Kashmir – Nơi bình minh yên tĩnh (Lời bạt)

Chúng tôi cởi bớt áo len, tạm biệt cái lạnh tê người của Ladakh để đáp chuyến bay về lại Delhi nắng cháy. Chuyến bay dài chưa đầy 55′ chứa đựng nhiều điều bất ngờ hơn tôi nghĩ. Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông đứng tuổi điềm đạm và có khuôn mặt đặc trưng của người Ladakhi. Sau khi chào hỏi và được biết tôi từ Việt Nam đến, ông rất bất ngờ và dành toàn bộ thời gian trên chuyến bay để chuyện trò và kể cho tôi nghe những kỷ niệm “nhỏ” mà ông đã có với người Việt Nam …

Năm 1984, khi đó ông còn là đại diện ngoại giao của vùng Ladakh, bang Jammu & Kashmir, ông tiếp xúc với người Việt Nam lần đầu tiên (ông phát âm rất chuẩn cái tên Việt Nam này), đó là cố bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi đó cùng một số tướng lĩnh cao cấp có chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ và dành 4 ngày để đi quanh khu vực Kashmir, ông là trưởng phái đoàn đón tiếp và là lần đầu chính thức đón người Việt Nam đến Ladakh …

Bố của ông trước đây là đại sứ Ấn Độ tại Mông Cổ, chị gái ông học tiếng Nga ở thủ đô Ulanbato. Trong 1 lần đi thăm chị mình, ông được 1 người bạn của chị ông nấu mời 1 bữa cơm trưa. Đó là 1 lưu học sinh Việt Nam tại Mông Cổ mà ông chỉ còn nhớ được tên là “Hạnh”, cũng là lần đầu ông được ăn món ăn Việt Nam mà ông ấn tượng đến tận bây giờ.

Mới đó mà đã gần 28 năm … Ông nói với tôi sản vật đến từ Việt Nam gần gũi nhất với gia đình ông bây giờ là cá basa! Cá basa được được bầy bán rất nhiều ở các chợ vùng Ladakh và được người dân ở đây ưa chuộng bởi giá cả hợp lý và chất lượng hảo hạng 🙂

Chúng tôi tiếp tục trao đổi về những chuyện thường nhật, về gia đình và những điều cá nhân. Lúc máy bay sắp hạ cánh, ông trầm ngâm nói 1 điều làm tôi ấn tượng mãi: thế hệ của tôi và con trai con gái ông rất may mắn! Đúng thế, tôi thấy mình may mắn được sinh ra trong 1 thành phố anh hùng giữa 1 đất nước anh hùng, giống như con cái ông vậy. Tôi lớn lên khi tiếng súng gươm đã lui vào quá khứ, và chỉ được nghe về Kashmir cùng những chiến sự xung đột giữa Ấn Độ – Pakistan nhưng chưa bao giờ thực sự biết về miền đất đó. Hôm nay tôi xin dành bài viết này để viết về 1 góc nhỏ của Kashmir – vùng Ladakh – nơi đây, tôi biết rằng, bình minh yên tĩnh ^^

=====

Một vài hình ảnh giới thiệu về vùng Ladakh, tháng 5 năm 2011:

Những ngọn núi cao cheo leo …

… hay những thung lũng xanh mùa tuyết tan

… Cuộc sống thanh bình dưới chân dãy Karakoram:

… Và đặc biệt những di chỉ Phật giáo hiện hữu khắp nơi nơi:

… Một Ấn Độ rất khác so với những gì tôi đã hình dung!

Nepal Du Ký – Phần 2: Hành khúc Thamel

Nhắc đến khu Thamel ở Kathmandu cũng giống như nhắc đến khu phố ‘Tây’ Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn hay khu Hồ Gươm ở Hà Nội vậy. Người ta gọi Thamel là thiên đường của dân du lịch bụi, là Nepal thu nhỏ giữa lòng thủ đô một phần vì sự đa dạng sôi động về dịch vụ nhà hàng quán bar, khách sạn nhà nghỉ, cửa hàng cửa hiệu, đại lý du lịch … thôi thì đủ cả; cũng vì nơi đây tập trung những sắc màu cuộc sống phong phú nhất mà ít ai ghé chân đến Kathmandu lại không một (vài) lần lượn qua lượn lại 🙂 Con đường gió bụi từ Pokhara đến Kathmandu cuối cùng đã kết thúc, chúng tôi bồi hồi chạm ngõ thủ đô vào lúc chiều tà. Bài viết hôm nay xin gửi đến bạn đọc những cảm nhận về khu phố Thamel – Hành khúc Ngày và Đêm ^^

Sau khi đã lấy phòng yên vị, tôi mặc ấm và ra khỏi hostel dạo lòng vòng quanh Thamel khi đã lên đèn. Tiết trời Kathmandu buổi tối không quá lạnh, nhiệt độ trung bình 15 độ C, trời nhiều mây không mưa gió nhẹ, tầm nhìn xa không quá 3km vì bụi, khi sang đường các bạn nhớ nhìn trước nhìn sau kẻo đụng phải xe máy và ôtô luôn đánh võng thường trực. Ấn tượng đầu tiên về khu phố Thamel là: đèn đâu mà lắm thế? đồ đâu mà nhiều thế? và giá sao mà đắt thế? Những cửa hàng trên phố chắc cả ngày chỉ đợi khi đêm xuống là bung ra bán với màu sắc ấm cúng bắt mắt:

Những tấm thảm lớn và rất lớn như thế này được quảng cáo là làm từ lông bò Yak (giống bò quen thuộc với bạn đọc nếu đã du hành qua Tây Tạng), giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn Nepali Rupee (100 USD = 7,000 NPR), sau khi nghe giá trên trời xong, du khách cứ bình tĩnh mà mặc cả để kéo giá xuống đất 😀 giá hợp lý chỉ bằng 40-60% giá chào ban đầu:

Các loại túi nhỏ cho nam nữ đủ kích thước và chất liệu cũng được bày bán rất nhiều, giá trung bình từ 10-30 USD:

Nếu bạn hứng thú với các đồ gỗ chạm trổ cầu kỳ xinh xắn, Thamel cũng sẽ không làm bạn thất vọng:

Hay những cuốn lịch 2011 bằng giấy tái chế in hình Phật với giá chỉ 120 NPR (~ 2 USD) và những lồng đèn giấy màu mè trang trí hoạ tiết Phật giáo. Kinh nghiệm là bạn cứ mua nhiều (từ 4-5 món) rồi mặc cả giảm giá một lượt là sẽ mua được rẻ:

Rảo bước đi giữa những con phố ngắn và đâm ngang dọc như bàn cờ của Thamel có thể dễ dàng nhận ra phần lớn du khách đến đây đều từ Châu Âu, lý do chính vì đam mê leo núi ở Nepal và tận dụng giá cả rẻ khu vực này để mua đồ dùng dụng cụ

Đủ loại mũ thêu các biểu tượng quen thuộc của Nepal cùng găng tay và khăn ấm:

Những cửa hàng bán áo thun may sẵn của Thamel: bạn cũng có thể chọn mầu áo, chất liệu vải rồi yêu cầu thêu trước ngực, thêu sau lưng, và thêu luôn cờ 2 bên bả vai; thời gian làm chỉ cần 1 ngày và giá 400-450 NPR mỗi chiếc (có thể giảm giá nếu may nhiều), tính ra chỉ 6 USD cho 1 món quà kỷ niệm độc đáo lại thời trang từ Nepal đem về ^^

Một món khác rất thịnh hành trên đường phố Thamel đó là sách! Nhưng chúng tôi đều đồng ý là không nên mua sách ở Thamel nói riêng và Nepal nói chung. Lý do các bạn bán hàng đưa ra cho việc giá cao là: “Sách này chúng em nhập về từ nước ngoài về, phải chịu tỉ giá lên xuống nên khó giảm giá được!”, nghe sao mà gần gũi giống Việt Nam! Có rất nhiều cuốn về văn minh Himalayas cũng như Phật giáo cổ rất đẹp và độc nhưng nhìn giá xong thì âm thầm trả về chỗ cũ 😀 Bạn đọc nếu muốn thì chỉ nên mua bưu thiếp Made in Nepal về làm quà với giá 10 NPR/cái, mua 10 tặng 2:

Ngoài ra, nếu ai thích thú với đồ giả cổ và các món hơi hướng Ấn giáo và Phật giáo có thể ghé vào các cửa hiệu bán đồ kiểu này, cứ cách vài mét sẽ có 1 hiệu như thế nên du khách cứ ép giá tối đa, không được hàng này ta qua hàng khác. Nói chung các bạn bán hàng Nepal khá cởi mở với câu chào “Namaste!” trên môi, hét giá cũng sốc, nhưng mặc cả xong thì vẫn tươi cười bán. Về điểm này Việt Nam mình thua xa dù cũng được tiếng là hiếu khách:

Một rừng Tibetan Singing Bowl cho bạn chọn ^^ Cái nhỏ giá khoảng 300 NPR, cái nhỡ giá khoảng 500 NPR, cái nhớn giá khoảng 700 NPR, cái cực nhớn thì chưa kịp hỏi giá … Đây là các “bát tộ” màu đồng thau hoặc đen hoặc vàng; bên trong và bên ngoài đều có hoa văn đẹp, quan trọng nhất là khi sẽ phát ra âm thanh trong và cao lại ngân vang khi dùng dùi gỗ xoay xung quanh. Nhưng mà âm thanh thì vốn không tả được, xin nhường bạn đọc có dịp sẽ tự khám phá. Trước kia Tibetan Singing Bowl chủ yếu được dùng trong các buổi giảng kinh; còn ngày nay thì đã bình dân hơn, xuất hiện rất nhiều ở Thamel để du khách chúng ta thích thú đánh thử, nghe thử rồi mua thật 🙂

Đi loanh quanh, đời mỏi mệt, bụng đói tay run; tôi ghé vào quán ăn trên đường. Các quán cafe ở Thamel thường kết hợp với nhạc sống, câu lạc bộ xăm trổ, và tất nhiên là hội quán du lịch luôn:

Tôi chọn quán Nhật này vì thích tên quán, nhưng không khí bên trong quán, chất lượng món ăn và giá cả thì tuyệt vời hơn tưởng tượng rất nhiều, cộng thêm với anh phục vụ người Nepal hiền lành, nhiệt tình. Mấy ngày sau đó tôi đều ghé đây ăn sáng và ăn tối:

Giá trung bình mỗi món ăn của quán Momotaru là 150 NPR, phong vị Nepal, Nhật Bản, Âu Mỹ đủ cả:

Bữa tối no nê, tôi trở về Avalon Guesthouse, không quên tặng Thamel một tấm nhìn từ trên cao, nhận xét chung là thành phố nhiều đèn lắm bụi thiếu cây xanh thừa tiếng ồn:

Đêm qua ngày lại, chẳng mấy mà tái ngộ bạn đọc với những hình ảnh cuộc sống Nepal khi bình minh ^^ Phòng tôi ở tầng thượng của Avalon Guesthouse nên sáng ra tranh thủ vừa tập thể dục vừa chụp ảnh từ lầu cao nhất. Từ đây nhìn ra Kathmandu cũng không đáng yêu là mấy, quy hoạch đô thị hỗn loạn như nước mình, chỉ ít nhà cao tầng hơn thôi (>_<)

Luôn tiện giới thiệu thêm với bạn đọc về Avalon Guesthouse: vị trí hostel cách Thamel khoảng 5 phút đi bộ, cách sân bay 20′ chạy taxi. Phòng vừa và nhỏ, giá từ 15 USD đến 30 USD/đêm, sạch sẽ, không bọ rệp, nước nóng 24/7 vì khách sạn dùng pin mặt trời để nấu, có thể đặt phòng trước từ HostelWorld. Nhân viên khách sạn trẻ và nói tiếng Anh tốt, Internet không dây không có (thay vì đó là 1 máy tính nối mạng đặt ở tầng trệt, không chặn Facebook hay Twitter như Trung Quốc), tốc độ mạng chậm và không ổn định – cũng là bệnh chung của Nepal (Việt Nam nay chữa khỏi rồi ^^). Bác quản lý Avalon nhiệt tình và biết kinh doanh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm du lịch về Kathmandu, giúp bạn đặt chỗ gọi xe taxi đi quanh thành phố với giá mặc cả được. Nhưng ấn tượng nhất phải nói là là bác bảo vệ vốn là 1 quân nhân giải ngũ luôn trong trang phục quân cảnh chỉnh tề và chào kiểu lính mỗi khi chúng tôi ra vào hostel 🙂

Rời Avalon, chúng tôi lại bắt đầu ngày mới bằng việc ngắm nhìn Thamel ban ngày trước khi thuê xe taxi đi thăm các khu xung quanh Kathmandu. Thamel ban ngày nhìn cũng nhiều màu sắc nhưng bụi bặm và lười biếng hơn lúc về đêm:

Bản đồ Thamel có thể tìm thấy trên … tường nhưng chắc không mấy hữu ích. Bạn đọc cũng không cần đến bản đồ LonelyPlanet mà làm gì vì chỉ cần lượn Thamel từ lần thứ 3 trở lên là thông thuộc hết 😀 Giao thông trên phố Kathmandu khá bát nháo, đường phần lớn là bụi bẩn, khẩu trang là vật bất ly thân cho tất cả mỗi khi ra đường!

Gần 8h sáng, tiết trời thu trong mát của thủ đô đang là 15 độ C, một ly cafe nóng làm cho chúng tôi sảng khoái và xách máy đi chụp khoảnh khắc phố phường cùng những con người Nepal ^^

Gửi tặng bạn đọc loạt ảnh Nepal trắng đen, cảm nhận xin tuỳ mỗi người:

… Chẳng thể nào qua hết từng con phố, nhưng còn đó mùa thu đầy gió và cuộc sống phố phường thanh bình … chúng tôi tạm rời Thamel bắt đầu hành trình khám phá các vùng xung quanh thung lũng Kathmandu trong hôm nay mà điểm đến đầu tiên là đền thờ Changu Naryan – đền Hindu cổ nhất có từ thế kỷ IV; chi tiết phải hẹn bạn đọc trong bài tiếp theo Phần 3: lạ lẫm Changu Narayan.

Nepal Du Ký – Phần 2: Đường về Kathmandu

Qua núi, qua sông, qua đồng lúa chín, tôi nghe xao xuyến cảnh đẹp Nepal. Rời bến xe trung tâm Pokhara, chúng tôi bắt đầu chuyến đi thú vị dài hơn 6 tiếng đồng hồ vượt 200 cây số từ Pokhara về đến thủ đô Kathmandu. Pokhara-Kathmandu là tuyến đường quan trọng của Nepal nên du khách có rất nhiều lựa chọn di chuyển, mà kinh tế và phổ biến nhất là đi bus đường dài, ví dụ tiêu biểu: Green Line bus với giá 18USD/người có bao gồm ăn trưa, khởi hành sáng 8h hàng ngày từ Pokhara và đến Kathmandu khoảng 3h chiều. Thay vì Green Line bus, chúng tôi chọn đi Sahara Bus với giá 10USD/người và không có bữa ăn trưa. Hành khách có thể mua vé trực tiếp ở bến xe nhưng tốt nhất là nhờ khách sạn mua vé giùm từ ngày hôm trước.

Thuộc loại bus mới nhưng không xịn, Sahara bus về mặt lý thuyết thì có điều hoà nhưng thực tế thì ngược lại, ưu điểm duy nhất là khởi hành đúng giờ và chỉ dừng nghỉ 2 lần (kể cả giờ ăn trưa) trên toàn tuyến, âu cũng là tiền nào của nấy:

Có quạt đấy nhưng mà không bật. Xe dựa vào gió trời làm mát:

Chuyện kể trên xe chắc sẽ nhàm, tôi xin dùng thủ pháp song song để tăng phần “kịch tính”. Thủ pháp này chắc bạn đọc không lạ gì qua truyện “Thiếu nữ đánh cờ vây” của Sơn Táp hay “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami, chỉ có điều không tài tình như các nhà văn mà thôi 😀 Với tôi, đó là sự kết hợp của 2 tuyến: câu chuyện nhỏ về Phật Thích Ca và câu chuyện của tôi trên đường du lịch ^^

Ngày xửa ngày xưa, hơn 560 năm trước Công lịch, nửa thế kỷ trước khi Chúa Jesu ra đời, vài vạn năm trước khi Đảng Cộng Sản Nepal (Maoist) lên nắm quyền, xa xôi hơn rất nhiều chiến sự Ấn Độ – Pakistan tranh giành cao nguyên Kashmir, cũ kỹ hơn rất nhiều những căng thẳng biên giới Nepal – Tây Tạng, nằm trong khu vực đồng bằng nằm cạnh dãy Hy Mã Lạp Sơn và sông Hằng nhìn ra vịnh Bengal, người ta biết được có những tiểu quốc độc lập và một trong các tiểu quốc đó có tên là Ca Tì La Vệ (Kapilavatsu) của vương triều Thích Ca (Shakya) có khu vườn Lâm Tì Ni (Lumbini) – ngày nay là 1 chấm nhỏ trên bản đồ Nepal nằm sát cạnh biên giới với Ấn Độ – nơi giữa những ngày tháng 4 nóng như thiêu đốt đã ra đời thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), người mà sau này được ghi công sáng lập Phật giáo cho nhân loại …

… Xe đưa chúng tôi đi qua những phong cảnh làng quê Nepal vẫn còn chìm trong sương khói gợi lên cảm giác thân quen của những đoạn đường làng rợp lúa chín vụ hè thu vùng đồng bằng Bắc Bộ:

… Sinh ra trong nhung lụa, lại nhắm vào thời kỳ Ấn Độ cổ đặt nặng phân chia giai cấp (4 giai cấp chính: Giáo sĩ – Brahmin/Priest, Chiến binh – Kshatriya/Warrior, Lái buôn – Vaisya/Commoner, và Nô lệ -Shudra/Slave), thái tử Siddhartha từ những ngày thơ ấu đã băn khoăn với câu hỏi “Tại sao?” và “Ai là người phân chia giai cấp xã hội để con người làm khổ lẫn nhau rồi khi chết đi đều về với cát bụi?” …

Công bằng mà nói, điều kiện vật chất của Nepal còn kém Việt Nam và các nước Đông Nam Á khá xa. Ở những đoạn đường đồng không mông quạnh thường hiện ra các trạm … đứng chờ xe buýt:

Còn nhà cửa 2 bên đường thì khá đơn sơ – một Hà Tây quê lụa nửa thập kỷ về trước:

… Cha ông và người dân Kapilavatsu mong muốn ông trở thành ông vua vĩ đại đưa đất nước ra khỏi vòng kềm toả của vương quốc láng giềng Kiêu Tát La (Kosala), vợ ông cũng muốn níu chân ông lại nơi hoàng cung sau khi bà sinh được con trai; nhưng trong tim Tất Đạt Đa nung nấu 1 ước nguyện khác. Bỏ lại địa vị tôn quý và gia đình mình, ông lên đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình “Làm sao để diệt khổ phổ độ chúng sinh?”. Lúc này thái tử 29 tuổi, con trai ông chưa đầy tháng được ông đặt tên là La Hầu La (Rahula) có nghĩa là “Vật cản” (Obstacle) …

Nhưng cũng nhờ thế mà chạy vào tầm mắt của chúng tôi chỉ có màu xanh bát ngát của núi đồi và màu vàng ruộm của lúa chín ngày mùa mà không bị nhà cửa che khuất:

… Trải qua nhiều năm nếm trải cay đắng, kể cả đã tầm đạo nơi thành Vương Xá (Ràjagriha) xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) hay tu khổ hạnh suốt 6 năm, lại chứng kiến những hạnh phúc và cả đau thương của loài người, Tất Đạt Đa cuối cùng đã giác ngộ dưới tán cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Boudhagaya), nhận ra được nhận nguồn gốc sanh tử luân hồi chính là vô minh. Lúc này Phật Thích Ca mới 35 tuổi …

Dường như đã quá quen thuộc với địa hình thoai thoải xuống lên không ngừng của đường cao tốc Pokhara – Kathmandu, bác tài xế xe Sahara chạy băng băng qua sông suối cầu vượt, ngồi trên xe chúng tôi chỉ biết đảo qua đảo lại để tranh thủ chụp được tấm nào hay tấm đó. Đoạn đường này về mặt hiểm trở thì không thể so với cung đường Vân Nam hay tuyến xe vào Lhasa, Tây Tạng.

Các bạn Ấn Độ đi chung cũng thoải mái tận hưởng thời gian rảnh trên xe buýt để ăn uống và đọc sách. Điều phàn nàn duy nhất là đồ ăn sau khi dùng xong các bạn ý mở cửa sổ ném ngay ra ngoài khi xe đang chạy nhanh >_<

… Trong vườn Lộc Uyển (Sarnarth) gần thành phố Ba La Nại (Varanasi) – nay thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ; Đức Phật bắt đầu bài giảng đầu tiên của mình về kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát (gọi là Chuyển Pháp Luân) cho 5 vị Tỳ kheo …

Đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút, hoàn toàn không có ánh mặt trời, làng quê Nepal vẫn mù mịt hơi sương, xe dừng cho chúng tôi giải lao ăn trưa. Không có nhiều điểm dừng như tuyến xe buýt Malaysia – Singapore, vị trí chúng tôi đỗ lại cũng gặp hầu hết các đoàn xe chạy Pokhara – Kathmandu. Còn quán ăn thì rất đơn sơ, phía trước là núi, phía sau là ruộng, trong quán bán masala tea (trà sữa) và các món cơm Ấn Độ với giá cả phải chăng.

Nhìn vào “hậu viên” chắc ai cũng nghĩ đây là khung cảnh Việt Nam quê mình, khác chút là thiếu gà thả vườn:

Các bé gái Nepal rất thân thiện với khách du lịch và nói tiếng Anh tốt ^^

… Những giáo lý của Đức Phật về Tứ Diệu Đế, Duyên Khởi, Luật Nhân Quả được Ngài tích cực truyền dạy. Sử cũ còn chép vị trí đỉnh Linh Thứu (Gridhrakuta) nơi Đức Phật giảng kinh, ngày nay du khách đến thăm chỉ thấy còn tàn tích xưa cũ đã hơn hai ngàn tuổi …

Sau bữa trưa không đặc sắc, chúng tôi theo xe tiếp tục quãng đường còn lại. Tôi cũng lim dim chợp mắt cho đến gần 1h chiều khi xe chuẩn bị qua con đèo cuối cùng để đặt chân vào Kathmandu. Dừng lại ở thị trấn ngay trước chân đèo, bác tài đổ xăng và cho hành khách 15′ để mua đồ ăn thức uống trước khi vượt đèo. Được biết xăng dầu là vấn đề đau đầu cho Nepal bởi giá cả leo thang liên tục và luôn khan hiếm nguồn hàng; cũng là điểm tương đồng với nước ta 😀

Mặt trời lúc này đã chói chang, khung cảnh cuộc sống thị trấn đầu giờ chiều:

… Trong suốt 45 năm còn lại, Đức Phật Thích Ca không ngừng giáo hoá, thuyết pháp độ sanh, bản thân Ngài cũng trải qua nhiều lần bị ám hại, những kỳ truyện huyền thoại về cuộc đời Ngài vì thế cũng được thêu dệt nhiều lên …

Các món (khó) ăn giá rẻ của nước bạn như ngô non trộn gạo rang, dưa chuột và muối ớt, hay cá sông nướng tẩm ớt – chụp lên nhìn còn đỡ, chứ nếm vào thì mất hết thiện cảm 😀

… Lòng từ bi và sự tận tâm tận lực trong việc giáo hoá con đường giải thoát của Ngài làm tiền đề sau này cho sự lan rộng và phát triển rực rỡ của Phật giáo không chỉ ở Ấn Độ mà truyền sang các nước Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc …

Sau khi thử vài món và hối hận tràn trề, chúng tôi tiếp tục 2 tiếng hành trình còn lại mà không biết rằng thời gian thực tế cần để vượt đèo biến thành hơn 4 tiếng bởi quãng kẹt xe kéo dài từ lúc bắt đầu lên cho đến lúc thả dốc xuống đèo. Chắc là việc kẹt xe trên đường về thủ đô rất phổ biến nên các lái xe không ai phàn nàn bực dọc gì, tất cả đều ra ngoài hút thuốc gọi nhau í ới 😀 Tôi cũng tranh thủ xuống đường xem nước bạn kẹt xe có khác gì nhà mình không, nhận ra là cũng bụi bặm và mất thời gian như nhau, khác chăng các bạn Nepal “lười biếng” nên ít bấm còi inh ỏi như các bạn Việt Nam!

Vài hình ảnh xe con xe to “Lái chậm – Sống lâu” với màu sắc loè loẹt xếp hàng như hộp diêm trên đường leo lên:

…Năm 483 trước Công Nguyên, trong cánh rừng Sà La ở Câu Thi Na (Kusinagara), Đức Phật Thích Ca nhập diệt, giải thoát khỏi mọi khổ đâu phiền não trong cuộc sống. Khi đó Ngài 81 tuổi. Ngài căn dặn chúng đệ tử rằng vạn vật vô thường không ra khỏi vòng biến hoại, phải không ngừng tinh tiến tu học để đạt giải thoát …

Thoát khỏi con đèo ngoạn mục cuối cùng, chúng tôi bon bon chạy vào thủ đô. Cửa ngõ Kathmandu hiện ra trong nắng chiều rất đẹp, cũng là những phút giây thư giãn thú vị nhất cho cả ngày di chuyển từ Pokhara về. Bạn đọc sau này đi thăm thú Nepal nếu phải di chuyển giữa 2 thành phố Pokhara – Kathmandu, hay đi rừng quốc gia Chitwan có thể xem xét việc đi xe buýt bởi yếu tố kinh tế (giá chỉ 10USD so với vé máy bay 100USD) nhưng không nên hy vọng quá nhiều vào việc ngắm cảnh đẹp trên đường 🙂 Một vài hình ảnh Kathmandu chào chúng tôi lúc 6h chiều:

… Câu chuyện nhỏ về Đức Phật lịch sử tôi kể đến đây là hết, các hình ảnh đen trắng minh hoạ được lấy từ truyện tranh “Buddha” của hoạ sĩ Nhật Bản Osamu Tezuka. Vùng đất sinh ra thái tử Tất Đạt Đa ngày nay thuộc về phần đất bên Nepal chứ không phải Ấn Độ nữa, người dân Nepal do đó rất tự hào về di sản thánh tích Phật giáo của mình, dù biết sự thực nơi đây đã bị huỷ hoại gần hết. Như bóng câu qua cửa sổ, vùn vụt đã hơn hai nghìn năm biến cải, nhân loại vinh danh tôn giáo do Đức Thích Ca sáng lập; liệu trong ngày mai của những ngày mai sẽ ra đời vị Phật tương lai để tiếp tục hoằng trương giáo pháp?

Truyện kể trên từng cây số của tôi cũng theo đó mà dừng ở đây. Trải qua nửa ngày đi xe buýt, chúng tôi về tới thủ đô Kathmandu 🙂 Khách sạn chúng tôi thuê là Avalon Guesthouse với giá 15USD/phòng và vị trí ở ngay sát khu Thamel. Tôi sẽ có dịp thông tin đầy đủ hơn về hostel này trong các bài viết sắp tới, xin hẹn gặp lại bạn đọc ^^