời Phật giáo Tiền truyền:

Đi ngược dòng thời gian, sử cũ chép chuyện vua Nam Nhật Tùng Tán (hay Luân Tố Tán, Namri Songtsen) – vị vua đời thứ 32 của Tây Tạng – đã xây dựng vương triều Nhã Lung (Yarlung) trong lòng thung lũng Nhã Lung, quân đội của người Tạng khi đó hung mãnh, bách chiến bách thắng. Nhưng phải đến thời con trai ông là vua Tùng Tán Cương Bố (hay Khí Tông Lộng Tán, Songtsen Gampo) (629-650) thì quốc gia Thổ Phồn mới thực sự thống nhất và hùng cường. Sau khi tiêu diệt nước Thổ Cốc Hồn (1 hãn quốc ra đời trong loạn Ngũ Hồ thập lục quốc của Trung Hoa – nay thuộc tỉnh Thanh Hải), ông tiến về phía Đông và bang giao với nhà Đường (nhắm vào thời kỳ vua Đường Thái Tông). Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ đây, vua Đường Thái Tông đem cháu gái của mình là công chúa Văn Thành (Princess Wencheng) gả cho vua Songtsen Gampo. Cùng lúc đó, trong cuộc chiến đánh xuống phía Nam chinh phục nước Ni Bạc Nhĩ (hay Nepal ngày nay), vua kết hôn với công chúa Nepali Ba Lợi Khố Cơ (Princess Bhrikuti Devi). Hai cuộc hôn phối với hai công chúa đều là đệ tử Phật giáo, lại thêm những ảnh hưởng tất yếu đến từ vùng biên ngoại (mà ở đây là Ấn Độ và Trung Quốc), đã hun đúc tinh thần Phật giáo từ từ nhưng mạnh mẽ giữa lòng Tây Tạng – mà khi đó vẫn còn theo quốc giáo cũ Bon.

Vua Songtsen Gampo sau đó cho ban hành Thập Hiền Thiện (mười điều hiền thiện) và Thập lục Yếu (mười sáu yếu luật) lấy Phật giáo làm kim chỉ nam để răn dạy dân chúng. Còn hai hoàng hậu của ông mang theo những tài sản vô giá từ đất nước mình như tượng Phật A Súc Kim Cương, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng thái tử Tất Đạt Đa, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng kinh luận và văn vật khác, kèm theo các Tăng Ni tháp tùng. Có lẽ là nhân duyên hay cũng là định mệnh lịch sử, sự khác nhau về hình thái và triết lý Phật giáo của Ấn Độ – Nepal – Trung Quốc không những không bài trừ nhau mà còn dung hoà, bổ sung cho nhau, tô thắm sắc màu đa dạng của Phật giáo Tây Tạng. Do đó, người ta sau này ghi công khai phá Phật giáo lớn nhất cho vua Tùng Tán Cương Bố, và tất nhiên không thể quên vinh danh hai hoàng hậu của ông. Họ sùng bái hai bà như Đa La Thiên Nữ (Tara), là người mẹ cứu độ chúng sinh (Độ Mẫu nữ tôn của Mật tông): coi công chúa Văn Thành là hoá thân của Thanh Đa La (Green Tara), và công chúa Ba Lợi Khố Cơ là hoá thân của Bạch Đa La (White Tara). Cũng phải để ý rằng, từ đây người dân Tây Tạng không chỉ sùng bái Phật giáo mà còn coi trọng các vị vua của họ ngang với Phật, coi các vị vua và những người nổi tiếng là hoá thân nhiều kiếp của Phật.


(Ảnh vua Songtsen Gampo và hoàng hậu Văn Thành bên phải, hoàng hậu Ba Lợi Khố Cơ bên trái)

Để có nơi thờ cúng và lễ kính Tam Bảo (Tam Bảo bao gồm Phật Bảo Buddha – nơi thờ Phật, Pháp Bảo Dharma – lưu trữ kinh sách giáo pháp, và Tăng Bảo Sangha – nơi học tập tu dưỡng của tăng ni), vua Songtsen Gampo đã lấy vùng Lạp Tát (Lhasa) làm trung tâm và cho dựng hành cung Bố Đạt La (Potala). Đồng thời để có sự phân biệt giữa hai hoàng hậu, vua đã cho xây 2 ngôi chùa: Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và Tiểu Chiêu Tự. Đại Chiêu Tự dành cho công chúa Văn Thành thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tiểu Chiêu Tự dành cho công chúa Ba Lợi Khố Cơ thờ đức Đông Phương A Súc Phật (Kim Cương Phật). Nếu bạn đọc hứng thú tìm hiểu sâu hơn nữa có thể tham khảo cuốn truyện Mật mã Tây Tạng của dịch giả Lục Hương vừa ra mắt ở Việt Nam năm 2010, tuy câu chuyện pha màu dã sử hư cấu nhưng ít nhiều đều dựa theo chính sử vùng Thanh – Tạng mà chép lại. Đại Chiêu Tự ngày nay vẫn còn được bảo quản tốt và đón du khách vào tham quan, chỉ có Tiểu Chiêu Tự đã bị huỷ hoại sau Cách mạng văn hoá. Bài viết của ngày 5 sẽ giới thiệu với bạn đọc về cung điện Potala và chùa Đại Chiêu 🙂

Vua Songsten Gampo mất đi, vương triều Thổ Phồn lại tục truyền thêm 4 đời nữa và tiếp bước khuyếch trương Phật giáo. Đến giai đoạn những năm 680-742, vua Xích Đức Tổ Tán (hay Khí Đãi Xúc Tán, Me Agtsom) lại được vua Đường Trung Tông đem công chúa Kim Thành (Princess Jincheng) gả cho. Kim Thành công chúa cũng là một Phật tử, bà đã mang vào Tây Tạng vô vàn Phật điển và Dược học, Số học của Trung Quốc. Từ đây các tài liệu quý báu này được dần dần dịch ra Tạng văn và lưu truyền rộng rãi. Đặc biệt hơn, con trai bà, mà sau này trở thành vua Xích Tùng Đức Tán (hay Cật Phiêu Song Đề, Trisong Detsen) (755-780) là người có công lớn trong việc đưa Phật giáo lên một tầng hưng thịnh nữa, thoát khỏi vòng suy vong do sự bài xích phe phái cũng như áp lực ngầm của cổ giáo Bon. Sức mạnh quân sự của thời vua Xích Tùng Đức Tán thậm chí còn vượt xa giai đoạn vua Tùng Tán Cương Bố; biên giới Tây Tạng bành trướng ra Thanh Hải, Tứ Xuyên; có lúc quân đội Thổ Phồn còn vây hãm Trường An và đánh sang Ấn Độ. Vua cũng là người cho xây dựng Tu viện Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng: tu viện Tang Diên (Samye Monastery), thuộc địa giới vùng U. Tu viện này được xây trong vòng gần 20 năm, có kiến trúc độc đáo gồm 3 tầng lớn mà tầng 1 theo phong cách người Tạng, tầng 2 xây theo phong cách nhà Đường, và tầng 3 là dựa theo cấu trúc Ấn Độ.


(Samye Monastery)

Một sự kiện quan trọng khác đó là việc vua Xích Tùng Đức Tán khi còn tại vị đã thỉnh được đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) từ Ấn Độ sang Tây Tạng để truyền đạo. Không giống như những người đã từng đi truyền đạo Phật ở Tây Tạng trước đó, đại sư Liên Hoa Sinh đã là người đạt được đại thành tựu (Guru Rinpoche) về Mật tông, hiểu được sự khác biệt của cổ giáo Bon so với Phật giáo: đó là sự tôn sùng quỷ thần và bùa chú của Bon giáo! Ông cùng 25 đệ tử dùng lý luận Phật môn kết hợp với Mật chú hàng phục yêu ma, đem sức mạnh yêu ma biến thành uy lực hộ pháp cho cửa Phật, dần dần như thế đã cảm hoá và dẫn dụ người dân Tây Tạng tình nguyên quy y Tam Bảo ❗ Từ đây đánh dấu sự ra đời của tông Ninh Mã (Nyingma Sect) – tông đầu tiên của Phật giáo Tây Tạng mang hoàn toàn bản sắc riêng của mảnh đất cao nguyên này 🙂 Phái Ning Mã có sắc phục mũ đỏ, nên còn được gọi là Hồng Mạo Giáo; Liên Hoa Sinh được coi là sư tổ của tông phái này. Dấu ấn của phái Ninh Mã rõ ràng nhất ở vùng Kham – phía Đông Tây Tạng, thể hiện ở những tu viện như Lamaling Monastery (thuộc Nyingchi), Tsozong Monastery (trên hồ Basum-tso) ^^


(Lamaling Monastery)

Dòng thời gian lại trôi chảy, đến giai đoạn 818-838, vua Tạng đời thứ 41 là Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) lại xây dựng sức mạnh quân sự của Thổ Phồn đến mức cực thịnh và tiếp tục chiến tranh với nhà Đường. Khiếp sợ uy thế Tạng vương, nhà Đường với nước Thổ Phồn đã đồng ý ký minh thệ Sinh Cửu Liên Minh Bia để thương thuyết hoà bình cho vùng biên cảnh (the Sino-Tibetan treaty); cho lập 3 bia đá khắc lại văn kiện này: một bia giữ ở cửa đền Jokhang trong thành phố Lhasa, một bia giữ ở biên giới 2 nước, và một bia giữ trong kinh thành Trường An (Xian). Đến nay 2 văn bia sau đã mất, chỉ còn lại văn bia trong Lhasa nhưng chữ khắc phần lớn đã mai một không đọc được. Theo bản sao văn bia mà người Anh có ở London, trên bia khắc: “…Dân Phồn thổ an nơi Phồn thổ, Hán tộc trọn vui nơi Đường quốc, ấy là nghiệp lớn của vua hai nước. Đôi bên giữ gìn minh thệ, vĩnh viễn không đổi dời …”. Vua Xích Tổ Đức Tán cũng chính là người cho dịch mới và dịch lại tất cả kinh sách cho nghiêm trang và phù hợp với Tạng văn hơn, chuyển thể tất cả những tinh tuý Phật môn từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Tạng (Tibetan), từ đó tổng hợp thành Đại Từ Điển Phạn-Tạng (Mahàvyutpaatti) nổi tiếng. Với những cống hiến to lớn ấy, người dân Tây Tạng luôn thờ phụng vua Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) cùng với vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) và vua Xích Tùng Đức Tán (Trisong Detsen) là Tam Tạng Vương vĩ đại nhất (three Dharma Kings).

Nhưng phàm ở đời có Sinh có Diệt, có Thịnh có Suy, Phật giáo Tây Tạng chứng kiến những thời khắc huy hoàng trải qua mười mấy đời Tạng vương cũng đến lúc suy vi mà nguyên nhân chính xuất phát từ hình thái xã hội phức tạp của Tây Tạng lúc bấy giờ. Vì Phật giáo được vương triều hoằng trương, kéo theo sự ra đời của Tăng chế và những quy định về Tăng dưỡng (cung phụng chu cấp cho Tăng ni), kế đến là sự gia tăng của Tăng số đã đặt nặng gánh sưu thuế cho người dân. Trong hoàn cảnh đó, vua Xích Tùng Đức Tán bị em trai mình là Lãng Đạt Ma (Langdarma) – 1 người cổ xuý cho giáo pháp Bon – hãm hại. Sau khi lên ngôi, vua Lãng Đạt Ma (839-841) ra tay bức hại Phật giáo, đốt hết kinh sách, tiến hành bài Phật phá Phật trong vòng 5 năm, gần như thiêu huỷ hết những công tích gây dựng được cho Phật giáo bởi các Tạng vương đời trước!

Đến năm 842, vua Lãng Đạt Ma bị nhà sư Kiết Tường Kim Cang (Pelgyi Dorje) nhân màn múa Black Hat Dance bắn tên ám sát. Sau sự kiện đó, Phật giáo không những không được chấn hưng, ngược lại đẩy Tây Tạng rơi vào giai đoạn tranh quyền đoạt vị, nội chiến liên miên, cục diện thống nhất của vương triều Thổ Phồn đến đây coi như chấm dứt, thay vào đó là tình trạng cát cứ kéo dài gần trăm năm.

b. Thời Phật giáo Hậu truyền:

Sau 300 năm từ khi đại sư Liên Hoa Sinh vào Tây Tạng và có công khai tông lập phái cho Ninh Mã; người ta nhắc đến tên tuổi thứ hai: đại sư A Đề Sa (Atisha) đến từ Thiên Trúc, Ấn Độ năm 1042, là người có công chấn hưng Phật giáo lúc đó đang suy vong ở Tây Tạng. Từ đây trở về sau, lịch sử chứng kiến sự ra đời của 3 tông phái lớn còn lại của Tây Tạng mà ít nhiều đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ A Đề Sa.

Phái Ca Nhĩ Cư (Kagyupa Sect) là tông lớn thứ hai của Phật giáo Tây Tạng, tên của phái có nghĩa là dòng khẩu truyền được sáng lập bởi sư Mã Nhĩ Ba (Marpa Lotsawa) (1012-1097), học trò của đại sư A Đề Sa. Học trò chân truyền của Mã Nhĩ Ba là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa) là người rất giỏi thi ca với văn phong sắc diệu, đã thuyết giảng Đại Thừa – Tiểu Thừa – Mật Thừa để giáo hoá dân gian, trở thành người có công lớn trong việc hưng lại Phật giáo Tây Tạng, mà cụ thể ở đây là dòng Ca Nhĩ Cư. Một số thiền viện nổi tiếng của dòng Kagyupa Sect: Tsurphu Monastery (thuộc vùng U), Palpung Monastery (thuộc Tứ Xuyên ngày nay).

Phái Tát Ca (Sakya Sect) là tông lớn thứ ba của Phật giáo Tây Tạng do đại sư Cổn Khúc Già Bảo (Konchog Gyalpo) sáng lập nhằm thế kỷ 11, tương đương với nhà Bắc Tống bên Trung Hoa bấy giờ. Ông cũng cho xây tu viện Tát Ca (Sakya Monastery) nổi tiếng ở Shigatse thuộc vùng Tsang. Con cháu của ông sau này kế nghiệp tổ phụ tiếp tục khuyếch trương giáo pháp, đồng thời lại giữ quan hệ giao hảo với giới chính trị. Chính vì thế mà vào giai đoạn những năm 1260, khi cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt dựng cơ đồ Mông Cổ trong quan nội, Tây Tạng đã thần phục theo nhà Nguyên. Đây đánh dấu một mốc lịch sử lớn mà người Tạng từ đó quy thuận theo Trung Hoa, mất dần sự độc lập cường thịnh về chính trị quân sự so với mấy trăm năm trước. Đi cùng với sự cuốn hút của Tát Ca phái theo chính trị là sự tha hoá trong đạo đức và lối sống của các Lạt ma do cậy có nhà Nguyên bảo hộ. Đến khi nhà Nguyên thoái trào cũng là lúc ảnh hưởng của Sakya Sect mai một đi.

Ba tông: Nyingma Sect, Kagyupa Sect, và Sakya Sect do đặc điểm trang phục tương tự nhau, dùng màu hồng đỏ làm trọng, nên thường được gọi chung là Hồng Mạo Giáo. Như vậy là để phân biệt với tông giáo thứ 4, cũng là tông giáo cuối cùng cực thịnh huy hoàng nhất của Phật giáo Tây Tạng, để lại nhiều dấu ấn văn hoá nhất cho đến cả ngày nay; đó là tông Cách Lỗ (Gelugpa Sect) hay còn gọi là Hoàng Mạo Giáo (Yellow Sect).

Phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) được 1 nhà cải cách lỗi lạc Tông Khách Ba (Tsongkhapa) (1357–1419) sáng lập, khi đó nhằm vào thời Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ (con trai thứ hai của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương). Xung quanh sự ra đời và tuổi trẻ của Tông Khách Ba có nhiều truyền kỳ và điển tích, người viết sẽ điểm qua trong bài viết ngày cuối khi đi thăm tu viện Taer Monastery ở quê ông thuộc vùng Amdo xưa, nay thuộc Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Tông Khách Ba vốn xuất thân từ Hồng Giáo, đã tu học qua giáo pháp của cả Kagyupa và Sakya Sect nhưng chú tâm hơn vào chấn chỉnh Phật giáo với mục đích đem các Lạt Ma đã bị thế tục hóa trở về lại đời sống của Tỳ Kheo có đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Sự uyên bác về giáo pháp, lại cẩn trọng nghiêm kính chuyên tâm tu học của Tông Khách Ba như thổi luồng gió mới vào Phật giáo Tây Tạng mà các cựu phái chưa có được, đã khích lệ Tăng lữ theo về rất đông. Sử chép trong Đại Tập Hội lần thứ nhất (Monlam Great Prayer Festival) quy tụ gần 12,000 vị Lạt Ma dưới tông Hoàng giáo. Sau này Gelugpa Sect lấy ngày rằm tháng giêng hàng năm làm ngày đại hội nhưng đến giai đoạn thế kỷ 20 đã bị chính quyền Trung Hoa cấm tổ chức.

Theo “Nhập Tạng Báo Cáo” của Ngô Trung Tín viết năm 1940 có ghi rõ những tu viện chủ yếu của Tây Tạng thì Hồng giáo có bảy ngôi, còn Hoàng giáo lên đến sáu mươi hai ngôi; cho thấy các tông phái Tây Tạng, Hoàng giáo tuy đến sau nhưng đứng đầu về số tu viện. Ngày nay những tu viện nổi tiếng nhất mà khách du lịch thường đến thăm đều thuộc Hoàng giáo, ví dụ như: tu viện Cách Đăng (Ganden Monastery) ở Lhasa, tu viện Triết Phong (Deprung Monastery) ở Lhasa, tu viện Sắc Nhạ (Sera Monastery) ở Lhasa, tu viện Trát Thập Luân Bố (Tashilhunpo Monastery) ở Shigatse, tu viện Tháp Nhĩ (Taer Monastery hay Kumbum Monastery) ở Tây Ninh (Xining), tu viện Lạp Bốc Lăng (Labrang Monastery) ở Cam Túc (Gansu). Ở các đại tu viện này đều thờ phụng đại sư Tông Khách Ba, coi ông là đệ nhất tập đại thành, là bậc trí giả đã có thành tựu cải cách và xiển dương phái Cách Lỗ cũng như Phật giáo Tây Tạng.

c. Giai đoạn sau đại sư Tông Khách Ba cho đến ngày nay:

Nên chú ý rằng sau khi vương triều Thổ Phồn diệt vong, Tây Tạng chưa được thống nhất thành 1 chính thể. Phải đến khi Hoàng giáo cường thịnh thì tông này mặc nhiên giữ vai trò quyết định trong cả chính trị và tôn giáo toàn vùng; các triều vua Trung Hoa sau này đều thương thuyết mọi việc quốc gia với tập đoàn đứng đầu Hoàng giáo, coi đó là lãnh đạo tối cao của Tây Tạng – thể chế độc đáo này được gọi là chính-giáo hợp nhất 😀

Lãnh tụ tối cao của Phật giáo Tây Tạng được gọi là Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama). Danh hiệu này thực ra phải đến năm 1578 vua A Nhĩ Đát Hãn mới ban tặng cho Toả Lãng Gia Mục Thố (Sonam Gyatso) – tương đương với đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 3; chữ có nghĩa là đức rộng như biển. Tổng cộng từ năm 1391 đến nay, Tây Tạng đã có tất cả 14 vị Đạt Lai Lạt Ma, từ vị đầu tiên là Căn Đôn Châu Ba (Gendun Drub) – vốn là đại đệ tử của Tông Khách Ba – cho đến vị thứ 14 là Đăng Châu Gia Mục Thố (Tenzin Gyatso); tương đương với các giai đoạn triều Minh, Thanh, và Trung Hoa Dân Quốc. Người Tây Tạng luôn sùng kính Đạt Lai Lạt Ma, coi đây là hiện thân của Phật sống và được đầu thai qua mỗi kiếp.

Đáng chú ý là vào đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 La Bốc Tạng Gia Mục Thố (Losang Gyatso), ông đã phong tặng danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) cho thầy học của mình La Tang Khúc Kết (Lobsang Choegyal), chữ có nghĩa là đại học giả. Danh hiệu “Ban thiền” ra đời từ đó; Ban Thiền Lạt Ma luôn song hành với Đạt Lai Lạt Ma, trở thành người giữ vị trí quan trọng thứ hai trong xã hội Tây Tạng, có trọng trách đi tìm Đạt Lai Lạt Ma mới và ngược lại! Người Tây Tạng cũng cho rằng Ban Thiền Lạt Ma là dòng tái sinh, sẽ được đầu thai qua nhiều đời. Từ giai đoạn 1358 đến nay đã có tổng cộng 11 vị Ban Thiền Lạt Ma. Giống như Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma đều thuộc dòng Hoàng Mạo ^^

Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 cũng là vị đại sư nổi danh nhất và được kính trọng nhất trong cộng đồng Tây Tạng. Ngài cũng là người đã cho trùng tu và mở rộng, xây mới lại cung điện Potala – vốn được xây từ thời vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) nhưng đã bị huỷ hoại rất nhiều theo thời gian. Những thông tin đầy đủ về hành cung Potala sẽ được gửi đến bạn đọc trong cùng ngày 5, phần đi thăm Lhasa 😛

Quay trở lại dòng chảy lịch sử, giai đoạn từ những năm 1391 đến nay, Phật giáo Tây Tạng gần như không chuyển biến nhiều mà là sự duy trì và bảo tồn bản sắc riêng của tông phái Gelugpa vốn đã bén rễ rất sâu vào tín ngưỡng người dân nơi đây. Tuy nhiên, những biến động về mặt chính trị thì quả kinh người! Năm 1652, vua Thuận Trị nhà Thanh vẫn còn giữ quan hệ giao hảo với đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5; nhưng dần dần mối quan hệ Thanh-Tạng xấu đi. Khi Thanh Triều sụp đổ, năm 1904, nước Anh đưa quân vào chiếm đóng Tây Tạng, biến nơi đây thành xứ bảo hộ thuộc về Đế quốc Anh. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc nổ ra cuộc chiến Tân Hợi 1911 và liền sau đó là Thế chiến thứ nhất (1914-1918 ) nên đế quốc Anh và Trung Hoa gần như ‘buông tha’ cho Tây Tạng – khi đó nhằm thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – Tây Tạng đứng trước 1 cơ hội lịch sử để lấy lại quyền tự trị và xây dựng chính thể độc lập cho riêng mình! Tiếc thay cơ hội đó không được tận dụng triệt để; Tây Tạng gần như không đủ thời gian để đổi mới và củng cố đất nước mà lý do sâu xa nằm chính trong hình thái xã hội phức tạp của vùng này, kèm theo đó là xích mích quyền lực giữa Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 và Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9! Năm 1933, khi mọi việc còn đang dang dở, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 viên tịch, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 được tìm thấy vào năm 1940, khi đó Ngài chưa đầy 5 tuổi. 9 năm sau, Trung Hoa Dân Quốc gây chiến và tiến vào Tây Tạng, tuyên bố đây là một vùng không thể tách rời của Trung Quốc; chính thể độc lập còn mong manh chưa thành hình của mảnh đất cao nguyên được cáo chung từ đây. Chỉ vọn vẻn trong hơn 50 năm (1950-2000), Tây Tạng dưới sự trấn áp của chính quyền Trung Quốc chứng kiến những trang tối tăm nhất trong lịch sử nhiều nghìn năm của mình, trong đó có những dòng được viết bằng máu và nước mắt của người Tạng! Năm 1959 nổ ra xung đột ở thủ phủ Lhasa, hàng chục ngàn người Tạng đã bị giết, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải rời bỏ Tây Tạng sống lưu vong ở Dharamsala, Ấn Độ. Năm 1961, do những sai lầm về đường lối canh tác nông nghiệp mà Trung Quốc áp đặt lên Tây Tạng, hơn 70,000 người Tạng đã chết đói. Giai đoạn 1967-1976, cơn bão Hồng Vệ Binh (Red Guard) theo chân Cách Mạng Văn Hoá (The Cultural Revolution) sau khi càn quét Trung Quốc đã đổ ập lên Tây Tạng: những di sản văn hoá, tu viện, đền chùa cùng vô vàn Pháp vật quý giá bị đốt phá, cướp bóc, thất lạc, vĩnh viễn biến mất trong lịch sử nhân loại; ước tính gần 200,000 thường dân và tăng ni Phật tử bị bức hại hoặc cầm tù. Chỉ đến giai đoạn sau 1980 thì trật tự mới được lặp lại, Tây Tạng dần chuyển mình sang thời kỳ hiện đại hoá và phát triển đi lên trong vai trò khu tự trị thuộc Trung Quốc; chủ đề Tây Tạng cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự nhạy cảm ở các quốc gia.

Đến đây người viết xin dừng phần Tổng quan lịch sử tôn giáo Tây Tạng, hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn rõ ràng hơn về những biến chuyển theo thời gian đóng góp vào tiến trình hình thành và phát triển của Phật giáo Tây Tạng. Nói tóm lại, Tây Tạng có một nền văn hoá tín ngưỡng độc đáo lâu đời mà hạt nhân xuyên suốt nhiều thế kỷ chính là nền Phật giáo Đại thừa Mật tông với lý luận mạch lạc khúc chiết và không kém phần thâm sâu, ảo diệu; là minh chứng rõ ràng nhất về tính dungdị đặc thù của tông giáo; đồng thời bao hàm trong nó là sự vượt trội về giá trị nghệ thuật, văn hoá, và trí tuệ thu hút không chỉ riêng người Tạng mà nhân loại toàn thế giới. Phần viết này tham khảo tư liệu từ các nguồn: Thư Viện Hoa Sen, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sách Tây Tạng Phật Giáo Sử Lược của Chương Gia, sách Lonely Planet – Tibet (2008 ), sách The Potala (Unesco, 1993). Bài viết ngày 5 sẽ được tiếp tục gửi đến bạn đọc với các phần sau:
– Phần 2. Pháp vật trong Phật giáo Tây Tạng
– Phần 3. Thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple)
– Phần 4. Cung điện Potala (Potala Palace)
– Phần 5. Món quà Lhasa ^^